Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin Nhật Bản ra lệnh thu hồi 18000 chai tương ớt Chin – su cho là thuộc công ty Masan, Việt Nam vì chứa chất cấm axit benzoic, vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm tại nước này. Nhiều người nhất là các bà nội trợ, khi được hỏi về axit benzoic vẫn không biết đây là chất gì vì không có ghi trong thành phần của sản phẩm.

Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là làm sao để nhận biết được chất bảo quản này trong các loại thực phẩm. Axit benzoic là hợp chất bảo quản nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc. Nhờ đó, nó giúp sản phẩm không bị hư hỏng trong quá trình chờ tiêu thụ.

Axit benzoic tác dụng theo cơ chế trực tiếp. Khi các phân tử axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật, nó sẽ tác động lên một số enzyme, gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate.

Đồng thời, nó làm tăng nhu cầu oxy trong suốt quá trình oxy hóa glucose nên có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm. Khả năng chống nấm mốc của axit benzoic cao hơn đối với nấm mốc, nấm men và vi khuẩn.

Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo. Axit benzoic cũng được sử dụng trong sản xuất hương liệu nhân tạo, nước hoa và làm chất điều chỉnh pH.

Liều dùng cho phép của axit benzoic

Làm sao nhận biết được chất bảo quản trong thành phần các loại thực phẩm là điều mọi người lo lắng. (Ảnh: baroblog.tistory.com)

Theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), liều lượng axit benzoic được coi là an toàn với con người khi tiêu thụ với số lượng nhỏ. Sau khi vào cơ thể, axit benzoic và natri benzoat được hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa và chuyển hóa ở gan. Bằng cách kết hợp với glycine với axit benzoic, nó hình thành axit hippuric, được đào thải nhanh qua nước tiểu trong vòng 24 giờ sau khi tiêu thụ.

Lượng axit benzoic được phép có trong thực phẩm ở mức 0,05 – 0,1% tùy theo thể tích. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều lượng natri benzoat tối đa mà cơ thể có thể xử lý được là 5 mg/kg thể trọng mỗi ngày. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/kg sản phẩm.

Tác hại của axit benzoic

Theo FDA, axit benzoic và natri benzoat, khi kết hợp với axit ascorbic (hay vitamin C) sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene, một chất gây ung thư và các bệnh mạn tính khác. Đa số rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, vì vậy, việc sử dụng natri benzoat trong quá trình bảo quản thực phẩm đều làm tăng khả năng sinh ra benzen.

Axit benzoic có thể xâm nhập vào cơ thể qua da cũng như đường tiêu hóa và hô hấp. Vì vậy, nếu dùng quá liều, có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, hen suyễn, phát ban, ngứa, kích ứng da và mắt. Các nhóm người có nguy cơ cao nhất có thể gặp phải tác dụng phụ của axit benzoic bao gồm trẻ em, những người nhạy cảm với aspirin hoặc có vấn đề về bệnh gan. Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng natri benzoat có thể gây ra và làm tăng các triệu chứng tăng động ở trẻ nhỏ.

Nhận biết axit benzoic và nhóm chất bảo quản trong thực phẩm

Trên bao bì nhiều sản phẩm không phải lúc nào cũng ghi tên của các phụ gia mà sử dụng ký hiệu của chúng. Những ký hiệu này được quy định bởi Ủy ban mã thực phẩm (Codex Alimentarius Committee). Tất cả phụ gia thực phẩm được phân nhóm và đánh số theo mã codex, đều có tiền tố “E” đi kèm.

– Các chất phẩm màu (E100 – E199): Đây là nhóm các chất có vai trò chính là tạo màu nhưng đôi khi còn có thể làm thay đổi hương, mùi vị của thực phẩm, giúp cho thực phẩm có màu sắc bắt mắt hơn.

– Các chất bảo quản (E200 – E299): Các chất trong nhóm này có công dụng ức chế, làm chậm các hoạt động của vi sinh vật trong thực phẩm hoặc làm chậm việc tổng hợp các hợp chất có độc trong thực phẩm. Axit benzoic thường được kí hiệu trên nhãn là E210 và natri benzoate là E211.

– Các chất chống oxy hóa (E300 – E399): Đây là các chất có công dụng chống lại các phản ứng oxy hóa trong thực phẩm, làm chậm quá trình chín của hoa quả, giúp hoa quả không bị mất màu, không bị hỏng. Vitamin C và vitamin E là 2 ví dụ về chất chống oxy hóa tự nhiên và an toàn.

– Các chất tạo đặc (E400 – E499): Các chất này có công dụng giúp thực phẩm giữ hình dạng, trạng thái của mình, ngăn cản các thành phần trong thực phẩm tự tách nhau ra.

– Chất điều chỉnh độ chua và chất chống vón (E500 – E599): Có tác dụng tạo và điều chỉnh độ chua, chống vón cục trong thực phẩm.

– Chất tăng cường vị (E600 – E699): Đây là nhóm chất không đem lại vị cho món ăn nhưng lại làm tăng cường độ của mùi vị, tăng sự cảm nhận mùi vị.

Axit benzoic được dùng trong chế biến các loại nước hoa quả, cần lưu ý kiểm tra thông tin trước khi lựa chọn. (Ảnh: health.com)

Các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm cần lưu ý

Mỗi loại thực phẩm đều có lượng chất dinh dưỡng khác nhau và thường là tỷ lệ của chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất… Tên các thành phần được xếp theo thứ tự trọng lượng cao xếp trước, trọng lượng thấp xếp sau. Một số thực phẩm sẽ đổi tên gọi của thành phần trên như đường thì gọi là mật, hay chất đạm gọi là protein… Tuy nhiên ở một số thực phẩm sẽ có chứa các thành phần có hại cho cơ thể với tên gọi khác nhau mà bạn hay bỏ qua.

Dầu chuyển hóa/Trans fat: Đây là loại chất béo rất có hại cho cơ thể người dùng, bạn cần tuyệt đối tránh sử dụng những thực phẩm có chất này.

Sugar: Được gọi là đường và thường có trong các thực phẩm khô hoặc gia vị, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bạn nên chọn thực phẩm có thật ít thành phần này. Ngoài ra, còn có một loại đường khác làm từ bắp gọi là High Fructose corn syrup dễ gây béo và có hại nếu bạn dùng thường xuyên.

Artificial Color hay còn gọi là màu nhân tạo: Chất này thường có ở các thực phẩm dạng lỏng như nước giải khát, gia vị sốt, đặc biệt là trong bánh kẹo. Khi thực phẩm có lượng màu nhân tạo càng nhiều thì các nguyên liệu tự nhiên càng ít, những thực phẩm đó sẽ gây hại cho cơ thể người dùng rất nhiều.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: Newzing