Một kỹ sư Việt vừa giới thiệu cho công chúng những đôi giày đầu tiên làm từ bã cà phê và ly nhựa – sản phẩm độc đáo góp phần giải quyết vấn nạn môi trường.

Ngày 22/8 vừa qua ông Lê Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam – đã cho ra mắt dòng sản phẩm mới – những đôi giầy được sản xuất từ nguyên liệu bã cà phê và ly nhựa tái chế. Đây là thành quả sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm.

ShoeXcoffee - Thương hiệu giầy Tây làm từ bã cà phê và nhựa tái chế của chàng kỹ sư Việt
Bức ảnh của CafeBiz chụp một đôi giày của kỹ sư Lê Thanh, làm từ 3 ly bã cà phê và 12 chiếc ly nhựa, có khả năng chống thấm nước, khử mùi và chặn tia UV.

Trung bình mỗi đôi giày được sản xuất từ 3 ly bã cà phê và 12 ly nhựa. Chất liệu bã cà phê sau xử lý có khả năng chống nước, loại bỏ cảm giác ẩm ướt khi mang giày trong những ngày mưa. Bã cà phê sau khi được dùng tạo ra sợi cà phê có khả năng khử mùi bởi cà phê tạo ra những túi siêu nhỏ, có tác dụng “khoá” mùi hôi. Giày cà phê có đặc tính kháng khuẩn, khả năng khử trùng cao, có khả năng chặn tia UV.

Bên cạnh những đặc tính có lợi cho người mang, giày “cà phê – ly nhựa” còn góp phần bảo vệ Trái Đất chúng ta. Theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2 tỷ ly cà phê được tiêu thụ, cùng với đó là gần 6 triệu tấn bã cà phê thải vào lòng đất. Nếu không qua xử lý, bã cà phê phân hủy sẽ thải ra metan, loại khí thải làm Trái Đất nóng lên hơn 86 lần so với CO2. Ngoài ra, rác thải nhựa khó phân hủy, có khi cần đến cả trăm năm, khi thải ra môi trường sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Do đó việc tận dụng các phế thải bã cà phê và ly nhựa này để làm giày sẽ góp phần giảm thải việc xả thải chúng, ít nhiều mang lại lợi ích cho môi trường xung quanh.

Tốt nghiệp thạc sĩ tại Canada, sau thành công trong lĩnh vực đo đóng giày thửa bằng máy scan chân 3D trong y tế với thương hiệu Veritas Bespoke từ năm 2015, Thanh Lê thành lập ShoeX từ năm 2017. 

ShoeXcoffee - Thương hiệu giầy Tây làm từ bã cà phê và nhựa tái chế của chàng kỹ sư Việt
ShoeX và màn đo chân Shark Hưng bằng app, giúp gọi vốn thành công 4 tỷ đồng (ảnh: Cafebiz).

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ “đo ni đóng giày” bằng ứng dụng ScanFit hiện đại với một nghề thủ công lâu đời đã giúp Thanh Lê gọi vốn hơn 4 tỉ đồng từ Shark Linh và Shark Hưng trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2. Không dừng lại ở đó, sau nhiều năm chinh phục những tín đồ giày thủ công, ShoeX tiếp tục khám phá một hướng đi mới vô cùng mới mẻ: Giày Tây làm từ…cà phê Việt, ShoeXcoffee.

Làm thế nào để tận dụng bã cà phê tại Việt Nam và thế giới? Đó là một câu hỏi lớn, khi việc xử lý hàng tấn bã cà phê và ly nhựa hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Cho đến một ngày, anh tìm thấy lời giải trong chính công nghệ anh sở hữu: sợi cà phê được tạo nên từ những ly nhựa bỏ đi, kết hợp bã cà phê sẽ cho ra sợi cà phê, tạo thành vải và được dùng để sản xuất các mặt hàng thời trang và cụ thể là giày.

ShoeXcoffee - Thương hiệu giầy Tây làm từ bã cà phê và nhựa tái chế của chàng kỹ sư Việt
Ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam (ảnh: Mạnh Tùng )

“ Tôi mong muốn xây dựng một sản phẩm có dấu ấn Việt Nam với chất lượng tốt nhất dành cho người tiêu dùng toàn cầu. Nhắc đến Việt Nam thì Cà Phê Sữa Đá và Phở là hai đặc trưng nổi bật nhất trong nét ẩm thực và hầu như ai cũng biết đến. Cà phê không chỉ là nguồn cảm hứng lớn. Đó là lợi thế cạnh tranh cực tốt do Việt Nam là một thủ phủ cà phê . Và công nghệ sản xuất sợi vải từ bã cà phê có từ những năm 2013, chứ không hề mới. Chỉ là, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển thêm việc làm đế giày từ bã cà phê cùng nhựa tái chế, để có một đôi sneaker hoàn chỉnh làm từ bã cà phê”, Thanh chân thành chia sẻ.

ShoeXcoffee - Thương hiệu giầy Tây làm từ bã cà phê và nhựa tái chế của chàng kỹ sư Việt
Ông Lê Thanh (giữa) đang sử dụng sản phẩm mới của ShoeX (ảnh: Cafebiz).

Nhiều người dùng đầu tiên đã bất ngờ thích thú bởi công nghệ sợi từ cà phê đã thực sự tạo ra một đôi giày biết “thở”, vô cùng phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Theo ông Thanh, đế giầy do công ty Chin Lin của Đài Loan cung ứng và hiện phần thân giày cũng đang nhập từ một đối tác khác của Đài Loan. Song với nguồn bã cà phê tại chỗ trong tương lai ông sẽ tự chủ sản xuất thân giày tại Việt Nam.