Thế hệ trẻ toàn cầu được gọi là “thế hệ millennials”, dần làm quen với khái niệm “sober curious movement” (hành trình tỉnh táo). Với sự phổ biến của mạng xã hội, “nói ‘không’ với rượu bia” dần trở thành xu hướng lành mạnh của một bộ phận thế hệ trẻ thế giới.

Lesley Hobbs, Giám đốc Công ty Dịch vụ Pháp lý Hong Kong Elevate, cho biết sau khi bỏ rượu vào tháng 12/2018, cô đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

“Mọi người đều nói rằng da của tôi trông đẹp hơn nhiều. Bạn sẽ không còn tiêu tốn tiền bạc, thời gian và không thức dậy với cảm giác tồi tệ”, Lesley chia sẻ.

Bỏ quan niệm kinh doanh trên bàn nhậu, bà giám đốc Lesley Hobbs hiện uống nước dừa hoặc soda thay vì đồ uống có cồn (ảnh: Lesley Hobbs)

Ở độ tuổi gần 50, cơ thể của Lesley khó đào thải rượu một cách dễ dàng như trước đây. Đôi khi, cô cảm thấy khó chịu và hối hận vì những điều mình đã nói vào đêm hôm trước trong cơn say. Đây là lúc cô quyết định cai rượu. Hiện, cô thường xuyên sử dụng nước dừa hoặc soda thay vì đồ uống có cồn.

Lesley là một trong số ngày càng nhiều người quyết định tránh xa rượu bia, biến đây thành xu hướng mới, có lợi cho sức khỏe.

Một nghiên cứu của Anh năm 2018 công bố trên tạp chí y khoa BMJ cho thấy, cai rượu một tháng cũng giúp thay đổi sinh lý, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, giảm huyết áp, cholesterol và cải thiện chức năng gan.

Thế hệ trẻ toàn cầu (thường được gọi là thế hệ millennials) dần làm quen với khái niệm “sober curious movement” (hành trình tỉnh táo). Khái niệm này lần đầu được đề cập trên Tạp chí BMC Public Health năm 2018. Các nhà khoa học của Đại học London tìm hiểu thói quen uống rượu của 9.699 người kể từ năm 2005 đến năm 2015. Họ phát hiện 18% tình nguyện viên tuổi từ 16 đến 24 không sử dụng rượu bia. Tỷ lệ này tăng lên 29% vào năm 2015.

Millie Gooch trong một hội chợ đồ uống không cồn (ảnh: Millie Gooch).

Millie Gooch, một nhà hoạt động xã hội 28 tuổi đã thành lập cộng đồng trực tuyến Sober Girl Society với mục đích tôn vinh việc không uống rượu bia.

“Thay vì cảm thấy bạn đang phải từ bỏ một thứ gì đó, hãy chú ý vào việc lựa chọn lối sống tích cực, rằng điều này có lợi cho sức khỏe”, Millie nói. Đến nay, trang Instagram của chiến dịch đã có 65.000 người theo dõi.

Nhận thấy tầm ảnh hưởng của phong trào sử dụng đồ uống không cồn, Sainbury, một chuỗi siêu thị tại Anh bắt đầu mở nhiều “quán bar không cồn” dọc đường Oxdord ở London, Anh.

Millie khẳng định, người trẻ có xu hướng uống ít rượu hơn cha mẹ của mình. Nguyên nhân là bởi thế hệ millennials có ý thức rõ hơn về thói quen cá nhân, các chất dung nạp vào cơ thể và hậu quả tiềm tàng.

Rượu gạo truyền thống đậm sắc Việt (ảnh: My Tour).

Xu hướng sử dụng bia rượu ở Việt Nam đi ngược thời đại

Từ xưa, uống rượu là một nét văn hóa ẩm thực tao nhã, rượu được dùng trong các cuộc hội ngộ, đàm đạo tri kỉ… chúc rượu thể hiện tính tôn trọng nhau, chén rượu như là lời chào, lời mời đối với khách, chủ nhân của cuộc gặp chỉ uống tối đa ba chém rượu là dừng. Tuy nhiên, nét đẹp khi uống rượu của người xưa hầu như đã không còn được lưu giữ, thay vào đó là một văn hóa uống rượu bia thái quá, xô bồ, gây ra nhiều tác hại, tổn thất cho bản thân người uống, gia đình và toàn xã hội.

Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ở cả hai giới đang ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới  trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới và có xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia.

Đo nồng độ cồn (ảnh: Giao Thông Hà Nội).

Không chỉ gây hại cho sức khoẻ và kinh tế cá nhân, bia rượu cũng là vấn đề xã hội bức bối, nhiều vụ ẩu đả, bạo lực gia đình gắn liền với bia rượu. Nghiêm trọng nhất là nó đánh mất đi tính mệnh của nhiều người khi uống rượu mà vẫn lái xe. Chính vì vậy luật phòng chống rượu bia năm có hiệu lực từ năm 2020 đã mở rộng phạm vi và mức xử phạt nặng hơn.