Bị cáo liên tục kêu oan, sơ thẩm lần 1 tòa xử 3 năm tù treo, đến sơ thẩm lần 2 tòa xử 7 năm tù giam.

Vừa qua, TAND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) xử sơ thẩm lần 3, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Đắc (42 tuổi, ngụ thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) 7 năm tù giam về tội hủy hoại rừng. Đây là vụ án mà ông Đắc liên tục kêu oan trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, theo Zing.

Quá trình từ án treo thành tù giam

Bản án sơ thẩm lần 3 xác định, tháng 3/2011, ông Nguyễn Thái Đắc thuê một số người đến khoảnh 6, tiểu khu 220 (thuộc thôn Đoàn Kết, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) chặt, phát dọn trái phép 7,4ha đất rừng sản xuất do xã Suối Trai quản lý để làm rẫy. Theo đó, lâm sản bị thiệt hại được xác định là 149,5m3 gỗ… với tổng giá trị thiệt hại 436 triệu đồng.

Trước đó, tháng 9/2016, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, TAND huyện Sơn Hòa phạt ông Đắc 3 năm tù và cho hưởng án treo.

Ngày 23/1, sau khi ông Đắc kháng cáo kêu oan, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại. Theo đó, nội dung, giá trị pháp lý của các văn bản mà bị cáo, các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo đã viện dẫn, chứng minh bị cáo không phạm tội đều được xem xét lại.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm này, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên đã nhận định: Bị cáo không nhận tội, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt 3 năm tù và cho hưởng án treo là không đúng. Có điều là không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng hình phạt, không cho hưởng án treo.

Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, đồng thời kiến nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, tòa phúc thẩm vẫn tuyên hủy án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Thái Đắc phân tích bản đồ, một trong những căn cứ buộc tội luật sư cho là không có giá trị pháp lý. (Ảnh: Tấn Lộc).

Bất ngờ thay đổi lời khai buộc tội

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ liên quan đến chứng cứ buộc tội đối với bị cáo Đắc. Phần lớn các cơ quan liên quan đều thay đổi lời khai so với trước. Đây cũng chính là lời khai mà cả VKS, HĐXX đều dùng làm căn cứ chính để buộc tội.

Cụ thể, tháng 7/2012 và tháng 7/2015, Trung tâm Quy hoạch-Thiết kế nông thôn tỉnh Phú Yên có hai công văn trả lời cho Cơ quan CA huyện Sơn Hòa cho rằng, diện tích 7,4ha là đất lâm nghiệp ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc ngày 6/5/2016, Giám đốc trung tâm lại cho rằng nội dung các công văn trước đây của cơ quan này là không đúng. Nguyên nhân là do hiểu, áp dụng chưa đúng các văn bản của cơ quan thẩm quyền nên dẫn đến sai sót.

Tương tự, năm 2012 và 2015, Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa cũng có hai công văn xác định, diện tích 7,4ha tại khoảnh 6, tiểu khu 220 là đất lâm nghiệp nằm ngoài 3 loại rừng. Đến tháng 8/2016, Phòng NN&PTNT lại có công văn phủ nhận ý kiến của chính mình.

Tại phiên tòa lần này, đại diện trung tâm quy hoạch thừa nhận, trước đây cơ quan này tham gia thiết kế bản đồ quy hoạch về đất rừng xã Suối Trai và có xác định tiểu khu 220 nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Đại diện trung tâm cho rằng, đó là do sai sót và đã có văn bản đính chính là diện tích này nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Đại diện Phòng NN&PTNT cũng trình bày qua kiểm tra lại thì diện tích đó là rừng nghèo, do xã Suối Trai quản lý. Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, đơn vị có trách nhiệm quản lý, triển khai bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, cũng cho là do sai sót và xác định lại là xã Suối Trai có rừng sản xuất.

Chứng cứ buộc tội không có căn cứ?

Tại phiên tòa, theo đại diện VKS, căn cứ để xác định khu vực mà ông Đắc tác động nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, với chức năng đất rừng sản xuất là kết luận giám định tư pháp của Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên.

Căn cứ pháp lý để đưa ra kết luận đất rừng sản xuất là bản đồ kỹ thuật số trên máy tính về quy hoạch 3 loại rừng và 2 tấm bản đồ giấy về rà soát quy hoạch 3 loại rừng, hiện trạng rừng huyện Sơn Hòa theo Chỉ thị 38/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Không đồng ý, LS bào chữa cho bị cáo Đắc cho rằng, cơ sở mà các giám định tư pháp đưa ra là không có căn cứ pháp lý vì các bản đồ trên không xác định cơ quan, thời điểm ban hành, có hiệu lực pháp lý từ khi nào, không được đóng dấu…

LS bào chữa cho bị cáo Đắc cũng đưa ra một số tài liệu chứng minh xã Suối Trai không có rừng sản xuất. Đó là các bản thống kê chi tiết rừng, đất lâm nghiệp theo chức năng sử dụng tính đến ngày 31/12/2014 do các cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa thực hiện.

Trong các bản thống kê chi tiết này, xã Suối Trai chỉ có rừng đặc dụng, không có diện tích rừng sản xuất. Các bản thống kê này do đại diện lãnh đạo 6 cơ quan chức năng của huyện Sơn Hòa ký tên, đóng dấu xác nhận.

Tương tự, một số biểu mẫu do cơ quan có chức năng kiểm tra, thống kê về rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa là Hạt Kiểm lâm huyện lập, cơ quan quản lý rừng là UBND xã Suối Trai xác nhận đến ngày 14/12/2011 trên địa bàn xã này không có rừng sản xuất.

Do đó, LS cho rằng, khu vực mà ông Đắc tác động trên thực tế không có rừng sản xuất. Mặt khác, sau khi sự việc xảy ra, xã Suối Trai 2 lần lập biên bản đều chỉ thể hiện ông Đắc xâm canh đất chứ không phải hủy hoại rừng. Vì vậy, khu vực mà ông Đắc tác động không phải là rừng sản xuất nên không thể buộc ông này phạm tội hủy hoại rừng.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Đắc phạm tội hủy hoại rừng và tuyên phạt mức án như thông tin đã đưa ở trên.

Điều 189 BLHS 1999: Tội hủy hoại rừng

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hủy hoại diện tích rừng rất lớn; chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ; gây hậu quả rất nghiêm trọng…

Khôi Minh