Sinh ra đã có những bất thường trên cơ thể, người khuyết tật nhận được vô vàn ánh mắt ái ngại, thương hại. Nhưng nhờ sự tu dưỡng, kiên trì và nghị lực, họ đã vượt qua thử thách để rực rỡ theo cách của riêng mình.

Số phận khiến người khuyết tật phải gánh chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với mọi người để có được tương lai tươi sáng. Câu chuyện về những người khuyết tật hiếu học được chia sẻ trên báo Dân Trí và Việt Nam Net đã khiến biết bao người xúc động, khâm phục.

Cha mẹ và tình yêu thương vô điều kiện

Trần Tôn Trung Sơn sinh năm 1992 trong một gia đình nông thôn nghèo cạnh sông Bến Hải (Quảng Trị) với cánh tay trái ngắn và teo lại, bàn tay phải chỉ có hai ngón.

Ngày Sơn ra đời, gia đình không ai cầm được nước mắt vì những khuyết tật trên thân thể cậu con trai bé bỏng và lời dị nghị của hàng xóm vì hình hài khác thường của Sơn. Nuốt nước mắt vào trong, bố mẹ Sơn quyết định rời làng vào Nam với hi vọng mong manh mảnh đất ấy sẽ cưu mang đứa con xấu số của họ.

Trần Tôn Trung Sơn và mẹ tại trụ sở IBM ở Mỹ (ảnh: Tài Năng Việt).

Bảy năm sau, anh chị mới dành dụm đủ tiền để thuê một phòng trọ nhỏ cho 3 người có chỗ “chui ra chui vào”. Rồi vợ chồng anh chị nghĩ đến việc xin cho con đi học, nhưng ngặt nỗi, chẳng có trường học nào chịu nhận một cậu bé khuyết tật.

Không nản chí đi gõ cửa từng trường, cuối cùng sự nỗ lực của anh Sơn đã khiến cô hiệu trưởng trường tiểu học Vạn Hạnh xúc động. Cô đồng ý nhận Sơn vào học.

Không phụ lòng cha mẹ, Sơn càng lớn càng thông minh. Năm lớp 5, em là một trong 5 học sinh xuất sắc nhất Quận Tân Bình, thủ khoa khi thi vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đậu vào Trường phổ thông Năng khiếu của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và trở thành học sinh xuất sắc của trường.

Năm 2010, sau khi học xong lớp 11, Sơn nhận được học bổng 2 năm lớp 11 và 12 tại Trường trung học Fairmont (Mỹ). Đồng thời chàng trai trẻ cũng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện tại châu Phi, dạy học cho trẻ em nghèo, gây quỹ giúp đỡ người vô gia cư…

Bài luận văn với tựa đề “Nhìn đời qua bàn tay” của Trung Sơn khi nộp đơn vào Đại học Harvard danh tiếng đã khiến các giáo sư bật khóc và chàng trai nhỏ bé ấy đã nhận được học bổng toàn phần của trường với ngành công nghệ thông tin.

Năm 2016, Sơn nộp hồ sơ vào Tập đoàn IBM và trở thành cố vấn của tập đoàn. Vượt qua hàng ngàn ứng viên, cậu bé khuyết tật ấy đã trở thành một trong 8 người xuất sắc nhất đáp ứng yêu cầu khắt khe của 4 hội đồng chuyên môn. Tháng 12/2017, Sơn được thăng chức trở thành quản lý vùng, làm việc tại Atlanta, bang Georgia (Mỹ).

Từ một đứa trẻ không lành lặn bị người đời hắt hủi đến cảnh sống lang thang màn trời chiếu đất chốn công viên, giờ đây, cậu bé ấy đã trưởng thành và vẫn đang tiếp tục viết nên những điều kỳ diệu nơi đất khách.

Một con mắt giả

Lê Bá Ninh (Thanh Hóa) đã xuất sắc giành suất học bổng 5 tỷ đồng của Đại học Soka (Mỹ), sau khi đưa câu chuyện con mắt giả của chính mình vào bài luận.

Cậu học trò đạt các điểm chuẩn hóa cao: SAT 1 1500/1600, SAT 2 thi hai môn Sử Mỹ được 720/800 và Toán 2 được 790/800, IELTS 8.0. Với những thành tích này, Ninh nhận được gói học bổng Global Merit Scholarship, Đại học Soka mỗi năm chỉ trao cho một số rất ít học sinh trong một khóa.

Chàng trai Lê Bá Ninh (ảnh: Thánh Gióng).

Từ những trải nghiệm của bản thân, em viết một bài luận cá nhân về hành trình của bản thân, cũng như về cái nhìn sai lệch của nhiều người khác đối với người khuyết tật.

Sự thương hại tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế lại có thể khiến cho việc hòa nhập cộng đồng của em trở nên khó khăn hơn. Chính bài luận ấy đã ghi dấu ấn cá nhân sâu sắc cho Ninh.

Và dù là một chàng trai chỉ “nhìn đời bằng một con mắt”, nhưng Ninh luôn lạc quan, yêu đời, yêu người. Ngay từ khi còn học tập tại Trường THPT chuyên Lam Sơn, Ninh đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như: đại biểu Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc VYMUN 2017, là thành viên của câu lạc bộ tiếng Anh và trang nội san của trường có tên Ga Lam Sơn. Ninh là đồng sáng lập dự án Gõ Kiến (một dự án về môi trường).

“Người hùng” thầm lặng trên đất Mỹ

Chân không đi được, tay bất lực, miệng nói không rõ chữ, một mình với chiếc xe lăn, Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992) vẫn tự tin vươn ra thế giới và hơn thế, chàng trai quê Vũng Tàu còn trở thành “Người hùng thầm lặng” truyền cảm hứng mạnh mẽ tại Mỹ.

Mắc hội chứng bại não bẩm sinh, ban đầu bố mẹ không muốn cho Quân tới trường, nhưng ngay từ ngày nhỏ Quân đã bộc lộ tính cầu tiến và hòa nhập. Bất lực trong việc điều khiển tay, chân theo ý mình, không thể giao tiếp với thế giới theo cách bình thường như bao người nhưng Quân không đầu hàng.

Lớp 6, Quân được ba mẹ trang bị một máy tính xách tay để thuận tiện việc chép bài ở lớp. Tay phải bị liệt hoàn toàn, Quân nhờ mẹ trói chân mình lại để tập đánh máy bằng 3 ngón trên bàn tay trái.

Đam mê Tin học, Quân xuất sắc giành nhiều giải học sinh giỏi Tin học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Lớp 9, cậu thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh Vũng Tàu với số điểm môn chuyên gần như tuyệt đối rồi một mình lên thành phố trọ học.

Với những nỗ lực vượt bậc và thành tích xuất sắc, tốt nghiệp cấp 3, Quân được trường Utica College ở New York (Mỹ) bảo lãnh sang học. Năm 2013, Quân được trường Georgia Gwinnett College (Mỹ) cấp học bổng 50%.

Trần Mạnh Chánh Quân vào ngày nhận bằng tốt nghiệp Đại học Georgia Gwinnett, Mỹ (ảnh: Dân Trí).

Chàng du học sinh người Việt là gương mặt sinh viên sáng giá ở trường, được chọn tham gia các cuộc thi của Hiệp hội Chuyên ngành Công nghệ thông tin (AITP).

Tháng 11/2016, “gã khổng lồ” Google từng gọi Quân nộp hồ sơ dự tuyển nhân viên làm việc toàn thời gian. Chàng trai 9X cũng giành được thứ hạng cao tại nhiều cuộc thi AITP, NCC, ACM… Sau 4 năm miệt mài học tập, Quân đã cầm trên tay bằng tốt nghiệp đại học 2 chuyên ngành yêu thích.

Hành trình vươn mình ra thế giới và khẳng định trí tuệ, nhân cách sống của chàng trai Việt mắc hội chứng bại não đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh cho không ít người Mỹ, nhất là các bạn trẻ.

Đó là lí do Trần Mạnh Chánh Quân vinh dự được trường Đại học Georgia Gwinnett (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu “Unsung hero” (Người hùng thầm lặng) vào ngày 20/4/2017.

Lời dặn của cha 

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Phan Thị Rát và hai chị em của cô bị yếu chân tay từ nhỏ.

Đa số việc cầm, nắm, di chuyển của Rát gặp rất nhiều khó khăn. Con đường học tập của cô vô cùng vất vả, có những lúc tưởng chừng phải từ bỏ ước mơ đi học cao hơn.

Từ tiểu học, Rát tự mình đi được trong khoảng cách gần. Lên THCS, trường cách nhà khoảng 5km, người thân, gia đình, bạn bè thay nhau chở Rát đi học ròng rã suốt 4 năm.

Rát kể những năm tháng học sinh, em thậm chí không dám nhìn thẳng vào mắt người khác. Cơ thể khiếm khuyết khiến người con gái miền biển mặc cảm, xa lánh bạn bè và hay khóc.

Học hết lớp 12, Rát băn khoăn không biết nên tiếp tục học hay như thế nào. “Em nhớ câu nói của ba: Thôi cứ cố gắng học, ra đời sẽ có xã hội giúp”, Rát chia sẻ.

Những ngày mới vào Tp. Hồ Chí Minh trọ học với Rát là cuộc chiến thực sự. Xa người thân, bạn bè, bản tính lại nhút nhát nên cô chẳng dám mở miệng nhờ ai giúp. Từ đi chợ, giặt quần áo đến nấu ăn, đón xe buýt, Rát đều gồng người tự làm.

Năm 2011, trong khoảng thời gian học tại Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, nhận học bổng Người bạn đồng hành của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), Rát đã ”chia sẻ lại” bằng cách dạy kèm các em nhỏ đồng cảnh ngộ ở Nhà May Mắn (quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh).

Niềm vui đi học được bạn bè thầy cô yêu quý giúp đỡ, Phan Thị Rát đã hoàn thành 4 năm học đại học, rồi đi làm và tiếp tục con đường chinh phục tri thức.  

Làm việc tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, Rát được truyền cảm hứng từ các đồng nghiệp đã từng du học với Học bổng chính phủ Australia. Được sự trợ giúp nhiệt tình của các anh chị, Rát đã nộp hồ sơ rất thuận lợi.

Do gặp khó khăn về tiếng Anh, Rát được chương trình cho đi học ngoại ngữ tại Trường Đại học RMIT trong vòng 3 tháng để có thể đủ điểm du học tại Trường Đại học Flinders (Australia). Học bổng với người khuyết tật nặng như Rát được hỗ trợ thêm một người đi cùng chăm sóc, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.

Phan Thị Rát nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Úc (ảnh: Dân Trí).

Nhớ lại giây phút biết tin mình được nhận học bổng chính phủ Australia, Rát kể lúc đó như vỡ òa hạnh phúc. Sự công nhận này khiến cô gái khuyết tật thấy mình có động lực hơn, có giá trị hơn, cảm thấy nếu được tạo cơ hội, người khuyết tật cũng có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Hành trang tinh thần mang theo khi du học của Rát là những lời động viên của gia đình, bạn bè và những kỳ vọng về tương lai. 

Chàng trai mù và người mẹ thứ 2

Trần Việt Hoàng bị hỏng cả 2 con mắt do căn bệnh bong võng mạc. Mất cha từ nhỏ, cuộc sống của Hoàng xoay quanh mẹ. Đến năm lên 5, mẹ em phát hiện ra đôi mắt con trai có biểu hiện bất thường, chạy vạy chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Cho đến khi Hoàng 9 tuổi thì em hoàn toàn chìm vào bóng tối. Mặc dù vậy, Hoàng quyết tâm không bỏ học, và chặng đường học của em, mẹ luôn theo sát không rời.

Image result for Trần Việt Hoàng mù Tiền Phong
Chân dung Trần Việt Hoàng (ảnh: Việt Nam Net).

Chàng trai Hà Tĩnh đã may mắn gặp được người mẹ thứ 2: bà Vũ Thị Dung, người sáng lập Quỹ Khát vọng, giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Người mẹ thứ 2 của Hoàng cũng là người đã giúp em định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn để Hoàng có thể thành công trong việc thể hiện bản thân, chinh phục học bổng 4 năm trị giá hơn 2,2 tỷ đồng của Đại học Fulbright Việt Nam.

Thủ khoa hội họa, người tham gia soạn từ điển cho trẻ câm điếc

Với người bình thường, theo học hết phổ thông rồi bước tới đại học đã là một sự cố gắng thì đối với những người điếc câm, điều đó lại càng là một nỗ lực phi thường. Đoàn Phạm Khiêm được mọi người biết đến không chỉ là học sinh khá giỏi suốt nhiều năm, mà còn là thủ khoa Hội họa của Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Anh chính là sinh viên câm điếc đầu tiên theo học một trường đại học chính quy trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Thủ khoa hội họa Đoàn Phạm Khiêm (ảnh: VnExpress).

Khi mới hơn 1 tuổi, một cơn sốt ập đến như một tai họa đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nói và nghe của anh. Tưởng như cuộc sống xung quanh anh sụp đổ, nhưng với sự nỗ lực, Khiêm bắt đầu tới trường để làm quen với con chữ qua những ngôn ngữ ký hiệu bằng cử chỉ. Trước những thành công nối tiếp nhau, anh vinh dự là 1 trong 5 người xuất sắc nhất trong dự án biên soạn bộ Từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để dạy cho người câm điếc trong cả nước. Anh cũng đồng thời là giảng viên chính giảng dạy miễn phí cho người câm điếc nhằm giúp họ được học cao hơn, hòa nhập với cuộc sống.

***

Có câu nói rằng: Nếu cuộc đời cho bạn một quả chanh, hãy vắt nó thành một ly nước chanh. Cuộc đời đã ban cho những người khuyết tật nói trên những thiệt thòi và khổ nạn, nhưng với nghị lực bền bỉ và trái tim rộng mở, họ đã biến những thiệt thòi và khổ nạn ấy trở thành ngọn lửa tôi luyện ra vàng ròng. Câu chuyện về họ đã mang lại niềm hy vọng và động lực cho rất nhiều người, quả đúng là “Khổ tận cam lai”.

Video xem thêm: Thông minh là thiên phú, nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn

videoinfo__video3.dkn.tv||7b2df60bc__