Tương truyền, dưới chân núi Nguy Sơn ở huyện Linh Khâu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có một con “trâu thần”. Nói là “thần” nhưng thực ra đây chỉ là một con trâu biết nói tiếng người và thông hiểu một số chuyện trên đời.

Một ngày có 10 tên đạo tặc đến thôn làng cướp phá. “Trâu thần” biết trước chuyện này nên đã cảnh báo cho gia chủ, dặn họ hãy bày tiệc chiêu đãi để nghênh tiếp toán cướp, nếu làm được như vậy thì cả gia đình sẽ tai qua nạn khỏi.

Khi toán cướp ập đến, chúng vô cùng kinh ngạc khi thấy trong nhà đèn đuốc sáng trưng, trên bàn còn bày ra một bữa tiệc thịnh soạn. Đúng lúc đó, chủ nhà bước ra chắp tay cung kính và chào đón cả nhóm cường đạo vào nhà. Sau đó ông kể cho họ nghe câu chuyện về con trâu “thần” của mình. Thế là cả 10 tên cướp cùng kéo đến xem xét. Quả nhiên đây đúng là con trâu biết nói tiếng người.

Tên cầm đầu băng cướp nói: “Thì ra con trâu này kiếp trước là người, vì mắc nợ một quan tiền mà phải chuyển sinh làm trâu để trả. Xem ra thiện ác hữu báo là có thật! 10 huynh đệ chúng ta hàng ngày phá nhà cướp của, làm đủ mọi chuyện xấu xa, không biết ông Trời sẽ trừng phạt chúng ta thế nào đây? Từ nay về sau, các huynh đệ hãy rửa tay gác kiếm, tìm kiếm danh sư mà tu luyện, chăm chỉ tích đức hành thiện để chuộc lại lỗi lầm”.

Nghe đến đó, con trâu bèn nói: “Trên núi Nam Sơn có một ngôi chùa tên là Bạch Vân tự, phương trượng trong chùa là một vị cao tăng. Nếu các ông bái vị cao tăng ấy làm sư, sẽ có thể tu hành mà đắc Đạo”.

Cả băng cướp vô cùng cảm kích, chắp tay cung kính nói với con trâu rằng: “Cảm tạ ông đã chỉ cho chúng tôi một con đường!” Nói xong, tất cả cùng leo lên lưng ngựa rồi phóng đi như vũ bão.

(Ảnh minh họa: Internet)
(Ảnh minh họa: Viện bảo tàng quốc lập Cố Cung)

Bạch Vân tự là ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, tựa như điểm giao nhau giữa Đất và Trời. Người ta nói rằng đây là nơi nhân thần đồng tại, con người và thần tiên vẫn thường ghé lại nơi này. Trong chùa có một vị cao tăng đắc Đạo, có thể biết được chuyện quá khứ và tương lai. Ông đã nhìn thấy trước rằng hôm nay sẽ có 10 tên cường đạo lên chùa bái sư nên đã đợi sẵn ở đó.

Khi toán cướp đến diện kiến, vị cao tăng nói: “Các thí chủ nếu muốn quy y cửa Phật thì trước hết cần phải chịu khổ, để tẩy sạch mọi tội lỗi trước đây”.

Cả 10 tên cướp cùng quỳ xuống thể hiện tấm lòng kiên định. Vị cao tăng nói tiếp: “Nếu đã hạ quyết tâm rồi, vậy ta sẽ đặt Pháp danh cho các con. Lần lượt là Giác Sơn, Bạch Mã, Đặng Phong, Huỳnh Đài, Thiền Am, Đại Vân, Song Phong, Long Tuyền, Thiên Đàng, Nhân Tâm. Từ giờ trở đi các con đã là Phật tử chân chính, bởi vậy lúc nào cũng phải nhớ rằng mình là người tu luyện. Kể từ hôm nay, các con hãy lên núi đốn củi, ngày này 3 năm sau hãy đến gặp lại ta”.

10 tên cướp vâng lời lên núi đốn củi. Ròng rã suốt 3 năm, số củi đốn được cũng chất cao thành núi. Một ngày kia họ lại cùng nhau đến gặp sư phụ. Khi sư phụ nhìn thấy đống củi ấy, ông bèn châm một mồi lửa đốt sạch tất cả. Chứng kiến thành quả lao động của 3 năm vất vả, nay chỉ một mồi lửa đã tan thành mây khói, tất cả đều vô cùng đau xót.

Sư phụ liền nói: “Giờ thì hãy nhảy vào đống lửa kia, như vậy các con mới có thể thoát khỏi xác phàm này”.

Cả 10 người kinh ngạc nhìn nhau. Sự phụ bảo chúng mình nhảy vào lửa ư? Nhảy vào đó rồi thì chẳng phải sẽ chết chắc hay sao? Nhưng sư phụ đã dạy như vậy hẳn là có ẩn ý, hà cớ gì lại không vâng lời? Thế là, lấy hết can đảm, mọi người cùng nhảy vào bên trong, chỉ còn lại duy nhất Nhân Tâm vẫn đứng đó run lên cầm cập.

Sư phụ nhìn Nhân Tâm mà thở dài một tiếng:

“Lúc đầu ta đặt tên cho con là Nhân Tâm, chính vì thấy con tâm phàm còn quá nặng. 3 năm tôi luyện cũng không thể tu được ý chí kiên định đối với Phật pháp, xem ra con chỉ có thể là người phàm”.

Vừa dứt lời, từ trong đống lửa nhảy ra chín vị Kim Thân La Hán.

Các vị La Hán (Ảnh minh họa từ Viện bảo tàng quốc lập Cố Cung)
Các vị La Hán (Ảnh minh họa từ Viện bảo tàng quốc lập Cố Cung)

Phương trượng nói với chín vị La Hán rằng: “Các con đã đắc Đạo rồi, nhưng vẫn cần phải đi vân du, hoàn thành một số nguyện vọng”.

Chín vị La Hán theo lời căn dặn của sư phụ, xuống núi vân du, sau này dựng lên chín ngôi chùa ở các vùng khác nhau tại Linh Khâu, Sơn Tây, tạo nên một kỳ quan mà người ta vẫn gọi là “Linh Khâu Cửu Cảnh” (灵丘九景 – 9 cảnh đẹp ở Linh Khâu). Bởi vậy mới có bài thơ rằng:

“Tháp tỉnh sơn kì Giác Sơn tự;
Bạch mã bào tuyền Bạch Mã tự;
Tùng bách bất loạn Đặng Phong tự;
Mao lư đà thủy Huỳnh Đài tự;
Tảo chủng mãn thu Thiền Am tự;
Chung cổ đảo điếu Đại Vân tự;
Nhất thụ song ảnh Song Phong tự;
Tích thủy thành chung Long Tuyền tự;
Hữu ảnh vô tung Thiên Đàng tự.”

Tạm dịch là:

“Tháp cao núi lạ chùa Sơn Giác;
Ngựa trắng đào sông Bạch Mã lăng;
Tùng bách không rối Đặng Phong miếu;
Lừa con gánh nước tháp Huỳnh Đài;
Sáng gieo tối gặt Thiền Am tự;
Chuông trống ngược treo chùa Đại Vân;
Một cây đôi bóng Song Phong tự;
Nước chảy đá mòn miếu Tuyền Long;
Hữu ảnh vô tung tháp Thiên Đàng.”

"Tháp cao núi lạ chùa Sơn Giác" - ngọn tháp nổi tiếng trong chùa Sơn Giác ở Linh Khâu, Sơn Tây (Ảnh: dtzk50.blog.163.com)
“Tháp cao núi lạ chùa Sơn Giác” – ngọn tháp nổi tiếng trong chùa Sơn Giác ở Linh Khâu, Sơn Tây (Ảnh: dtzk50.blog.163.com)

Lời bàn Đại Kỷ Nguyên

Truyền thuyết trên kể về nguồn gốc Cửu Cảnh ở Linh Khâu, ẩn sau đó cũng là lời nhắn nhủ cho hậu thế. Hãy cùng xem cổ nhân muốn nói gì với chúng ta ngày nay:

Trước hết hãy nói về chuyện 9 tên cường đạo tu thành La Hán. Con người ai cũng có Phật tính. Cho dù đó là những kẻ lưu manh hay trộm cướp, từng hại mệnh hay đã làm mọi chuyện xấu xa, chỉ cần sâu thẳm trong tâm hồn vẫn còn chút ít thiện lương, chắc chắn họ sẽ có cơ hội cải biến đường đời. Có câu nói rằng “buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật”, ấy là chỉ những kẻ ác biết thành tâm hối cải, xa rời những thứ đồi bại xấu xa để quay trở về làm một người thiện lương chân chính. Bởi vậy mà khi nhóm cường đạo quyết định sẽ “rửa tay gác kiếm, tìm kiếm danh sư mà tu hành”, thì chỉ một niệm chân chính ấy thôi đã giúp họ có cơ hội bước vào ngưỡng cửa của Phật Đà.

Nhưng để chứng đắc quả vị thì đòi hỏi phải buông bỏ “nhân tâm”, như vậy mới có thể đạt tới cảnh giới siêu phàm, thoát tục. Tất cả những gì đạt được nơi thế gian, cho dù đó là giàu có hay vinh hoa, công danh hay sự nghiệp, thì cũng chỉ là sợi dây trói buộc khiến tâm phàm thêm nặng. Ví như kẻ tham sống sợ chết không đủ dũng khí đối mặt với quan nạn sinh tử, kẻ tham luyến tiền tài không nguyện ý từ bỏ vinh hoa, kẻ đam mê danh vọng không thể rời bỏ nơi chức vị. Ở đây không phải nói rằng cần buông bỏ thứ gì nơi vật chất, mà chỉ là buông bỏ mọi dính mắc trong tâm. Nếu có thể rũ bỏ tâm phàm ấy, thì hết thảy những lợi ích thế gian cũng không thể cám dỗ lòng người tu Đạo.

Và hãy nói về việc vì sao sư phụ lại yêu cầu các đệ tử nhảy vào đống lửa? Câu trả lời chính là tín tâm vào Phật Pháp. Pháp lý đã giảng ra rồi, kinh thư cũng không khó để tìm kiếm, chỉ có điều bạn có tin lời Phật giảng hay không, có thể hành được hay không? Nếu không thể tín tâm vào Phật Pháp thì “ba năm đốn củi” cũng chỉ là công dã tràng…