Chụp ảnh với tốc độ màn trập nhanh không phải là một lựa chọn thường xuyên của các nhiếp ảnh gia phong cảnh. Tuy nhiên nó có những thế mạnh riêng trong những tình huống chụp nhất định khi mà tốc độ màn trập chậm không thể phát huy hiệu quả.

Bạn có thể đã đọc nhiều về việc sử dụng tốc độ màn trập chậm để chụp thiên nhiên và phong cảnh để có được những bức ảnh tuyệt vời. Các ngôi sao chạy ngang qua bầu trời, sông suối nhìn như dải lụa, và nhiều hiện tượng tự nhiên khác trông tuyệt vời ở tốc độ màn trập chậm. Nhưng cũng có những trường hợp cần sử dụng tốc độ màn trập cao. Dưới đây bàn tới 3 trường hợp tốt nhất để sử dụng tốc độ màn trập nhanh, nhờ đó sẽ tạo được hiệu ứng nổi bật.

1. Đóng băng chuyển động

Đặc biệt, khi các đối tượng tự nhiên như động vật hoang dã được chọn đưa vào ảnh của bạn, bạn cần tăng tốc độ màn trập cao hơn để chụp cảnh mà không bị nhòe chuyển động của chúng. Động vật có thể di chuyển rất nhanh, vì vậy bạn cần sử dụng cả các kỹ thuật như lia máy, để bắt gọn hình ảnh của chúng khi đang bay hoặc đang chạy. Đây là lúc cần bạn di chuyển máy ảnh với tốc độ tương đương với con vật, và nhấn nút chụp khi bạn đang di chuyển máy. Động tác này có thể để lại một số vệt mờ trong hậu cảnh hoặc ở các rìa của chuyển động. Tuy nhiên, nếu bạn tăng tốc độ cửa trập lên cao hơn nữa, bạn có thể “đóng băng” các chuyển động.

Ảnh: Sheen Watkins.

Cũng là một ý tưởng tốt khi chụp ảnh động vật ngay cả khi chúng đang đứng yên. Một hành vi nào đó đơn giản như quay đầu hoặc chớp mắt của con vật có thể xảy ra nhanh như chớp và nếu bạn đặt tốc độ màn trập chậm thì sẽ đồng nghĩa với hình ảnh đó của bạn bị mờ. Hãy chắc chắn rằng bạn đặt tốc độ màn trập cao để “chộp được” mọi hành vi nhanh nhẹn của động vật nếu nó xảy ra. Khi sử dụng chế độ chụp nhanh, bạn có thể giữ nút bấm để chụp nhiều ảnh liên tục, ví dụ như một con chim đang lao vút lên trên không trung. Sau đó, bạn có thể xem lại loạt ảnh để chọn ra cái nào thể hiện tốt nhất hành vi của con chim trong thời điểm này.

Ảnh: Simon Schmitt / CC0.

Không chỉ là các động vật di chuyển nhanh. Sóng vỗ vào bờ, nước chảy xuống thác, lá và cây đung đưa trong gió, những đám mây di chuyển trên bầu trời – ngay cả một luồng ánh sáng chiếu xuống giữa những đám mây có thể chỉ là hiện tượng xảy ra trong chốc lát. Đặt tốc độ màn trập cao có nghĩa là bạn có thể chụp bất kỳ khoảnh khắc vụt qua nào mà không phải lo lắng ảnh bị mờ.

2. Giảm ánh sáng xuống

Hiện tượng thừa thãi ánh sáng thường là một điều hiếm có đối với các nhiếp ảnh gia, vì họ thường mong muốn có được càng nhiều ánh sáng càng tốt! Tuy nhiên, có thể đôi khi cũng có quá nhiều ánh sáng chiếu vào cảm biến nên bạn phải tìm cách hạ nó xuống. Nếu ISO của bạn đã đặt ở mức thấp nhất có thể và bạn có một lý do đặc biệt để giữ cho trị số f-stop của mình dừng ở mức đó, thì tăng tốc độ màn trập là cách tốt nhất để đạt được điều này.

Ảnh: Sheen Watkins.

Tốc độ màn trập của bạn càng cao, ánh sáng sẽ chiếu vào hình ảnh của bạn càng ít. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn đang chụp một cánh đồng tuyết, vào một ngày khi tuyết ngừng rơi và mặt trời sáng chói đã xuất hiện. Ánh sáng đó có thể làm lóa mắt với tuyết trắng xung quanh bạn. Điều này có nghĩa là rất nhiều ánh sáng đi qua ống kính của bạn. Khi đó hãy đẩy tốc độ cửa trập lên và bạn sẽ chụp được độ sâu và lấp lánh trong tuyết, thay vì chỉ đơn giản là thu được một khoảng trắng rộng.

Ảnh: Wicaksono Trian Islami / thephotoargus.

Bạn thậm chí còn có thể sử dụng kỹ thuật này vào những thời điểm khi ánh sáng vừa đủ, để tạo ấn tượng về một khung cảnh tối hơn. Ví dụ có thể làm cho một khu rừng trở nên âm u hơn, hoặc thậm chí làm cho cảnh quan của bạn có vẻ như đang chìm vào màn đêm.

3. Cân bằng các rung lắc

Tốc độ màn trập cao hơn cũng có thể rất có giá trị nếu bạn ở trong tình huống không thể giữ máy ảnh đúng cách. Bạn thường có thể sử dụng chân máy hoặc đặt máy ảnh của bạn lên một bề mặt phẳng và ổn định, chẳng hạn như đỉnh của một tảng đá lớn. Tuy nhiên, khi bạn ra ngoài thiên nhiên và khám phá những phong cảnh hoang dã, có thể đôi khi bạn chỉ đơn giản là không thể có một không gian “sang trọng” đến thế để đặt chân máy.

Ảnh:  qua CC0.

Khi điều này xảy ra, máy ảnh của bạn có khả năng bị rung. Ở tốc độ màn trập thấp hơn, độ rung này còn có thể ảnh hưởng vào hình ảnh của bạn, để lại những quầng sáng xung quanh đối tượng chụp, hoặc chỉ đơn giản là làm mờ chuyển động mà không mang lại ý nghĩa nào thêm cho hình ảnh. Để ngăn chặn điều này xảy ra, điều quan trọng là hãy nhớ tăng tốc độ màn trập của bạn.

Ảnh: Lindseysplash / thephotoargus.

Bạn cũng có thể đeo máy ảnh vào cơ thể, với khuỷu tay ôm sát vào hai bên, nhưng đây không phải là một lựa chọn hoàn hảo. Động tác cầm máy này chắc chắn không dùng được nếu bạn cần giơ máy ảnh lên cao để có được phối cảnh như ý! Để giải quyết vấn đề, hãy tăng tốc độ màn trập để cho bạn hình ảnh rõ nét mà không cần sự hỗ trợ của cơ bắp.

Tóm lại, các thủ pháp xoay quanh tốc độ màn trập của bạn luôn có thể mang lại một số kết quả thú vị. Trong cùng một tình huống, bạn sẽ thấy sự khác biệt mà tốc độ màn trập nhanh tạo ra so với tốc độ chậm. Do đó, bạn đừng ngại thử nghiệm thật nhiều kể cả nếu phải phạm sai lầm, vì từ đó bạn sẽ có thể sớm nhận ra rõ ràng hơn về xu hướng ghi hình mà mình yêu thích. Cuối cùng, chúc bạn thành công với “vòng xoay tốc độ” nhé!

Theo Rhiannon D’Averc / Loaded Landscapes

Clip hay: Một niệm sắc dục khởi lên, lập tức chiêu mời yêu ma đến

videoinfo__video3.dkn.tv||342483c0f__