Trong truyền thuyết cổ xưa, rồng phương Đông luôn là loài thú cao quý thiêng liêng, trong khi ở phương Tây, rồng lại tượng trưng cho tà ác, hắc ám. Vì sao lại như vậy?

Rồng trong xã hội phương Đông mang hình ảnh tôn quý, cát tường, trang nghiêm, và thần thánh. Các hoa văn trang trí hình rồng có từ thời viễn cổ trên các đồ trang sức bằng ngọc, đồ gốm, được ứng dụng rộng rãi, thậm chí cho đến đồ thủ công mỹ nghệ, thư pháp, hội họa, trang phục thời sau. Tuy tạo hình rồng thay đổi theo từng thời đại, lại có những biến đổi khác nhau, nhưng thần thoại về rồng luôn có vị trí vững chắc trong lòng người phương Đông.

Trái lại, ở xã hội phương Tây, rồng lại tượng trưng cho tà ác, hắc ám. Từ Khải thị lục của Kinh Thánh – Tân Ước đề cập đến rồng là hóa thân của ma quỷ và Satan, cho đến các sử thi anh hùng, như hình tượng rồng trong Thần thoại Hy Lạp, Thần thoại Đức, Thần thoại Bắc Âu xuất hiện các câu chuyện anh hùng giết rồng, rồng giương cánh giương vuốt, miệng phun lửa, hình dáng như loài thú kỳ dị truyền kỳ gần giống loài rắn.

Địa vị của rồng ở phương Đông và phương Tây sao lại có sự khác biệt như vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Truyền thuyết phương Đông

Học giả nổi tiếng của Nhật Bản là Haku Shizuka Kawa từng nói: “Tuy nói bất cứ thần thoại nào cũng chỉ là hư cấu, nhưng về bản chất mà nói, thần thoại thực sự là căn cứ vào hiện thực mà sinh ra. Một dân tộc có di sản văn hóa phong phú, ắt sẽ có các loại thần thoại và truyền thuyết thần bí và cảm động”.

Các truyền thuyết về rồng có thể được chia làm 4 loại như sau:

1. Người và rồng là một thể:

Ví dụ rõ rệt nhất chính là Phục Hy, Nữ Oa là thân rắn hoặc thân rồng. Vương Diên Thọ đời Hậu Hán có nói trong bài phú “Lỗ Linh Quang điện phú” rằng: “Vẽ trời đất, phân loại các loài sinh vật, các vật kỳ lạ, Thần núi, Thần biển. Giường mối mở rộng, mở đầu thời cổ đại, 5 con rồng sát cánh, vua loài người có 9 đầu, Phục Hy thân có vẩy, Nữ Oa mình rắn”.

Hình tượng nữ Oa. (Ảnh: Youtube)

2. Rồng là hóa thân của đế vương Thánh hiền:

Ví dụ, Trúc thư kỷ niên có Hoàng Đế Hiên Viên vẽ hình rồng ra sông. “Đế Nghiêu Đào Đường, mẹ là Khánh Đô, rồng đỏ cảm ứng, có mang 14 tháng sinh ra Nghiêu”. Sơn hải kinh – Nội kinh chú thích: Cổn chết, 3 năm không thối rữa, lấy dao khắc, hóa thành rồng vàng, đã nói rõ về Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn và Vũ, khi ra đời và lúc chết đều có Thần Long xuất hiện.

Trong sách Thánh tích đồ xuất bản năm Chính Thống thứ 9 đời Minh có viết: “Ngày Canh Tý tháng 11 năm Lỗ Tương Công thứ 22, đêm tiên Thánh đản sinh, có hai con rồng quanh nhà, 5 cụ già giáng xuống sân, 5 cụ già là Thần của 5 ngôi sao”. Đoạn văn này đã thuật lại lúc Khổng Tử giáng sinh, đã có các hiện tượng lạ thường.

Sử ký – Hán Cao Tổ bản kỷ viết: “Cha Cao Tổ là Thái Công, mẹ là Lưu Ảo thường nằm nghỉ ở dốc Đại Trạch, mộng khác lạ với Thần. Lúc đó, sấm chớp tối đen, Thái Công đến xem, thấy giao long ở trên bà, sau đó có mang, rồi sinh ra Cao Tổ”, đã nói rõ Hán Cao Tổ vì là giống rồng, thế nên sau này thành tựu nghiệp đế vương. Từ đó có thể thấy rồng và các đế vương Thánh hiền cổ đại có quan hệ mật thiết.

3. Rồng là Thần linh thần thông quảng đại:

Tranh Sơn hải kinh của Quách Phác viết: “Núi Lê Khâu có Ứng Long, rồng có cánh. Xưa Xi Vưu chống lại Hoàng Đế, lệnh cho Ứng Long đánh ở ngoại ô thành Ký Châu. Thời Nữ Oa, cưỡi xe sấm phục giá Ứng Long. Hạ Vũ trị thủy có Ứng Long lấy đuôi vạch lên mặt đất, lập tức nước suối lưu thông”. Có thể thấy rồng có sức mạnh của Thần linh.

Trong Phật thuyết Hải Long Vương kinh do Trúc Pháp Hộ đời Tây Tấn dịch có viết: Phật thuyết Pháp ở núi Linh Thứu, có Hải Long Vương dẫn gia quyến đến nghe giảng, đồng thời thỉnh Phật giáng lâm xuống Long cung dưới đáy biển, nhận cúng dường. Trong Tây du ký miêu tả tình tiết Tôn Ngộ Không xuống Thủy Tinh Cung mượn binh khí của Long Vương. Phong Thần bảng miêu tả câu chuyện Na Tra đánh chết Long Vương Tử Ngao Bính gây hại bách tính.

Những câu chuyện truyền thuyết về rồng này, có chuyện là rồng ở vai diễn, không nhất định là vai chính diện, nhưng điểm chung là rồng có sức mạnh Thần kỳ.

Rồng trong văn hóa Phương Đông là tượng trưng cho Thần. (Ảnh: Youtube)

4. Rồng là Thần thú của Thần cưỡi:

Thái Chân Vương phu nhân, tương truyền là Ngọc Chi – con gái của Vương Mẫu, giỏi đàn nhất huyền cầm. Mỗi khi đánh đàn, tiếng ca ưu nhã, muôn loài chim bay đến, bà thường cưỡi rồng trắng, chu du bốn biển.

Mao Mông, tự Sơ Thành, người Hàm Dương, học rộng nghĩ sâu, biết trước nhà Chu sẽ suy vi, than rằng: “Đời người như tia chớp, sao có thể say mê mãi cõi hồng trần”. Do đó không cầu tiến thân hoạn lộ, thế là bái sư Quỷ Cốc tiên sinh, học thuật trường sinh bất lão, vào núi Hoa Sơn tu luyện. Ngày canh tý tháng 9 năm Tần Thủy Hoàng thứ 30, ông đã cưỡi rồng trắng bạch nhật phi thiên (ban ngày bay lên trời).

Tiêu Sử thích thổi tiêu, Tần Mục Công gả con gái Lộng Ngọc cho ông, Tiêu Sử dạy Lộng Ngọc âm nhạc, sáng tác khúc Phượng hoàng, có phượng hoàng bay đến đậu trên. Mục Công xây cho họ Phượng Đài, sau này Lộng Ngọc cưỡi phượng, Tiêu Sử cưỡi rồng cùng bay lên trời.

Mã Sư Hoàng thời Hoàng Đế là danh y chữa bệnh cho ngựa, từ khí sắc của ngựa, ông có thể biết rõ tình hình bệnh tật của ngựa. Ngựa sau khi được ông chữa trị, không con nào không khỏi bệnh. Một hôm có một con rồng từ trên trời hạ xuống, hướng về phía ông dựng tai há miệng, Sư Hoàng bèn nói: “Con rồng này có bệnh, biết tôi có thể chữa được”. Thế là ông cắm một cái kim châm vào dưới môi rồng, lại dùng nước cam thảo cho nó uống, rồng liền khỏi bệnh. Một hôm, con rồng này cõng Sư Hoàng bay đi.

La Chân Nhân là người Hoàng Mai đời Tấn, tên là Trí Phúc, tu Đạo luyện đan ở Hoàng Đài Quán phía bắc huyện, sau khi luyện thành đan, có cụ già đến nói: “Ta là rồng bị bệnh, hy vọng có thể dùng đan của ông để chữa trị”. Trí Phúc bèn tặng đan cho rồng. Sau này Chân Nhân rửa chân ở ao nước phía bắc Hoàng Đài Quán, rồng đến cõng ông bay đi.

Lý Bạch tự Thái Bạch, người Xương Minh Tứ Xuyên, sinh ở làng Thanh Liên, hiệu Thanh Liên cư sỹ. Tương truyền năm Nguyên Hòa thứ nhất, có người nhìn thấy Lý Bạch nói cười trên núi cao với một Đạo sỹ, rất lâu sau, ở trên mây xanh với Đạo sỹ, cùng cưỡi rồng đỏ bay lên trời.

Bức tranh thêu tiểu đồng cưỡi thú rồng. (Ảnh: muabantranhtheu.com)

Truyền thuyết rồng phương Tây

1. Rồng là thú khổng lồ canh giữ báu vật:

Trường thi tự sự Beowulf viết vào thế kỷ thứ 8 là một thiên lâu đời nhất trong truyền thuyết viết bằng tiếng Anh cổ. Vũ đài câu chuyện ở Bắc Âu, nhân vật chính là anh hùng Beowulf dân tộc Gaystan trên bán đảo Scandinavie. Beowulf dũng mãnh vô song đã giành chiến thắng trong cuộc chiến dài đằng đẵng với Thụy Điển, ông đã tiêu diệt được quái vật đầm lầy và quỷ ăn thịt người lẻn vào cung đình, làm cho quốc gia trở nên thịnh vượng. Suốt 50 năm trị vì, con rồng phun lửa khổng lồ canh giữ kho báu quốc gia suốt 300 năm lại xuất hiện tấn công, Beowulf dẫn mọi người đánh vào sơn động của rồng khổng lồ, tấm lá chắn đã bảo vệ ông khỏi bị rồng lửa thiêu đốt. Ông đánh nhau với rồng lửa 3 hiệp, cuối cùng đánh một đòn trí mạng trúng rồng. Rồng khổng lồ bị chặt đầu, nhưng Beowulf cũng bị trọng thương, chất độc chảy vào trong cơ thể ông. Từ đó, người Đan Mạch coi Beowulf là người anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử.

2. Rồng là hóa thân của ma quỷ, Satan:

Tiết thứ 7 – 9, chương 12 của “Khải thị lục” của Kinh Thánh – Tân ước toàn thư viết: “Trên thiên thượng có chiến tranh. Michael và sứ giả của ông chiến đấu với rồng. Rồng cũng cùng với sứ giả của nó đi chiến đấu. Nhưng chưa chiến thắng, trên thiên thượng không còn có chỗ cho chúng nữa. Rồng khổng lồ chính là con rắn cổ đó, tên gọi ma quỷ, cũng gọi là Satan, mê hoặc khắp thiên hạ. Nó bị ném xuống mặt đất, sứ giả của nó cũng bị ném xuống đất”.

Kinh Thánh coi rồng là từ đồng nghĩa với ma quỷ, Satan, thú ma. Châu Âu coi tư tưởng Cơ Đốc giáo là chính luận duy nhất mà nói, rồng biến thành quái vật xuất hiện để nhân loại chịu ma nạn, mọi người thường rất sợ hãi rồng. Trong Khải thị lục, rồng có 7 đầu 10 sừng, có thể mê hoặc nhân tâm, khiến con người đi vào đường tà. 7 đầu tượng trưng cho 7 đại tội tuyệt đối không được phạm, 10 sừng tượng trưng cho 10 tội nhỏ có thể mắc phải. Những tội nhân bị mê hoặc dụ dỗ phạm tội sẽ cùng với rồng bị ném xuống đáy địa ngục.

3. Câu chuyện truyền kỳ giết rồng:

Vùng Catalunya Tây Ban Nha vốn là vùng đất trù phú rượu thơm trái ngọt hoa hương, một con rồng khổng lồ giỏi bay giỏi bơi lội đã phá hủy hết thảy. Nhân dân vì để cầu xin sinh tồn nên mỗi năm đưa 1 cô gái đến cho rồng làm vật tế. Một hôm, công chúa xinh đẹp cũng bất hạnh trở thành vật tế. Một võ sỹ trẻ thiện chiến nước Anh đã dốc sức đánh nhau với rồng khổng lồ. Anh dùng kiếm đâm vào tim rồng khổng lồ, trong chớp mắt, từ thân rồng máu tươi phun ra, nhuộm đỏ bãi cỏ xung quanh. Kết quả là trên bãi cỏ sinh ra những đóa hoa hồng đỏ thắm. Võ sỹ anh dũng đã cứu được công chúa, anh hái những bông hoa hồng tặng công chúa xinh đẹp. Hai người thề mãi mãi yêu thương nhau. Truyền thừa đến ngày nay, Catalunya lấy ngày này làm ngày kỷ niệm Thánh Sanctus Georgius giết rồng.

Trong văn hóa phương Tây rồng tượng trưng cho thế lực phản diện, hung ác. (Ảnh: Pinterest)

Tượng trưng văn hóa chính và tà

Trong văn hóa Đông – Tây, tại sao rồng lại được đánh giá khác biệt lớn đến thế, đều có nguyên nhân của nó. Trong truyền thuyết xa xưa, rồng ở Á Đông đã là linh thú thiêng liêng, có thể hô mưa gọi gió, có thể chở người thành Tiên. Nhưng trong truyền thuyết rồng phương Tây, rồng là ác thú canh giữ kho báu, có thể phun lửa, tấn công người.

Những truyền thuyết trên được truyền miệng từ đời này qua đời khác, hoặc được sử sách ghi chép lại, được lưu lại trong ký ức của người phương Đông và phương Tây. Trong quan niệm của người phương Đông và phương Tây đã cấu thành hình ảnh về rồng. Do đó là người phương Đông, cũng không nên trách người phương Tây tại sao lại ghét rồng. Là người phương Tây, cũng đừng lạ là tại sao người phương Đông lại sùng bái rồng đến thế. Hiểu rõ được lịch sử quá khứ, trong lòng sẽ rõ ràng rành mạch.

Theo Secretchina
Nam Phương biên dịch