Nhạc thời cổ đại không phải là hình thức văn nghệ giải trí như ý nghĩa hiện đại, mà là trên tiếp với Đạo Trời, dưới khai mở tâm tính, nâng cao đạo đức. Sự tích truyền kỳ của Sư Khoáng đã ấn chứng sự rộng lớn và huyền diệu của “nhạc khả thông Thần” (Âm nhạc có thể thông đến Thần linh).

Nhạc do Thiên tác. Hơn 2500 năm trước, Sư Khoáng nước Tấn đã triển hiện kỹ năng âm nhạc xuất Thần nhập hóa. Ông tinh thông âm luật, có thể từ nhạc khúc dự kiến được chiến sự thành bại, quốc gia thịnh suy. Tiếng đàn của ông khiến huyền hạc nhảy múa, khiến Trời Đất cảm động. Ông không chỉ giỏi chơi đàn mà còn trực ngôn can gián, khuyên răn quốc vương: “Làm lợi cho dân, nhân nghĩa, đó là việc quan trọng nhất trong những việc quan trọng”.

Sự tích truyền kỳ của Sư Khoáng đã ấn chứng sự rộng lớn và huyền diệu của “nhạc khả thông Thần” (Âm nhạc có thể thông đến Thần linh).

Nhạc là tinh hoa của Đức

Nhạc thời cổ đại không phải là hình thức văn nghệ giải trí như ý nghĩa hiện đại, mà là trên tiếp với Đạo Trời, dưới khai mở tâm tính, nâng cao đạo đức. Những điều huyền bí vô cùng như thiên địa vạn vật, bốn mùa trăng sao, quốc gia hưng suy… đều có thể thể nghiệm và phân biệt được trong âm nhạc. Âm nhạc dung hợp, đối ứng với tạo hóa thiên nhiên; những vận luật trong âm nhạc kỳ diệu không thể diễn tả bằng lời.

Ngũ thanh trong âm nhạc truyền thống của các dân tộc phương Đông có khởi nguồn từ ngũ hành truyền thống. Nhà lý luận âm nhạc đời Tống Chu Trường Văn nói: “Thánh nhân quan sát hình tượng ngũ hành ở trời, khí ngũ thần ở thời, hình ngũ tài ở thế gian rồi chế ra ngũ âm Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ để khảo sát các âm thanh”.

Trong Nhạc ký có luận thuật quan hệ giữa Nhạc và Đức: “Nhạc là vui vẻ. Người quân tử yêu thích âm nhạc là để nâng cao đạo đức tu dưỡng. Kẻ tiểu nhân yêu thích âm nhạc là để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Dùng Đạo để khống chế, ước chế dục vọng thì vui vẻ mà không loạn. Dùng dục vọng để quên mất Đạo thì mê loạn mà không vui vẻ. Thế nên người quân tử có thể chế ngự tình cảm để hòa hợp chí hướng với chính Đạo, thông qua nghĩa lý của âm nhạc để thành tựu giáo hóa rộng rãi, âm nhạc có thể hướng người dân theo chính nghĩa chính Đạo, có thể quan sát đạo đức người dân. Đức là khởi đầu của tính. Nhạc là tinh hoa của Đức. Kim thạch ti trúc (kim loại, đá, tơ, trúc) là khí cụ của nhạc”.

(Ảnh: kknews.cc)

Thiên hạ chí thông, thông đạt Thần linh

Sư Khoáng tên tự là Tử Dã, là nhạc sư nước Tấn thời Xuân Thu, người Nam Hòa, Ký Châu, chưa rõ năm sinh. Ông từng là đại phu nước Tấn, năm ông làm quan vào thời chấp chính của Tấn Điệu Công (573 TCN – 558 TCN) và Tấn Bình Công (557 TCN – 532 TCN).

Sư Khoáng mù bẩm sinh, nhưng có thính lực và trực giác âm luật siêu phàm. Sách Hoài Nam Tử có viết: “Sư Khoáng thông minh, có thể phân biệt được tiếng gió của 8 phương”. Một lần, Tấn Bình Công lệnh đúc một chiếc chuông lớn, chỉ có Sư Khoáng nghe được âm luật ‘không hợp điệu’, sau này được nhạc sư nước Vệ là Sư Quyên chứng thực, thực sự là như vậy.

Sư Khoáng giỏi chơi các loại nhạc cụ như đàn cầm, đàn sắt… Ông còn là nhà sáng tác nhạc khúc. Tương truyền, tuyệt phẩm cổ khúc “Dương xuân bạch tuyết” chính là do Sư Khoáng sáng tác.

Sách Thái cổ di âm viết: “Xưa Thiên Đế sai Tố Nữ chơi đàn ngũ huyền, tấu khúc Dương Xuân, thế nên Sư Khoáng đã phỏng theo chế tác khúc nhạc này. Khúc nhạc lấy ý vạn vật hồi xuân, gió xuân nhè nhẹ”.

Trong sử sách cũng có ghi chép về kỹ nghệ chơi đàn thần kỳ của Sư Khoáng. Sách Quảng bác vật chí có viết: “Sư Khoáng chơi đàn, thông đến Thần linh, ngọc dương bạch hạc bay lượn giáng hạ xuống”. 

Sách Sơ học ký của Từ Kiên nhà Hậu Đường có viết: “Sư Khoáng chơi đàn, có huyền hạc ngậm châu nhảy múa trong sân”.

Đương thời, Sư Khoáng được ca ngợi là “Ngũ âm chi Thánh” (Ông Thánh của âm nhạc). Người đời sau gọi ông là Thông Thánh và Nhạc Thánh.

Thanh Chủy và thanh Giốc

Sư Khoáng đã 2 lần bất đắc dĩ chơi đàn, kết quả là một vui và một buồn. Câu chuyện này được ghi chép trong sách Hàn Phi Tử.

Tấn Bình Công muốn nghe khúc Thanh Chủy, Sư Khoáng nói: “Không được. Người xưa nghe khúc Thanh Chủy đều là những quân vương có đức. Nay quốc quân đức mỏng, không đủ để nghe”.

Tấn Bình Công thỉnh cầu mãi, Sư Khoáng đành phải chơi đàn. Tiếng đàn du dương gọi 16 con Tiên hạc bay đến đậu trên chiếc dầm cửa hành lang cung điện. Sư Khoáng tiếp tục gảy đàn, Tiên hạc xếp hàng. Chơi đàn tiếp, Tiên hạc vươn cổ hót, xòe cánh nhảy múa. Tấn Bình Công vô cùng vui mừng, tất cả mọi người có mặt đều hoan hỷ.

Tấn Bình Công lại hỏi: “Có khúc nhạc nào hay hơn khúc Thanh Chủy này không”. 

Sư Khoáng nói: “Khúc nhạc này không bằng Thanh Giốc được”. 

Thế là Tấn Bình Công lại muốn nghe Thanh Giốc. 

Sư Khoáng nói: “Không được, đó là khúc nhạc xưa Hoàng Đế sáng tác khi hội họp quỷ Thần trên núi Thái Sơn. Ngài đức hạnh mỏng, không đủ để nghe khúc nhạc này. Nếu nghe thì e rằng sẽ chiêu mời họa loạn”.

Tấn Bình Công khăng khăng đòi nghe, Sư Khoáng đành phải chơi đàn. Lúc bắt đầu diễn tấu, mây đen từ hướng Tây Bắc đùn lên. Khi diễn tấu tiếp, gió lớn nổi lên, mưa lớn trút xuống, xé rách màn trướng, đập vỡ hết đồ ăn, thổi bay ngói mái nhà. Những người ngồi ở đó đều chạy tán tác. Tấn Bình Công kinh hoàng bò trên nền nhà. Sau đó, nước Tấn đại hạn 3 năm liền, Tấn Bình Công cũng mắc trọng bệnh.

(Ảnh minh họa: airjordan11.com)

Sư Khoáng bàn triều chính: lấy dân làm gốc

Sư Khoáng không chỉ là một đại sư âm nhạc mà về chính trị ông cũng có tầm nhìn xa trông rộng. Ông đã tham gia các sự vụ nội chính và ngoại giao của nước Tấn, khi quốc quân hỏi chính sự ông đã nói hết lòng. Ông đề xướng “phụng sự bằng nhân nghĩa”. Tư tưởng lấy dân làm gốc mà ông đề ra sớm hơn học thuyết “dân vi quý” của Mạnh Tử.

Tấn Bình Công đã từng hỏi Sư Khoáng: “Đạo của quốc quân như thế nào?”.

Sư Khoáng trả lời rằng: “Đạo của quốc quân là thanh tịnh vô vi, cốt yếu ở bác ái, bước đi ở trọng dụng hiền tài, mở rộng tai mắt lắng nghe để quan sát xem xét vạn phương. Không chìm đắm vào dòng chảy thế tục, không để thân cận tác động, kiểm soát. Nhìn xa trông rộng, độc lập trác việt”.

Có một lần, Tề Cảnh Công đến thăm nước Tấn. Trong bữa tiệc, Cảnh Công thỉnh giáo Sư Khoáng về đạo trị quốc. Hỏi liền 3 lần, Sư Khoáng đều trả lời: “Quốc quân ắt phải làm lợi cho người dân, chỉ cần thế thôi”.

Trở về nước, Tề Cảnh Công lập tức mở kho lương thực, phân phát tiền tài, tiếp tế dân nghèo, dựa vào nhân đức nên đã ổn định được chính quyền và xã hội.

Sư Khoáng dùng đàn đánh vua

Sách Hàn Phi Tử có ghi chép câu chuyện Sư Khoáng dùng đàn đánh quốc quân.

Một hôm, Tấn Bình Công uống rượu cùng quần thần, ông vui sướng nói: “Không có việc gì vui thích bằng làm quốc quân, không ai dám trái lời ta”.

Sư Khoáng ngồi hầu rượu ở bên nghe thấy những lời này liền cầm đàn nhằm vào quốc quân mà đánh. Đàn đập vào tường, vỡ hỏng. Tấn Bình Công hỏi ông: “Thái sư đánh ai đó?”.

Sư Khoáng nói: “Vừa rồi có tiểu nhân nói nên phải đánh nó”.

Tấn Bình Công nói: “Đó là ta nói đó”. 

Sư Khoáng nói: “Ôi chao, đó không phải là lời mà bậc quân chủ nên nói!”.

Sư Khoáng còn luận “Ngũ mặc mặc”, tức là 5 loại tối tăm có thể dẫn đến xã tắc nguy nan:

Thứ nhất: Quân vương không biết bề tôi hối lộ cầu danh. Bách tính chịu oan mà không có nơi khiếu nại kêu oan.

Thứ hai: Quân vương không phân biệt rõ người, sử dụng người không thích đáng.

Thứ ba: Quân vương không phân biệt được hiền ngu, không phân biệt được trung thần gian thần.

Thứ tư: Quân vương ham thích quân sự võ công, khiến bách tính mệt mỏi.

Thứ năm: Quân vương không biết kế sách an dân, pháp lệnh không được thi hành, nhân tâm bất an.

Sư Khoáng cương trực thẳng thắn, ông nhắc nhở bậc quân vương ở trên cao chớ lạm quyền ức hiếp người dân: “Trời vô cùng yêu dân, sao có thể để một người nào đó ức hiếp người dân?”. Tầm nhìn sáng suốt sâu sắc của Sư Khoáng đến nay vẫn có ý nghĩa gợi mở sâu sắc.

Lời kết

Người xưa kính Thiên tín Thần, trọng đức hướng thiện. Điều này thể hiện trong muôn vạn hiện tượng từ lớn đến nhỏ trong cuộc sống xã hội cổ đại, liên quan đến các hoạt động chính trị, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, kiến trúc, y dược, nhạc vũ, thơ ca và thư họa… Thuận theo Thiên Đạo, ứng với thời thế, hợp với lễ, giữ nhân nghĩa thì mới có được quốc thái dân an. Các bậc Tiên, Thánh xuất hiện trong các lĩnh vực đương thời đã triển hiện nghệ thuật siêu phàm, đều có liên hệ mật thiết với phẩm đức cao thượng của bản thân, đã có tác dụng giáo hóa nhân tâm rất lớn. Các Thần tích và kỹ nghệ thần kỳ của họ đã tạo ra sự huy hoàng của nền văn minh truyền thống Á Đông.

Triêu Lộ
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Bạn đang đọc bài viết: “Âm nhạc chân chính là tinh hoa của Đức, có thể thông đến Thần linh” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||8881f3c7c__