TS Đinh Sơn Hùng – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng cần phải làm rõ số vốn vay nợ ODA hiện đang là 600.000 tỷ đồng, vượt gấp đôi định mức Quốc hội cho phép.

Chia sẽ trên báo Đất Việt, ông Hùng lý giải vốn vay ODA là thế hệ này vay và thế hệ sau phải trả, đây không là khoản tiền được cấp phát miễn phí, do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cần phải giải trình rõ một số vấn đề.

Thứ nhất, vì sao cần phải vay vốn nợ lên tới 600.000 tỷ đồng? Việc vay vốn này có cấp thiết không? Kế hoạch sử dụng dòng vốn vay này cụ thể như thế nào? Vốn đó được đầu tư cho những dự án, lĩnh vực nào và có hiệu quả hay không?

Thứ hai, Bộ KH-ĐT là cơ quan tham mưu, đại diện cho Chính phủ thực hiện báo cáo về sử dụng vốn vay hàng năm, đây là nhiệm vụ bắt buộc, do đó Bộ KH-ĐT phải thực hiện báo cáo công khai, minh bạch.

Để đảm bảo tính minh bạch, theo ông Hùng, Quốc hội cần yêu cầu Bộ KH-ĐT công khai nguồn vốn vay đã được đầu tư tại từng dự án, lĩnh vực cụ thể đi cùng với đó là những báo cáo tác động, hiệu quả của dòng vốn đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội.

“Tôi không biết Bộ KH-ĐT sẽ báo cáo những gì và báo cáo thế nào, nhưng cá nhân tôi đánh giá việc sử dụng vốn vay ODA thời gian qua là chưa hiệu quả”.

“Điển hình những dự án đầu tư cho phát triển giao thông vận tải, nhữn dự án làm đường xá, cầu cống… hầu hết là không hiệu quả, dự án nào cũng bị chậm tiến độ, đội vốn, nhiều vấn đề sai phạm xảy ra. Vì vậy, nếu Bộ KH-ĐT nói rằng vốn vay ODA đầu tư cho lĩnh vực này là hiệu quả, tôi không tin, dư luận và người dân họ cũng không tin đâu”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nếu yêu cầu Bộ KH-ĐT giải trình một cách rõ ràng, minh bạch ở từng dự án, từng lĩnh vực cụ thể thì sẽ đánh giá được ngay yêu cầu vay tới 600.000 tỷ đồng vốn ODA là hợp lý hay không và hiệu quả sử dụng dòng vốn đó thế nào.

Thứ ba, về giải thích của đại diện Bộ Tài chính cho rằng “Quốc hội phê chuẩn con số 300 nghìn tỷ đồng nhưng đó không phải là con số ký kết vì việc đàm phán ký kết không có nghĩa là số tiền được giải ngân hết ngay trong giai đoạn này. Hiện tại, Chính phủ và các bộ vẫn có chủ trương xem xét các khoản vay cho những dự án đầu tư mới nhưng đó cũng mới chỉ là chủ trương để tính toán đàm phán và như thế chưa phát sinh những khoản nợ. Còn những khoản đã đàm phán trong năm 2016 – 2017 nhưng chưa giải ngân được thì cũng tính vào giai đoạn sau 2016 – 2020”.

Ông Hùng không đồng tình với giải thích này đồng thời ông yêu cầu Bộ KH-ĐT giải thích rõ nguyên nhân vì sao đã ký kết đàm phán vay vốn nhưng lại chưa giải ngân được?.

“Tôi cho rằng ở đây có hai vấn đề. Một là, có biểu hiện của tâm lý cứ đi vay, vay thật nhiều để lấy thành tích. Hai là, vốn đã ký kết, đàm phán nhưng chưa giải ngân được vẫn làm tăng nợ công. Vì muốn vay vốn ODA ngoài việc phải chịu một khoản lãi suất nhất định thì phải cam kết thực hiện rất nhiều điều kiện khác, ví dụ như yêu cầu phải có vốn đối ứng; hoặc phải sử dụng nhà thầu, nguyên liệu, nhân công thậm chí còn phải chấp nhận chia lại quả, chia chác lợi lộc mới có thể vay được vốn.

Nếu dòng vốn đó đã được ký kết đàm phán nghĩa là Việt Nam đã thực hiện các thủ tục, hợp đồng vay vốn và phải chấp nhận trả lãi hàng năm cho số vốn đã thực hiện ký kết. Việc không giải ngân được là vấn đề của Việt Nam và không liên quan tới hợp đồng đã ký kết đàm phàn vay vốn.

Như vậy, Bộ KH-ĐT phải làm rõ vì sao vay vốn ODA nhưng không giải ngân được? Nếu đã ký kết đàm phán mà không giải ngân được nghĩa là nợ đang chồng nợ? Nợ vốn vay, nợ lãi suất, nợ do đầu tư không hiệu quả… như vậy vay về mà không giải ngân được còn tệ hơn, nguy hiểm hơn là không đi vay”, ông Hùng chỉ rõ.

Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, yêu cầu về sử dụng nguồn vốn rất lớn, việc vay nợ là bắt buộc nhưng phải tính toán tới hiệu quả sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ của nền kinh tế.

“Nếu vay vốn nhiều nhưng sử dụng không hiệu quả, dòng vốn đó không thúc đẩy được nền kinh tế phát triển có nghĩa là “tiền mất mà tật mang”, vừa không tạo ra nguồn thu để trả nợ, vừa tạo thêm gánh nợ cho thế hệ tương lai. Việc này phải tính toán”, ông Hùng nói.

Liên quan tới chủ trương hợp nhất một đầu mối, giao cho Bộ Tài chính quản lý nợ, TS. Đinh Sơn Hùng cho rằng đây là chủ trương đúng nhằm quy trách nhiệm về một mối, tránh tính trạng “cha chung không ai khóc”. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng Chính phủ phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch để tránh tình trạng dồn quyền lực về duy nhất một đơn vị dễ nảy sinh cơ chế xin cho, khó kiểm soát quyền lực.

Quang Minh