Ông Diệp Khắc Cường cho rằng mình bị iFan lợi dụng, nhưng liệu đó đã đủ để ông đứng ngoài những bê bối của hệ thống đa cấp này?

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Dù có dấu hiệu đáng ngờ từ lâu, nhưng hệ thống đa cấp iFan chỉ mới bị chú ý những ngày qua kể từ lúc hàng chục người mang biểu ngữ xuống đường, tố iFan lừa đảo số tiền lên đến 15.000 tỷ, với 32.000 người tham gia trên cả nước.

Trong văn bản mang tên “đơn tố cáo lừa đảo” của nhóm nạn nhân gửi đến cơ quan chức năng có nhắc đến tên ông Diệp Khắc Cường, công ty Modern Tech, Lê Ngọc Tuấn (Tuấn Cam), Vũ Hữu Lợi – ông trùm đa cấp.

Trước đó, ông Diệp Khắc Cường thành lập nền tảng Showbiz Store (một sản phẩm của công ty VFan do Cường đặt tại Mỹ), ra mắt ứng dụng Đàm Vĩnh Hưng, xuất hiện cùng ca sỹ này tại sự kiện ngày 7/10/2017, theo Zing.

Ông Diệp Khắc Cường (thứ 2 từ trái qua) trong buổi ra mắt ứng dụng Đàm Vĩnh Hưng và nền tảng ShowbizStore – vốn được ông này hứa hẹn tích hợp iFan vào như công cụ thanh toán. (Ảnh: Zing)

Theo nhiều video đăng tải công khai trên YouTube, Diệp Khắc Cường còn xuất hiện tại các cuộc họp mặt “nhà đầu tư” của iFan (khi đó họ vẫn chưa biết mình có thể trở thành nạn nhân).

Tại đây, ông Cường vẽ ra viễn cảnh đồng tiền số iFan có thể được sử dụng trên nền tảng ShowbizStore, mua bán album, vé, bài hát… của các ca sỹ, khởi đầu là Đàm Vĩnh Hưng và sau đó có thể vươn tầm khu vực.

Tự quay video thanh minh, mời báo chí đến để trần tình

Sáng ngày 11/4, ông Diệp Khắc Cường tổ chức một cuộc họp báo không được cấp phép ở quận 10, TP.HCM. Tại đây, ông Cường cho rằng mình là “công cụ của iFan”.

Theo ông Cường, từ giữa tháng 9/2017, một nhóm người, trong đó đứng đầu là Vũ Hữu Lợi (được cho là một trong những lãnh đạo của iFan), tiếp cận ông đặt vấn đề và mang ê kíp đến hợp tác, phát triển mạng lưới.

Khi ông Lợi đặt vấn đề hợp tác, phía ông Cường muốn tạo ứng dụng thư viện số để cung cấp cho fan hâm mộ nền tảng, bán nội dung giải trí. Các ứng dụng của ca sỹ (chẳng hạn “Mr. Đàm ông hoàng nhạc Việt”) sẽ là nơi để tiêu thụ đồng tiền số iFan bằng cách mua nội dung do ông Lợi cung cấp.

Sau đó, ông Cường nói rằng mình phát hiện phía iFan dùng tên tuổi những người ca sĩ không liên quan đưa lên để phát triển mạng lưới, chiêu dụ thêm nhà đầu tư. Theo ông Cường, việc làm này là sai tinh thần ban đầu, vì bản thân nghệ sĩ chỉ là đối tác, sản xuất nội dung, không quảng bá hình ảnh iFan. “Tôi cho rằng đó là hoạt động không lành mạnh”, ông Cường nói.

Tại buổi họp báo, ông Cường cho biết chưa ký kết hợp tác với iFan. Tại các buổi nói chuyện tại Vũng Tàu, ông chỉ giới thiệu về công nghệ mà công ty ông phát triển.

Nạn nhân nói gì về Diệp Khắc Cường?

Xuất hiện và thuyết trình trong hai buổi họp mặt nhà đầu tư của iFan, ông Diệp Khắc Cường diễn thuyết mạch lạc về những tính năng, tiềm lực của nền tảng quản lý nghệ sĩ VFan. Ông nói về tương lai của một ứng dụng lưu trữ mọi “tài sản” của một người nghệ sĩ như hình ảnh, âm nhạc, video, tin tức…

Diệp Khắc Cường có mặt tại sự kiện “Ứng dụng công nghệ Blockchain 4.0 vào VFan”.

“Không có bất kỳ ca sĩ nào cưỡng lại được sự hấp dẫn của app. Chỉ cần ứng dụng này thì không cần phải chơi với ai nữa”, ông Cường tuyên bố tại một sự kiện của iFan.

“Tôi đầu tư vì nghĩ dự án này của Diệp Khắc Cường, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nên sẽ không lừa tôi đâu. Lòng tham ai cũng có nhưng phải tham cho hợp lý.

Nhờ dự án (ShowbizStore – PV) của ông Cường mà iFan trở nên hợp lý”, chị L. – một nạn nhân của iFan đang sống ở quận 9, TP.HCM nói. Người này cho rằng chính tên tuổi và dự án của Diệp Khắc Cường đã khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chơi “tất tay”.

“Nếu không có Diệp Khắc Cường, iFan chẳng ai quan tâm. Ông Cường nên nghiêm túc nhìn nhận tầm quan trọng khi xuất hiện của mình ở iFan”, N.T. Huỳnh, một nhà đầu tư ở Hà Nội, chia sẻ.

“Diệp Khắc Cường cũng nói mà. Đỗ Hữu Lợi cũng đứng lên nói mà. Hôm trước đấy cũng mời cả Đàm Vĩnh Hưng đến”, một nạn nhân giấu tên chia sẻ lý do vì sao mình bị lừa tin vào hệ thống đa cấp iFan. Người này có học vị cao và tự nhận am hiểu về tiền mã hóa.

Nạn nhân tố iFan lừa ngàn tỷ: ‘Đàm Vĩnh Hưng cũng đến mà’ Không thể lấy lại vốn, những nhà đầu tư vào iFan chỉ còn biết tự trách mình vì tin vào một dự án được tô vẽ chuyên nghiệp, tinh vi, lợi dụng cả hình ảnh những người nổi tiếng.

Ngày 12/4, ông Hồ Xuân Văn – Tổng Giám đốc Modern Tech, cho biết mình và các nhà sáng lập cũng là nạn nhân của ông Cường, được mời đến các sự kiện để nói về tiền kỹ thuật số. Do vậy, Modern Tech bị các nhà đầu tư iFan hiểu lầm có liên quan đến hệ thống này. Đây là thông tin đưa ra từ phía ông Xuân Văn, chưa được kiểm chứng.

Là ‘cừu’ hay ‘sói’ trong vụ iFan?

Vậy Diệp Khắc Cường là “cừu” hay “sói” trong đường dây đa cấp iFan? Dưới đây là video cho thấy những lần ông này xuất hiện ở sự kiện iFan, nói về triển vọng của đồng tiền này, mời nhà đầu tư đến sự kiện Đàm Vĩnh Hưng và công bố dự án lớn “cấp quốc gia”. Phần kết luận dành cho cơ quan chức năng, và chính những nạn nhân đang tố ông Cường.

Diệp Khắc Cường nói trước những nhà đầu tư iFan Diệp Khắc Cường rũ bỏ mọi quan hệ với iFan, dù từng đứng thuyết trình trước mặt các nhà đầu tư, vẽ ra viễn cảnh tươi sáng, mời họ đến sự kiện Đàm Vĩnh Hưng.

Trong một diễn biến khác, ngày 13/4, một nhóm các nhà đầu tư cũng đã đến cơ quan công an ở TP HCM nộp đơn tố cáo. Đơn tố cáo của các nhà đầu tư đề nghị điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhóm cổ đông sáng lập dự án tiền ảo iFan, Pincoin và Công ty CP Modern Tech.

Và ông Diệp Khắc Cường cũng được nhắc đến trong đơn tố cáo với vai trò là người sáng lập dự án tiền ảo iFan. Một loạt hội thảo hoành tráng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã được tổ chức nhằm quảng bá, tạo lòng tin với nhà đầu tư, trong đó ông Cường xác nhận có xuất hiện tại 2 buổi diễn thuyết ở TP HCM và Vũng Tàu.

Theo một số luật sư, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, mọi việc sẽ rõ ràng là ai đã nhận tiền của nhà đầu tư, nhận bao nhiêu tiền…

Đức Huy