Thời Chiến Quốc, Tần luôn là nước áp đảo chư hầu. Quân đội nước này, dưới thời Tần Thủy Hoàng gần như là bách chiến bách thắng, hừng hực khí thế muốn thống nhất thiên hạ quy về một mối. Các nước chư hầu suy yếu, biết không thể dùng binh mà chống lại Tần, bèn bày ra nhiều độc kế, trong đó điển hình nhất là phái thích khách đi hành thích Tần Thủy Hoàng. Những chuyện về sau, ta đều biết cả, Thủy Hoàng không những không chết mà còn thống nhất Trung Hoa, dựng nên Đại Tần vĩ đại. Còn câu chuyện của các thích khách thì cứ như thế lùi dần vào dĩ vãng đằng sau ánh hào quang của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng…

Năm 227 TCN, một chiều thu heo hắt, bên bờ Dịch thủy đất Hà Bắc, có chừng mười mấy người lầm lũi bước đi, ai nấy đều mặc bộ đồ tang, đeo khăn trắng. Đi đầu là Thái tử Đan nước Yên, bên hông đeo bảo kiếm nạm vàng, dáng vẻ đường bệ nhưng đôi mắt lộ rõ vẻ sầu não. Sóng bước cùng Thái tử Đan là một tráng sĩ đầu trần, tóc xõa, tay trái bưng một chiếc hộp gỗ sơn đen, tay phải giữ chiếc chủy thủ giắt trong đai lưng, vẻ mặt thản đãng, không lộ chút vui buồn.

Họ cứ lầm lũi đi mãi, từng trận gió thổi tung tóc mai, vạt áo, chẳng ai nói với ai câu nào. Phía xa, một chiếc đình nghỉ chân mới được dựng lên, đoàn người vào trong, chia ngôi chủ khách, trên bàn đã bày sẵn tiệc rượu. Thái tử Đan đích thân rót đầy một chung rượu, đi đến trước mặt tráng sĩ, khom lưng cúi đầu, hai tay dâng mời. Người tráng sĩ đứng dậy đáp lễ, đưa tay tiếp rượu, một hơi uống cạn, rót thêm một chén đầy nữa, lại uống cạn tiếp, bất giác nhìn thấy đằng xa chừng như có người đang tiến đến. Hóa ra là cố nhân Cao Tiệm Ly! Tráng sĩ thấy bạn cũ, vẻ mặt tươi cười, nói:

– Cao huynh cũng đến đây tiễn ta chăng?

Cao Tiệm Ly lại gần, đặt vò rượu ngon xuống bàn, hạ cây đàn từ sau lưng xuống, nói:

– Hôm nay để ta gảy một khúc Dao Cầm tiễn ngài.

Thái tử Đan rót rượu mời, Cao Tiệm Ly ngửa cổ uống cạn, rồi gảy một khúc đàn, nghe ra vừa bi tráng vừa sầu não. Người tráng sĩ chừng như nghe thấy tiếng đàn chính hợp với tiếng lòng mình, cũng gõ nhịp mà hát rằng:

“Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn

(Gió hiu hiu nước sông Dịch lạnh
Tráng sĩ một đi chẳng trở về)

Tiếng đàn rầu rĩ, tiếng hát thê thảm, cả bọn chục người trong bữa tiệc ai nấy đều chảy nước mắt. Tráng sĩ ngửa cổ lên trời, thở một tiếng dài. Trận gió lớn ở đâu thổi tóc bay dựng ngược. Thái tử Đan lại rót một chung rượu nữa, quỳ xuống mà dâng. Tráng sĩ đón lấy, uống một hơi cạn ngay, đoạn ném chén xuống đất, thét gọi gia nhân lên đường, rồi nhảy lên xe ngựa, giục người ra roi thật mạnh đi mau, không ngoái đầu nhìn lại. Thái tử Đan và đám người đưa tiễn vẫn quỳ dưới đất, nhìn theo chỉ thấy vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh, phút chốc bóng người đã khuất sau làn khói bụi…

Ảnh minh họa: Gushixuexi.

Tráng sĩ ấy chính là Kinh Kha.

Kinh Kha đi rồi, Thái tử Đan hãy còn luyến tiếc vô cùng, trèo lên chỗ gò cao mà nhìn vọng theo mãi đến khi ánh chiều tà đã khuất sau núi mới đành lững thững quay đầu. Ông lại sai thuộc hạ đi trước, còn tự mình muốn ở lại thêm một chút. Dịch thủy gió thổi u u, khí lạnh bốc lên tê tái, xa xa những dãy núi tím ngắt đang dần chìm vào bóng tối tạc nên một khung cảnh đầy thê lương. Thái tử Đan nghĩ về chuyện trước kia, những hồi ức cứ dội về ào ào…

***

Chừng nửa năm trước, vào một buổi chiều đầu hạ, Thái tử Đan đang luyện kiếm ở hậu đường thì nghe gia nhân hớt hải chạy vào báo:

– Điện hạ! Điện hạ! Nguy rồi! Có kẻ đến phá phách trước cửa phủ!

Thái tử Đan không dừng tay kiếm, hỏi:

– Kẻ nào dám to gan vậy?

Gia nhân vuốt mồ hôi nhễ nhại thưa:

– Bẩm điện hạ, là một kiếm khách không xưng danh, nói là muốn điện hạ trực tiếp ra gặp ạ!

Thái tử Đan ngờ vực ra trước tiền sảnh, nghe thấy tiếng đao kiếm choang choang. Một kiếm khách mình cao tám thước, tay sử một thanh trường kiếm, múa loang loáng. Bọn gia nhân trong phủ có đến bảy tám tên vây quanh nhưng không ai dám xông vào vì kiếm khí quá mạnh, chỉ loay hoay đứng ngoài chửi rủa và đe nạt. Bỗng nhiên kiếm khách ngừng tay, bỏ chiếc mũ rộng vành ra, đoạn khoanh tay nói:

– Ta không phải vì đánh đấm côn quyền mà tới đây. Các ngươi hà cớ chi cứ cản đường! Một đời giang hồ, ta chưa từng xuống tay lấy mạng ai. Nhưng kẻ nào còn cố chấp thì đừng trách đao kiếm vô tình.

Thái tử Đan bước ra vỗ tay mấy tiếng, cười lớn:

– Khá khen cho câu đừng trách đao kiếm vô tình! Tráng sĩ phương nào, chẳng hay đến tệ xá có gì dạy bảo?

Kiếm khách kia nghe thấy, bèn tra gươm vào vỏ, tiến về phía Thái tử Đan. Bọn gia nhân xúm lại, tuốt gươm tua tủa cản đường. Thái tử Đan vẫy tay một cái, ra hiệu cho tất cả giãn ra. Kiếm khách vẫn lừng lững đến sát trước mặt Thái tử Đan, hai người chỉ cách nhau vài thước. Kiếm khách cười gằn, nói:

– Nghe danh Thái tử Đan trượng nghĩa đã lâu, không ngờ lại tiếp khách bằng đao kiếm thế này. Nếu sớm biết vậy, ta đã chẳng cần mạo hiểm tính mạng vượt ngàn dặm tới đây.

Thái tử Đan nghe nói, bèn đổi giận làm vui, quát bọn gia nhân lùi cả lại, sai người mở rộng cửa lớn, đi trước dẫn đường, đón kiếm khách vào. Kiếm khách theo sát phía sau, vẻ mặt lạnh lùng, chừng như không để ý đến những ánh mắt hằn học của bọn gia nhân xung quanh. Vào đến hậu đường, hai người chia nhau ngôi chủ khách. Thái tử Đan sai gia nhân chuẩn bị tiệc rượu, mang đến mấy chục lượng vàng tặng cho tay kiếm khách nọ, đoạn nói:

– Một chút lòng thành, xin các hạ chớ từ chối. Đan tôi xưa nay giương cờ tụ nghĩa, muốn kết giao hết thảy hào kiệt trong thiên hạ, kẻ sĩ đến cửa đều tiếp vào hàng thượng khách.

Kiếm khách không thèm nhìn khay vàng đến một lần, mắt vẫn nhắm nghiền nói:

– Công tử nghĩ tôi đến ăn xin cửa phủ chăng?

Thái tử Đan xua tay:

– Chỉ là chút quà mọn để làm lộ phí, các hạ bất tất phải nghĩ nhiều. Xin được rửa tai lắng nghe lời dạy bảo.

Kiếm khách ngửa cổ cười lớn:

– Tôi thường nghe người ta nói: “Không công mà nhận lộc thì ắt là bất nghĩa”. Tôi với công tử mới gặp lần đầu, chưa tỏ chí hướng của nhau, tương giao chẳng phải, thân thích cũng không, lẽ đâu lại ngửa tay lấy chút vàng này. Vả tôi coi bạc vàng chẳng qua chỉ như sỏi đá, tôi đến để bàn đại sự, công tử há lại phải lấy mấy thứ này ra để mua lòng người?

Thái tử Đan bèn rót một chung rượu đầy, đến cạnh kiếm khách cúi mời:

– Đan này ngu tối, lỡ làm phật ý tráng sĩ. Vậy xin kính một chung để chuộc tội, rồi thong thả ta bàn đại sự.

Kiếm khách uống cạn chung rượu, đưa mắt nhìn đám gia nhân hầu bên nói:

– Công tử thực có nhiều bề tôi trung thành. Nhưng họ đứng ở đây làm tôi uống rượu không ngon lắm!

Thái tử Đan biết ý, khoát tay ra hiệu cho đám gia nhân ra ngoài, dặn dò rằng không có việc gấp cấm được làm phiền. Kiếm khách thấy chỉ còn hai người mặt đối mặt, bấy giờ mới nói:

– Có phải là công tử có mối lo về nước Tần?

Thái tử Đan trầm ngâm một hồi, nâng chung rượu lên uống cạn một hơi, nói:

– Tần như hùm sói, ăn nuốt chư hầu, vừa diệt Hàn Triệu, tất sẽ đến lượt Yên. Đan này trước từng làm con tin ở đất Tần, thấy Doanh Chính bạo ngược, chẳng nể tình xưa, bèn trốn về Yên mà ngày ngày lo nghĩ, không đêm nào kê cao gối ngủ được.

Kiếm khách bước thẳng ra trước mặt Thái tử Đan, nói:

– Tôi họ Kinh tên Kha, long đong tứ hải, trước bỏ Tề sang Ngô, sau lại bỏ Ngô sang Vệ, giờ lưu lạc đến Yên, thường ngày chỉ biết uống rượu, gảy đàn mua vui, hận rằng thiên hạ chẳng ai biết đến mình. Nay biết Thái tử có mối lo lớn, không người giãi bày, bèn mạo muội đến phủ gây kinh động, cũng là muốn đến kê một liều thuốc chữa tâm bệnh này của ngài.

Thái tử Đan hỏi:

– Xin tiên sinh chỉ bảo gấp!

Kinh Kha dõng dạc nói:

– Yên là nước nhỏ, ở xứ hoang vu, đất hẹp người thưa, vốn không phải đối thủ của Tần. Dẫu có đem hết già trẻ đất Yên ra xung quân, liệu có thể đương nổi một viên tướng Tần? Hơn thế, chư hầu đều kinh hãi Tần, nước Sở ở xa không thể ứng cứu. Muốn chặn quân Tần, không thể động binh, chỉ có thể lấy mưu mà dùng. Kha tôi trộm nghĩ, công tử có thể tuyển lấy mấy tay dũng sĩ can đảm, giả làm sứ giả đến tận nước Tần ra mắt Tần vương mà dâng cống phẩm. Nhân lúc Tần vương không đề phòng, lựa đà tiếp cận, dùng dao nhọn mà khống chế, việc lớn ắt thành.

Thái tử Đan trầm giọng:

– Chí tôi vốn vẫn luôn muốn thế nhưng ngặt nỗi người tài hiếm có, những tay vũ dũng xung quanh đều chỉ là hạng vô mưu, khó làm nên chuyện. Vả Doanh Chính sợ bị ám sát, luôn đề phòng nghiêm mật, kế này xem ra khó thành!

Kinh Kha cười lớn mà rằng:

– Vậy công tử muốn đem bách tính cả nước Yên ra đánh cược một phen sao? Công tử định đem vài vạn sĩ tốt yếu nhược của mình mà quyết được thua với quân Tần như lang như sói sao?

Thái tử Đan mắt nhìn xa xăm, trầm ngâm hồi lâu:

– Ta biết sức mình không thắng được Tần. Tiến thoái lưỡng nan, biết phải làm sao!

Kinh Kha đứng phắt dậy, ôm quyền cúi thấp người, nói:

– Chỉ e công tử chê cười, nếu cần dũng sĩ hành thích vua Tần, Kha tôi xin nhận đi đầu, lấy một thanh chủy thủ mà trừ họa cho chư hầu để tỏ cái ơn tri ngộ hôm nay.

Thái tử Đan bất ngờ chẳng nói nên lời, vội đỡ lấy Kinh Kha, nghẹn ngào nói:

– Được Kinh tráng sĩ giúp một tay, lo gì việc lớn chẳng thành! Thực là xã tắc may lắm, thiên hạ may lắm!

Ảnh minh họa: Wenlishi.

Từ hôm ấy, Thái tử Đan giữ Kinh Kha lại trong phủ, đãi vào hàng thượng khanh, ăn cùng một mâm, ngồi cùng một chiếu, xây một tòa quán lớn cạnh tòa quán của mình để Kinh Kha ở. Thái tử Đan ngày ngày đến thăm, cung phụng cỗ bàn rất hậu, lại hiến xe ngựa và gái đẹp, tùy sở thích của Kinh Kha. Một hôm Kinh Kha cùng Thái tử đi chơi Đông cung. Bỗng Kha thấy dưới ao có con rùa lớn nổi lên, toan nhặt viên ngói để ném. Thái tử Đan bèn nhanh tay đưa thoi vàng thay hòn ngói để Kinh Kha ném rùa. Lại một hôm cùng thi cưỡi ngựa, Thái tử có con ngựa quý ngày đi ngàn dặm, Kha bỗng nói gan ngựa ăn ngon lắm. Lát sau thấy nhà bếp đem món gan ngựa đến, hóa ra chính là gan con ngựa quý của Thái tử. Kha than rằng:

– Kha này có tài cán gì mà được Thái tử hậu đãi như vậy! Dẫu chết nghìn lần cũng chẳng đủ để báo đáp, xin đem cái chết để tỏ lòng tri ngộ.

(Còn nữa)

Muốn biết Kinh Kha hành thích vua Tần ra sao, mời quý độc giả đón đọc kỳ sau sẽ rõ!

Bạn đang đọc bài viết: “Ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành, Kinh Kha vẫn là thích khách nổi tiếng nhất lịch sử (Kỳ 1)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!