Cổ nhân soạn sách một là để tự tổng kết sở học của mình, hai là để sửa lại đạo đức cho thế nhân. Do đó, suốt hàng nghìn năm qua, những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế. 

Từ hàng nghìn năm qua, “Trung Dung”, cùng với “Luận ngữ”, “Đại học” và “Mạnh Tử” chính là những kinh điển của Nho gia, hàm chứa triết lý tu thân, trị quốc, làm người. Bộ “Trung Dung” được Tử Tư (tên thật là Khổng Cấp) soạn ra. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cũng chính là cháu nội của Khổng Tử.

“Trung Dung” dạy người ta đạo lý làm người phải biết trung hòa, không cực đoan, thái quá, hành xử theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín để đạt đến cảnh giới của người quân tử. Trong sách có rất nhiều lời bàn, lời dạy của cả Khổng Tử và Tử Tư, đối với hậu thế quả là một kho tàng lớn về xử thế. Hãy cùng chúng tôi điểm qua 20 câu tinh hoa nhất trong đó, loạt này giới thiệu 10 câu đầu tiên:

1. Người quân tử giữ đạo Trung dung, kẻ tiểu nhân trái đạo Trung dung. Đường lối Trung dung của người quân tử là quân tử thì tùy thời giữ trung. Đường lối Trung dung của kẻ tiểu nhân là tiểu nhân thì không kiêng sợ gì. 

Nguyên văn: Quân tử trung dung, tiểu nhân phản trung dung, quân tử chi trung dung dã, quân tử nhi thời trung; tiểu nhân chi trung dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã.

Lời lẽ và cử chỉ của người quân tử phù hợp với đạo Trung dung. Lời lẽ, cử chỉ của kẻ tiểu nhân lại đi ngược lại đạo Trung dung. Người quân tử sở dĩ có thể phù hợp với đạo Trung dung là vì họ có thể tiết chế, phù hợp trong trong trạng thái luôn vận động, biến đổi. Kẻ tiểu nhân sở dĩ vi phạm đạo Trung dung là vì họ dám làm liều mà không màng tới hậu quả về sau nên thường chạy theo cực đoan. 

Đường lối Trung dung của người quân tử là quân tử thì tùy thời giữ trung. (Ảnh: youtube.com)

2. Người Trung dung thì không thiên vị, không làm quá, chỉ theo lý bình thường, chính là cái chỗ tất yếu của mệnh Trời.

Nguyên văn: Trung dung giả, bất thiên bất ỷ, vô quá bất cập, nhi bình thường chi lý, nãi thiên mệnh sở đương nhiên. 

Người tôn sùng đạo Trung dung thì không thiên lệch về bất cứ bên nào, cũng không làm điều gì quá đáng, cực đoan. Họ sẽ chỉ là hành sự theo đạo lý thông thường, hợp với ý Trời mà thôi. 

3. Trung thứ thì cách đạo không xa. Điều gì mình không muốn làm thì đừng làm cho người khác.

Nguyên văn: Trung thứ vi đạo bất viễn. Thi chư dĩ kỷ nhi bất nguyện, diệc vô thi vu nhân. 

Một người có thể giữ được sự trung dung, tha thứ thì cách đạo chẳng còn xa. Việc bản thân không muốn làm thì đừng gượng ép cho người khác. 

4. Tự thân đoan chính thì chẳng cần đòi hỏi người, cũng không oán giận, trên không hận Trời, dưới chẳng trách người. Cho nên, người quân tử sống bình dị mà đợi mệnh Trời, kẻ tiểu nhân làm chuyện nguy hiểm mà cầu may mắn. 

Nguyên văn: Chính kỷ, nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán, thượng bất oán thiên, hạ bất oán nhân, cố quân tử cư dịch dĩ sĩ mệnh, tiểu nhân hành hiểm dĩ kiểu hạnh. 

Tự thân mình nghiêm trang, chính trực thì chẳng phải yêu cầu người khác một cách hà khắc. Như vậy trong lòng sẽ không mang oán giận. Trên không oán hận Trời xanh, dưới không trách móc người khác. Cho nên người quân tử có thể an phận thủ thường, chờ đợi sự an bài của vận mệnh. Còn kẻ tiểu nhân lại chuyên làm những việc nguy hiểm, muốn dựa vào may mắn mà giành được lợi ích không thuộc phần mình. 

5. Cái lý bắn cung tựa như đạo người quân tử, bắn không trúng bia thì phải tự xét lại mình.

Nguyên văn: Xạ hữu tự hồ quân tử, thất chư chính cốc, phản cầu chư kỳ thân.

Người quân tử lập thân, xử thế cũng giống như như bắn cung tên. Mũi tên không bắn trúng hồng tâm thì không thể trách bia không thẳng, chỉ có thể trách kỹ thuật bắn cung của mình không giỏi, dụng tâm không đủ mà thôi. 

Mũi tên không bắn trúng hồng tâm thì không thể trách bia không thẳng. (Ảnh: depplus.vn)

6. Đạo người quân tử như đi đường xa ắt phải bắt đầu từ chỗ gần, như lên chỗ cao ắt phải bắt đầu từ chỗ thấp.

Nguyên văn: Quân tử chi đạo, thí như hành viễn tất tự nhĩ, thí như đăng cao tất tự ti. 

Quân tử thực hành đạo Trung dung cũng như đi đường xa vậy, ắt phải bắt đầu từ chỗ gần, cũng như leo lên núi cao vậy, ắt phải bước chân từ nơi đất thấp. 

7. Hiếu học là gần có trí, cố sức mà làm là gần có nhân, biết xấu hổ là gần có dũng.

Nguyên văn: Hiếu học cận hồ tri, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng.

Dịch văn: Thích học hành thì sẽ tiếp cận gần với trí tuệ, nỗ lực thực hành thì sẽ cận kề với lòng nhân ái, biết xấu hổ thì sẽ đến gần sự dũng cảm.

8. Chân thành là đạo của Trời, trở nên chân thành cũng chính là đạo của người vậy.

Nguyên văn: Thành giả, thiên chi đạo dã; thành chi giả, nhân chi đạo dã. 

Kỳ thực, thành thật, chân phác chính là đạo của Trời sinh vạn vật. Là con người thì cốt yếu nhất là phải theo đuổi sự chân thành, lấy nó làm nguyên tắc xử thế.

Là con người thì cốt yếu nhất là phải theo đuổi sự chân thành, lấy nó làm nguyên tắc xử thế. (Ảnh: youtube.com)

9. Người chân thành không cần miễn cưỡng mà vẫn phù hợp, không suy tính cũng có được, ung dung trong Đạo, ấy là Thánh nhân. Người nỗ lực chân thành chính là chọn đường Thiện mà kiên định đi theo vậy. 

Nguyên văn: Thành giả bất miễn nhi trung, bất tư nhi đắc, tòng dung trung Đạo, thánh nhân dã, thành chi giả, trạch thiện nhi cố chấp chi giả dã. 

Người chân thành bẩm sinh không cần miễn cưỡng cũng có thể phù hợp với sự chân thành, không cần suy nghĩ đã có thể đắc, thong dong mà phù hợp với đạo Trung dung. Người đạt được cảnh giới này chính là Thánh nhân. Người nỗ lực cầu sự chân thành chính là lựa chọn hành theo đạo Thiện vậy. 

10. Vì chân thành mà thông sáng, ấy gọi là tính. Do thông sáng mà chân thành, ấy gọi là giáo. Chân thành thì thông sáng, thông sáng thì chân thành vậy. 

Nguyên văn: Tự thành minh, vị chi tính, tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ, minh tắc thành hĩ. 

Vì chân thành mà minh bạch cái lý của sự việc, điều này gọi là thiên tính bẩm sinh. Vì minh bạch cái lý của sự việc mà trở nên chân thành, ấy là kết quả của giáo dục. Chân thành thì sẽ minh bạch lý. Có thể minh bạch lý thì cũng đạt được chân thành vậy. 

Nhã Văn