Bệnh nhân L.T.C (18 tuổi, Thanh Hoá) mang bầu tuần 30, được người nhà đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng khó thở, sốt, mệt mỏi…

Theo Sức khỏe và Đời sống, cách đây 1 năm, sản phụ bị basedow, có điều trị. Nhưng khi mang thai thì tự ý bỏ điều trị. Trong quá trình mang thai, sản phụ C. không đi khám định kỳ.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Phó trưởng khoa Nội tiết- Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng cường giáp của bệnh nhân C. rất nặng, tổn thương thận, suy tim, ngôi thai nhi chưa ổn định, nặng 1.293 g. Bên cạnh đó, các cơn co tử cung không rõ, tràn dịch màng phổi 2 bên.

Bác sĩ Tuấn Anh, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường của bệnh viện cũng cho Zing biết, sau khi kiểm tra, sản phụ C. được chẩn đoán bị Basedow, suy tim, tăng huyết áp, tiền sản giật, thai 30 tuần, viêm phổi.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã cho sản phụ monitro liên tục, thở oxy, truyền thuốc chữa suy tim, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị bệnh cường giáp… Sau 2 tuần điều trị, sản phụ đã tỉnh táo, ăn uống tốt, hết sốt, thở đều, đi lại nhẹ nhàng, chân hết phù, tình trạng ối ổn định.

mo bat con thanh cong cho san phu bi basedow suy tim o thanh hoa
Đến ngày 15/10, sức khỏe hai mẹ con sản phụ C. đã ổn định, đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Đến ngày 5/10, khi thai được 32 tuần tuổi, bệnh nhân chuyển dạ nên bác sĩ chỉ định mổ đẻ. Sau 30 phút, ê-kíp đã mổ bắt thành công em bé nặng 1,6 kg. Bé chào đời bị suy hô hấp mức độ trung bình nên được nằm lồng ấp, hồi sức sơ sinh.

Hiện tại, sản phụ C. không còn sốt, thở bình thường, đi lại nhẹ nhàng, cường giáp ổn định… Còn em bé đã tự thở, hiện đã ăn được sữa như trẻ bình thường.

Tiến sĩ Bảy cho hay, cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng sản xuất hoóc-môn thyroxin và triiodothyronin.

Tuyến giáp đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Lượng thyroxin của tuyến giáp quá nhiều trong cơ thể thúc đẩy sự trao đổi chất được tăng cao đến mức độ bất thường.

Bệnh tuyến giáp có 2 dạng là cường giáp và suy giáp. Tỷ lệ các sản phụ bị cường giáp khoảng 0,5% và bị suy giáp khoảng 2% số phụ nữ mang thai sinh nở tại bệnh viện Bạch Mai.

Phụ nữ bị cường giáp trong thai kỳ dễ bị ngộ độc thai nghén, nguy cơ sảy thai lớn, diễn biến âm thầm hơn so với sản phụ bị suy giáp. Nếu sản phụ bị suy giáp trong 3 tháng đầu, thai nhi sẽ bị dị tật, chậm phát triển tinh thần, trí tuệ. Nếu người mẹ suy giáp nặng, con sẽ không phát triển.

Tiến sĩ Bảy khuyến cáo, phụ nữ bị cường giáp nếu đang uống thuốc thì nên điều trị dứt điểm. Chỉ mang thai khi đã ngưng sử dụng thuốc. Nếu trong thời gian điều trị mà mang thai, phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý.

Nhóm người có nguy cơ bị cường giáp gồm người có bệnh tuyến giáp từ trước, bướu cổ, gia đình có người thân bị bệnh tuyến giáp, người có tiền sử sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân…

(Tổng hợp)