Cái chết đen hay đại dịch hạch thời trung cổ đã phủ kín châu Âu, gieo rắc nỗi kinh hoàng trong lịch sử. Nó có sức ảnh hưởng lớn tới mọi lĩnh vực thời kỳ đó, đặc biệt là văn hóa và nghệ thuật.

Đại dịch hoành hành đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác nhau. Khi đó, những tác phẩm theo chủ đề “cái chết” thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều và càng đa dạng. Từ giữa đến cuối thế kỷ 14, sau tác phẩm của danh họa Andrea Orcagna đã có rất nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ khác ra đời theo chủ đề “Sự chiến thắng của Thần Chết”, hay “Khải hoàn ca Tử Thần”.

Phong cách nghệ thuật của “Khải hoàn ca Tử Thần” xuất hiện vào cuối thời Trung cổ đã phản ánh rõ điều này. Ngoài ra, những bức chân dung của đức trinh nữ Maria hay hình ảnh Chúa Jesus cũng thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm mỹ thuật. Điều ấy nói lên rằng khi rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, một cách tự nhiên con người sẽ cầu xin sự giúp đỡ của Thánh Thần.

Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 16 trên đỉnh cao của Nghệ thuật Phục hưng châu Âu, các tác phẩm của họa sĩ người Hà Lan Pieter Bruegel gây chú ý nhiều nhất. Những gì ông thể hiện là hình ảnh con người chịu khuất phục trước dịch bệnh – sự vô tình của cái chết.

Pieter Bruegel có một bức tranh sơn dầu tên là “Sự chiến thắng của Tử Thần”, với nội dung liên quan trực tiếp tới đại dịch này. Trong bức họa, hình ảnh xác chết nằm la liệt khiến người xem kinh hãi. Các vị vua chúa hay quan lại cũng đều bị lưỡi hái dẫn đi, đâu đó có chàng trai đang cố gắng giằng co mạng sống với Tử Thần, rồi hình ảnh một người đang trốn chạy cũng không thoát được cái chết cận kề. Tử Thần đến sẽ không trừ một ai, cho dù là quan lớn lắm tiền nhiều của hay người dân nghèo không xu dính túi, tất cả đều bị đưa về cõi chết. Đại dịch bất ngờ ập đến làm người ta trở tay không kịp, không thể làm gì ngoài việc phó mặc cho Tử Thần. 

Cả bức tranh là sự thống trị của cái chết, kẻ đã đến và cướp đi linh hồn của tất cả mọi người. Toàn bộ bức tranh mang đến cho khán giả một cảm giác tuyệt vọng, cái chết đang chiến thắng con người. Đây chính là hình ảnh phía sau dịch bệnh, là nội dung mà người họa sĩ muốn truyền tải trong bức tranh. 

Tác phẩm The Triumph of Death của Pieter Bruegel (ảnh: Wikipedia).

Khi đó, chiến tranh đã kết thúc, nạn đói xảy ra, cùng với những nghi thức kỳ lạ của dị giáo và những cuộc săn lùng phù thủy, bệnh dịch cũng bùng nổ. Thuật ngữ “đêm trường thời trung cổ” đã phản ánh nỗi hoảng loạn không thể thoát khỏi cái chết, nỗi sợ đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống thường ngày.

Hầu hết những người bị tử vong do “cái chết đen” đều có triệu chứng ban đầu là sưng to dưới nách và bẹn, sau đó xuất hiện những đốm đen trên da. Bệnh nhân chết sau đó một ngày hoặc trong vòng một vài ngày. Nguyên nhân chưa được tìm thấy, và khi đó chưa có biện pháp chữa trị hay giải pháp hiệu quả đối phó với căn bệnh lây nhiễm này.

Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng lây nhiễm là do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc do hít phải không khí có chứa virus. Vì thế, người ta đành bó tay bỏ mặc những thành viên bị mắc bệnh trong gia đình mình, họ chỉ còn cách để người bệnh tự chống chọi. Trong số các bác sĩ điều trị và người nhà chăm sóc bệnh nhân cũng có nhiều người chết vì bị lây nhiễm căn bệnh này.

Những người bị tử vong trong đại dịch hạch không phân biệt thân phận, giàu nghèo hay tôn giáo. Người ta không thể hiểu được dịch bệnh từ đâu tới mà làm cho nhân loại rơi vào cảnh hoảng loạn và sợ hãi đến vậy. Có ý kiến cho rằng đại dịch hạch bắt nguồn từ thời Ai Cập và La Mã cổ đại, khiến loài người rơi vào thảm cảnh này.

Tuy nhiên, khi không thể tìm ra căn bệnh đến từ đâu, đồng thời chứng kiến đại dịch nuốt chửng nhiều sinh mạng mỗi ngày, thì người ta ngay lập tức đổ lỗi do những kẻ ngoại đạo sống cùng khu vực với mình. Họ cho rằng những người này chính là nguyên nhân của đại dịch, và sau đó đi vu oan rồi bức hại và tấn công họ.

Ở châu Âu, bệnh dịch hạch thời đế chế Đông La Mã đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 triệu người bên bờ biển Địa Trung Hải. Hàng chục triệu người cũng tử vong trong trận dịch thứ hai quét qua châu Âu. Tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao đã khiến mọi người hoảng sợ. Đây cũng là bối cảnh để các tác phẩm như “Sự chiến thắng của Tử Thần” lưu lại dấu ấn về một giai đoạn kinh hoàng trong lịch sử nhân loại.

Quỳnh Chi
Theo Secretchina

Video: Dân Trung Quốc nổi giận khi biết chính quyền đã trì hoãn 3 tuần tin quan trọng về Virus Corona

videoinfo__video3.dkn.tv||ae92db57a__