Trong cuộc sống không có ngưỡng cửa nào chẳng thể vượt qua, không có nỗi buồn nào chẳng thể buông bỏ.

Nền văn minh Á Đông có nguồn gốc rất sâu xa. Nếu truy tìm về nguồn cội, tìm hiểu tới tận gốc rễ nền văn hóa của dân tộc Á Đông, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều kết quả: Gốc của Kinh Lễ Nghi Minh là ở Khổng Tử, gốc của pháp lý, quy tắc là ở Hàn Phi, gốc của số lý bác ái là ở Mặc Tử, gốc của việc phân biệt âm dương là ở Huệ Tử. Nhưng trong thời bách gia tranh minh trăm hoa đua nở thì người mà các danh gia tôn kính trọng vọng chỉ có Lão Tử. Học thuyết Đạo gia mà ông sáng lập đã trở thành nền tảng cho tính cách các dân tộc Á Đông.

Điều càng khiến con người khó có thể tưởng tượng được là “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử chỉ dùng 5000 từ ngắn ngủi đã có thể thuyết minh một cách tường tận về các mệnh đề triết học giữa con người với trời đất, giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội, giữa con người với nhau. Có thể nói đây là cuốn đệ nhất kỳ thư của Trung Hoa. Ân oán tình thù, bi hoan ly hợp, hài lòng đắc ý tại nhân gian ông chỉ cần 4 câu đã có thể nói rõ ngọn ngành. Đúng như câu thơ rằng:

“Chan chứa 5000 chữ, nói rõ tam thiên thế giới,

Tiện tay 4 chữ chân ngôn, giải ưu phiền cõi thế nhân.”

1. Giải đọc từ “Thế” (Thời thế)

“Người thuận theo đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.”

Giải nghĩa: Nhân đạo thuận theo đất, tức là văn hóa khác nhau của nhân loại chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Ảnh hưởng của môi trường đối với con người chính là ảnh hưởng của “Thế” (thời thế). Nói rộng ra đến toàn nhân loại, thì sự ảnh hưởng của hoàn cảnh, các khu vực khác nhau tới con người được thể hiện qua đặc trưng văn hóa và phong tục tập quán của họ. Ví như Người Bắc “cưỡi ngựa”, người Nam “đi thuyền”. Văn hóa lại chính là “nhân đạo”, là đạo của con người. Môi trường xung quanh mà con người dựa vào gọi là “địa đạo” (đạo của đất). Vậy nên mới nói rằng: “Con người thuận theo đất”.

Đạo của đất lại thuận theo Trời. Tức là hoàn cảnh địa hình khác nhau thành là do Trời tạo nên. Thảm thực vật, các loại sản vật đều do mặt trời chiếu sáng và khí hậu nơi ấy quyết định. Ngay cả địa thế mặt đất cũng do nước mưa xâm lấn suốt một thời gian dài, bùn cát bị xói mòn mà thành. Bãi bể nương dâu cũng được đo bằng những nấc thời gian được tính bằng cả nghìn năm. Động lực sâu sa của nó chính là từ Trời xanh.

Do vậy, môi trường là “địa đạo” (Đạo của đất), còn khí hậu và quy luật chiếu sáng của mặt trời chính là “Thiên đạo”. Vậy nên “Đất thuận theo Trời”. Trời thực hiện đạo pháp, tức là Trời cũng vận hành theo “Đạo”, mà “Đạo” lại là quy luật khách quan. Vậy nên mới nói rằng “Trời thuận theo Đạo”. Đại Đạo lại thuận theo tự nhiên.

“Đạo” là quy luật khách quan, nhưng cụ thể là quy luật nào? Quy luật này chính là “Tự nhiên”. “Tự nhiên” là quy luật vận hành của thế giới vạn vật nằm ngoài ý chí của con người.

Vậy mới nói, chỉ một câu này Lão Tử đã nói rõ quy luật vận hành của vũ trụ cùng vạn vật. Theo quy luật này, Lão Tử chỉ dạy chúng ta nên thuận theo thời thế. Sức người vẫn luôn có hạn, làm trái với quy luật chính là đối nghịch với thời thế, nên dẫu ở nơi đâu cũng sẽ rơi vào ngõ cụt mà thôi. Thuận theo hình thế tự nhiên thì sức bỏ ra nhẹ tựa hồng mao mà lại có thể đi xa ngàn dặm.

Thuận theo hình thế tự nhiên thì sức bỏ ra nhẹ tựa hồng mao mà lại có thể đi xa ngàn dặm. (Ảnh: epochtimes.com)

Cảm ngộ: Cuộc đời của con người chẳng thể luôn thuận buồm xuôi gió, khó khăn và trắc trở khó có thể tránh được, chua cay mặn ngọt đều là trải nghiệm của kiếp nhân sinh. Theo “Đạo Đức Kinh” giảng, hiểu được đại đạo của tự nhiên thì mọi gập ghềnh trông gai trước mắt đều chẳng đáng để tâm. Dẫu cho bạn gặp phải cảnh khốn khó nhất trong cuộc đời thì chỉ cần luôn làm những việc phù hợp với sự vật, phát triển “Đạo” thì dẫu ở tận đáy cuộc đời cũng chỉ là bất lợi nhất thời. Khoảng thời gian này chắc chắn sẽ qua đi, lúc này nhất định bạn sẽ thấy được “Sau cơn mưa trời lại sáng”.

Vậy nên, dẫu khó khăn nhưng nó chắc chắn sẽ qua đi, chúng ta hà tất phải lo lắng bất an, than khóc với trời xanh? Chỉ cần phóng rộng tầm mắt, tự nhiên ta sẽ không nhìn thấy trắc trở trước mắt. Vậy nên mới có câu nói “Người quân tử đường rộng thênh thang”.

2. Giải đọc chữ “Độ” (Chừng mực)

“Giữ mà để nó đầy, không bằng để nó hết. Cân nhắc mà để nó sắc bén, thì không thể đảm bảo lâu dài. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được. Giàu sang mà kiêu ngạo, tự gây tội lỗi”.

Giải nghĩa: Khi đã đủ đầy, chi bằng hãy dừng lại. Nếu thể hiện hết ra cho người khác biết những gì mình có thì cuối cùng chẳng thể giữ được bền lâu. Khi tiền tài, báu vật đầy nhà thì chẳng thể trông giữ từng thứ một. Con người hễ phú quý, giàu sang lại thường kiêu ngạo tự đại, sẽ mang đến cái gốc họa hại cho mình.

Câu này giảng rõ đạo lý từ 4 phương diện, về chữ “Độ”. Phía trên chúng ta đã nói về “Đạo tự nhiên”, mà một nguyên tắc của “Đạo tự nhiên” chính là “hành” (Cân bằng). Nếu đạo của tự nhiên không phải là đạo cân bằng thì chẳng thể tồn tại tuần hoàn phản phục không ngừng nghỉ. Chữ “hành” này lại dẫn đến chữ “Độ” trong xã hội nhân loại. Mọi việc đều có mức độ, chừng mực, muốn tiến thủ phải biết dừng. Tiến thủ không giới hạn chẳng khác chi chỉ biết có được, sẽ phá hoại đạo “Hành” của tự nhiên, thì tự nhiên cũng sẽ khuynh đảo.

Cảm ngộ: Chúng ta cũng phải biết kiềm chế cảm xúc trong nội tâm một cách vừa phải. Rất nhiều người không muốn liếc mắt ngó qua khi đang thông thuận nhưng khi gặp chuyện đại bi thương thì tinh thần lại suy sụp, chẳng thể vực dậy.

Điều đáng sợ hơn là khi đời người như ý con người lại thường tự cho rằng mình là con cưng của Trời, người khác chẳng ai sánh bằng. Lại thêm những kẻ xung quanh a dua phỉnh nịnh, không ngừng nhồi nhét giả tướng, ca tụng bạn vô cùng vĩ đại, quá mức thành công. Lâu dần bạn sẽ mất đi sự phân tích khách quan, chẳng coi ai ra gì, tự tin quá mức, có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm chẳng thể chống đỡ.

Nói về những chuyện buồn vui cần phải biết tiến biết thoái có chừng mực. Những người có thể nắm giữ “thăng trầm” trong nội tâm mình một cách chừng mực (có độ) lại rất ít. Có thể nhìn rõ hình thế trong nỗi bi thương hay niềm đại hỷ mới là phẩm chất cần có của người thành công.

Có thể nhìn rõ hình thế trong nỗi bi thương hay niềm đại hỷ mới là phẩm chất cần có của người thành công. (Ảnh: thegioivanmau.com)

3. Giải đọc chữ “Chỉ” (Dừng lại)

“Họa không gì lớn hơn không biết đủ, tội không gì lớn hơn tham được nhiều. Vậy nên cái đủ của sự biết đủ thì sẽ đủ đầy dài lâu”.

Tai họa lớn nhất trong đời người không gì lớn hơn việc không biết đủ. Sai lầm lớn nhất trong đời người chẳng gì lớn hơn dục vọng tham lam. Do vậy, trong đời người biết đủ đã là sự thỏa mãn bền lâu nhất.

Cảm ngộ: Lời này rất dễ giải thích, nhưng lại rất khó hiểu, có vẻ như đạo lý này gần giống với chữ “Độ”. Nhưng đạo lý của chữ “Chỉ” lại chỉ ở một phương diện, là nhấn mạnh việc khắc chế lòng tham.

Vì sao lại chỉ nhắc tới việc “chỉ dục” (Dừng ham muốn)? Dục là bản tính động vật của con người. Dục vọng được quy về “ăn uống” và “tình dục”. Đây là tố chất căn bản nhất của động vật, của sự sinh tồn cho một quần thể. Nhưng khi con người bước vào xã hội văn minh hai loại dục vọng này lại trở thành dục vọng chiếm hữu và dục vọng truy cầu.

Những ham muốn hợp lý có thể khiến cuộc sống của chúng ta thêm phong phú và hạnh phúc. Nhưng dục vọng có một đặc trưng là “tính gây nghiện”. Người bình thường khó có thể kiềm chế được “hạn độ” của dục vọng. Hễ dục vọng mất đi sự kiểm soát thì nó sẽ phá hoại sự hài hòa giữa con người và con người, giữa con người với tự nhiên.

Muốn khắc chế chữ “Dục” thì phải hiểu cách “Dừng”. Đạo gia đề xướng “Quả dục” (Ít ham muốn), quả dục chính là biểu hiện của chữ “Chỉ” (Dừng). Một người có thể khống chế được làn sóng cảm xúc một lần thì đã được coi là kẻ trí. Một người muốn khống chế cảm xúc dài lâu thì cần phải có tâm tĩnh như nước, dùng chữ “Chỉ” khắc chữ “Dục”. Thông qua tu luyện họ có thể đạt được một cái tâm trong sáng thuần khiết. Thanh tâm quả dục mới có thể trở thành đạo sư, mới có thể tiến nhập vào cảnh giới “thanh tịnh”, cảm nhận được niềm vui của trẻ thơ.

Thanh tâm quả dục mới có thể trở thành đạo sư, mới có thể tiến nhập vào cảnh giới “thanh tịnh”, cảm nhận được niềm vui của trẻ thơ. (Ảnh: visiontimes.com)

4. Giải đọc chữ “Biện”

“Đôi khi làm hao tổn vạn vật lại khiến nó càng thêm ích lợi, đôi khi làm lợi cho nó lại khiến vạn vật bị hao tổn”.

Cảm ngộ: Từ câu này chúng ta có thể hiểu rõ về tư tưởng biện chứng của Lão Tử. Thế nào là biện chứng? Nói một cách đơn giản là xem xét vấn đề một cách toàn diện. Con người cần nhìn thấy mặt tốt của nó và cũng nhìn thấy mặt không tốt của nó, vừa có thể nhìn được phía hiện tại, lại có thể nhìn thấy hướng tương lai. Trong tư tưởng biện chứng này, họa phúc có thể chuyển hóa cho nhau. Câu chuyện “Tái Ông thất mã” chẳng biết đâu là phúc đâu là họa chắc hẳn mọi người đều biết.

Dùng ánh mắt biện chứng để đối đãi với muôn vàn sự vật trong cuộc sống thì tâm ta tự nhiên cũng khoáng đạt hơn nhiều. Những chuyện trước kia bạn không hiểu, hãy thử đứng ở lập trường của anh ấy mà suy nghĩ. Có lẽ bạn cũng sẽ hiểu được quyết định của họ. Đôi khi rõ ràng là chuyện không tốt, nhưng nếu bạn dùng ánh mắt không soi xét mà đánh giá có lẽ lại có thể thấy được viễn cảnh tương lai của nó.

Lão Tử đã cho chúng ta thấy rằng làm người cần suy xét nghĩ cho người khác trước thì ta sẽ hiểu được quyết định của họ. (Ảnh: khaimo.com)

Vậy nên, trên đời vốn chẳng có việc gì, người phàm tự lo phiền mà thôi, nhiều cảnh bi hoan ly hợp đều chỉ là trạng thái nhất thời. Nếu dùng tư tưởng và tầm nhìn của “Đạo Đức Kinh” mà đối đãi với cuộc sống bạn sẽ phát hiện ra rằng:

Trong cuộc sống chẳng có ngưỡng cửa nào không thể bước qua,

Chẳng có nỗi buồn nào không thể buông bỏ,

Chẳng có phiền não nào chẳng thể xua tan.

Nếu bạn soi mình trong gương thì ngọn nguồn của mọi vấn đề này chẳng phải đều bắt nguồn từ bản thân mình hay sao?

Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch