Vũ trụ thật bao la, liệu sự khám phá của khoa học có thể giải khai được vô vàn những bí mật còn ẩn giấu? Hay bạn tin rằng hẳn phải có một Đấng Sáng tạo với quyền năng thiêng liêng đã tạo nên vạn vật như chúng ta đang thấy.

Một số người cho rằng tôn giáo không phù hợp cho các nhà khoa học, nhưng họ có nhận ra rằng cha đẻ của thuyết Big Bang thực sự là một linh mục Công giáo, người tiên phong của di truyền học hiện đại là một nhà sư Dòng Augustinô, hay chính người thực hiện việc giải mã bộ gen người đã chuyển từ vô thần sang Kitô giáo ở độ tuổi 20?

Các nhà khoa học ngày nay có thể ít thuộc một tôn giáo nào đó hơn người bình thường, chỉ hơn một nửa số nhà khoa học được khảo sát trong năm 2009 cho biết họ tin vào thần linh hoặc các quyền năng cao hơn con người.

Hơn 50% các nhà khoa học được khảo sát trong năm 2009 cho biết họ tin vào thần linh hoặc các quyền năng cao hơn con người (Ảnh: ABC)

Liệu xung đột giữa tôn giáo và khoa học có sâu sắc như một số người nghĩ? Chúng ta hãy cùng gặp gỡ với hai nhà khoa học để xem cách họ bằng cách nào họ có thể giữ đức tin luôn hòa hợp với công việc của mình.

Tiến sĩ Jennifer Wiseman: Một nhà vật lý thiên văn học theo Thiên chúa giáo

Khi còn là một đứa trẻ, Jennifer thích ngắm bầu trời đêm với bố mẹ cô ở nông trại của họ tại Arkansas, Mỹ.

Cô chia sẻ: “Những ngôi sao thật đáng kinh ngạc. Ngước nhìn bầu trời tối khi ấy, tôi luôn tò mò có những gì ở trên cao kia và làm thế nào tôi có thể khám phá nó.”

Cũng vào khoảng thời gian đó NASA đã gửi phi thuyền Voyager đến các hành tinh bên ngoài của hệ mặt trời lần đầu tiên và chụp được những bức ảnh kỳ lạ.

Giờ đây Jennifer dành nhiều thời gian sử dụng kính thiên văn để nghiên cứu cách thức mà các ngôi sao và hành tinh được tạo ra – và chính cô là người đã khám phá ra sao chổi Wiseman-Skiff vào năm 1987.

Bầu trời đêm với vô vàn các vì sao đã thu hút Jennifer từ thời niên thiếu (Ảnh: ABC)

Cho tới nay, những cảm giác kỳ diệu và tò mò mà Jennifer cảm thấy như một đứa trẻ khi cô nhìn vào bầu trời đêm rộng lớn và lộng lẫy chưa bao giờ rời bỏ cô.

Jennifer nói: “Có ít nhất 200 tỷ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta và có thể có 400 tỷ thiên hà trong vũ trụ quan sát được của chúng ta, mỗi một thiên hà trong số lại có tới hàng tỉ ngôi sao”.

Mặc dù khoa học là một “công cụ tuyệt vời để hiểu về vũ trụ vật lý”, Jennifer vẫn chia sẻ thêm rằng niềm tin tôn giáo của cô cho cô câu trả lời của những câu hỏi triết học lớn hơn trong cuộc sống – như ý nghĩa của sự tồn tại của con người trong vũ trụ bao la này.

“Trong đức tin Kitô giáo, sự tồn tại của con người về cơ bản chính một món quà của tình yêu từ Thiên Chúa – người chịu trách nhiệm về vũ trụ,” cô nói.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là con người thực sự có thể tìm hiểu về vũ trụ, có ý thức về lịch sử vũ trụ của chúng ta, có ý thức về mối liên hệ thực sự của chúng ta với vũ trụ, từ đó thấu hiểu nó. Cả bạn và tôi đều có các nguyên tử trong cơ thể, những nguyên tử này lại được tinh luyện từ những vì sao trên cao kia. Vì vậy, chúng ta có thể chất kết nối sâu sắc với vũ trụ.”

Trong khi đó, Jennifer thấy công việc khoa học của cô càng làm củng cố thêm đức tin của mình:

“Thiên Chúa chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ. Vì vậy, bằng cách nghiên cứu thêm về bản chất vạn sự, bạn đang làm phong phú thêm sự hiểu biết của bạn về Thiên Chúa”.

Jennifer gợi ý rằng niềm đam mê của mọi người với những hình ảnh của vũ trụ bắt nguồn từ mong muốn thấu hiểu của con người.

“Họ đều kinh ngạc giống như tôi vậy. Tôi nghĩ rằng đó là bởi vì có điều gì đó trong chúng ta muốn biết bức tranh lớn hơn… rằng có điều gì đó vĩ đại hơn cho sự tồn tại của chúng ta hơn là sự sống còn của chúng ta ở đây trên hành tinh này.”

Jennifer Wiseman – Chuyên gia nghiên cứu về cách thức các vì sao được tạo ra (Ảnh: ABC)

Cuộc xung đột rõ rệt giữa khoa học và tôn giáo là một hiện tượng tương đối gần đây, đã được “tiếp thêm sinh lực” bởi nhu cầu tạo ra các kịch tính của giới truyền thông. Jennifer là người chỉ đạo chương trình Đối thoại về Khoa học, Đạo đức và Tôn giáo cho Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ. Cô cho biết:

“Thật thú vị khi mà tôi không nghe nhiều về sự xung đột này trong công việc hàng ngày của tôi với các nhà khoa học khác. Khi tôi nói chuyện với mọi người tôi thấy rằng hầu hết mọi người thực sự nhận ra rằng có những câu hỏi sâu sắc hơn về cuộc sống mà khoa học không thể giải thích một cách đầy đủ, và họ không cảm thấy có bất kỳ một xung đột nào.”

Trong khi một số điều trong Kinh Thánh là bằng chứng chứng tỏ Kitô giáo không tương thích với khoa học, Jennifer nói rằng chúng ta cần nhìn nhận cuốn sách trong bối cảnh lịch sử của nó.

“Bạn phải nhìn vào văn học Kinh Thánh từ quan điểm của nó khi nó được viết, người đọc thủa ban đầu, ngôn ngữ gốc, mục đích ban đầu… Kinh Thánh không phải là một văn bản khoa học.”

Tiến sĩ Andrew Harman: Nhà nghiên cứu miễn dịch tin theo Phật giáo

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Anh, Andrew đi du lịch ở Đông Nam Á và đó là lần đầu tiên anh tìm hiểu về Phật giáo.

Andrew chia sẻ: “Thật kỳ lạ, nó nằm trong cuốn sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet. Tôi đã ngồi trên một chuyến xe buýt rất dài ở Lào và tôi đã rất chán, tôi bắt đầu đọc phần giới thiệu về Phật giáo.” Ngay lập tức anh đã bị chấn động.

Dù sinh ra trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo nhưng Andrew đã không đi theo con đường của gia đình mình, ông nói rằng ông đã trải qua một số năm thiếu niên “rất hư vô”.

“Tôi tin rằng khi bạn chết, đó là kết thúc, ánh sáng cứ tắt dần, vậy mục đích của cuộc sống là gì? Tôi nghĩ điều đó dẫn đến một chút cảm giác vô nghĩa trong bản thân mình.

Andrew tìm được lời giải cho sinh mệnh của mình trong Phật giáo (Ảnh: ABC)

Năm 2009, Andrew trở thành một Phật tử được phong chức tại Triratna Order do nước Anh sáng lập. Hiện tại, ông điều hành hai phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu y học Westmead ở Sydney, nơi ông nghiên cứu cơ chế lây truyền HIV qua đường tình dục và cơ chế miễn dịch của bệnh Crohn.

Chữ ký email chính thức của ông không chỉ bao gồm các thông tin khoa học của ông, mà còn cả pháp hiệu của ông – Dh Shantideva. Ông cũng đồng thời dạy thiền và chánh niệm tại nơi làm việc của mình.

Andrew bị cuốn hút bởi vũ trụ học – cuốn sách yêu thích của ông là cuốn ‘Lược sử thời gian’ của Stephen Hawking. Ông thấy Phật giáo như đang trả lời các loại câu hỏi khác nhau cho khoa học.

“Khoa học là về học tập, Phật giáo là về sống.”

Andrew nói Phật giáo quan tâm đến việc “tạo điều kiện cho sự giác ngộ đến” – một trạng thái mà mọi người cảm thấy “tình yêu vô điều kiện, hòa bình tinh thần sâu sắc, hoàn toàn không có xung đột nội tâm”.

Ông cho biết bí quyết ở đây là hiểu và chấp nhận “bản chất thật của thực tại” và chấp trước với mọi thứ như tuổi trẻ, người thân, việc làm hay tiền bạc – là nguồn gốc của đau khổ.

“Chúng ta luôn phụ thuộc tâm lý vào những thứ mà, bất cứ lúc nào, có thể bị lấy đi khỏi chúng ta. Nhưng tất cả chúng đều vô thường, vì vậy bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn phụ thuộc vào chúng.” ông nói

Tiến sĩ Andrew Harman tin rằng có một sự hòa hợp giữa Phật giáo và khoa học (Ảnh: ABC)

Đối với Andrew, các tôn giáo đòi hỏi “đức tin mù quáng” đối với một vị thần nào đó là mâu thuẫn với khoa học.

“Tôi không biết làm thế nào để bạn có thể là một nhà khoa học và tin vào Chúa, mặc dù một số đồng nghiệp của tôi thực sự như vậy. “Khoa học là tìm kiếm sự thật và thử nghiệm một giả thuyết. Tôi không tin rằng bạn có thể chứng minh sự tồn tại của Chúa.”

Ngược lại, ông thấy Phật giáo là “rất tương thích” với khoa học. Ông chia sẻ:

“Tôi nghĩ rằng Phật giáo và khoa học hoàn toàn phù hợp với nhau về cơ bản”,

“Cả hai đều bị thúc đẩy bởi ý tưởng rằng bạn không thể tin điều gì đó mà không có bất kỳ bằng chứng nào.

“Đức Phật rất rõ ràng rằng bạn tuân theo một hệ thống thực hành và chỉ khi bạn trải nghiệm những điều đó cho chính mình thì đức tin của bạn sau đó mới được củng cố – bởi vì đó là một đức tin dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân bạn.”

Andrew nhận thấy lý tưởng của Phật về sự buông bỏ đặc biệt hữu ích trong việc giúp ông vượt qua những thăng trầm của công việc nghiên cứu khoa học.

Andrew nói: “Không quá gắn mình với lý thuyết của riêng bạn có nghĩa là bạn có thể cởi mở hơn và ít phải chống chọi với giáo điều. Nhưng có một số xung đột giữa Phật giáo và ý tưởng rằng chúng ta có thể được biến đổi thành một loạt các hạt, và rằng nghiên cứu vật chất cuối cùng sẽ giải thích toàn bộ thực tại của chúng ta.

Vẫn còn những khẳng định trong giới khoa học cho rằng mọi thứ có thể được chia thành từng mảnh và đặt lại với nhau. Nhưng khoa học đang thay đổi.”

Có thể nói tôn giáo thực sự là khoa học, là khoa học cao hơn nền tảng khoa học con người ngày nay đang theo đuổi. Chúng ta có thể tìm thấy trong đó những cái nhìn sâu sắc về vũ trụ, thân thể người, các thời không phức tạp đan xen… điều mà khoa học thực chứng còn phải mất cả ngàn năm mới theo được. Chẳng  thế mà rất nhiều các khoa học gia lỗi lạc như Descartes, Newton, Einstein,…cuối cùng đều bước chân vào tôn giáo.

Xin được kết thúc bài viết bằng một câu nói đầy tính triết lý của cha đẻ lĩnh vực khoa học vi sinh và miễn dịch học Louis Pasteur:

“Một ít khoa học làm ta xa rời Chúa, nhiều khoa học làm ta quay về với Chúa “

Nhật Quang