Đi làm thêm ở quán nhậu, siêu thị, rửa bát, chạy bàn, rồi vay mượn khắp nơi… là những kỷ niệm khó quên trên hành trình tự lập của các bạn trẻ du học nước ngoài.

Ở Phần 1, chúng ta đã có một cái nhìn khái quát về những lợi ích cũng như khó khăn trong hành trình du học. Trong Phần 2 này, hãy cũng lắng những lời chia sẻ từ tận đáy lòng của những “người trong cuộc” để thấu hiểu hơn về những góc khuất của du học nước ngoài, bạn nhé!

Du học sinh Hungary: Ở Việt Nam vui sướng hơn nhiều!

Quỳnh Anh (sinh năm 1990) từng làm nghiên cứu sinh tại Hungary và có cơ hội đặt chân đến nhiều nước trên thế giới. Quỳnh Anh chia sẻ trên VTC.vn rằng bạn nhận được rất nhiều câu hỏi về đi du học sung sướng không, có muốn ở lại không, có định về Việt Nam không từ những anh chị em, bạn bè những người đang định cho con đi du học, những người muốn đi định cư nước ngoài, những bạn trẻ đang học ở Việt Nam… Trước những câu hỏi ấy, Quỳnh Anh luôn trả lời rằng: Không!

Quỳnh Anh nói với họ rằng, ở Việt Nam vui hơn, sướng hơn rất nhiều. Ở Việt Nam cái gì cũng có, có bố có mẹ, có gia đình, có nhiều người yêu thương, có cùng tiếng nói, cùng cộng đồng. Đi du học phải đối mặt với áp lực từ chuyện học hành, chuyện tình yêu, cô đơn nơi xứ người… Hầu như những người nhận được câu trả lời của Quỳnh Anh đều bất ngờ. 

Du học sinh Nhật: Về muộn hơn cả những người làm muộn

Cùng chia sẻ những khó khăn khi du học, bạn Lê Trọng Nghĩa, du học sinh tại Nhật Bản cho biết, năm 2015, Nghĩa sang Fukuoka phía nam Nhật Bản du học tự túc chuyên ngành kinh tế. Mọi thứ đều ổn cho đến năm thứ ba. Tuy được gia đình hỗ trợ tài chính, Nghĩa vẫn phải làm thêm để trang trải cuộc sống trong khi chương trình học ngày càng nặng.

Nghĩa phục vụ ở một quán nhậu, tuần 5 ngày, mỗi ngày 9 tiếng, từ 18h đến 4h sáng, chỉ được giải lao ăn cơm 10 phút lúc 12h đêm. Nghĩa kể, “Quán nhậu ấy nằm trong phố đèn đỏ. Tôi về muộn hơn cả những người làm muộn”.

Mức lương 850 yên/giờ vừa đủ giúp Nghĩa trả các chi phí. Mỗi ngày cậu chỉ ngủ khoảng 4 tiếng, Nghĩa hay mơ ngủ, bị chủ quán chửi mắng. Trên những chuyến xe bus đông nghẹt, ý nghĩ chấm dứt cuộc đời nhen nhóm.

Sau 4 tháng ở quán nhậu, Nghĩa sang làm pha chế cho quán bar, tuần 2 buổi, mỗi buổi 7 tiếng. Công việc mới đòi hỏi trò chuyện với khách khiến chàng trai lúng túng vì chưa giỏi tiếng Nhật. Nghĩa thuật lại: “Đáng sợ nhất là ông chủ luôn luôn đứng phía sau quan sát và ra lệnh, thấy không ổn sẽ tiến đến ghé tai mắng: ‘Dùng cái đầu đi chứ'”. 

Từ một sinh viên cởi mở, năng nổ, Nghĩa khép mình dần, sống như robot, cảm giác “bị mắc kẹt”. Thời gian này, cậu trượt 3 môn học. Vài lần, thấy tàu điện đang tới, cậu nghĩ: “Hay là kết thúc ở đây”.

Nghĩa cũng không phải là trường hợp duy nhất bị khủng hoảng khi du học. Bạn Nguyễn Lan Chi (sinh năm 1995, quê Hà Nội) sang thành phố Chiba, cách Tokyo 40km, sau khi bỏ ngang đại học ở Hà Nội. Giỏi ngoại ngữ, lại tin rằng Nhật là nơi dễ kiếm việc làm thêm, cô chắc chắn mình sẽ tự xoay sở được mà không phiền tới bố mẹ. Đến nơi, Chi hiểu ra mọi chuyện khó khăn hơn nhiều.

Chi nhận hỗ trợ từ gia đình trong hai tháng đầu tiên, mỗi tháng 5 triệu đồng. Để đủ tiền học và sinh hoạt, cô làm cùng lúc hai chỗ: một quán nhậu và một siêu thị nhỏ, tổng cộng 45 tiếng mỗi tuần, thường từ chiều đến khuya. Lắm hôm, về mệt, Chi nằm trằn trọc nhìn trần nhà, tự hỏi: “Mình sang đây để làm gì?”. 

Hết 2 năm học tiếng, Chi vào một trường vẽ, học phí 1,3 triệu yên (279 triệu đồng) mỗi năm. Áp lực tài chính tăng lên, một ngày của Chi bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 1-2h đêm. “Trên đường đạp xe từ ga tàu về, tôi hay nghĩ giờ bị xe tải tông thì tốt”, Chi chia sẻ trên báo VnExpress.

Chẳng có thời gian luyện vẽ, Chi nhận thấy bản thân không tiến bộ như các bạn cùng lớp. Chưa kể, cô nghỉ học nhiều vì ngủ quên, điểm chuyên cần ở mức đáng báo động đến nỗi nhà trường mời lên nói chuyện. Lan Chi ước tính 99% bạn bè cô ở Nhật làm thêm để chi trả cuộc sống, nhiều người mải làm quên học. 

Chung nhận định này, Trần Hoài Phong, 23 tuổi, sinh viên ngành thời trang đã 3 năm ở Tokyo, chia sẻ: “Ai sang Nhật cũng phải tìm cách kiếm thêm. Có người nhận ba công việc, mỗi tuần đi làm 60 tiếng”. 

Dù không quá suy sụp như Nghĩa và Chi, Phong vẫn đuối sức khi vừa phải đảm bảo số buổi lên lớp vừa bán hàng quần áo 23 tiếng một tuần. Theo cô, nếu muốn yên tâm tập trung học, du học sinh cần được gia đình chu cấp 400-500 triệu đồng mỗi năm.

Du học sinh Hàn Quốc: Thà rửa bát còn hơn chạy bàn

Tuyết Nhung, một du học sinh tại Hàn Quốc chia sẻ: “Với tôi, du học tự túc là sáng học, chiều đi rửa bát thuê cho 1 quán ăn, lương 7000 won/giờ thì tiền học 1 tiếng là 6500 won rồi. Mỗi lần đến kỳ đóng tiền thì vay mượn các kiểu để chứng minh tài chính rồi đóng học phí đến sấp cả mặt, cứ vay rồi làm tháng sau trả, quay vòng vòng không biết bao giờ mới hết nợ”.

Tuyết Nhung thành thật kể, đi làm về mệt chỉ kịp tắm rửa ăn uống rồi ngủ, bài vở có khi chả thèm động đến, mà sáng đến lớp vẫn gà gật. Cuối tuần là thời gian duy nhất không phải đến trường thì bạn làm thêm từ sáng đến tối. Mùa đông có hôm tuyết rơi, lạnh căm vẫn phải mò dậy đi làm. Thậm chí, khi chủ quán hỏi có muốn đổi từ nghề rửa bát sang chạy bàn cho đỡ mệt thì cô bạn liền từ chối vì lương rửa bát vẫn cao hơn.

Một nữ sinh khác cũng đang học ở Hàn Quốc chia sẻ: “Em mới sang Hàn được nửa năm. Ai cũng bảo mình sướng này nọ, ban đầu chính em cũng háo hức lắm, đi học đi làm rồi mới thấy đời không như là mơ”.

***

Vậy đấy, đi du học, cơ hội thì nhiều, nhưng khó khăn, đau khổ thật chẳng ít. Vì vậy, trước khi quyết định du học nước ngoài, đặc biệt là dự định làm thêm để tự trang trải chi phí, các bạn trẻ hãy trang bị cho mình đầy đủ thông tin, sức khoẻ và bản lĩnh nhé.

Dẫu rằng cuộc sống của du học sinh có nhiều vất vả, nhưng đã có bao người trưởng thành lên từ đó, trở thành những người trẻ giỏi giang, năng động, làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Ngẫm cho cùng, có thành công nào trải bước trên hoa hồng? Chông gai và thử thách như lửa thử vàng, nếu ai có thể vượt qua, sẽ trở thành “vàng ròng” thực sự.

(Hết)

Video xem thêm: Hành trình 20 năm dũng khí niềm tin (P.2): Hồi kết có hậu đang tới…

videoinfo__video3.dkn.tv||4ba8b3904__