Trước tình trạng số ca nhiễm virus corona tăng nhanh ở Hàn Quốc và các trường đại học (ĐH), đặc biệt là ĐH Keimyung tại thành phố Daegu cho học sinh nghỉ, nhiều du học sinh Việt Nam muốn sớm về nước.

Trao đổi với Zing, Nguyễn Quang, sinh viên ĐH Daegu, Hàn Quốc cho biết ở trường mình học, khoảng 30 du học sinh Việt Nam muốn thu xếp công việc để trở về. Đây là vùng tâm dịch của Hàn Quốc với hàng trăm ca lây nhiễm những ngày qua. Nguyễn Quang nói: “Một số du học sinh đã đặt vé về nước. Cũng có người muốn về nhưng sợ mất việc, không có tiền đóng học phí, nhưng ở lại thì lo lắng bệnh dịch”.

T.T. (sinh viên ĐH Daegu) cho hay một số du học sinh tại Daegu đang quan sát tình hình để quyết định về nước tránh dịch. Mấy hôm nay, gia đình T.T. gọi điện liên tục, giục con gái về nước. Bạn bè cô cũng hơn chục người đã về Việt Nam. T.T. kể mấy ngày nay, đường phố ở Daegu yên ắng, người dân ít khi ra khỏi nhà, chỉ đến siêu thị mua đồ dự trữ. Bản thân cô cũng hạn chế ra ngoài.

Ngày 21/2, do công việc yêu cầu, T.T. phải đến quán ăn làm việc. Buổi tối, cô ghé siêu thị, mua đồ ăn đủ cho một tháng. Đến ngày 22/2, quán đóng cửa, nữ sinh nghỉ học và dừng công việc làm thêm, bắt đầu quãng thời gian “ở ẩn” chờ dịch được khống chế.

Thùy Trang, 22 tuổi, sinh viên ĐH Keimyung tại thành phố Daegu, vừa đặt vé máy bay về Việt Nam dù có thể phải cách ly 14 ngày. Trang và chồng cùng là sinh viên năm hai ĐH Keimyung, vợ chồng cô thường xuyên đeo khẩu trang, mua đồ ăn tích trữ, hạn chế ra ngoài để phòng dịch, nhưng không lo lắng nhiều vì Hàn Quốc thông tin kịp thời, làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn.

Tuy nhiên, khi biết lịch trình di chuyển của bệnh nhân 31 tại Daegu, số người nhiễm virus tăng lên theo cấp số nhân, Trang bắt đầu sợ hãi. Vào các nhóm trò chuyện của sinh viên Việt Nam ở Daegu, thấy nhiều bạn định bảo lưu việc học, đặt vé về nước, Trang quyết định làm thủ tục bảo lưu một năm, đặt vé máy bay về nước tránh dịch và sinh con. 

“Về Việt Nam một năm tức là phải xa chồng một năm. Nhưng nếu ở lại, tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn, em không biết sẽ ra sao. Ông bà không thể sang chăm cháu giúp. Trong khi chồng đang phải nghỉ việc làm thêm do quán ăn đóng cửa phòng dịch, thu nhập giảm, tiền học vẫn phải đóng, chúng em sẽ không thể lo liệu nổi”, Trang nói. Cô cho biết trên báo VnExpress rằng sẽ về Việt Nam vào ngày 26/2.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Quỳnh Anh, sinh viên ĐH Kookmin, cho hay dù sống ở Seoul, cách xa Daegu hơn 300km, cô vẫn quyết định trở về. Trước khi ra sân bay, cô nói: “Nếu ở lại, mình cũng không đi làm, đi học được. Mình về đến bao giờ trường báo đi học thì quay lại”. Nữ sinh cho biết hiện tại, tình hình ở Seoul không như ở Daegu, người dân chỉ hạn chế ra đường nên đường phố vắng hơn thường ngày. Cô cho biết từ khi có dịch, trường ĐH ở Seoul đều lùi lịch bắt đầu học kỳ mới đến ngày 16/3.

Trước mong muốn về nước của sinh viên nước ngoài, ngày 21/2, Văn phòng hợp tác quốc tế của Đại học Keimyung thông báo sinh viên đang theo học hệ đại học muốn bảo lưu có thể liên hệ với văn phòng để làm thủ tục. Trong 15 ngày kể từ ngày đăng ký bảo lưu, sinh viên phải trở về nước. Sinh viên học tiếng (hệ một năm) không thể bảo lưu. Nếu có nguyện vọng dừng việc học, trường sẽ hỗ trợ thủ tục cho thôi học. Nếu muốn đi học lại, sinh viên phải đăng ký thủ tục visa mới.

Cách Daegu, tâm dịch COVID-19 tại Hàn Quốc khoảng 70km, Nguyễn Quang Huy, 21 tuổi, quê Hà Nội, sinh viên năm hai ĐH Ui Deok (thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang) cũng đang tính chuyện về nước dù mới trở lại Hàn sau khi ăn Tết ở Việt Nam. Mở điện thoại chuyển ứng dụng sang chế độ định vị, thấy nhiều người nhiễm gần nơi mình sống, thậm chí một người đàn ông 40 tuổi tử vong ở cùng thành phố, Huy thêm bất an. 

“Kỳ học mùa xuân bắt đầu vào tháng 3, nhưng em đã sang từ đầu tháng 2 vì phải làm thủ tục gia hạn visa, đề phòng lệnh hạn chế đi lại khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và Hàn Quốc trở nên phức tạp”, Huy nói. Thế nhưng, số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng, Bộ Giáo dục quyết định lùi kỳ học mùa xuân đến ngày 9/3. Quán nhậu nơi em làm thêm đóng cửa hai tuần, bắt đầu từ ngày 24/2 do lượng khách chỉ còn 1/5 so với ngày thường. Điều này đồng nghĩa Huy “vừa thất học, vừa thất nghiệp” trong hai tuần tới.

Trên các nhóm du học sinh, nhiều sinh viên nhờ đặt vé về nước, riêng Huy thì vẫn lấn cấn dù muốn về. Lý do là ĐH Ui Deok thông báo nếu du học sinh về nước mà có lệnh phong tỏa hoặc khi trở lại có vấn đề về nhập cảnh, phải vào khu cách ly, trường hoàn toàn không hỗ trợ và chịu trách nhiệm. Huy nói: “Nếu tình hình tệ hơn, trường bảo lãnh để sinh viên có thể quay lại học tập dễ dàng, em sẽ về Việt Nam”.  

Tuy nhiên, không phải ai cũng quyết định trở về. Bùi Huế, sinh viên ĐH Hannam, chọn ở lại dù Daejeon đã có ca nhiễm COVID-19. Huế cho biết: “Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống an toàn, tự bảo vệ mình sẽ phòng dịch được thôi. Trường chưa có thông báo lùi lịch học nên em vẫn chờ”. Huế cũng mua đồ ăn và vật dụng thiết yếu đủ dùng trong một tháng, sẵn sàng cho những ngày trốn dịch.

Video xem thêm: Thiên tai, Nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?

videoinfo__video3.dkn.tv||089697873__