Người không trị thì trời trị, chuyện nhân quả báo ứng xưa nay không hề sai lệch. Câu chuyện về người cháu đích tôn của Thiệu Ung – nhà thơ, nhà lý học nổi tiếng thời Tống được lưu truyền sau đây là một minh chứng:

Thiệu Ung là nhà lý học lớn đời Tống, trước tác sách tiên tri “Mai hoa thi” nổi tiếng. Thiệu Ung có một cháu đích tôn là Thiệu Bác (? – 1158), tự Công Tế. Năm Thiệu Hưng thứ 20 đời Tống Cao Tông (1150), Thiệu Bác làm Thái thú Mi Châu, Tứ Xuyên, bị người khác vu cáo hãm hại nên phải ngồi tù, cuối cùng cũng được minh oan. Còn những người hãm hại Thiệu Bác và bách tính vô tội kia, kết cục như thế nào?

Khi đó trong quận có một người, mọi người gọi hắn ta là ‘Quý Khách’. Người này thường ngầm thu thập những sai trái của các quan viên địa phương, rồi dựa vào đó vòi tiền, đích thực là ‘hắc khách’ theo đúng nghĩa. Ngay cả quan viên bổng lộc cao đến 2000 thạch, vì để bảo vệ danh dự cũng buộc phải chịu khuất phục cầu toàn lấy lòng Quý Khách.

Thiệu Bác đến Mi Châu làm trưởng quan, đối với Quý Khách này cũng dùng lễ đối đãi. Nhưng mỗi lần Quý Khách xin Thiệu Bác làm một số việc cho hắn ta để mưu đồ thủ tư lợi, Thiệu Bác đều mặc kệ không để ý. Quý Khách vì vậy ôm hận trong lòng, muốn tìm cơ hội báo thù Thiệu Bác.

Lần nọ, một Phó sứ vận chuyển họ Ngô đến Tứ Xuyên xử lý việc công, rất nhiều tùy tùng đi theo. Các quan viên hàng đầu của châu huyện vì để lấy lòng Ngô Phó sứ nên đều phát lương cho các tùy tùng của ông ta, duy chỉ có Thiệu Bác không hùa theo số đông, kết quả khiến Phó sứ nổi giận.

Quý Khách biết Ngô Phó sứ rất tức giận, để lấy lòng ông ta, và để báo thù oán hận cá nhân, hắn ta đã nêu ra cái gọi là tội trạng liệt kê mấy chục tội, vu cáo hãm hại Thiệu Bác. Ngô Phó sứ nghe xong vô cùng vui mừng, lập tức dâng tấu hạch tội Thiệu Bác.

Triều đình còn chưa phê chuẩn, Ngô Phó sứ đã bắt Thiệu Bác, tống giam trong nhà ngục, giao cho Tư lý Tham quân Hàn Biện thẩm lý án Thiệu Bác. Ngô Phó sứ thấy phương thức xử lý của Hàn Biện không thể tiêu trừ được nộ khí của mình, bèn tìm viên quan lại tàn ác Dương Quân chủ trì thẩm lý.

Triều đình còn chưa phê chuẩn, Ngô Phó sứ đã bắt Thiệu Bác. (Ảnh minh họa: ntdtv.com)

Thiệu Bác có một thuộc hạ là Đặng An Dân, là người cần mẫn cẩn thận. Thiệu Bác trước đây đánh giá cao ông ta, liền sắp xếp ông ta quản lý kho lương của quan phủ, đồng thời quản lý các thu chi.

Năm Thiệu Hưng thứ 22 đời Tống Cao Tông (1152), Dương Quân chủ trì thẩm lý án Thiệu Bác, để tạo ra tội danh cho Thiệu Bác, bèn bắt Đặng An Dân tống giam. Chỉ mấy ngày, Đặng An Dân liền bị đánh chết. Người nhà ông ta cầu xin đem thi thể về an táng, quan phủ không đồng ý, còn cố ý khiêng thi thể lõa thể của Đặng An Dân ra cho người nhà nhìn thấy. Chỉ thấy trên di thể vết thương chi chít, thê thảm không dám nhìn.

Thiệu Bác nghe nói việc này trong lòng rất sợ hãi, thế là Dương Quân hỏi gì ông nhận cái đó. Vụ án này thẩm lý hơn 10 tháng, ở Mi Châu, mấy trăm quan lại và bách tính cũng vì vụ án này chịu liên lụy. Người không chịu nổi cực hình mà chết cũng đến hơn chục người.

Khi đó có một vị Đề điểm Hình ngục (quan đứng đầu tư pháp) tên là Chu Ngạn Ước, ông ta biết vụ án này có tình tiết oan sai, thế là từ Gia Châu (Lạc Sơn Tứ Xuyên) đến Thành Đô, đích thân xử lý. Ông thẩm tra lại án Thiệu Bác, phát hiện chẳng có gì ngoài lấy rượu của quan phủ mời khách, dùng giấy quan phủ vào việc riêng v.v…, không có bất kỳ tội lớn nào. Thế là Thiệu Bác được ra khỏi ngục.

Vụ án vừa kết thúc thì viên quan tàn ác Dương Quân liền chết. Mấy viên cai ngục tàn ác theo hắn cũng lần lượt đột tử. Hai năm sau, tên ‘hắc khách’ chuyên bắt chẹt vòi tiền kia cũng đột nhiên đột tử ở một dịch quán ở Thành Đô.

***

Tháng 11 năm sau, Thiệu Bác đã được phóng thích, một hôm bỗng trông thấy viên thuộc hạ năm xưa là Đặng An Dân tay cầm văn thư nói với ông rằng: “Oan tù của tôi đã được tấu, án của Địa phủ đã kết thúc. Vẫn còn cần ngài làm chứng cho tôi, tôi biết ngài cũng vô tội”.

Nói rồi Đặng An Dân để Thiệu Bác ký tên. Thiệu Bác nhất nhất làm theo, sau đó Đặng An Dân biến mất.

Thiệu Bác gặp thuộc hạ của mình là Đặng An Dân. (Ảnh minh họa: ntdtv.com)

Thiệu Bác tự biết không lâu nữa sẽ rời thế gian, thế là tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn, mời tất cả họ hàng bằng hữu. 6 ngày sau, Thiệu Bác đang ăn cơm, bỗng cảm thấy trong bụng có cơn đau nhẹ. Người nhà muốn đi mời thầy thuốc, Thiệu Bác cự tuyệt. Ông ăn mặc chỉnh tề, đêm hôm đó ra đi.

***

Câu chuyện này còn có một tình tiết. Đặng An Dân hàm oan qua đời, sau đó oan khuất của ông được tấu lên. Theo “Di kiên chí” viết, là Ngọc Đế chỉ định một thư sinh họ Sử xử lý án này.

Mùa thu Năm Thiệu Hưng thứ 22, một thư sinh ở Mi Châu là Sử Quân đang ở nhà nhắm mắt dưỡng thần. Bỗng nhiên ông thấy một đám người đến muốn đưa ông đi. Sử Quân lên ngựa theo bọn họ đến một nơi nhà cao sân rộng rất bề thế, chỉ thấy 3 tầng cửa son đã mở sẵn. Sử Quân xuống ngựa, bước vào một tòa đại sảnh, chỉ thất bên trong có mấy chục quan viên đang ngồi. Những quan viên này thấy Sử Quân đến, xôn xao chắp tay hành lễ với ông, mời ông ngồi ở vị trí phía tây. Sử Quân thắc thỏm không yên từ chối, bản thân chỉ là một thảo dân bình thường, sao dám ngồi vị trí quý khách?

Một quan viên trong đó nói, quang cảnh hôm nay là vì ông mà chuẩn bị. Bởi vì Ngọc Đế an bài Sử Quân sau này xử lý án oan Đặng An Dân. Đợi sau khi Sử Quân thi đỗ, những quan viên này sẽ đón ông đến đây làm việc. Sử Quân không còn cách nào từ chối, đành ngồi xuống. Chính tại lúc này, ông bỗng từ trong giấc mơ tỉnh dậy. Ông không nói việc này với người nhà, chỉ lẳng lặng chép lại.

Năm sau Sử Quân vào kinh dự thi, trên đường qua Kinh Nam (Hồ Bắc ngày nay). Ngô Phó sứ hãm hại Thiệu Bác lúc này đang làm Đại soái Kinh Nam. Trong thời gian làm đại soái, Phó sứ mắc căn bệnh lạ, ban ngày nhìn thấy vật lờ mờ vật vờ qua lại trước mắt, khiến ông ta kinh sợ không yên. Ngô Phó sứ không dám ở trong nhà của mình, không lâu sau thì chết.

Sau khi Sử Quân đăng khoa, lập tức được phong quan chức. Trên đường đi nhậm chức, khi đến eo Quỳ Giáp sông Trường Giang, ông mắc căn bệnh nhỏ. Ông nhờ người cùng đi chuyển lời báo cho người nhà biết ông sẽ sớm rời thế gian, bảo người nhà lấy ra bức thư bí mật mùa thu năm ngoái ông đã viết. Khi người nhà xem xong thư liền biết hướng đi của ông. Tối hôm đó, Sử Quân qua đời. Sau đó án oan Đặng An Dân cũng được minh oan. Những quan lại cai ngục tàn ác năm xưa và những người liên quan tạo án oan sai cũng liên tiếp bị đột tử.

Huyện lệnh huyện Thanh Thần thời Chu là người Thành Đô, đã từng là thuộc hạ của Thái thú Mi Châu Thiệu Bác. Ông kể lại chi tiết sự tình với Hồng Mại, tác giả sách “Di kiên chí”. Chuyện này nhờ vậy mà đã được lưu truyền đến nay, cũng là lời nhắc nhở cho hậu thế về nhân quả báo ứng và tâm linh.

(Nguồn: Di kiên chí, quyển 20)

Theo ntdtv.com
Kiến Thiện biên dịch