Lời ngỏ:

Văn hoá truyền thống cho chúng ta hiểu rằng: Sinh mệnh vốn từ thiên thượng, do mắc tội nghiệp nên phải đoạ xuống cõi người để tu thân quay trở về. Nhân gian là cõi mê, khiến con người phải trải qua khổ nạn mà tu dưỡng thành một sinh mệnh tốt thật sự, ở trong thùng thuốc nhuộm xã hội mà vẫn giữ được sự thuần thiện tiên thiên. Chỉ khi biết trân quý bản thân mình, phù hợp với tiêu chuẩn của thiên quốc thì sinh mệnh mới tìm được con đường quay trở về. 

Thuở mới xuất hiện văn minh, Thần đã nhiều lần giáng thế để dạy cho nhân loại các tiêu chuẩn cần có để làm người. Thần cũng hiển linh trong các trường hợp đặc thù để con người hiểu được bài học đó, nhớ tới Thần cũng là nhớ về cội nguồn của sinh mệnh. Vì thế bằng nhiều cách khác nhau, Thần đã truyền cấp cho con người văn hoá, những quan niệm đạo đức để con người có được nền tảng tư tưởng đúng đắn, biết phân biệt tốt xấu, đúng sai.

Truyện cổ tích là một bộ phận không thể thiếu trong Văn hoá Thần truyền. Dù cho xã hội đã phát triển như thế nào đi nữa, dù thuyết vô Thần và các loại học thuyết nguỵ khoa học đã dụ hoặc con người bài xích sự tồn tại của Thần, nhưng những quan niệm về tốt, xấu, đúng, sai vẫn được truyền thừa thông qua truyện cổ tích hay những câu chuyện Thần tiên lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đặc biệt trong văn hoá truyền thống Việt còn lưu lại rất nhiều câu chuyện về tu luyện, để muôn đời hiểu rằng đó mới là mục đích để làm người.

Hãy cùng Đại Kỷ Nguyên sống lại với những bài học từ truyện cổ tích. Chúng tôi lựa chọn những câu chuyện hay, ý nghĩa được lưu truyền trong dân gian và gửi tới bạn đọc những bài học kinh điển rút ra từ những câu chuyện đó.

Trọn bộ: Bài học cổ tích

***

Thần sẽ không hiển linh với hào quang sáng chói mà sẽ mang hình hài một phàm nhân để thử thách tâm người. Bởi vì, Thần Phật giáng hạ không phải để ban cho ai tài phú hay danh vọng, mà là để thức tỉnh lương tri.

Theo những văn vật khảo cổ khắp nơi trên thế giới thì văn minh của nhân loại đã trải qua nhiều lần bị hủy diệt. Vũ trụ là thuần khiết, nhân loại cũng là một phần của vũ trụ, phải phù hợp với quy luật của vũ trụ. Khi nhân loại trở nên bại hoại sẽ có thảm hoạ, thiên tai, bệnh dịch để trừng phạt người xấu, chỉ lưu lại những người tốt, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức để làm cơ sở cho nhân loại tương lai.

Trên thế giới có khoảng 50 truyện cổ tích kể về đại hồng thủy. Ở Việt Nam cũng có một câu chuyện huyền sử về trận đại hồng thuỷ, đó là chính là sự tích hồ Ba Bể nổi tiếng. Câu chuyện như sau:

Xã Nam Mẫu nằm giữa một vùng đồi núi, ở đây năm nào cũng mở hội cúng Phật. Vào dịp đó Nam Mẫu bỗng trở nên đông vui nhộn nhịp, người giàu có từ khắp nơi kéo về dự hội rất đông.

Đang lúc mọi người nô nức kéo nhau đi lễ chùa, ai cũng xiêm y mũ áo thật lộng lẫy, thì bỗng đâu xuất hiện một bà lão ăn mày nhếch nhác bẩn thỉu, quần áo rách rưới, thân hình lở loét gầy gò và toàn thân bà bốc ra một mùi hôi thối khó chịu. Bà vừa đi vừa thều thào xin ăn, nhưng đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Từ sáng tới tối bà vẫn không xin được chút gì.

Ảnh minh họa: Truyenxuatichcu.

Bà cụ mệt quá bèn nằm ở vệ đường. Nhưng mặc dù người đi dự hội rất đông, họ có vẻ rất giàu có sung túc, nhưng không ai quan tâm tới bà lão tội nghiệp. Họ còn mải chen nhau vào chùa để cầu Phật cho họ phát tài, giàu sang phú quý. Có những thanh niên nói cười nhậu nhẹt gần đó thấy bà cụ trông gớm ghiếc nên đã xua đuổi bà cụ đi. Cuối cùng xin ăn ở đám đông không được, bà cụ đành lê lết vào trong làng, nhưng ai cũng đóng cửa và xua đuổi bà cụ tội nghiệp.

Bà cụ ngã gục xuống vệ đường vì đói rét. May thay có mẹ con bà goá tốt bụng đi nương về ngang qua đó. Thấy bà cụ nằm vệ đường, họ động lòng thương xót mang bà về nhà. Còn một ít gạo mẹ con bà goá nấu cháo cho bà ăn, họ còn giã lá thuốc cho bà uống và may thay bà cụ tỉnh lại. Mẹ con bà goá rất vui mừng, họ nhường chỗ cho bà ngủ gần đống lửa cho ấm. Còn mẹ con bà ôm nhau nằm ở góc nhà.

Tới nửa đêm, bà goá bị đánh thức bởi tiếng ngáy. Bà nhìn ra chỗ bếp nơi bà cụ nằm thì thấy một con giao long toả ánh sáng vàng kim đang treo đầu lên xà nhà ngủ. Bà sợ hãi ôm chặt đứa con vào lòng không dám nhúc nhích. Đến sáng hôm sau tỉnh dậy, bà không thấy giao long đâu nữa mà chỉ thấy bà cụ đang ngồi trầm ngâm trước bếp lửa. Bà cụ nói rằng:

“Ta là Thần Long ở thiên thượng, ta chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Nam Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi ta, ngoại trừ hai mẹ con nhà cô. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của thiên thượng. Đó là một trận đại hồng thủy. Ta cho hai mẹ con gói tro này, hãy rải quanh nhà để tránh khỏi kiếp nạn. Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà cô cứu người”. 

Nói rồi bà cụ biến mất.

Mẹ con bà goá rất ngạc nhiên tưởng rằng mình nằm mơ, nhưng rõ ràng là tro thật, thóc thật. Hai mẹ con vội đi kể lại với người dân trong làng, nhưng không ai tin, họ còn cười nhạo mẹ con bà.

Đúng lúc trời vừa tối, mọi người còn đang lễ bái thì nước ở đâu từ lòng đất phun lên, Chẳng mấy chốc cơn lũ lớn ào lên không ai kịp chạy. Riêng khu đất của mẹ con bà goá cứ cao dần, lũ lên đến đâu nhà nổi cao tới đó. Mẹ con bà goá lấy vỏ thóc thả xuống thành hai chiếc thuyền lớn, hai mẹ con ra sức chèo thuyền đi cứu người.

Ảnh minh họa: Mattroinho.

Cả làng bị nước tràn ngập thì hoá thành ba cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là Hồ Ba Bể. Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ là nơi mẹ con bà goá tốt bụng ở, người địa phương gọi đó là Gò Bà Góa.

 ***

Qua câu chuyện chúng ta thấy một bài học rằng: Thiên tai nhân hoạ sẽ giáng xuống khi đạo đức con người trượt dốc. Khi đạo đức bại hoại, người ta không còn tiêu chuẩn đúng đắn để nhận thức đúng sai nữa. Con người tín Phật, nhưng điều người ta tin là tà giáo chứ không phải Phật Pháp, bởi họ cầu Phật chỉ để phát tài, giàu sang phú quý, mà điều này đi ngược hẳn với mục đích chân chính của Phật Pháp.

Trước một bà cụ ăn mày rách rưới, sự độc ác của con người đã biểu lộ rõ ràng. Chỉ có duy nhất mẹ con bà goá là ngược dòng với phần đông xã hội, họ đại diện cho những người thiện lương ít ỏi còn sót lại.

Để thử lòng người, Thần sẽ không hiển linh với hào quang sáng chói, mà họ sẽ ở trong hình hài một con người mắc hoạn nạn để thử thách nhân tâm. Điều ấy cũng cho thấy rằng, nhân tâm là thứ khó lường nhất, khó thấy nhất, Thần cũng phải dùng cách của con người để khiến nó được bộc lộ ra bằng hành vi cụ thể.

Tình tiết mẹ con bà goá chèo thuyền cứu người đã thể hiện được sự bảo hộ của Thần. Vì sao Thần không chỉ cần cứu mẹ con bà goá và đem bà đi tới chỗ an toàn, mà vẫn giao lại cho mẹ con bà những pháp khí có thể dùng để cứu người? Rõ ràng sự trừng phạt của Thần không phải là mục đích, mà thức tỉnh lương tri mới là mục đích. Sứ mệnh cứu người cũng chỉ có thể giao cho người tốt, bởi chỉ có người tốt mới có đủ thiện lương vì người khác mà sẵn sàng xả thân.

Xã hội nhân loại ngày nay cũng có nhiều điểm tương đồng với hoàn cảnh xảy ra trong câu chuyện. Có lẽ Thần sẽ không xuất hiện là một bà lão ăn mày đi thử lòng người nữa mà ở dạng thức khác, trong các sự kiện khác. Nhưng cốt lõi vẫn là trước một sự kiện mà nhiều người đời phỉ báng, liệu chúng ta có bình tĩnh để lấy lương tri mà suy xét hay không? Hãy luôn giữ trong mình sự thiện lương, bởi lương thiện mới là ngọn đuốc dẫn đường trong cõi mê mịt mùng.