Có hay không câu chuyện Thiên Đàng – Địa ngục, hay thế giới Thiên Quốc mỹ diệu của Phật Pháp nhiệm màu? Câu hỏi này từng khiến nhân thế ngàn năm băn khoăn trăn trở: giới tu luyện chính Pháp, chính Đạo thì luôn tin đó là ‘Bến quê’ – nơi trở về của ngọn nguồn sinh mệnh, giải thoát mọi khổ đau phiền lụy trong cõi vô thường. Người chưa ngộ Đạo lại coi đó là chuyện huyền bí hoang đường, phi thực tại…

Trong khuôn khổ của loạt bài viết này, chúng tôi không đưa ra lời khẳng định từ cơ điểm khoa học hoặc tôn giáo mà chỉ đơn thuần khách quan giới thiệu lại câu chuyện trải nghiệm của một vị cao tăng – Pháp sư Khoan Tịnh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Chuyện được ông kể lại trong buổi thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Đà (Sin-ga-po) vào tháng 4 năm 1987, ngõ hầu đem tới cho quý độc giả những hình dung thú vị về một cảnh giới nào đó thuộc Thế giới cao tầng. Nếu không tin, các bạn cũng có thể xem như là mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích.

“Tây phương Cực Lạc thế giới du ký” được Bút giả cư sĩ Lưu Thế Hoa căn cứ theo lời kể của Khoan Tịnh Pháp sư mà ghi lại, phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tổng hợp và giới thiệu.

Pháp sư Khoan Tịnh được Quán Thế Âm Bồ Tát tiếp dẫn vào cõi Tây phương Cực Lạc…

Khi tôi đến nơi cách núi Cửu Tiên huyện Đức Hóa không bao xa, đột nhiên thần trí tôi tỉnh trở lại. Lúc ấy tôi nghe tiếng nói chuyện của nhóm người đi đường, biết được nay là ngày 25 tháng 10 (năm 1967). Đang là thời kỳ Cách mạng văn hóa, nơi nơi loạn lạc dân chúng phải đợi ban đêm mới ra đường. Lúc ấy cũng 3 giờ khuya, trên đường tôi gặp một sư già, cách phục sức y áo giống như tôi vậy. Chúng tôi vốn chưa quen biết, giữa đường gặp người đồng đạo, tự nhiên không hẹn mà chắp tay xá nhau thi lễ.

Chúng tôi trao đổi nhau danh tự, vị sư bảo:

– Tôi pháp hiệu là Viên Quang. Hôm nay chúng ta có duyên hội ngộ, chi bằng cùng đến núi Cửu Tiên dạo chơi được chứ?

Do đi cùng hướng, tôi đồng ý ngay. Thế là vừa đi vừa trò chuyện, suốt câu chuyện dường như vị sư ấy thấu tỏ rất nhiều chuyện quá khứ thầm kín của tôi. Nói rất nhiều chuyện nhân quả, cũng y như chuyện thần thoại. Câu chuyện dẫn hết trong đời này qua đến nguyên nhân tạo tác của đời trước, rồi đời trước nữa, rằng kiếp ấy tôi sinh ở đâu? Ở những nơi nào? Lúc nào? Làm những việc gì, nghe say mê quá! Đến nay từng câu từng chữ một, tôi vẫn còn nhớ vanh vách. (Sau này tra cứu lại niên đại ấy, người tên họ ấy, cả nghề nghiệp ấy, phần mộ ấy, nhóm con cái ấy đều đúng cả).

Chân bước theo câu chuyện, bất giác chúng tôi tới chân núi Cửu Tiên lúc nào không hay. Đỉnh núi này có một động lớn thờ tượng Di Lạc nên gọi là động Di Lạc. Đó cũng là nơi chúng tôi nhắm đến. Tôi thấy rất quen thuộc và rành đường lối đến động này. Nhưng mà khi lên đến nửa đường núi, hiện ra trước mắt tôi những cảnh tượng thật khác lạ, con đường đang đi này không phải là con đường núi Cửu Tiên trước đây. Lúc này, đường lối được xây bằng những tảng đá lớn, lấp lánh ánh hào quang. Thật lạ, đi đến cuối nhìn lại đã không còn là động Di Lạc nữa mà là một vùng trời đất khác rồi. Trước mắt tôi hiện ra ngôi chùa lớn trước nay chưa từng thấy, vô cùng tráng lệ, so với cung điện ở Bắc Kinh còn hùng vĩ hơn nhiều.

Thật kỳ lạ tôi đi tới một ngôi chùa lớn trước nay chưa từng thấy, vô cùng tráng lệ. (Ảnh minh họa: xuite.net)

Hai bên ngôi chùa có 2 tòa bảo tháp. Đi một lúc chúng tôi đã đến cổng lớn, cổng xây toàn bằng là đá trắng, cửa cổng có tấm hoành phi to, trên ấy có viết mấy chữ tôi nhìn không biết nghĩa. Trước cổng có bốn vị Hòa Thượng, mình mặc áo tràng đỏ, lưng đeo đai vàng óng, tướng trang nghiêm. Thấy hai chúng tôi đến, họ cùng quỳ xuống đảnh lễ nghênh tiếp. Tôi vội vàng đáp lễ lại, tôi lấy làm lạ vì cách phục sức của Hòa Thượng nơi đây tôi chưa từng thấy. Có hơi giống các vị Lạt Ma tăng, các vị ấy cũng mỉm cười lên tiếng: “Thế là đến rồi, hoan nghênh, hoan nghênh!” Rồi họ mời hai chúng tôi vào trong.

Vào cổng, qua mấy cung điện, thật lạ nhà cửa ở đây đều ánh ra tia sáng, đẹp quá, hùng vĩ quá! Bên trong có một dãy hành lang, hai bên trồng đủ loại kỳ hoa dị thảo, màu sắc khác nhau. Chúng tôi lại đi đến một tòa đại điện, trên điện có bốn chữ vàng lớn, lấp lánh tia sáng, không phải Trung văn, cũng không phải Anh Văn, tôi nhìn không hiểu mới hỏi sư Viên Quang về nghĩa bốn chữ ấy, sư bảo đó là: “Trung Thiên La Hán”. Tôi thầm nghĩ: đã gọi là La Hán thì đây chắc phải là cảnh giới đạt được của những vị La Hán. Bước đến nơi đó tôi rờn rợn, cảm giác rằng vùng đất này hẳn không còn là thế giới ta bà chúng ta rồi. Đến nay tôi còn nhớ được một chữ còn 3 chữa kia không nhớ ra.

Lúc tôi gặp sư Viên Quang là 3 giờ khuya, nay đã hừng sáng rồi. Bên trong và ngoài điện có vô số người ra vào với các loại màu da: vàng, trắng, đỏ, đen, đều có… da vàng chiếm đa số. Già trẻ, trai gái đều có. Quần áo họ mặc rất lạ, thảy đều có phát hào quang. Họ túm năm tụm ba, có nhóm tập võ nghệ, có nhóm ca sang múa vũ, có nhóm đánh cờ, có nhóm ngồi thiền dưỡng thân, tất cả dù bận việc gì cũng đều ánh lên nét vui mừng. Thấy chúng tôi đến, thảy đều lộ vẻ thắm thiết, mỉm cười gật đầu, nhưng vẫn không nói lời nào.

Vào trong Đại điện, tôi lại thấy 4 chữ lớn khác, Sư Viên Quan cho biết đó là 4 chữ: “Đại hùng Bảo điện”. Từ trong, có hai vị hòa thượng già ra đón chúng tôi. Tôi thấy một vị có râu trắng rất dài, một vị khác cũng già nhưng không có râu. Vừa gặp sư Viên Quang, họ vội quỳ xuống lạy, hành đại lễ. La Hán ở trung thiên đối với sư Viên Quang mà kính trọng đến bậc ấy, thiết nghĩ Ngài chắc là bậc phi phàm lắm vậy!

Lúc họ tiếp dẫn chúng tôi vào phòng khách, tôi để ý bốn bên điện, chỉ thấy khói hương lan tỏa, mùi thơm ngào ngạt. Khắp mặt đất đều trải bằng những phiến đá trắng bóng loáng. Đặc biệt hơn, trong điện thờ không có một tượng Phật nào mà phẩm vật cúng dường thì rất nhiều: hoa tươi từng đóa lớn như quả banh, đều tròn ung ủng, các kiểu các dạng đèn treo, màu sắc sặc sỡ, lóng lánh hào quang. Vào đến phòng khách, có một cụ hòa thượng chuyển hai ly nước từ tay tiểu đồng để mời chúng tôi. Người tiểu đồng ấy tóc tết hai bím, thân mang áo lục, lưng thắt đai vàng óng, trang phục như đạo đồng, rất dễ thương. Nước trong ly trắng trong mát dịu, tôi uống nửa ly. Sư Viên Quang cũng nâng cốc, uống rồi tinh thần phấn phát, khỏe hẳn người ra, mất hết cái mệt nhọc trong ngày.

Vào tới Trung Thiên La Hán và Đại Hùng Bảo Điện chỉ thấy bốn bên khói hương lan tỏa, mùi thơm ngào ngạt, hoa tươi từng đóa lớn cùng các kiểu các dạng đèn treo màu sắc sặc sỡ, lóng lánh hào quang.. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Sư Viên Quang nói nhỏ vào tai cụ hòa thượng cái gì đó, cụ bèn dặn tiểu đồng dẫn tôi đi tắm, tôi thấy một bồn nước bằng đồng trắng đựng đầy nước trong sửa soạn từ lúc nào, tôi rửa mặt và tắm gội, rồi lại được trao cho bộ áo hòa thượng màu lam xám, thanh khiết mới toanh. Tắm xong tinh thần thư thái hẳn lên, tôi thầm nghĩ: hôm nay tôi nhất định đã vào cảnh Thánh rồi, lòng mừng khấp khởi khó mà miêu tả cho rõ được.

Về lại phòng khách, tôi vội đến trước hòa thượng quỳ lạy 3 lạy, xin được chỉ dạy. Tôi hỏi về tương lai của Phật giáo Trung Quốc ra sao? Vị hoà thượng này không nói một tiếng, chỉ thấy nhắc cây bút chấm mực viết trên giấy 8 chữ: “Phật tự tâm tác, giáo do ma chủ”. Hòa Thượng trao giấy cho tôi, hai tay tôi tiếp nhận, nhưng chẳng hiểu gì về ngụ ý của 8 chữ này! Một vị hòa thượng khác giải thích cho tôi biết: với 8 chữ này để ngang đứng, đứng ngang, trái phải, phải trái, trên dưới, dưới trên, chữ cuối lại tách ra, đọc thành 36 câu thì sẽ hiểu được tình hình Phật giáo từ nay đến trăm năm sau. Nếu mà lại đem 36 câu ấy diễn dịch thành 840 câu thì có thể thấu được tiến trình Phật giáo thế giới từ nay cho đến khi Phật giáo diệt độ mới thôi. Sư Viên Quang cho biết 840 câu này cần đến thời cơ chín muồi đã mới công bố được. Nay chỉ nên tuyên bố ngầm như vậy. 8 chữ này hóa ra 840 câu, mỗi câu đều khác, giải thích tình huống Phật giáo Trung Quốc sau này.

Tôi loay hoay sắp xếp:

– Phật tự tâm tác, giáo do ma chủ

– Phật giáo tự chủ, ma tâm do tác

– Tác tâm tự Phật, chủ do ma giáo v.v…

Nhiều lắm nhưng tôi vẫn không hiểu và chưa chắc chắn cách sắp xếp này là đúng. Thiện trí thức nào biết, cứ sắp xếp thử. Sắp một hồi, vị hòa thượng bảo tôi nên vào phòng nghỉ ít lâu, Tiểu đồng dẫn tôi vào phòng, chẳng thấy giường đệm đâu cả, chỉ có hai cái ghế dựa trên trải nhiễu.

Rồi tôi ngồi lên ghế tĩnh tọa, thoáng cái, cả người tôi bỗng thấy thoải mái, thư thái vô cùng, tôi không còn biết tôi đang ở đâu nữa. Thế rồi nghe tiếng sư Viên Quang gọi tôi, tôi vội vã đi xuống, chạy ra khỏi phòng.

Sư Viên Quang nói với tôi:

– Bây giờ tôi đưa ông đến trời Đâu Xuất, đảnh lễ Bồ Tát Di Lặc, và sư phụ của ông là Hư Vân lão hòa thượng nhé!

Tôi mừng quýnh:

– A Di Đà Phật hay quá! Cám ơn Ngài!

Rời Đại điện tôi định giã từ hai vị hòa thượng nơi đây nhưng sư Viên Quang ngăn lại, nói:

– Không cần, không cần, thì giờ không có bao nhiêu.

Thế là lần này tôi đến cung trời Đâu Xuất.

Thế là lần này tôi đến cung trời Đâu Xuất… (Ảnh minh họa: daibitemple.org)

Đôi chút luận bàn:

Còn nhớ, Phật Pháp có giảng đại ý rằng: Thế giới Tây phương Cực Lạc nằm ở trung tâm của tầng vũ trụ thứ hai. Khoảng thời không mênh mông, vô cùng vô tận đó siêu xuất khỏi cõi Tam Giới tới bao nhiêu tầng trời thì quả thật là không thể nghĩ bàn. Ấy vậy mà cách nay hơn nửa thế kỷ vẫn có một vị cao tăng thành tựu công đức, được Quán Thế Âm Bồ Tát tiếp dẫn lên xem ngắm cảnh tượng nơi miền Cực Lạc thì phải chăng câu chuyện tu luyện theo Chính Pháp là có cơ sở thực tại?

Các chuyện cổ Phật gia đều có kể về sự kiện khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế truyền Pháp độ nhân, lúc bấy giờ có Ma Vương hết sức ngăn trở và can nhiễu. Y hiện lên trước Đức Phật và nói: “Hiện giờ ta không làm gì được Ông, nhưng đợi khi Ông nhập Niết Bàn, vài ngàn năm sau là vào thời mạt Pháp, khi đó ta sẽ cho đám đồ tử, đồ tôn của ta tới trà trộn khắp nơi mà phá hoại…”. Đức Phật nghe xong, Ngài thốt nhiên nhỏ lệ. Nhắc tới chuyện này mà chạnh nghĩ đến câu: “Phật tự tâm tác, giáo do ma chủ”.

Phật Gia lại cũng có câu chuyện giảng rằng: Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp, các đệ tử của ông có hỏi: “Bạch Sư Tôn, liệu có Pháp tu nào không cần thoát duyên thế tục mà vẫn có thể thành tựu viên mãn không”?

Đức Phật trầm ngâm một lúc, rồi Ngài giảng: “Vậy phải đợi đến thời mạt Pháp, khi ấy sẽ có Đức Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế truyền ra Chính Pháp độ nhân. Pháp mà Ngài giảng có thể giúp con người ta tu giữa đời thường”.

Chúng đệ tử lại hỏi: “Khi Đức Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế giảng Đại Pháp, làm sao chúng con có thể nhận ra được?”.

Đức Phật mỉm cười nhìn các đệ tử của Ngài rồi nói: “Khi ấy tại miền nhân gian, khắp nơi đều có hoa Ưu Đàm Bà La khai nở. Đó là loài hoa của Phật, ba nghìn năm mới nở một lần. Bông hình chiếc chuông nhỏ xíu, màu trắng ngần, thân mảnh như sợi tơ, trong suốt và phát sáng về đêm, đặc biệt loài hoa này có thể mọc trên gỗ, trên đá, trên sắt”…

Tính theo Phật lịch đến nay cũng khoảng 3000 năm, là thời kỳ mạt Pháp. Hoa Ưu Đàm Ba La đã xuất hiện khắp mọi nẻo nhân gian. Còn bạn, bạn có tin vào câu chuyện Thần Thoại này không vậy?

Còn tiếp…

Đường Phong