Lời nói của một người không chỉ phản ánh sự hiểu biết, thận trọng của người đó mà còn thể hiện một tấm lòng tốt đẹp, biết nghĩ đến lợi ích và an nguy cho người khác. 

Thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 lan nhanh trên toàn cầu, từ Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cho đến Ý, Iran… Con số những nước có dịch đã lên đến cả trăm, còn số ca nhiễm bệnh thì tăng lên hàng nghìn mỗi ngày. Có lẽ vì vậy mà nhiều người hoang mang, lo sợ, từng giờ đều mong ngóng mở điện thoại, tivi, lên mạng để cập nhật tình hình.

Tuy nhiên, càng trong sợ hãi chúng ta càng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Chỉ cần một tin đồn giật gân, hoặc ngược lại một sự kê khai giảm nhẹ che giấu sự thật, đều có thể gây ra hậu họa khôn lường. 

Thực ra, đối với người thành công, họ sớm đã đúc kết cho mình bài học “nghe nhiều hơn nói”. Trong gia đình, ông bà cha mẹ cũng luôn khuyên răn chúng ta cẩn trọng trong lời nói. Với bậc trí giả tu hành, họ lại càng thấm nhuần đạo lý “tu khẩu”, bởi vì lời nói có thể vô tình tạo nghiệp, cho nên họ không dễ mở miệng mà nói.

Tuy nhiên, không phải như thế nghĩa là chúng ta tự mình che miệng lại, không phải trong sợ hãi mà cực đoan phong bế bản thân. Chúng ta có thể biểu đạt ý kiến của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ thông tin, phân tích vấn đề, cốt yếu ở chỗ trong hoàn cảnh nào cũng “lựa lời mà nói”, sao cho đạt được ích người phúc ta.

Vậy lựa thì lựa như thế nào? Thực ra thầy Socrates đã cho chúng ta câu trả lời từ rất lâu rồi: uốn lưỡi 3 lần trước khi nói.

Ảnh minh họa: pixabay.

Socrates là một nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại, vị thầy đáng kính về đức hạnh, với tư tưởng: “Đạo đức là đủ cho hạnh phúc”.

Một ngày nọ, học trò của Socrates vội vã chạy tới gặp ông, cậu vừa thở hổn hển vừa nói một cách hào hứng: “Thưa thầy, trò muốn kể với thầy một chuyện mà thầy sẽ không thể tưởng tượng được…”

“Đợi một chút!” Socrates nhanh chóng ngắt lời cậu học trò và nói: “Khi định kể câu chuyện với thầy, trò đã uốn lưỡi 3 lần chưa?”.

Cậu học trò lắc đầu tỏ ý không hiểu.

Socrates tiếp tục: “Khi trò muốn nói với ai một chuyện gì đó, trò cần uốn lưỡi ít nhất 3 lần. Lần uốn lưỡi đầu tiên là để xem câu chuyện có thật hay không. Vậy câu chuyện trò định nói với thầy liệu có phải là chuyện thật không?”.

Cậu học trò trả lời: “Trò nghe thấy mọi người đang đàm luận trên phố. Họ đều nói vậy nhưng trò không biết có đúng là sự thật hay không ạ”.

Socrates lại nói: “Vậy thì cần uốn lưỡi lần thứ 2 để kiểm tra xem, nếu câu chuyện không biết là thật hay không thì ít nhất cũng phải là chuyện tốt. Vậy thì điều mà trò định nói có phải là chuyện tốt hay không?”.

Lúc này, cậu học trò rụt rè cúi đầu trả lời: “Dạ không ạ! Mà là ngược lại”.

Socrates giảng giải tiếp cho học trò: “Sau cùng, trò cần uốn lưỡi lần thứ 3 trước khi lời thốt ra khỏi miệng. Thấy trò hớt hải như vậy, liệu câu chuyện trò định kể có quan trọng với thầy không?”.

Cậu học trò lặng lẽ nói: “Dạ, không phải là chuyện quan trọng ạ”.

Lúc này, Socrates ôn tồn đáp:

Nếu tin tức không quan trọng, cũng không phải xuất phát từ lòng tốt, lại càng không biết nó là thật hay giả, trò có cần phải nói hay không? Nếu nói ra cũng chỉ gây rắc rối cho cả hai thầy trò mà thôi. Không nên nghe những chuyện thị phi hoặc lời chửi rủa người khác. Bởi vì người nói câu chuyện này với trò không biết có xuất phát từ lòng tốt hay không, nếu cậu ta dám nói chuyện riêng tư của người khác ra thì dĩ nhiên cũng sẽ đối xử với trò như vậy.

***

Có lẽ, khoảng thời gian đầy những ồn ào dư luận này lại trở thành môi trường sống động cho chúng ta chiêm nghiệm chân thực hơn lời dạy của thầy Socrates. Có phải thông tin sai sự thật, sự che đậy hay những lời nói oán trách tràn lan mạng xã hội, đều là hậu quả của việc không uốn lưỡi cho đủ 3 lần trước khi nói? 

Đặc biệt, khi chúng ta thoải mái buông lời vạch trần tội lỗi của một người, chúng ta nghĩ sai lầm ấy là thật, nhưng điều có thật là tâm thái và hoàn cảnh của người ấy lúc gây ra lỗi lầm thì chúng ta không hay biết. Việc chúng ta oán giận một người dù ở mức độ nào đi nữa liệu có thể xem là chuyện tốt? Chắc chắn, chuyện đó lại càng không quan trọng để nói nữa, bởi vì cái gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, điều quan trọng là tìm giải pháp và cứu người. Có như vậy đến Thượng đế cũng cảm thấy chúng ta “xứng đáng” được sống, hết sức che chở cho những người thiện lương.

Trên thực tế, vô luận là người có nhân cách cao thượng đến mức nào đi nữa đều có thiếu sót, điểm khuyết thiếu của mình. Vô luận người có bao nhiêu khoan dung độ lượng đi nữa đều có tự ái của riêng mình. Cho nên, có trí tuệ để thấy rõ khuyết điểm của người khác, cũng nên có trí tuệ để chọn lời mà nói.

Khi chúng ta lựa chọn lời nói của mình, thì làm người thiện lương hay thành người hành ác cũng từ lựa chọn ấy mà ra. Thiện lương là hy vọng cho nhân loại.

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__