Một người dân Đắk Lắk bị oan sai hơn 20 năm, đến lúc qua đời vì bệnh tật vẫn chưa được các cơ quan tố tụng từ cấp huyện lên đến tỉnh xin lỗi, bồi thường mà đùn đẩy trách nhiệm.

Ngày 6/11, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk thông tin với Báo Người Lao Động, đến nay vẫn chưa thống nhất được cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong việc xin lỗi, bồi thường oan sai cho ông Trịnh Công Minh (sinh năm 1973, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk).

Mới đây, bà Tố Thị Thanh Tâm (sinh năm 1983, vợ ông Minh) đã gửi đơn yêu cầu VKSND huyện Krông Ana phải xin lỗi công khai và bồi thường cho chồng mình hơn 20 năm trước mang danh trộm cắp, theo Báo Dân Trí.

Theo đơn, do cần tiền trả nợ, ngày 29/1/1997, ông Minh nhờ ông Nguyễn Bá Tính mượn giúp 1 chỉ vàng. Ông Tính đồng ý và hẹn ngày 2/2/1997 đến nhà ông Trần Hợp Sơn (thị trấn Buôn Trấp) để vay giúp.

Tối cùng ngày, hai người đến nhà ông Sơn. Ngồi nói chuyện được ít phút thì 4 công an tới. Những người này hỏi ông Sơn về nguồn gốc máy móc, phụ tùng trong nhà. Sau khi kiểm tra giấy tờ, công an lại hỏi về chiếc xe máy đang dựng ở hông nhà nhưng ông Sơn trả lời không biết. Sau đó, ông Minh bị bắt về hành vi trộm cắp xe máy, theo Báo Tuổi Trẻ.

Ngày 12/10/1997, TAND huyện Krông Ana tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam. Ông này kêu oan và kháng án.

Ngày 18/12/1997, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về công an huyện điều tra bổ sung. Sau đó, VKSND huyện Krông Ana truy tố ông Minh ra tòa lần 2 nhưng lại trả hồ sơ.

Sau khi bị giam hơn 17 tháng, ngày 22/7/1998, ông Minh được hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay bằng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Từ đó, ông Minh ròng rã vác đơn đi kêu oan khắp nơi. Đến ngày 16/3/2015, VKSND huyện Krông Ana hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Minh vì cho rằng không có căn cứ. 3 ngày sau, công an huyện đình chỉ điều tra vì quá thời hạn mà không chứng minh hành vi phạm tội của bị can.

Chưa được rửa sạch tội danh, đầu năm 2018, ông Minh qua đời do bệnh tật, để lại di nguyện gia đình phải nhận được lời xin lỗi công khai từ cơ quan chức năng đã kết luận sai dẫn đến án oan cho ông suốt ngần ấy năm.

Ngoài ra, theo bà Tâm, năm 2001, một công an huyện Krông Ana nhờ ông Minh theo dõi 2 người chuyên trộm cắp trâu bò. Sau một thời gian, 1 trong 2 đối tượng trên về bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản.

Ngày 22/9/2013, ông mới biết mình bị khởi tố về hành vi đồng phạm trộm trâu bò từ 10 năm trước.

Chồng mất, bà Tâm tiếp tục làm đơn đến Trung ương yêu cầu xin lỗi, bồi thường nhưng chỉ nhận được sự hồi đáp “đã nhận”.

Cũng theo Báo Người Lao Động, trong một diễn biến khác, sau khi được xác định oan sai, ông Minh yêu cầu bồi thường. Song, tại cuộc họp liên ngành vào ngày 10/6/2015, các cơ quan thẩm quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đại diện công an và VKSND huyện Krông Ana cho rằng TAND huyện phải chịu trách nhiệm bồi thường nhưng tòa án này đẩy việc bồi thường ngược lại. Sau đó, cấp huyện đẩy lên cấp tỉnh nhưng không nơi nào nhận trách nhiệm.

CSĐT cả hai cấp cho rằng, TAND huyện Krông Ana đã xét xử sơ thẩm, cấp phúc thẩm hủy án điều tra lại, sau đó CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không chứng minh được bị can phạm tội. Do đó, căn cứ vào luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì TAND huyện Krông Ana phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, quan điểm của VKSND hai cấp, việc đình chỉ hay tạm đình chỉ tại thời điểm năm 1998 không thay đổi bản chất sự việc là không chứng minh được bị can phạm tội nên tạm đình chỉ được ngầm hiểu với lý do “Thời hạn điều tra đã hết mà không chứng minh được bị can thực hiện phạm tội”.

Phía TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng, sau khi tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm thì VKSND huyện Krông Ana vẫn tiếp tục truy tố. Sau đó, CQĐT làm mất hồ sơ vụ án nên tòa cấp sơ thẩm không xác định được CSĐT đã điều tra những nội dung gì? Hoạt động tố tụng diễn ra như thế nào? Tài liệu đang điều tra bổ sung có trong hồ sơ vụ án đã đủ chứng cứ chứng minh ông Minh phạm tội?

Hoàng Minh (Tổng hợp)