Tangram là một đồ chơi xếp hình cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trò chơi này đã thu hút rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, từ châu Á đến châu Âu và cả châu Mỹ. Tangram mang đến cho nhân loại một hình thức rèn luyện trí tuệ đơn giản mà đầy gợi mở, ẩn chứa những triết lý sâu xa về con người và cuộc sống.

Sự hấp dẫn của trò chơi này đến từ chính sự đơn giản của nó, 7 mảnh ghép có thể tạo nên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hình ảnh khác nhau. Tangram kích thích trí não của tất cả mọi người, từ trẻ em, người lớn cho đến các cụ già. Trò chơi xếp hình cổ xưa này là bằng chứng cho thấy trí tưởng tượng vô hạn của con người.

Sự ra đời của Tangram

Có huyền thoại kể rằng từ xa xưa, tại đất nước Trung Quốc có một người đàn ông họ Đường (Tang) sở hữu một báu vật là một mảnh sứ hình vuông tuyệt đẹp. Một hôm, ông ta quyết định dâng lên nhà vua báu vật đó. Khi đang cung kính, ông đột nhiên tuột tay khiến mảnh sứ vuông rơi vỡ thành 7 mảnh sứ nhỏ. Quá tiếc nuối báu vật, ông cặm cụi nhặt từng miếng vỡ và mang về hy vọng ghép lại mảnh sứ. Dù không thể khiến miếng sứ liền lại như trước, nhưng 7 mảnh vỡ đó đã đưa ông vào 1 thế giới sáng tạo vô tận. Mảnh sứ nếu còn nguyên chỉ là 1 hình vuông dù rất đẹp, nhưng mảnh vỡ của nó lại tạo ra được muôn vàn hình thù ấn tượng khác nhau. Khám phá đó mê hoặc người đàn ông họ Đường và lan tỏa sang người thân, làng xóm, rồi dần dần được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo một số tài liệu lịch sử và Bách khoa toàn thư Wikipedia, Tangram được phát minh ở Trung Quốc vào khoảng thời Nhà Tống (năm 960 đến năm 1297).

Từ thế kỷ 19, trò chơi này đã lan truyền sang Anh, Đức, Đan Mạch… rồi khắp Châu Âu và Châu Mỹ thông qua giao thương bằng đường biển. Rất nhanh chóng, sự mến mộ của mọi người với trò chơi trí tuệ này bùng lên mạnh mẽ. Trên toàn cầu, tài liệu về Tangram xuất hiện trên giá sách của gần như mọi thư viện lớn và cho đến ngày nay, thế giới dường như chưa bao giờ bớt mê mẩn 7 mảnh “sứ vỡ” này.  

Ảnh: Wikipedia.

Ứng dụng Tangram

Tangram thuộc danh sách những trò chơi rèn luyện trí tuệ tinh thông có tác động đến tất cả mọi người ở đủ mọi lứa tuổi và ở các mức độ khác nhau. Thậm chí trong một số từ điển ngôn ngữ còn xuất hiện thuật ngữ “Tangramable” để chỉ việc có thể tạo hình được bằng ngôn ngữ Tangram.

Tangram bao gồm 7 mảnh ghép có kích thước khác nhau với ba dạng hình học: 5 hình tam giác vuông cân, 1 hình vuông và 1 hình bình hành; xuất phát từ việc phân chia một hình vuông lớn ban đầu. Luật chơi rất đơn giản: sử dụng tất cả các mảnh ghép để tạo thành những hình ảnh sống động khác biệt, sao cho các cạnh của mỗi mảnh ghép không chồng lên nhau.

Việc tạo ra bộ xếp hình Tangram đơn giản và với chất liệu đa dạng cũng khiến trò chơi này dễ dàng đi vào cuộc sống. Người chơi chỉ cần cắt hình vuông ban đầu (có thể sử dụng các chất liệu khác nhau như: gỗ, giấy, nhựa…) thành 7 hình, bằng những đường thẳng là đã được một bộ xếp hình Tangram.

Cách chia hình Tangram (ảnh: Wikipedia).

Đầu thế kỷ 19, người chơi đã tìm được cách xếp hơn 6500 hình ảnh sinh động từ 7 miếng ghép Tangram, và con số hiện tại đang ngày càng tăng. Tuy luật chơi đơn giản nhưng trò chơi lại đòi hỏi độ chính xác cao, giúp mọi người phát triển khả năng suy luận logic, trí tuệ toán học và đặc biệt là trí tưởng tượng vô cùng phong phú.

Với những lợi ích mà nó mang lại, Tangram đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại một số trường học trên thế giới. Không những tạo nên những giờ học sôi nổi, trò chơi này còn khơi gợi sự sáng tạo của học sinh khi tạo nên những hình ảnh ghép thú vị gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Học sinh thường thích cách ghép hình người với các tư thế và cảm xúc khác nhau. Với trò chơi này, học sinh có thể chơi cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ, có thể thi ghép theo hình mẫu hoặc tự mình sáng tạo các hình ảnh theo tưởng tượng.  

Một số câu đố toán học thú vị đã được tạo ra từ Tangram như sau:

Hai hình người tương tự được xếp từ 7 miếng ghép Tangram giống nhau, nhưng một hình lại thiếu chân so với hình còn lại.

Ảnh minh họa: Wikipedia.

Ba chiếc cốc tương tự hình dạng, đều được tạo bằng 7 miếng ghép Tangram giống nhau. Nhưng cốc đầu tiên là đầy đủ, những cốc khác lại khuyết một vị trí.

Ảnh minh họa: Wikipedia.

Không chỉ trong giáo dục, Tangram còn được ứng dụng vào nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật thiết kế, quà tặng, và trang trí nội thất, xây dựng…

Trò chơi xếp hình Tangram một lần nữa cho thấy trí tuệ của người xưa là kho tàng vô giá. Chỉ gói gọn trong 7 hình cơ bản, tuy đơn giản mà sự gợi mở dường như vô tận.

Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__