Việc lập kế hoạch sơ sài cùng sự không tính toán kỹ lưỡng đã khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc thiệt hại lớn từ các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Wang Wen, làm việc tại tập đoàn Bảo hiểm Xuất khẩu và Tín dụng Trung Quốc (Sinosure), cho rằng các nhà đầu tư tài chính cho các dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” cần cẩn trọng hơn trong việc lập kế hoạch và tính toán để tránh vướng vào những gói nợ khổng lồ.

Để chứng minh cho những thiệt hại, Wang Wen dẫn ra sai lầm của dự án đường sắt Addis Ababa – Djibouti trị giá 4 tỷ USD. Dự án này đã được khánh thành vào đầu năm nay, nhưng đang phải tái cơ cấu nợ vì thiếu điện. Dự án không thể hoạt động hết công suất như dự kiến và ước tính sẽ khiến Sinosure thiệt hại 1 tỷ USD.

hoat dong khong hieu qua sang kien vanh dai va con duong khien trung quoc thiet hai ca ty usd
Con đường sắt Addis Ababa – Djibouti trị giá 4 tỷ USD. (Ảnh: Xinhua)

“Khả năng lập kế hoạch của Ethiopia còn non nớt, thậm chí khi có cả sự trợ giúp của Sinosure và ngân hàng Trung Quốc, dự án vẫn rơi vào tình cảnh thua lỗ”, Wang Wen nói.

Một số dự án khác cũng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, như họ đã xây nhà máy tinh luyện đường ở châu Phi nhưng thiếu đi nguồn cung nguyên liêu chính là củ cải đường, hay dự án đường xe lửa không được sử dụng hết công suất ở Mỹ Latinh.

Được giới thiệu bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015, sáng kiến “Con đường và Vành đai” (hay còn gọi là Nhất đới Nhất lộ) nhằm mục đích tạo ra các tuyến đường giao thương hiện đại trên khắp châu Âu và châu Phi bằng cách xây dựng đường sắt, đường bộ và cảng biển.

Cho đến nay, sáng kiến này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững và tác động chính trị của nó.

Tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti, con đường sắt điện xuyên quốc gia đầu tiên của châu Phi, được xây dựng bởi Tổng công ty Cơ khí Đường sắt Trung Quốc và Tổng công ty Xây dựng Dân dụng Trung Quốc, với sự hỗ trợ vốn 3,3 tỷ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Sinosure là nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cho dự án trên, có trách nhiệm trong việc bảo lãnh các khoản vay từ các bên cho các dự án xây dựng quy mô lớn.

Sự hoạt động kém hiệu quả của dự án không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới những nước nghèo đi vay tiền khi họ phải gánh một khoản nợ lớn cho những thương vụ không mang lại lợi ích thực tế.

Giới chuyên gia cho rằng, để thỏa mãn tham vọng mở rộng quy mô dự án, Trung Quốc sẽ phải chuyển sang sử dụng nguồn vốn thương mại từ các doanh nghiệp và các công ty.

“Các dự án thuộc sáng kiến ‘Con đường và Vành đai là những công trình khổng lồ và cần có vốn thương mại”, chuyên gia tài chính Peter Burnett thuộc ngân hàng Standard Chartered nhận định.

Các chuyên gia cũng cảnh báo các nhà đầu tư tiềm năng phải có sự chuẩn bị kỹ càng, cân nhắc mọi khả năng cũng như vấn đề quản trị rủi ro nhằm tránh những “thảm họa” về mặt tài chính.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)