Chính phủ vừa ban hành nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó bãi bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa với sức chứa ít nhất 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.  

Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được Chính phủ vừa ban hành theo đề nghị của Bộ Công Thương, nhiều điều kiện xuất khẩu gạo gây khó khăn cho doanh nghiệp đã được cắt giảm.

Theo nghị định mới, các thương nhân sẽ được phép xuất khẩu gạo khi chỉ cần có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc gạo, và có ít nhất một cơ sở xay xát phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không giới hạn sức chứa hay công suất như trước đây.

Kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.

Tuy nhiên, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo để đảm bảo thương nhân đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Quy định mới này được cho là cởi trói cho việc xuất khẩu gạo của thương nhân, bởi theo Nghị định 109 trước đây (ban hành năm 2010), các thương nhân muốn được phép xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và 1 cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, đồng thời kho chứa và cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố có thóc gạo xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Nghị định 107 cũng có một quy định rất thoáng đối với thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, vì những loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và không phải báo cáo theo quy định.

Các quy định về kho chứa và cơ sở xay xát trước đây kiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu một chi phí rất lớn để khởi nghiệp, hạn chế các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thị trường và không phù hợp với kinh tế thị trường.

Nghị định 107, có hiệu lực từ tháng 10/2018, dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,15 triệu tấn gạo với kim ngạch gần 2,1 tỷ USD tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2018 (tăng gần 1/3 về giá trị so với cùng kỳ năm trước).

Dự báo, các thị trường truyền thống của Việt Nam như Cuba, Iraq, Indonesia, Philippines và Malaysia có thể sẽ nhập khẩu 3-4 triệu tấn gạo trong quý 4/2018 (chưa kể Trung Quốc và châu Phi), đưa khối lượng xuất khẩu cả năm vượt xa con số 5,7 triệu tấn của năm 2017.

Trong báo cáo công bố tháng 8/2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo của thế giới niên vụ 2018/19 sẽ đạt 487,57 triệu tấn, trong đó nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới là 46,66 triệu tấn.

Theo dự báo của USDA, được đưa ra trước khi Việt Nam nới lỏng quy định về xuất khẩu gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong niên vụ 2018/2019 dự kiến đạt khoảng 7 triệu tấn.

Minh Tuệ