“Ngồi trong màn trướng, quyết chuyện xa ngoài nghìn dặm” từ lâu đã là phẩm chất tiêu biểu của các quân sư, cố vấn. Sức mạnh trí tuệ của họ có khi ngang ngửa hàng chục vạn quân. Mưu kế của họ có khi nguy hiểm chẳng khác nào những thứ vũ khí lợi hại nhất. Lịch sử Á Đông chứng kiến rất nhiều đại quân sư lẫy lừng như vậy. 

Ở bề mặt chữ nghĩa, “quân” là quân đội, “sư” là thầy, quân sư chính là chỉ “người thầy của đội quân”, là người hoạch định mưu kế, chiến lược cho chủ tướng cũng như toàn quân nhằm giành được kết quả có lợi nhất trong chiến trận, chính trị hay kinh tế. Thời cổ, quân sư thường là người xuất thân trong tầng lớp có học hành, là Nho sĩ thông hiểu kiến thức đông tây kim cổ. Một quân sư giỏi không chỉ biết cách bày binh bố trận, đánh bại đối thủ mà còn phải là người biết đạo xử thế, hiểu về tâm lý, tóm lại là được trang bị nhiều “kỹ năng mềm” (như từ mà chúng ta hay gọi ở thời này). 

Trong lịch sử dài hàng nghìn năm của các nước Á Đông (mà Trung Quốc và Việt Nam là điển hình nhất), vị thế của các quân sư thường rất nổi bật trong vai trò kiến quốc, dựng nghiệp bá vương, đôi khi được xưng tụng như “Thần nhân”, có ảnh hưởng lâu dài đến cả dòng chảy văn minh lịch sử. Ở Trung Quốc, có ai mà không biết đến tên tuổi Gia Cát Lượng, Tôn Tẫn, Lưu Bá Ôn… cũng như ở Việt Nam người nào mà chẳng ngưỡng mộ tài thao lược của Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ hay Nguyễn Thiếp… Sở dĩ các quân sư luôn nhận được nhiều cảm tình của lớp hậu nhân là bởi họ chính là đại diện cho trí thức, sự uyên bác và đạo đức ở một cảnh giới cao. 

Hãy cùng xem những quân sư nổi tiếng trong lịch sử Á Đông dưới đây có gì đặc biệt? 

1. Người câu cá bên sông Vị – Khương Tử Nha 

“Lã Vọng câu cá” là hình ảnh nổi tiếng trong lịch sử Á Đông. Lã Vọng chính là Khương Tử Nha. Thời cổ đại, người trong gia đình quyền quý thường có 2 họ: một của tổ tiên, một của thị tộc. Lã chính là họ thị tộc của Khương Tử Nha. Đến đời ông, gia đình đã rơi vào cảnh suy vi, nghèo khó. Khương Tử Nha tuổi già rồi mà vẫn chẳng có công danh gì, chỉ ngồi câu cá ở bờ sông Vị. Về sau Khương Tử Nha gặp được Chu Văn Vương Cơ Xương, theo dưới trướng, phò tá Văn Vương chống lại triều đình bạo ngược của Trụ Vương. Dưới sự phò tá của quân sư Khương Tử Nha, Văn Vương trong thì sửa sang nội trị, ngoài thì mở rộng bờ cõi, chỉ qua một thời gian ngắn đã thuần phục các nước chư hầu nhỏ xung quanh, lãnh thổ chiếm đến 2/3 thiên hạ lúc bấy giờ. 

Văn Vương mất, Khương Tử Nha lại tiếp tục phò tá Chu Vũ Vương Cơ Phát xưng bá phía Tây, phát hội thề chư hầu chuẩn bị phạt Trụ. Năm 1124 TCN, chính sự nhà Thương đổ nát, vua Trụ ngày càng suy đồi, Khương Tử Nha khuyên Chu Vũ Vương chớp lấy thời cơ ra quân. Trước khi ra trận, quẻ bói cho thấy điềm xấu, Chu Vũ Vương có chút ngần ngại. Tuy nhiên Khương Tử Nha vẫn khuyên nhà vua tiếp tục ra quân, quẻ dữ sẽ hóa lành vì nhà Chu thuận theo thiên ý. Quả nhiên lần này ra quân thắng lợi, Chu Vũ Vương đánh bại quân Thương ở Mục Dã. Trụ Vương chạy đến Lộc Đài, tự thiêu mà chết. Nhà Chu nhất thống thiên hạ, kế mệnh Trời làm quân chủ. 

Khương Tử Nha tinh thông binh pháp, có tài kinh bang tế thế, sau khi Chu Vũ Vương lên ngôi thiên tử liền phong cho ông là vua đất Tề (tức Tề Thái Công). Ông rời triều đình, đi về phía đông đến đất Tề sửa sang nội trị, thu phục lòng dân, bình phản loạn, mở rộng bờ cõi. Tương truyền, tinh hoa binh nghiệp của Khương Tử Nha đều ở cả trong cuốn “Binh pháp Lục Thao”, là bộ binh pháp lâu đời nhất lịch sử nhân loại, còn được gọi dưới cái tên “binh pháp Thái Công”. Các mưu sĩ sau này cũng thường lấy binh pháp của Khương Tử Nha làm sách giáo khoa căn bản mà học tập. 

Khương Tử Nha câu cá. (Ảnh min họa: sohu.com)

2. Quân sư tàn tật – Tôn Tẫn 

Có lẽ ông là một trong những quân sư có đời tư đau khổ nhất. Theo học Quỷ Cốc Tử tiên sinh, tư chất thông minh, thấu hiểu đạo cầm binh, lại nhận được chân truyền, nào ngờ lại bị chính người bạn học đồng môn thân thiết là Bàng Quyên ám hại, phải chịu chặt xương đầu gối, bị thích lên mặt. Dù vậy, Tôn Tẫn vẫn nuôi chí lớn, may được sứ giả nước Tề cứu cho và tiến cử với Tề Uy Vương. Tôn Tẫn có cơ hội thi thố tài năng, được Tề Uy Vương tôn làm thầy, bản thân ông trở thành quân sư trong những quyết sách lớn của quốc gia. 

Năm 353 TCN, Bàng Quyên cầm đại quân đánh Triệu. Nước Triệu cầu cứu vua Tề. Theo kế sách đầy sáng tạo của Tôn Tẫn, quân Tề không phát binh cứu Triệu mà lại hành quân tức tốc tới thẳng kinh đô Đại Lương của nước Ngụy. Bàng Quyên buộc phải rút về để bảo vệ Đại Lương, trên đường đi bị đánh bại tại Quế Lăng, bản thân bị bắt sống. Tôn Tẫn bị Bàng Quyên hại cho sống dở chết dở, nhưng vẫn lấy đức báo oán, tha cho người bạn học cũ về nước Ngụy. 

Thế nhưng đến năm 341 TCN, Ngụy Vương lại sai Bàng Quyên làm đại tướng quân thân chinh đánh Tề (ý muốn trả thù cái nhục ở trận Quế Lăng). Tôn Tẫn một lần nữa đối đầu với người bạn cũ. Lần này, ông lại dùng diệu kế “rút bếp”, cứ hôm sau lại giảm một nửa số bếp lính. Bàng Quyên trông thấy, nghi rằng quân Tề đã sợ hãi mà bỏ chạy, đào ngũ nên tức tốc bám theo truy kích, bỏ lại trọng binh, chỉ mang theo quân khinh kỵ đuổi gấp. 

Bàng Quyên đuổi đến đường Mã Lăng, địa hình hiểm trở, hai bên là vách núi cao, hẹp. Thấy có gốc cây sơn chữ trắng, Bàng Quyên cho quân lính soi đuốc đọc, thấy ghi: “Bàng Quyên chết ở dưới gốc cây này”. Đoạn, hai bên sườn núi, quân Tề ở đâu nhất loạt bắn tên, vạn tiễn phân thây, quân Ngụy không cách nào chạy thoát, người ngựa đều chết cả. Trong lúc tuyệt vọng, Bàng Quyên rút kiếm tự vẫn, trước khi chết còn than: “Thế là ta lại làm cái thằng đó nổi danh”. Trước đó, Tôn Tẫn đã cho quân mai phục đầy hai bên, trữ sẵn cung nỏ, chỉ phục một trận là diệt chủ tướng quân Ngụy. Kế rút bếp và nhử địch vào chỗ mai phục của Tôn Tẫn sau này đã đi vào huyền thoại trong lịch sử binh pháp. 

Sau khi giúp nước Tề hùng cường, xưng bá chư hầu, Tôn Tẫn xin vua Tề cho về trí sĩ, đóng cửa đọc sách, sống một đời ẩn dật cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Bộ sách “Tôn Tẫn binh pháp” của ông được coi là một trong những kiệt tác binh pháp nổi tiếng nhất lịch sử Á Đông. 

Chân dung Tôn Tẫn. (Ảnh: wikipedia.org)

3. Nỗi oan thiên cổ – Nguyễn Trãi 

Lê Lợi khởi nghĩa thành công, đánh đuổi quân Minh, dựng lại nền độc lập cho Đại Việt, công đầu phải ghi tên Nguyễn Trãi vậy. Ông chính là mưu sĩ số một của Lê Lợi, nhiều lần hiến kế lạ, giúp quân Nam từng bước giành được lợi thế trước quân phương Bắc, cuối cùng hoàn toàn chiếm được quyền kiểm soát cả Giao Chỉ (tên gọi nước Việt dưới thời đô hộ của nhà Minh khi ấy). Nguyễn Trãi xuất thân vốn dòng trâm anh thế phiệt, có ông ngoại là Trần Nguyên Đán, dòng dõi hoàng tộc nhà Trần. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sĩ cuối thời Trần, làm Hàn lâm viện học sĩ thời Hồ. Bản thân Nguyễn Trãi cũng đỗ Thái học sinh dưới triều Hồ, làm tới Ngự sử đài Chính chưởng. 

Biến cố đầu tiên trong đời Nguyễn Trãi chính là việc nhà Minh đánh diệt nhà Hồ, đặt ách đô hộ lên nước Việt. Nguyễn Trãi buộc phải bỏ trốn để thoát khỏi sự truy bắt của quân Minh. Bấy giờ Tổng binh Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư gọi ông về. Nguyễn Trãi vì đạo hiếu bất đắc dĩ phải ra hàng. Trương Phụ biết ông không chịu ra làm quan hợp tác với quân Minh, muốn giết đi, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc thấy mặt mũi khác thường, tiếc tài tha cho, chỉ giam lỏng ở thành Đông Quan. Có lẽ Hoàng Phúc cũng không ngờ rằng kẻ được mình tha bổng kia sau này không những sẽ đánh bật đại quân của ông khỏi Đại Việt mà còn tự tay tha chết cho ông, coi như báo đáp một ân tình. 

Nguyễn Trãi được tha nhưng cha ông là Nguyễn Phi Khanh thì bị bắt về phương Bắc. Nguyễn Trãi theo cha lên đến tận cửa ải, muốn theo về phương Bắc để chăm sóc cha, làm tròn chữ hiếu. Nguyễn Phi Khanh cầm tay con, rưng rưng nói: “Con là kẻ sĩ mà không biết đạo lý trung hiếu không thể vẹn đôi đường sao? Con đi theo cha về phương Bắc tuy tròn đạo hiếu nhưng lại lỗi đạo trung. Con phải ở lại đây, ngày đêm trui rèn để lo báo mối thù nước, nợ nhà”. Nguyễn Trãi gạt lệ, nghe lời cha, trở về Đông Quan, tiếp tục sống những ngày nhẫn nhục, ôm chí lớn. 

Sau này, biết tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở xứ Lam Sơn, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan vào Thanh Hóa theo dưới trướng. Ông nhanh chóng được Lê Lợi trọng dụng, tôn làm quân sư, cùng bàn việc quân. Ngay buổi đầu gặp gỡ, ông đã dâng lên Lê Lợi “Bình ngô sách”, hiến kế rằng thảo phạt quân Minh không gì hơn là “tâm công”, làm suy yếu ý chí của quân giặc, khiến chúng phải tự tan rã mà quân ta cũng không tốn máu xương. Trong suốt những năm sau này, Nguyễn Trãi luôn lấy “tâm công” là sách lược chủ yếu, nhiều lần viết thư chiêu hàng thành công tướng giặc. Thực tế cho thấy đây là diệu kế đầy khôn ngoan. Bởi quân phương Bắc chinh chiến lâu ngày, khổ sở mệt nhọc, không quen thủy thổ, tinh thần vốn đã không được tốt, thường nhớ quê nhà, chẳng muốn ở vùng An Nam khí thiêng nước độc lâu ngày làm gì. Nguyễn Trãi dùng tâm lý chiến, bày rõ thiệt hơn, đánh vào tâm lý binh sĩ đã khiến quân địch không đánh mà tự tan, quả là một kế sách vi diệu. 

Nguyễn Trãi dâng kế. (Ảnh minh họa: Tranh của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)

Có Nguyễn Trãi làm mưu thần, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng đó, bình định nhiều châu quận từ Nghệ An đến Thuận Hóa. Cuối cùng, chỉ còn đại tướng Vương Thông cố thủ Đông Quan, nhất định không hàng. Nguyễn Trãi nhiều lần viết thư chiêu an, đồng thời đích thân vào tận trong thành để dụ hàng. Chỉ đến khi những đoàn quân tiếp viện của hai tướng Liễu Thăng và Mộc Thạnh do Nhà Minh cử sang bị quân Lê Lợi phục kích, đánh tan ở trận Chi Lăng – Xương Giang, Vương Thông trong thành Đông Quan mới đồng ý nghị hòa. Có người khuyên Lê Lợi nên nhân cơ hội quân Minh đang rút về nước, đánh cho một trận nữa để rửa hận. Tuy nhiên Nguyễn Trãi can rằng, giặc ở đường cùng không nên đuổi gấp, hơn nữa cần giữ hòa khí với triều Minh để tránh mối vạ về sau này. Lê Lợi đồng ý. Quả nhiên tầm nhìn của Nguyễn Trãi rất sáng suốt, từ đó nhà Minh không còn lần nào mang quân sang đánh Đại Việt nữa. Sau này, mãi đến năm 1788, tức khoảng 360 năm sau, mới có một triều đại phương Bắc đem quân đánh nước Nam – triều Thanh với 29 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị dẫn đầu. 

Lập được đại công, Nguyễn Trãi được Lê Lợi trọng dụng, phong thưởng rất hậu, phong đến Á hầu. Sau khoảng chục năm làm quan, năm 1438, Nguyễn Trãi xin về trí sĩ ở Côn Sơn – Kiếp Bạc (nay là Hải Dương). Thời gian này, ông ở ẩn, làm thơ, viết sách, tự tay trồng cây, cày ruộng, sống một đời thanh đạm và ít ưu phiền. Tuy nhiên ngày tháng đẹp không được bao lâu. Năm 1442, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà trong lần tuần du miền Đông khi đang ở cùng người thiếp Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Trãi. Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi bị vu cho là thông đồng giết vua, bản thân Nguyễn Trãi bị xử trảm, ba họ bị tru di, con cháu chạy loạn khắp nơi, mai danh ẩn tích. Đây quả thực là kết cục cực kỳ đáng buồn của một mưu sĩ hiển hách, khai quốc công thần một thời của Đại Việt. 

Sau này, vua Lê Thánh Tông đã minh oan, trả lại thanh danh cho Nguyễn Trãi, tha bổng cho con cháu hậu duệ đời sau, coi như là một lời chiêu thuyết cho nỗi oan nghìn năm khó gỡ của Nguyễn Trãi – vị quân sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. 

Tiểu Lý

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết: “7 đại quân sư nổi danh trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam (P.1)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||41fd9f6bb__