Người xưa thường nói: “Ở lành Trời dành phúc cho”. Đây không phải là một khẩu hiệu lãng mạn vô căn cứ. Kỷ Hiểu Lam, đại học sỹ dưới thời Càn Long Đế đã đích thân chép lại những câu chuyện có thật để chứng minh với người đời. 

Kỷ Hiểu Lam (1724-1805) tên thật là Kỷ Quân, là một danh sỹ nổi tiếng có đạo đức cao thượng và học vấn uyên bác dưới thời Hoàng đế Càn Long, Trung Quốc. Ông đảm đương trọng  trách tổng biên tập “Tứ khố toàn thư” – bộ sách lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa, và có lẽ cũng là lớn nhất trong lịch sử thư tịch thế giới. 

“Duyệt vi thảo đường bút ký” (1) do Kỷ Hiểu Lam chấp bút là một trong những tác phẩm nổi tiếng đương thời, chính là một bộ vũ khí sắc bén để loại bỏ thuyết Vô Thần. Trong cuốn sách, ông đã ghi lại rất nhiều câu chuyện thực tế để chứng minh quy luật thiện có thiện báo, ác có ác báo và sự linh ứng của Thần Phật, góp phần khơi gợi thiện niệm của nhân loại.

Cô cháu gái hiếu thảo và người bà bị mù

Cô Du là vợ của Hàn Thủ Lập, bình thường rất có hiếu với bà của mình. Vào năm Canh Thìn đời vua Càn Long, bà của cô 2 mắt bị mù, cô tìm mọi cách để trị bệnh cho bà nhưng đều vô hiệu. Cô còn cầu nguyện Thần Phật một cách thành kính nhưng cũng không có kết quả. 

Lúc ấy, có một tên lưu manh lừa gạt cô, bảo rằng: “Cô cắt thịt của mình rồi thắp hương đốt nến cầu Thần linh, thì mắt của bà cô sẽ khỏi bệnh”. Cô Du tính tình đôn hậu chất phác, không biết người nọ cố ý lừa gạt trêu cợt mình. Cô thực sự đã cắt thịt của mình, đốt đèn rồi cầu khấn Thần linh. Tên bịp bợm kia thấy thế thì giễu cợt chế nhạo cô. Nhưng không ngờ, hơn 10 ngày sau, hai mắt của bà cô đã thực sự sáng tỏ trở lại!

Kỷ Hiểu Lam biết chuyện này, phân tích bình luận như sau: 

“Cô Du bị lừa gạt mà cắt thịt cầu khấn Thần linh, là một hành động rất dại dột. Nhưng mà, trong sự ngu muội đó có bao hàm lòng thành kính và đạo hiếu của cô, nên cuối cùng đã cảm động đến Thần Phật. Thần Phật đã trợ giúp cho cô một chút, giúp cô hoàn thành tâm nguyện của mình. Chuyện này nhìn có vẻ như vô lý, không có khoa học, nhưng bên trong lại bao hàm những điều chí lý!”… 

“Đối với những người không tin Thần Phật mà xét, thì điều này là không thể xảy ra được, nhưng trên thực tế thì thật sự đã diễn ra như thế. Ngẫm kỹ lại: câu chuyện thực tế này chắc chắn là có đạo lý. Bởi vì Thần Phật luôn có năng lực siêu phàm. Chỉ là có một số người quá cố chấp rằng phải tự mình nhìn thấy thì mới tin mà thôi”…

(Ảnh minh họa: 23yy.com)

Người ăn mày hai chân bị liệt hành thiện không cầu báo đáp

Có một người ăn mày tên là Vương Hy Thánh, hai chân bị liệt không đi đứng được. Ông ta dùng đôi tay để chống đi, lết từng lết trên mặt đất. Có một ngày, Vương Hy Thánh nhặt được một gói đồ ở trên đường, bên trong có 200 lạng vàng. Ông ta ôm gói đồ nấp vào trong bụi cỏ bên đường, ngồi bất động chờ đợi người mất của đến. 

Chờ một lúc lâu, có một thương nhân tên là Trương Tế Phi hoảng loạn chạy tới tìm kiếm. Vương Hy Thánh hỏi ông ta đang tìm kiếm cái gì. Khi nghe những gì họ Trương kể trùng khớp với gói đồ nhặt được, Vương Hy Thánh bèn trả lại bao tài vật đó cho ông ta. Trương Tế Phi muốn cho ông một nửa số vàng trên nhưng Vương Hy Thánh không chịu nhận lấy. Trương Tế Phi bèn mời ông về nhà mình, bày tỏ ý nguyện muốn phụng dưỡng ông cả đời.

Vương Hy Thánh nói: “Thân thể của tôi tàn phế, là ông Trời căn cứ theo lỗi lầm từ kiếp trước của tôi mà trừng phạt tôi. Nếu tôi làm trái với ý Trời, ở lại đây hưởng phúc, ăn không ngồi rồi, thì sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt còn nặng nề hơn nữa”. Thế là ông dứt khoát rời đi.

Sau này, có một ngày Vương Hy Thánh mệt mỏi nằm ngủ trong một cái miếu Thần. Trong cơn mơ, ông nhìn thấy một người say rượu tới nắm chặt 2 chân của mình, vừa kéo vừa lắc rất đau. Người say rượu kia bỏ đi, thì tự nhiên Vương Hy Thánh lại có thể đi đứng và sinh hoạt bình thường trở lại. Vương Hy Thánh sống đến năm Kỷ Mão đời vua Càn Long mới qua đời. 

Kỷ Hiểu Lam đặc biệt nói rõ: Trương Tế Phi là người quen thân của một vị trưởng bối trong nhà ông, và chính ông đã từng gặp Trương Tế Phi rồi. Chuyện này chính là Trương Tế Phi tự mình kể lại cho Kỷ Hiểu Lam một cách hết sức chi tiết.

Tiếp theo, Kỷ Hiểu Lam nghị luận rằng:

“Việc thiện mà Vương Hy Thánh làm đáng ra phải được thiện báo. Nhưng ông ta lại muốn an mệnh, không chịu để cho người ta báo đáp. Thần Phật xét thấy thành tâm của ông là vô cùng đáng trân trọng, cho nên dùng người say rượu để lôi kéo đôi chân của ông, từ đó cấp cho ông phúc báo. Chuyện này và câu chuyện ở trên xem ra đều vô lý, thực tế không phải là cũng hàm chứa những điều chí lý bên trong đó sao?”. 

Khiêm Từ
Theo Minghui

Chú thích:

(1) Nghĩa là: “Duyệt xem các ghi chép trong nhà cỏ của những ẩn sỹ”. Đây là cách đặt tên khiêm tốn của trí thức thời xưa.

Bạn đang đọc bài viết: “2 câu chuyện có thật chứng minh ‘Ở lành Trời dành phúc cho’” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||8721d3b1a__