Tại sao chúng ta có 10 ngón tay chứ không phải là 9? Chuyên gia lý thuyết thần kinh người Mỹ tên Mark Changizi sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời.

Chuyên gia lý thuyết thần kinh người Mỹ tên Mark Changizi phát triển một công thức toán học có thể dùng để giải thích số lượng chi của một con côn trùng hoặc các loài động vật khác mà chỉ cần dựa vào độ dài chi của nó. Lý thuyết này được gọi là định luật về chi (Limb Law), theo Science 2.0.

Ảnh: Instructables.

Theo định luật này, số lượng chi của một cá thể sinh vật (N) được tính theo công thức sau:

N≈2π/k.

Trong đó,
N (number) là số lượng chi,
k là tỷ số chi, được tính theo công thức:

K = L/(L+R)

Trong đó,
L là chiều dài của chi và,
R là bán kính của phần cơ thể tương ứng (VD: nếu chi là các ngón tay, thì phần cơ thể tương ứng là lòng bàn tay)

Hãy thử áp dụng công thức này đối với bàn tay con người. Bàn tay được dùng để cầm nắm đồ vật, chiều dài ngón tay thường xấp xỉ đường kính lòng bàn tay. Nói cách khác, độ dài ngón tay thường gấp đôi bán kính lòng bàn tay.

Thay vào công thức ta được

L ≈ 2R => k ≈ L/[L + (L/2)] = 2/3.

Sau đó, áp dụng công thức của định luật về chi; N ≈ 2π/k, ta thu được N ≈ 9,42.

Theo kết quả này, sẽ có khoảng 9,42 ngón tay mọc ra từ chu vi của lòng bàn tay. Nhưng cần nhớ rằng lòng bàn tay tự nó không phải là một động vật sống tự do. Lòng bàn tay gắn liền với cánh tay trên gần một nửa chu vi của nó. Các ngón tay chỉ có thể mọc ra từ một nửa chu vi còn lại. Do đó, số lượng ngón tay trên bàn tay người là 9,42/2 = 4,71 ngón. Kết quả này được làm tròn thành 5 ngón tay.

Quý Khải (Theo Science 2.0)