Một vị võ sư bình thường đến từ hòn đảo nhỏ bé lại đem đến cho nước Nhật và thế giới vốn đang suy vi về tinh thần này một thứ vô cùng quý giá – ‘Con đường Không Thủ Đạo’… 

Karate là tinh hoa văn hóa truyền thống

Đại sư Funakoshi Gichin (1868 – 1957) 船越 義珍 (Thuyền Việt Nghĩa Trân)  sinh ngày 10 tháng 11 năm 1868 tại thủ phủ Shuri, đảo Okinawa – vương quốc Lưu Cầu. Từ nhỏ, Funakoshi đã được giáo dục bài bản theo văn hóa cổ truyền bằng cả tiếng Trung và tiếng Nhật, do đó ông được biết đến như một nhà văn hóa, nhà thơ, triết gia, hành giả Thiền tông ngay từ khi chỉ là một người giáo viên trợ giảng tại Okinawa.

Funakoshi đã từng luyện tập 2 phái võ Karate nổi tiếng nhất vùng Okinawa thời đó là Shōrei-ryū (Chiêu Linh Lưu – lưu phái Karate của Naha, ảnh hưởng một phần bởi Nam quyền Trung Hoa) và Shōrin-ryū (Thiếu Lâm Lưu – lưu phái cổ xưa nhất, có thể coi là nguồn gốc của Karate, cái tên này đã nói lên nguồn gốc của nó). Sau nhiều năm tập luyện, Funakoshi đã tạo ra một phong cách riêng là sự kết hợp của cả hai phái ông từng tập với khoảng cách ước lượng và ra đòn của Kendo. Funakoshi cũng đã đổi tên một số bài Kata trong ngôn ngữ địa phương vùng Okinawa để người Nhật Bản có thể dễ phát âm nó hơn, vì ông luôn mong muốn đưa trường phái Karate của mình phổ biến ở Nhật Bản.

Năm 1902, Funakoshi Gichin từ Okinawa sang Nhật biểu diễn võ thuật tại trường Shintaro Ozawa tỉnh Kagoshima. Hiệu trưởng của trường bị lôi cuốn bởi môn võ mới mẻ này, có ý muốn đưa Karate vào chương trình đào luyện võ thuật của trường.

Năm 1916, Funakoshi lại được mời biểu diễn võ thuật tại Butokuden (Võ Đức Điện), là nơi được coi là “Thánh địa” của các môn phái võ của Nhật.  Tuy nhiên, cơ hội thật sự đến với Funakoshi là vào năm 1922, khi Nhật Hoàng Hirohito đã tỏ ra rất thích thú sau khi xem một buổi biểu diễn Karate ở Nhật và đề nghị Bộ giáo dục Nhật mời một võ sư Okinawa lừng danh sang biểu diễn. 

Thế là vào mùa xuân năm 1922, Funakoshi lại được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật mời sang biểu diễn tại đại hội thể thao toàn quốc ở Tokyo. Chưởng môn của các môn phái đều bị hấp dẫn bởi những tinh hoa của Karate, trong đó có Jigoro Kano, tổ sư của môn phái Nhu Đạo. 

Thú vị là thời điểm đó, ở Okinawa có rất nhiều võ sư Karate nổi tiếng võ công cao cường, ngay cả trong hệ phái mà Funakoshi học cũng có nhiều tiền bối cao thủ hơn ông. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của Thiên Hoàng, người ta quyết định chọn Funakoshi vì ông là võ sư duy nhất vừa có trình độ cao về võ thuật, vừa là một nhà giáo nổi tiếng, tinh thông tiếng Nhật, chuyên gia về văn hóa và lễ nghi cổ truyền Nhật Bản lẫn Okinawa. Việc chọn Funakoshi cho thấy người Okinawa mong muốn quảng bá môn Karate như một văn hóa truyền thống của đảo quốc. Đây là một quyết định vô cùng sáng suốt của chính quyền Okinawa, nhờ đó mà môn Karate mới phát triển như ngày nay. 

Lần sang Nhật này, Funakoshi nhận lời ở lại Nhật Bản để truyền bá môn Karate. Từ đó, tên tuổi ông được biết đến và sau này ông được xem là tổ sư của môn phái Karate vì có công truyền bá và phát triển môn phái ngày càng lớn mạnh và rộng khắp.

Đại sư Funakoshi Gichin. (Ảnh: karate.com)

Con đường Không Thủ Đạo Tùng Đào Quán

Đối với các võ sinh, có năm điều huấn thị của đại sư Funakoshi đề ra phải tuân theo gồm có:

  1. Nỗ lực hoàn thiện nhân cách
  2. Luôn luôn chân thành
  3. Nuôi dưỡng tinh thần nỗ lực
  4. Trọng lễ nghĩa
  5. Kiềm chế các hành vi nóng nảy

Ngoài ra, còn có 20 giới luật của Karate được đại sư viết ra dựa trên các luật lệ của Bushido và Thiền, chủ yếu nhấn mạnh sự khiêm tốn, tôn trọng người khác, lòng từ bi, tính kiên nhẫn và sự bình tĩnh ở cả bên ngoài lẫn nội tâm. Funakoshi tin rằng thông qua luyện tập Karate và áp dụng 20 nguyên tắc này trong cuộc sống, người tập võ sẽ cải thiện nhân cách của họ.

Hệ phái Karate của đại sư Funakoshi truyền ra ở Nhật gọi là Shotokan Karate-do (松 濤 館 空 手 道), âm Hán Việt là: Tùng Đào Quán Không Thủ Đạo.

Lúc sinh thời, chưa bao giờ đại sư đặt tên cho trường phái của mình, nên các môn đồ đã lấy tên võ đường đầu tiên để đặt cho môn phái, đây cũng là bút danh mà ông hay dùng khi viết sách và làm văn thơ.

Tùng Đào (松 濤), có nghĩa là “sóng trên ngọn cây tùng”, văn thơ cổ Trung Hoa hay dùng để chỉ tiếng gió rì rào qua những cây tùng trong rừng trên núi. Thơ Âu Dương Huyền đời Nguyên có câu: “Hạ liêm nguy tọa thính tùng đào” (Mạn đề), nghĩa là “Buông mành ngồi thẳng nghe tiếng sóng tùng”. Rừng cây tùng là một hình ảnh rất đẹp của tự nhiên, gió rì rào qua ngọn tùng khiến cho tâm hồn thanh thản bình yên. Cây tùng còn tượng trưng cho người quân tử nhân cách cao thượng, gió qua ngọn tùng cũng giống như lan truyền phẩm hạnh của người quân tử đi khắp nơi, làm cho lòng người đều vui vẻ hài hòa. 

Cây tùng vững chãi trên núi cao, lặng lẽ trải bao mùa đông hàng nghìn năm như một hành giả võ đạo miệt mài kiên trì khổ luyện để đạt đến đỉnh cao, khiêm tốn và tĩnh lặng. Có lẽ đây chính là điều mà đại sư Funakoshi muốn các môn đồ của mình đạt đến khi rèn luyện Karate, khi bước đi trên con đường Karate, con đường Tùng Đào Quán, là con đường hoàn thiện bản thân.

(Ảnh minh họa: thethaohcm.com.vn)

Không Thủ là không ra tay trước

Là tổ sư của một hệ phái Karate với nhiều môn đồ lừng danh thế giới và nổi tiếng với võ công cao cường, đại sư Funakoshi luôn lấy bản thân mình làm gương cho tinh thần Không Thủ Đạo, không tấn công trước. Cả đời ông không hề được biết đến với bất kỳ chiến tích nào đánh bại bất kỳ ai. Tuy nhiên, lại có một lần hiếm hoi ông bất đắc dĩ phải ra tay, và điều này vẫn làm ông ân hận mãi.

Theo “Karatedo, Đạo và Đời” có kể lại rằng:

“Chuyện xảy ra vài năm sau khi Nhật bại trận vào cuối thế chiến thứ 2. Năm đó, tổ sư Funakoshi Gichin (môn Karatedo) ‘mới có 80 tuổi’ (lời của Tổ Sư Funakoshi), phong độ vẫn dồi dào, cử chỉ nhanh nhẹn.

Ông lên chuyến xe lửa cuối cùng về lại Tokyo sau khi dự đêm thơ ở Tamagawa. Vào thời đó Tokyo vẫn hoang tàn, đổ nát, nếu đi một mình vào giờ đó quả là không an toàn một chút nào. Tuy nhiên, Funakoshi Gichin nghĩ là không ai thèm làm khó dễ một ông già 80 ăn mặc dung dị, dáng dấp từ tốn, khoan thai. Từ nhà ga Otsuka, tổ sư Funakoshi Gichin đi bộ về nhà cách đó khá xa.

Đột nhiên có một người đàn ông mặc đồ đen xuất hiện từ đằng sau một cabin điện thoại công cộng. Y vỗ vào dù của tổ sư:

– Này, ông bạn già!

Tổ sư tưởng gặp một người bạn hay một người quen, bèn lùi lại và giở nón chào. Một thoáng ngỡ ngàng. Tên đàn ông nói tiếp:

– Ông nội có thuốc lá không đấy?

Funakoshi Gichin chợt hiểu mình đang chạm trán với một tên bụi đời hay một tên lưu manh mới vào nghề.

– Tôi không hút thuốc.

Đêm hôm đó, tất cả đồ đạc mà tổ sư Funakoshi mang theo chỉ vỏn vẹn có một cái tay nải, trong đó chỉ có mấy cuốn sách và một hộp cơm đã hết nhẵn.

– Thôi đi ông nội, đừng có phịa! Chắc là trong tay nải có thuốc lá đấy.

Vị võ sư già không nổi giận. Ông ôn tồn trả lời:

– Tôi đã bảo là tôi không hút thuốc. Thôi, xin ông để tôi đi!

Tên kia gạt phăng, vẻ hăm dọa:

– Dẹp đi! Đưa tay nải ra xem!

– Chả có gì đáng giá cả đâu.

– Thôi, khỏi nói nhiều!

Y giật cây dù của tổ sư Funakoshi và trợn mắt nhìn ông như thể sắp ra tay. Tư thế của tên lang thang quá hở, nên khi y vừa giật cây dù định tấn công, Funakoshi Gichin đã lách mình qua cây dù và dùng tay phải bóp mạnh vào hạ bộ của y. Chắc hẳn cơn đau rất khốc liệt, cây dù rơi xuống đất trong khi gã côn đồ thét lên và gập người có vẻ như sắp bất tỉnh.

Ngay lúc đó, đội tuần tra xuất hiện. Tổ sư môn phái Karatedo tiếp tục đi về nhà, để mặc tên lưu manh cho toán cảnh sát xử lý.

Tổ sư Funakoshi hồi tưởng:

“Về nghĩ lại, tôi cho tên côn đồ đó chẳng qua cũng là một người lính giải ngũ thất nghiệp lang thang và đã bốc đồng làm bậy. Còn tôi, trong lúc nhất thời, tôi chẳng ngờ đã xuất thủ làm một việc mà tôi vẫn tuyệt đối cấm các đệ tử mình. Thật là đáng xấu hổ”.

Lời kết

Năm 1922, khi lên đường sang Nhật, Funakoshi đã làm một bài thơ như sau:

Tiếng sóng tùng

Trên một hòn đảo ở biển phía Nam,

Lưu truyền một nghệ thuật tinh tế

Đây là Karate.

Nhưng nghệ thuật đã suy tàn

Trong sự tiếc nuối vô cùng của tôi

Và sự truyền tải bị nghi ngờ

Ai sẽ đảm nhận

Nhiệm vụ vĩ đại

Phục hồi và hồi sinh?

Nhiệm vụ này tôi phải đảm nhận,

Ai sẽ làm nếu tôi không?

Tôi thề với bầu trời xanh.

Ngày 26 tháng Tư năm 1957, đại sư Funakoshi 89 tuổi giã từ trần thế nhẹ nhàng như những ngọn sóng tùng rì rào, để lại sau lưng ông một hệ phái Karate sau này trở nên phổ biến nhất thế giới với hàng triệu môn đồ và những đạo lý được nhiều người noi theo. ‘Tiếng sóng tùng’ ngày xưa giờ đã trải khắp năm châu. Như ước nguyện “ai cũng có thể tập Karate” của đại sư Funakoshi. Thế mới biết: những tòa thành vĩ đại thường được bắt đầu từ những viên gạch đơn sơ, con đường thiên lý thường được bắt đầu từ những bước chân khởi hành. Một vị võ sư bình thường đến từ hòn đảo nhỏ bé lại đem đến cho nước Nhật và thế giới vốn đang suy vi về tinh thần này một thứ vô cùng quý giá – Con đường Không Thủ Đạo. 

(Hết).

Tĩnh Thuỷ

Bạn đang đọc bài viết: “Bí mật của Karatedo – Không Thủ Đạo (P.2): Luyện võ chính là hoàn thiện nhân cách” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||8a8503cf1__

Từ Khóa: