Hơn 5000 năm lịch sử Á Đông đã đặt định ra văn hóa tôn kính Thần Phật, tuân theo Thiên đạo mà tự ước chế, câu thúc đạo đức. Cả quốc gia từ hoàng đế, tông thất, quan lại đến bách tính thường dân đều một lòng thờ kính Thần linh. Có thể bắt gặp tín ngưỡng kính Thần ấy qua những chi tiết nhỏ nhất trong đời sống sinh hoạt. Chiếc mũ miện của Hoàng đế là một trường hợp như vậy.

Mũ có trang trí hình tượng Phật chính là một trong những minh chứng cho thấy sự kính ngưỡng đối với Thần Phật của người xưa. Ví như hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát trong Phật giáo thường đội một chiếc mũ miện có hình Phật Tổ, hay như việc tăng nhân thường đội một chiếc mũ được thêu trên đó những hình tượng Phật để bày tỏ ý kính Phật. 

Hình ảnh một vị tăng nhân thời nhà Thanh đội Ngũ Phật quan (ảnh: Sina).

Trong lịch sử có nhiều vị đế vương đội triều quan (mũ đội lúc lên điện họp bàn) có khắc hình tượng Phật để biểu đạt kính ý. Ví dụ như Tống Nhân Tông từng đội mũ miện có khắc tượng Quan Âm hay Minh Thành Tổ đầu đội nón giáp có tượng Chân Vũ đại đế cùng vị thần Hộ Pháp (Chân Vũ là một vị thần của Đạo Giáo được thờ phụng rất phổ biến ở Á Đông). Tuy vậy, việc đội mũ có hình tượng Phật của Tống Nhân Tông mang nặng tính cá nhân, còn Minh Thành Tổ thì hầu như rất ít đội nón giáp bởi các quy định ngặt nghèo về triều phục của các triều đại. Duy nhất chỉ có triều đại nhà Thanh là đặt ra quy định rõ ràng về việc trang trí hình tượng Phật trên đỉnh triều quan cho Hoàng đế. Các Hoàng đế nhà Thanh không chỉ đội triều quan có hình tượng Phật ở các dịp lễ quan trọng mà ngay cả trong các ngày lên triều bình thường cũng đều phải đội.

Người đầu tiên đội mũ có hình tượng Phật phải kể đến Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người xây dựng nền móng cho nhà Thanh. “Kiến châu kỷ trình đồ ký”, một tài liệu cổ chép rằng: “Mũ làm từ da chồn, hai bên mũ có lớp lông dài để che tai, trên đỉnh có một tòa sen nhỏ, bên trên có một hình người”. Có thể thấy hình người ngồi trên đài hoa sen ấy chính là hình tượng Phật hoặc Bồ Tát vậy. 

Sau khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, làm chủ giang sơn, các Hoàng đế đã có quy định rõ ràng về triều quan: “Trên đỉnh đính chu vĩ (phần lông mềm và bông xù màu đỏ), phía trước xuyết tượng kim Phật, điểm xuyết mười lăm viên đông châu” (đông châu là một loại trân châu chỉ có tại vùng nước ngọt tại Đông Bắc).  

Hạ triều quan (triều quan dùng trong mùa hè) của Thanh Cao Tông Càn Long (ảnh: Bảo tàng Cố Cung). 

Các đời vua nhà Thanh có quy định về thể thức triều quan rất nghiêm khắc và chi tiết. Trong mỗi một dịp lễ khác nhau, Hoàng đế sẽ đội một loại mũ khác nhau. Có bốn loại mũ chủ yếu: Triều quan (mũ đội khi mặc triều phục, dùng để thiết triều hằng ngày cũng những đại điển quan trọng bậc nhất như tế bái, lễ đăng cơ, ngày đại hôn,…), Cát phục quan (mũ đội khi mặc cát phục, tham dự các ngày quan trọng như mừng thọ), Thường phục quan và Hành phục quan (mũ đội khi mặc hành phục, các dịp như săn bắn, cưỡi ngựa)

Triều quan chia làm hai loại là Đông triều quan và Hạ triều quan. Đông triều quan là loại mũ dùng trong mùa đông đi kèm với triều phục mùa đông, được chế từ da Hải Long hoặc chồn đen, bên ngoài phủ một lớp nhung tơ màu đỏ. Còn Hạ triều quan có hình thức như chiếc nón, bên trong là lớp nhung, được chế từ ngọc thảo, cây mây và trúc. Trên đỉnh mũ đặt quan đỉnh, đồ trang trí khảm đá quý, có ba tầng, mỗi tầng có bốn con kim long trong miệng ngậm một hạt đông châu, trên đỉnh đặt một viên đông châu to. Phía trước triều quan đặt một bức tượng Phật nhỏ, xung quanh là 15 viên đông châu. 

Bức tượng kim Phật trên hạ triều quan của Thanh Cao Tông Càn Long (ảnh: Bảo tàng Cố Cung).

Bức tượng kim Phật thường được cho là tượng Phật A Di Đà, cũng có người nói là Phật Thích Ca Mâu Ni hoặc Đại Nhật Như Lai. Dù là vị tôn Phật nào thì việc đặt tượng Phật lên trên đầu mũ miện của các Hoàng đế cũng là một minh chứng rõ ràng cho tín ngưỡng kính Trời, kính Phật của cổ nhân. Dẫu là quân vương đứng đầu thiên hạ, người xưa cũng không bao giờ quên “trên đầu ba thước có thần linh”. Khi người đứng đầu đã tôn kính thiên mệnh như vậy thì cả xã hội cũng sẽ làm theo, cũng sẽ được đặt trong một trạng thái đạo đức cao, có được thịnh vượng và hoà bình. 

Trâm Anh
Theo Secretchina

Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc

videoinfo__video3.dkn.tv||50949d31a__