Căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thúc đẩy các “ông lớn” công nghệ Đài Loan chuyển sản xuất từ Trung Quốc về quê nhà để tránh thuế tăng cao. Đào Viên, thành phố 2 triệu dân nằm ven biển của Đài Loan, được hưởng lợi lớn nhất từ xu thế dịch chuyển này.

Theo Bloomberg, thành phố nhỏ nằm ở phía tây bắc của đảo Đài Loan này từ lâu đã gặp khó khăn khi nhiều công ty địa phương chuyển sản xuất sang Trung Quốc đại lục để hưởng lợi từ chi phí nhân công thấp và thương mại toàn cầu phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, các công ty công nghệ lớn nhất Đài Loan đã lựa chọn chuyển sản xuất về quê nhà để tránh thuế cao. Nhờ xu thế này, thành phố Đào Viên đang được hồi sinh.

Đào Viên nằm cách thành phố Đài Bắc chỉ 1 giờ lái xe, đồng nghĩa với việc nằm không xa so với sân bay quốc tế Đài Loan và được nhiều bên hỗ trợ. Đây là lý do vì sao Đào Viên trở thành địa điểm hấp dẫn cho các “đại gia” công nghệ Đài Loan đang tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy sản xuất mới thay thế Trung Quốc đại lục.

Động thái mới nhất của các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan dự kiến sẽ làm thay đổi chuỗi cung ứng đã tồn tại và phát triển suốt nhiều thập kỷ qua. Từ công ty Pegatron chuyên lắp ráp iPhone cho đến công ty máy tính Compal Electronics, đều đang chuẩn bị kết thúc những hợp đồng sản xuất tại Trung Quốc vốn đã kéo dài từ thập niên 1980. Cùng với nhà cung cấp Inventec của Apple, 3 doanh nghiệp này đang mở rộng hoạt động sản xuất tại Đào Viên khi cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ngoài ra, công ty sản xuất máy tính Quanta cũng đang tìm đất tại Đài Loan để mở rộng sản xuất.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, Charles Lin, CFO của Pegatron, cho biết: “Mô hình hoạt động của chúng tôi sẽ có sự thay đổi lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong tương lai, hoạt động sản xuất sẽ được dàn trải ra nhiều quốc gia khác nhau và chúng tôi sẽ không thể xây dựng các nhà máy lớn tại những nơi như Trung Quốc”.

30 năm trước, nhiều doanh nghiệp có trụ sở ở Đào Viên và nhiều nơi khác trên đảo Đài Loan chuyển nhà máy sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng chi phí nhân công thấp hơn, qua đó biến Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, khoảng 15 trong số 20 nhà xuất khẩu hàng đầu đến Mỹ trong năm 2016 có xuất xứ từ Đài Loan.

Thế nhưng, giờ đây cuộc chiến thuế quan với Mỹ và chi phí nhân công tăng mạnh đã khiến việc sản xuất tại Trung Quốc đại lục trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với tại Đài Loan.

Đáng chú ý, trong tuyên bố đưa ra ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ cho đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông và Chủ tịch Tập Cận Bình không đạt được một thỏa thuận tại cuộc gặp dự kiến diễn ra trong tuần này tại Argentina.

Angela Hsieh, chuyên gia kinh tế tại Barclays, nhận định: “Với mức thuế dự kiến tăng lên 25% từ đầu năm 2019 với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ càng thúc đẩy các doanh nghiệp Đài Loan sớm thực hiện kế hoạch trở về quê nhà hoặc chuyển nhà máy sản xuất sang một địa điểm khác”.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Đào Viên cũng tranh thủ nắm bắt cơ hội được hồi sinh nhờ chiến tranh thương mại bằng việc đưa ra chính sách thu hút đầu tư để lôi kéo các doanh nghiệp trở về quê nhà. Hoạt động của khoảng hơn 30 khu công nghiệp tại Đào Viên trong năm 2017 mang đến kết quả tích cực với sản lượng công nghiệp ước tính đạt 100 tỷ USD.

Vỹ An (Tổng hợp)