Mấy ngàn năm nay, người Việt Nam, Trung Quốc và các dân tộc Á Đông nói chung đều tin vào “nhân quả báo ứng”, tin rằng thiên lý tồn tại trong vô hình, thiện ác đến lúc cũng phải báo. Đó không chỉ là niềm tin, mà còn là một hiện thực.

Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh trong cuốn sách “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” đã ghi chép lại rất nhiều câu chuyện kỳ dị được nhìn thấy nghe thấy trong đời thường, tường thuật một số chuyện nhân quả luân hồi để cảnh tỉnh hậu thế.

Nghèo khó trắc trở, tất có nguyên do

Hà Gian Phủ có một người tên Phùng Thụ Nam, am hiểu chữ nghĩa, con người cũng rất thông minh, nhưng anh ta lưu lạc ở Kinh Thành mười mấy năm, vẫn không thể đắc chí. Mỗi lần gặp được cơ duyên, cuối cùng luôn là trống không. Cuộc sống nghèo khó trắc trở, trong lòng buồn khổ chán nản.

Một hôm, anh ta đi vào miếu cầu xin Thần linh nói cho mình biết tại sao lại có vận mệnh như vậy. Vào đêm hôm đó, mơ thấy có người nói với anh ta: “Ngươi đừng oán hận sự gian khó của thế đạo, thời vận của cá nhân nữa. Thật ra, vận mệnh trong đời này của ngươi đều là do bản thân ngươi tự tạo nên, oán hận thì có ích gì hả? Kiếp trước ngươi thích dùng lời nói giả dối để mong được danh thơm là trung hậu trưởng giả.

Gặp phải chuyện khó xử, ngươi biết rõ sự việc làm không thành, nhưng lại tích cực xúi giục người khác đi làm, để khiến người khác cảm tạ lời khẳng định của ngươi. Gặp phải kẻ xấu phạm pháp, ngươi biết rõ hắn tội không thể tha, lại hết lần này đến lần khác biện giải, mong nhận được sự cảm kích của hắn với ngươi. Hành động của ngươi là vì toan tính kẻ khác, mà đem oán hận quy kết lên người của kẻ khác. Sự khôn khéo gian trá của ngươi cũng thái quá rồi đó! Huống hồ những việc này, ngươi đều để bản thân thoát khỏi liên quan, dù có công hay có tội, đều do người khác gánh chịu. Phàm là đụng đến lợi ích của ngươi, liền sợ hãi né tránh.

Những chuyện không tốn sức lực mà có thể cứu người trong hoạn nạn, ngươi lại sợ phiền phức mà khoanh tay đứng nhìn. Vì vậy xem ra, người khác đối với ngươi nhìn tưởng là thân thiết, thực chất là xa lánh, bề ngoài quan tâm, thực chất là lạnh lùng, cũng là điều đương nhiên mà thôi. Nếu một người thỉnh thoảng làm sai chuyện, có thể dùng những việc thiện khác để bù đắp. Nếu tâm tính của một người đã hư hỏng rồi, vậy thì thiên lý và đạo luật đều không thể dung thứ. Ngươi tự mình nghĩ xem, vận mệnh của kiếp này có đáng hay không đáng?”.

Phùng Thụ Nam sau khi nghe xong thì vô cùng hối hận, không lâu sau thì bệnh chết.

Vô công hưởng lộc, lộc ăn bị giảm

Ngân Huyện có một thư sinh rất giỏi văn chương, nhưng con đường sự nghiệp gặp nhiều trắc trở, không thi đỗ công danh. Sau đó vị thư sinh này bị một trận bệnh nặng, trong lúc đang mê man, mơ thấy mình đi đến một quan nha. Dựa theo tình hình, anh ta cảm thấy đây có thể là âm ty. Lúc này, đối diện có một người mặc quan phục đi tới, thư sinh vừa nhìn, thì ra là một người quen năm xưa, liền lập tức nghe ngóng từ hắn, hỏi căn bệnh này của mình có phải sắp chết rồi không?

Vị quan âm ti đó nói: “Thọ mạng của ngươi chưa tận, nhưng mà lộc số đã tận rồi, sợ là không lâu nữa sẽ phải đến chỗ này thôi”. Thư sinh nói: “Đời này của tôi, đều dựa vào mở lớp dạy học để kiếm ăn, tại sao lộc số lại hết trước hả ?”

Quan âm ti thở dài nói: “Chính vì ngươi kiếm cơm bằng việc dạy học này, mà lại bỏ mặc không màng đến tính cách phẩm đức của các học trò. Quan âm ty cho rằng, vô công hưởng lộc cũng giống như trộm cắp hoặc lãng phí lương thực, cần phải khấu trừ phần bổng lộc đáng có để bù đắp. Vì vậy thọ mạng ngươi chưa tận mà lộc số tận trước. Là lão sư trưởng giả, được xếp trong quân-thân-sư, được hưởng vinh dự cao quý, thì phải truyền thụ phẩm đức, học nghiệp, dẫn dắt người khác hướng thiện.

Ngươi thu học phí của người ta, lại dạy sai cho đệ tử, đáng ra phải chịu sự khiển trách nghiêm khắc nhất. Kẻ có quan lộc, phải cắt giảm quan lộc. Kẻ không có quan lộc, thì cắt giảm lộc ăn. Từng ly từng tý đều được tính toán rất rõ ràng. Người đời luôn luôn nhìn thấy một số học giả tài giỏi hoặc thấu hiểu Nho giáo, có người sống đời nghèo khổ, có người lại chết lúc trẻ, liền oán trách thiên đạo không công bằng. Nhưng đâu biết là, những người này đều là tự tạo sai lầm, mới phải rơi vào tình cảnh này”.

***

Người xưa thường nói: ‘Người đang làm, Trời đang nhìn’. Kỳ thực con người dám phạm những tội như trong hai câu chuyện kể trên là bởi lẽ họ không tin mọi điều mình làm đều có Thần Phật nhìn thấy và ghi chép lại rõ ràng sáng tỏ. Nhân – Quả xoay vần tạo nên số mệnh. Người nghèo khổ thường than Trời bất công, nhưng đạo Trời thực sự rất công bằng, chẳng qua con người ‘không thấy thì không tin’ mà thôi. Bất hạnh, trắc trở cũng không phải vô duyên vô cớ, đều bởi nghiệp do đời trước làm việc ác tạo thành. Vậy nên đừng vì ‘tài cao, phận thấp’ mà ‘chí khí uất’.

Đọc chuyện xưa, nghĩ chuyện nay, đạo đức đang trở thành điều xa xỉ, lương tâm có giá bao nhiêu? Nhìn ra xung quanh, thực phẩm nhiễm độc, đâu đâu cũng thấy đủ thứ độc hại bủa vây. Người chỉ vì lợi mà không việc gì không dám làm, dù để hại chính đồng loại. Nhưng luật của Trời thì không có sai chạy, nhân quả báo ứng cho dù bạn có tin hay không vẫn tồn tại bất biến. Vì vậy, thuận theo thiên lý làm nhiều việc thiện mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, mới là điều duy nhất đảm bảo tương lai tốt đẹp.

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__