Ti vi có một số tác hại đối với trẻ em bao gồm gây căng thẳng cho mắt, dễ dẫn đến béo phì, giảm sự tập trung chú ý. Những tác hại này khá phổ biến và cha mẹ có thể khắc phục bằng cách hạn chế thời gian cho con xem ti vi. Tuy nhiên, còn những tiểm ẩn nào khác đằng sau chiếc ti vi mà dù xem một chút cũng nguy hại cho con?

Phải công nhận ti vi là một ‘cô trông trẻ’ tiện lợi, miễn phí và sẵn có trong mọi gia đình. Cho nên hiện tượng trẻ con dán mắt vào ti vi là điều dễ thấy. Tuy nhiên, nó là một thứ không thể chủ quan, ngược lại các bậc cha mẹ cần giám sát cực kỳ chặt chẽ. Hãy để ý đến các chương trình dành riêng cho trẻ em.

Bài viết sẽ không đi vào thảo luận các giá trị bạo lực quá trớn, hay những thông điệp không phù hợp lứa tuổi của trẻ trên ti vi. Tất cả chúng đều dễ nhận ra và đã có nhiều tham khảo về khả năng hủy hoại xã hội đến từ những nhân tố này. Thực ra điều này không phải là mới. Nhiều chương trình trên ti vi là lãng phí thời giờ, và trẻ con đã xem ti vi quá nhiều. Điều muốn nói đến ở đây là nội dung các chương trình và video dành riêng cho trẻ em.

Chủ đề phổ biến trong nhiều bộ phim của trẻ em là trận chiến giữa thiện và ác – dẫu đó là người, khủng long, nàng tiên cá hay đồ chơi. Cái thiện thường chiến thắng, nhưng chỉ sau một trận chiến theo cách nào đó.

Ban đầu tôi nghĩ rằng điều đó khá tốt cho trẻ nhỏ, giúp trẻ hiểu rằng chính sẽ thắng tà. Tuy nhiên, nếu so sánh với tiêu chuẩn đạo đức truyền thống thì điều này không còn đúng nữa. Bởi vì những trận chiến sẽ gieo vào đầu chúng tư tưởng đấu tranh, ngược lại với sự hòa ái và lương thiện của người xưa.

Thông qua những trận chiến, trẻ âm thầm tin rằng đánh người là bình thường, và thậm chí tiêu diệt họ nếu họ là ‘tà’ thì cũng không sao. Điều ấy có đúng không?

Khi trẻ còn chưa thể phân biệt được chính tà, thì đối với chúng đánh nhau đơn giản là cách cư xử giữa hai phe đối lập. Hình ảnh đánh nhau ghim vào đầu não đã trở thành chuẩn mực cư xử cho chúng. Đấy là lý do vì sao trẻ thích những đồ chơi bạo lực như súng, kiếm, ưa đánh nhau, tranh giành chiến thắng. Vô hình chung nếu gặp điều gì không như ý trong cuộc sống hàng ngày, chúng cũng phân định ra hai phe đối lập và dùng đánh nhau hoặc nhẹ hơn là chọn tranh cãi làm cách giải quyết, bất kể với anh em, bạn bè hay cha mẹ.

Thực tế, làm tổn thương người khác sẽ phải đền bù, nặng nhất là sát sinh, kể cả với người xấu đến mức độ nào thì hành vi ấy đều bất Thiện, bất Nhẫn. Chúng ta tin vào luật Nhân Quả, người xấu sẽ tới một lúc tự nhận quả báo cho việc xấu mà họ gây ra. Vậy chẳng phải chiến đấu chỉ thêm nguy hại hay sao, vừa nảy sinh tâm oán hận vừa gieo nghiệp cho bản thân.

Nếu chỉ biết đấu tranh là cách giải quyết vấn đề thì trẻ sẽ không có lòng khoan dung. Làm sao chúng có thể hiểu được “Những kẻ yếu đuối sẽ không bao giờ tha thứ. Tha thứ là hành động của những con người mạnh mẽ”. Nhân đây, cũng xin nhắc lại câu nói của Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Ấn Độ: “Bất bạo động là sức mạnh lớn lao nhất của nhân loại. Nó mạnh hơn cả những vũ khí sát hại mạnh mẽ nhất mà con người đã từng chế tạo ra”.

Chúng ta tự hỏi vì sao thế giới vẫn luôn phải đối mặt với chiến tranh, xâm lăng, khủng bố, các hình thức tra tấn và đàn áp những nhóm người thiểu số, nạn buôn người, bạo hành động vật…? Vì sao bạo lực học đường trở thành vấn nạn nhức nhối và càng ngày càng nghiêm trọng? Hãy trả lời những câu hỏi ấy từ trong mỗi gia đình, tế bào của xã hội.

Một số bộ phim khác cũng gây tác hại cho trẻ em trên một phương diện mà chúng ta ít nhận ra. Trẻ phán xét tốt-xấu, thiện-ác qua biểu hiện bề ngoài. Vì sao vậy? Thông thường hình ảnh người tốt là công chúa, hoàng tử xinh đẹp trong khi người xấu là phù thủy, lão già xấu xí. Trẻ con vốn trong sáng như tờ giấy trắng, ta có thể vô tình khiến trẻ ghi nhận rằng cứ cái gì trông đẹp là thiện, còn nhìn xấu là ác.

Đầu óc của trẻ luôn rộng mở, háo hức đón nhận thế giới. Nếu quan sát một đứa trẻ nhỏ xem ti vi, bạn sẽ thấy chúng rất mải mê vào đó và tiếp thu mọi hành động.

Theo quan điểm hạn hẹp của tôi, bọn trẻ thường có xu hướng tự loại bỏ bản thân ra khỏi các tình huống khiến chúng sợ, tìm kiếm sự an toàn (cha mẹ, thầy cô, môi trường thân thiện). Tuy nhiên, khi xem ti vi, ngay cả khi chúng sợ, vẫn có điều gì đó hấp dẫn chúng một cách khó tin…để chúng tiếp tục xem. Và thứ tiến nhập vào chúng trở thành một phần của chúng.

Tất cả những điều này cũng hoàn toàn tương tự với điện thoại, Ipad, thậm chí là việc đọc sách (vốn tưởng như vô hại). Bạn cần phải kiểm soát nội dung chứ không chỉ là hạn chế thời gian sử dụng. Chỉ một chút chất độc thôi đã đủ gây độc rồi đúng không? Nó cũng giống như chất hóa học trong thực phẩm có thể không ngay lập tức tạo ra tổn thương nhưng tích tụ lâu ngày sẽ thành bệnh độc.

Vậy đừng giao ti vi cho con một cách dễ dãi, hãy thận trọng ngay cả với những chương trình chỉ dành riêng cho lứa tuổi của trẻ em.

Người Do Thái cho rằng, trong tâm khảm mỗi người đều có cỏ dại là những tư tưởng tiêu cực. Cần gieo vào đó những tư tưởng tích cực, hy vọng đẹp đẽ, niềm tin vào nhân sinh, tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Có làm như vậy mới diệt được hết “cỏ dại”.

Đại Kỷ Nguyên đã và đang giới thiệu đến bạn Tam Tự Kinh, bộ phim hoạt hình nổi tiếng khắp Á Đông, bồi đắp tính thiện lương, dạy trẻ chuyên cần học tập; có lẽ chính là một trong những biện pháp thiết thực diệt trừ cỏ dại trong tâm khảm.

Xin cha mẹ ghi nhớ sâu sắc rằng, muốn trẻ thành người thế nào thì cho trẻ xem thứ ấy!

Đan Tâm

Tham khảo Chánh Kiến

Video: Sông có khúc, người có lúc, vạn sự tùy duyên không tranh đấu thì hạnh phúc đong đầy

videoinfo__video3.dkn.tv||8d12f6814__