Theo các chuyên gia tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hình thành bong bóng bất động sản. Nếu tín dụng tiếp tục đổ vào thị trường nhà đất như hiện nay, bong bóng bất động sản có thể nổ tung vào khoảng năm 2019, tương đương chu kỳ khủng hoảng 10 năm của thị trường này.
 

Tại hội thảo Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro do Cafeland tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về chu kỳ khủng hoảng 10 năm một lần của thị trường địa ốc.

Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự báo thị trường địa ốc có thể rơi vào tình trạng bong bóng nếu tín dụng vẫn không ngừng đổ vào bất động sản.

Ông Hiếu cho rằng giá bất động sản tăng lên 5-10% là bình thường, 10% là cao, từ 20-50% là rất cao, từ 50-75% là quá cao và đến 100% là dấu hiệu đi vào bong bóng bất động sản.

Dựa trên tình hình sốt đất tại một số địa phương trong thời gian qua, chuyên gia này cho rằng nhiều khả năng bong bóng bất động sản sẽ nổ tung vào năm 2019, tương đương chu kỳ khủng hoảng 10 năm của thị trường này.

Nhiều chuyên gia cho rằng chu kỳ 10 năm sẽ có cuộc khủng hoảng lớn. Ông Hiếu không khẳng định đây sẽ là cuộc khủng hoảng lớn, nhưng năm tới nếu không giải quyết được vấn đề bất động sản một cách ráo riết, vấn đề tín dụng thì khả năng bong bóng bất động sản sẽ nổ ra.

Trong khi đó, tham dự hội thảo, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung, lại mang đến một cái nhìn tổng quan hơn về cơn sốt đất tại Tp.HCM. Theo bản đồ tăng trưởng giá đất tại Tp.HCM năm 2016 do CBRE công bố, từ cách đây 2 năm, giá đất tại Tp.HCM đã leo thang chóng mặt.

Cụ thể, khu vực trung tâm Quận 1 giá đất tăng 100%, quận 4 và Phú Nhuận tăng 50% trong khi khu Thanh Đa tăng 100%. Đáng chú ý, sốt đất không chỉ xảy ra ở khu trung tâm Tp.HCM mà lan sang cả nhiều quận khác. Đơn cử như, tại Quận 2 giá đất cũng tăng 50-150%. Đặc biệt, giá đất vẫn tiếp tục xu thế đi lên, kéo dài từ năm 2016 đến năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định thị trường nhà ở đang đứng trước thách thức rất lớn do giá đất ngày càng tăng cao. Cơn sốt đất đã khiến nhiều chủ đầu tư mới ngày càng khó gia nhập thị trường hơn. Ngoài ra, nếu cơn sốt đất kéo dài sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới nền kinh tế, gây ra nhiều hệ lụy đối với những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.

Vỹ An