Daniel Tammet là một nhà văn, nhà biên dịch, thiên tài bị tử kỷ người Anh. Anh không chỉ sở hữu khả năng toán học siêu thường, mà còn có khả năng học và tiếp thụ ngoại ngữ một cách siêu tốc. Anh có thể nói thành thạo 10 thứ tiếng và thời gian để anh học một ngôn ngữ mới là chỉ trong vòng một tuần! Không chỉ vậy, anh mắc một hội chứng gọi là cảm giác kèm, khiến anh có thể nhìn thấy những con số và chữ thông thường dưới dạng các màu sắc và hình dáng khác nhau.

Vẫn có rất nhiều điều các nhà khoa học vẫn chưa thể biết đến về tình trạng của anh.

Ảnh:a1.ro

Sinh năm 1979 tại phía đông thành phố London, Anh,  Tammet có một tuổi thơ không hề dễ dàng. Khi lên 3, anh bị chẩn đoán mắc chứng động kinh và rất hay khóc. Gia đình đã đưa anh đi viện và anh đã được kê rất nhiều loại thuốc. Anh cũng bị mắc hội chứng Asperger, một dạng tự kỷ làm hạn chế khả năng giao tiếp hoặc xây dựng các quan hệ với những người khác , tuy rằng phải đến 25 tuổi tình trạng của anh mới được chẩn đoán và xác nhận.

Tuy mắc chứng tự kỷ bẩm sinh nhưng anh vẫn rất muốn có bạn bè. Anh chia sẻ:

“Tôi đã rất muốn có một người bạn và tôi thường nằm trên giường vào buổi đêm, suy nghĩ xem việc đó sẽ như thế nào. Các em trai và em gái của tôi đều có bạn bè và tôi thường xem họ chơi để thử hình dung xem họ đang làm gì và tình bạn không biết có cảm giác như thế nào. Sau này, tôi từng hy vọng có thể đánh đổi mọi thứ để có được sự bình thường như bao người khác”.

Nhưng dường như đó đã là một quy luật của tạo hóa, khi bạn mất cái này thì trời sẽ cho bạn cái khác. Anh không chỉ phải sống với những dị tật tâm trí bẩm sinh, mà còn có những khả năng trời phú phi thường. Anh chia sẻ:

“Nhưng kể từ đó tôi học được rằng sự khác biệt không hoàn toàn là một điều xấu”.

Anh có khả năng tính toán siêu nhanh. Anh có thể tính giá trị căn bậc hai của những con số cực lớn. Anh có thể nhân những con số có không dưới 3 chữ số khác nhau. Tất cả đều được tiến hành trong đầu anh mà không cần giấy bút. Trên thực tế, anh không hề “tính toán” theo nghĩa đen. Bởi khi vừa nghe câu hỏi, anh có thể ngay lập tức bật ra câu trả lời.

Đặc biệt, anh từng thiết lập kỷ lục Châu Âu vào năm 2004 khi có thể đọc ra chính xác 22.514 chữ số theo sau dấu thập phân của số pi (3,14….) – một số vô tỉ không tuần hoàn khi có đến vô hạn các chữ số theo sau dấu thập phân và chúng không theo một quy luật nào cả.

Anh đã đọc ra chính xác 22.514 chữ số trong vòng liên tục 5 giờ đồng hồ không ngừng nghỉ. Các chữ số cứ như thế đến với anh một cách rất tự nhiên, không cần bất cứ gợi ý hay mẹo mực nào cả.

Số pi là một số vô ti không tuần hoàn. Ảnh: Ozy
Daniela Tammet đứng trước bảng dãy số pi. Anh đã thiết lập kỷ lục Châu Âu khi độc ra 22.514 chữ số sau dấu phẩy của số pi trong vòng 5 giờ đồng hồ. Ảnh: timenewsfeed

Không chỉ vậy, anh còn có khả năng học ngoại ngữ phi thường. Anh đã học và thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, bao gồm tiếng Anh, Pháp, Phần Lan, Đức, Tây Ban Nha, Lithuania, Romania, Estonia, Iceland, Welsh và Esperanto.

Việc học hàng chục ngoại ngữ dường như không phải là vấn đề gì lớn, bởi có rất nhiều người làm được, chỉ cần một chút kỹ năng hay phương pháp thích hợp. Tuy nhiên điểm đặc biệt ở Tammet là khả năng học siêu tốc một ngôn ngữ mới. Một ví dụ điển hình như vậy là thử thách học tiếng Iceland, được truyền hình trực tiếp trên một kênh truyền hình của nước này. Chỉ cần đúng 7 ngày tiếp xúc với ngôn ngữ, anh đã có thể trò chuyện lưu loát, trôi chảy với người bản địa. Hướng dẫn viên tiếng Iceland của Daniel đã phải thốt lên rằng anh ta “không phải con người.”

Khiếu ngoại ngữ của anh lớn đến nỗi anh đã tự phát minh ra một ngôn ngữ mới gọi là tiếng Manti.

Nhưng đây chưa phải là khả năng đặc biệt và ấn tượng nhất của anh, bởi đặc biệt và ấn tượng nhất phải kể đến chính là hội chứng cảm giác kèm (synesthesia), một sự kết hợp tương hỗ đan xen giữa các giác quan với nhau, khiến các con số và chữ cái hiện lên trước mắt anh với màu sắc và hình dáng đa dạng, trái biệt với những gì mọi người nhìn thấy. Ví dụ như trong hình dưới:

Bảng hiển thị hình dạng các con số dưới cặp mắt của Tammet. Ảnh: Ted

Ví dụ như các con số từ 1 đến 12 trong hình trên. Mỗi con số đối với anh đều có hình dáng và tính chất đặc thù.

Số 1 là một vệt lóe sáng màu trắng. Số 6 là một hố đen nhỏ và khá buồn rầu. Các con số trong hình có màu trắng đen, nhưng trong tâm trí anh chúng đều có màu sắc. Số 3 có màu xanh lục. Số 4 có màu xanh dương. Số 5 có màu vàng.

Ví dụ minh họa về cảm nhận của người mắc hội chứng cảm giác kèm với “hình dáng và màu sắc” của các con cố. Ảnh: Wikimedia

Còn đây là số Pi dưới cặp mắt của anh:

Màu sắc và hình dạng con số pi dưới cặp mắt của anh Tammet. Ảnh: Ted

Các con số tự nó đã đặc biệt, nhưng việc thực thiện phép tính nhẩm các con số với nhau đối với anh còn đặc biệt hơn. Lấy ví dụ, số 2 là một hình cong biểu thị sự chuyển động, số 5 là một cái vỗ tay sét đánh.

“Khi tôi nhân hai số lại với nhau, tôi thấy hai hình dạng. Hình ảnh bắt đầu thay đổi và biến hóa, và một hình dáng thứ ba xuất hiện. Đó chính là câu trả lời. Đó là hình ảnh trong tâm trí [biểu thị kết quả phép nhân]. Nó giống như làm toán mà không cần phải suy nghĩ vậy”, anh Tammet chia sẻ.

Lấy ví dụ như phép tính nhân 53 x 131 trong đầu Tammet sẽ diễn ra như sau:

Cách tính nhân của anh Tammet. Ảnh: TED

Cụ thể:

Cách tính nhân của anh Tammet. Ảnh: Fascinating Things

Dù bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, nhưng trên thực tế qua tiếp xúc, anh không cho thấy dấu hiệu rõ ràng của trạng thái khuyết tật tinh thần. Tâm trí của anh rất rõ ràng. Anh có thể miêu tả quá trình dư duy trong đầu mình, như ví dụ chúng ta thấy trong phép tính nhân ở trên. Anh đã viết một cuốn sách về điều này gọi là “Born on the Blue Day (tạm dịch: Sinh ra trong một ngày buồn)”, đã lọt danh sách các đầu sách bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn.

Bìa sách “Born on the Blue Day” của anh Daniel Tammet. Ảnh: Message to Eagle

Phi thường là vậy, nhưng anh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Tammet có giọng nói dịu nhẹ. Anh khá ngại tiếp xúc trực tiếp bằng mắt, điều này khiến anh trẻ hơn so với tuổi. Anh hiện sống ở bờ biển Kent, nhưng không bao giờ tiến đến quá gần bãi biển – có quá nhiều viên sỏi để đếm ở đó. Việc có một bài toán mà chưa thể tìm ra lời giải sẽ khiến anh cảm thấy không thoải mái. Những lần đi mua sắm tại siêu thị luôn là một công việc đáng e ngại đối với anh.

Anh cho biết, có quá nhiều thứ kích thích óc suy nghĩ ở đó. Giá cả mỗi món đồ, cách sắp xếp của rau quả và trái cây, đều có những màu sắc và hình dáng đa dạng, choán hết không gian trước mắt anh. Vì vậy, anh không thể nào tìm được một câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi như “Tôi muốn mua loại phô mai nào trong tuần này?” giống như mọi người.

“Tôi thực sự cảm thấy không thoải mái”, anh chia sẻ.

Tammet chưa bao giờ có thể làm việc được từ 9 giờ sáng đến 5 giờ tối như mọi người bình thường. Thật quá khó để có thể phù hợp với lịch sinh hoạt hàng ngày của anh. Ví dụ, anh sẽ phải uống trà vào một giờ chính xác trong ngày. Mọi thứ phải xảy ra theo đúng trật tự của nó. Anh luôn chải răng trước khi tắm.

“Tôi đã thử cố gắng trở nên linh hoạt hơn, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy không thoải mái. Tôi hiểu rằng có thể kiểm soát và tự chủ được mọi thứ thực sự là một điều quan trọng. Tôi thích làm những việc theo thời gian biểu của riêng mình, theo phong cách riêng của riêng tôi, nên một văn phòng với các chỉ tiêu và phong cách quan liêu thật sự không phù hợp”, anh chia sẻ.

Thay vào đó, anh đã thiết lập một công việc kinh doanh riêng tại nhà, viết các khóa học qua email cho khách hàng cá nhân. Cách làm việc này có một lợi ích là có thể giảm việc giao tiếp  giữa người với người xuống mức tối thiểu. Nó cũng cho phép anh dành thời gian để phát triển ngôn ngữ Manti do anh tự sáng chế.

Những thiên tài tự kỷ như Timmer có rất nhiều tài năng, từ việc lặp lại toàn bộ chín chương sách dày cộp của Bộ Từ điển Lịch sử Âm Nhạc Grove cho đến đo lường khoảng cách chính xác chỉ nhờ cặp mắt thường, mà không có bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào. Lấy ví dụ, anh chàng khiếm thị bẩm sinh người Anh Derek Paravicini có thể chơi lại bất kỳ bản nhạc nào sau khi chỉ mới nghe nó lần đầu tiên. Trong đầu anh là một bộ từ điển gồm hàng chục nhìn bài hát, khiến anh được gắn biệt danh “chiếc Ipod ngoài đời thực (human ipod)”. Hay thiên tài người Anh Stephen Wiltshire, người có thể vẽ chính xác bản đồ toàn bộ đường chân trời của thủ đô London từ ký ức sau khi chỉ ngó nghiêng đúng một lần từ chuyến bay trực thăng trên bầu trời thành phố.

Thiên tài người Anh Stephen Wiltshire vẽ lại toàn bộ quanh cảnh thủ đô London từ ký ức sau khi chỉ ngó nghiêng đúng một lần từ chuyến bay trực thăng trên bầu trời thành phố. Ảnh: Stephen Wiltshire

Những trường hợp như vậy có nhiều, rất nhiều. Nó đủ khiến bất kỳ ai phải có một cái nhìn khác biệt về tiềm năng gần như vô hạn của cơ thể người. Nhưng nó không phải là tài sản độc quyền của các thiên tài kia.

Hẳn bạn đã từng nghe ở đâu đó về kết luận của giới khoa học, rằng chúng ta chỉ sử dụng được đến 10% bộ não, còn 90% bộ não kia là tiềm năng chưa khai phá. Một số thiên tài như Einstein, bằng cách nào đó, có thể vận dụng nhiều hơn còn 10% khiêm tốn kia, đến 20% chẳng hạn.

Theo Giáo sư Allan Snyder, từ Trung tâm Tâm trí trực thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, tất cả chúng ta đều sở hữu các khả năng phi thường như của các thiên tài – chỉ là vấn đề làm cách nào để tiếp cận chúng.

“Nhiều thiên tài thường có một số dạng thức tổn thương nào đó trong não bộ. Cho dù đó là một sự khởi đầu của chứng bệnh sa sút trí tuệ về sau, hay một chấn thương ở phần đầu hay trong trường hợp của Daniel, chứng bệnh động kinh hồi bé. Và chính trạng thái tổn thương não bộ đó đã tạo ra những thiên tài này. Tôi nghĩ rằng một người hoàn toàn bình thường cũng có thể tiếp cận những khả năng phi thường này, do vậy việc được làm việc cùng với Daniel có thể sẽ rất hữu ích”, ông cho hay.

GS Snyder muốn nói rằng chính những tổn thương bộ não này (bẩm sinh hay nhân tạo) đã tạo ra những thay đổi cấu trúc trong bộ não, khiến họ bứt phá ngưỡng 10% khả năng sử dụng bộ não kia, biến họ trở thành các thiên tài.

Video:

Quý Khải