Lấy tấm đồng làm gương soi có thể thấy y phục mũ mão mình không ngay ngắn, dùng lịch sử làm gương soi có thể thấy nguyên nhân hưng vong của quốc gia, dùng bề tôi làm gương soi có thể phát hiện ra bậc quân vương có làm đúng hay sai…

Hòa hợp các phe phái, không xét thù cũ, trọng dụng hiền tài

Sau biến cố Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân khi đó vẫn là Tần Vương nhận được mật báo rằng Đông Cung (cung Thái tử) có một viên quan tên là Ngụy Trưng đã từng tham gia quân khởi nghĩa của Lý Mật và Đậu Kiến Đức, ngoài ra còn là thuộc hạ của Thái tử Lý Kiến Thành, đồng thời đã khuyên Lý Kiến Thành giết hại Tần Vương.

Lý Thế Dân nghe xong nổi giận, lập tức sai người tìm Ngụy Trưng giải đến. Lý Thế Dân nghiêm giọng hỏi Ngụy Trưng: “Tại sao ngươi xúi bẩy ly gián tình huynh đệ ta?”.

Các đại thần xung quanh thấy Tần Vương hỏi như thế đều cho rằng tính mệnh Ngụy Trưng chỉ còn trong chốc lát, nên ai nấy đều toát mồ hôi sợ hãi thay Ngụy Trưng. Nhưng Ngụy Trưng vẫn thần thái tự tại, ung dung trả lời: “Chỉ tiếc rằng Thái tử không nghe lời tôi, nếu không đã không có chuyện ngày hôm nay”.

Lý Thế Dân nghe xong không những không xử tội Ngụy Trưng, mà còn cảm thấy Ngụy Trưng quả là người chính trực, lại có can đảm và tầm nhìn xa trông rộng, đúng là bậc nhân tài. Thế là Lý Thế Dân lập tức vui vẻ nói: “Chuyện đã qua rồi, không cần nói đến nữa”. Từ đó ông luôn giữ Ngụy Trưng bên mình.

Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, biết rõ Ngụy Trưng trực ngôn, dám nói nên đề bạt ông làm Gián nghị Đại phu, còn chọn một số thuộc hạ cũ của Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát làm quan. Điều này khiến các thuộc hạ cũ của Lý Thế Dân bất bình, họ thường bàn tán: “Chúng ta theo Hoàng đế chinh chiến khắp nơi đã bao năm, ra sinh vào tử, bây giờ lẽ ra là lúc hưởng phúc, vậy mà Hoàng đế lại thăng quan phong tước cho người của Đông Cung, Tề Vương Phủ, sao lại có đạo lý này được?”.

Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, biết rõ Ngụy Trưng trực ngôn, dám nói nên đề bạt ông làm Gián nghị Đại phu, còn chọn một số thuộc hạ cũ của Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát làm quan.
Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, biết rõ Ngụy Trưng trực ngôn, dám nói nên đề bạt ông làm Gián nghị Đại phu, còn chọn một số thuộc hạ cũ của Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát làm quan. (Ảnh: Đại kỷ nguyên)

Tể tướng Phòng Huyền Linh đem những bất mãn của các đại thần báo cáo lên. Lý Thế Dân liền cười lớn và nói với văn võ bá quan khắp triều rằng: “Triều đình đặt các chức quan, mục đích là để quản lý trị vì quốc gia, cần phải lựa chọn hiền tài. Những quan hệ trước đây đều không thể dùng là tiêu chuẩn chọn nhân tài được. Nếu người mới có tài năng, người cũ không có tài năng, thì đương nhiên không thể bài xích người mới mà trọng dụng người cũ được”.

Các đại thần nghe rồi, từ đó trở đi không còn có ai dám nghị luận bàn tán bừa bãi nữa.

Tôn chỉ lựa chọn nhân tài không tính hiềm khích thù hận cũ của Lý Thế Dân đã khích lệ các đại thần hòa hợp, bỏ qua thù hận xưa, dốc sức giúp vua trị nước, đồng thời khiến cho khắp triều đình thịnh hành phong thái chính trực, có ý kiến thì nói thẳng trực diện. Nhất là Ngụy Trưng, đối với việc triều chính, bất kể to nhỏ, đều suy nghĩ tỉ mỉ chu đáo, có ý kiến gì cũng nói thẳng trước mặt Lý Thế Dân. Điều đó khiến Lý Thế Dân ngày càng tín nhiệm ông, thường triệu ông vào nội cung hỏi ý kiến. Rất nhiều việc Lý Thế Dân đều vui vẻ nghe theo ý kiến Ngụy Trưng.

Đều là người thông minh, minh quân và hôn quân chỉ khác nhau là biết nghe ý kiến kẻ dưới hay không

Một lần Lý Thế Dân hỏi Ngụy Trưng: “Trong lịch sử, các vị quân vương sao lại có người anh minh trí tuệ, sao lại có người mê muội bất tài?”.

Ngụy Trưng nói: “Người có thể nghe ý kiến rộng rãi mọi mặt thì anh minh trí tuệ, người chỉ nghe một phía thì mê muội bất tài”. Ông còn lấy ví dụ các vua Nghiêu, Thuấn và Tần Nhị Thế, Lương Vũ Đế, Tùy Dạng Đế, rồi nói: “Bậc quân vương trị vì thiên hạ, nếu có thể tiếp thu các ý kiến của kẻ dưới thì sự tình bên dưới được thông đạt lên trên, thân tín của quân vương muốn che đậy cũng không che đậy được”.

Lý Thế Dân nghe kiến giải của Ngụy Trưng, gật đầu liên tiếp thốt lên: “Khanh nói thật chí lý!”.

Lý Thế Dân
Lý Thế Dân nghe kiến giải của Ngụy Trưng, gật đầu liên tiếp thốt lên: “Khanh nói thật chí lý!”. (Ảnh: tinhhoa.net)

Một hôm Lý Thế Dân đọc xong văn tập của Tùy Dạng Đế, nói với các đại thần xung quanh rằng: “Tùy Dạng Đế thực ra cũng không phải là vị vua không hiểu biết gì, ông ta học vấn rất uyên bác, cũng hiểu Nghiêu, Thuấn tốt, Kiệt, Trụ không tốt. Nhưng tại sao ông ấy vẫn làm những việc hoang đường như vậy nhỉ?”.

Ngụy Trưng liền tiếp lời: “Một Hoàng đế chỉ dựa vào thông minh uyên bác là không đủ, phải cần khiêm tốn lắng nghe ý kiến các bề tôi. Tùy Dạng Đế tự cho là tài cao, kiêu ngạo tự tin. Cho dù ông ta muốn giống như vua Nghiêu, Thuấn, nhưng việc làm lại giống như vua Kiệt, Trụ. Đó chính là ông ta tự chuốc lấy diệt vong”.

Lý Thế Dân nghe xong, vô cùng cảm động, than rằng: “Ôi, bài học xưa chính là tấm gương, là vết xe đổ cho chúng ta ngày nay”.

Vua anh minh phải có tấm lòng bao dung như biển cả

Lý Thế Dân thấy rằng dưới sự trị vì của mình, quốc gia ngày càng ổn định, phồn vinh, trong lòng ông rất vui. Ông nhận thấy lời khuyên can của các đại thần đã giúp ích rất lớn, bèn nói với họ: “Trị quốc như trị bệnh, bệnh tuy đã trị khỏi rồi, nhưng vẫn cần nghỉ dưỡng cho tốt, không được lơ là cảnh giác. Hiện nay Trung Nguyên đã yên ổn, bốn phương quy phục, từ xưa đến nay, rất ít khi có được cục diện như thế này. Nhưng ta vẫn nên tăng cường cẩn trọng mới được, chỉ sợ không giữ được lâu dài. Do đó ta muốn nghe nhiều lời can gián của các khanh hơn nữa”.

Ngụy Trưng vui mừng nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ trong hoàn cảnh yên ổn, thái bình mà vẫn nghĩ đến tình hình nguy cấp, thật khiến cho lòng người vui mừng”.

Sau này, Ngụy Trưng càng dám nói trực ngôn hơn. Hễ thấy Lý Thế Dân có điểm gì không đúng, liền lập tức nói ra ngay. Nhiều lúc cũng khiến Lý Thế Dân bối rối. Nhưng Ngụy Trưng vẫn cứ giữ tính trực ngôn bộc trực đó, có lúc khiến Lý Thế Dân không có đường lùi.

Nhưng Ngụy Trưng vẫn cứ giữ tính trực ngôn bộc trực đó, có lúc khiến Lý Thế Dân không có đường lùi.
Nhưng Ngụy Trưng vẫn cứ giữ tính trực ngôn bộc trực đó, có lúc khiến Lý Thế Dân không có đường lùi. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Một lần khi thiết triều, Ngụy Trưng tranh luận với Lý Thế Dân khiến cả hai mặt đỏ gay gắt. Lý Thế Dân thực sự không nghe được nữa, chỉ muốn nổi giận lôi đình, lại sợ mất đi danh tiếng khiêm tốn tiếp thu can gián trước quần thần, đành miễn cưỡng nhẫn chịu. Sau khi thoái triều, Lý Thế Dân ấm ức trong lòng. Về đến cung, gặp Trưởng Tôn Hoàng hậu, Lý Thế Dân không nén nổi nỗi tức giận đùng đùng, bèn nói với Hoàng hậu: “Sẽ có một ngày ta phải giết chết kẻ hạ thần hỗn xược này”.

Trưởng Tôn Hoàng hậu rất hiếm khi thấy vua nổi giận như thế, nên cẩn thận hỏi: “Không biết người bệ hạ muốn giết là ai?”.

Lý Thế Dân nói: “Còn ai ngoài gã Ngụy Trưng? Trước mặt văn võ bá quan mà hắn dám làm nhục ta, ta thực sự không thể nhẫn nhịn được nữa”.

Không ngờ Trưởng Tôn Hoàng hậu nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, quay về nội thất, thay bộ lễ phục trang trọng, rồi đi ra cung kính bái lạy Thái Tông.

Lý Thế Dân kinh ngạc hỏi: “Hoàng hậu làm gì đó?”.

Trưởng Tôn Hoàng hậu nói: “Thần nghe nói, bậc Thiên tử anh minh mới có đại thần chính trực. Nay Ngụy Trưng chính trực như thế này, đã chứng minh bệ hạ là anh minh, thần sao có thể không bái lạy mà mừng cho bệ hạ được”.

Lời nói của Hoàng hậu liền dập tắt ngọn lửa giận dữ bừng bừng trong lòng Thái Tông. Khi bình tĩnh lại suy nghĩ những lời của Ngụy Trưng, Thái Tông thấy ông ta kiên trì rất có lý.

Năm 643 Ngụy Trưng mắc trọng bệnh từ trần. Lý Thế Dân rất buồn, rơi hai hàng lệ nói: “Một người lấy tấm đồng làm gương soi có thể thấy y phục mũ mão mình không ngay ngắn, dùng lịch sử làm gương soi có thể thấy nguyên nhân hưng vong của quốc gia, dùng người làm gương soi có thể phát hiện ra mình làm đúng hay sai. Ngụy Trưng chết đi, trẫm đã mất đi một tấm gương soi rất tốt rồi”.

Lý Thế Dân trọng dụng nhân tài, tiếp thu rộng rãi các ý kiến can gián của các đại thần, do đó nền chính trị xuất hiện cục diện khai sáng. Vua còn chú ý giảm nhẹ các lao dịch cho bách tính lê dân, áp dụng các biện pháp phát triển sản xuất. Triều Đường bắt đầu bước vào thời kỳ phồn vinh, trật tự xã hội ổn định. Đây chính là thời kỳ thịnh trị nổi tiếng mà lịch sử gọi là “Trinh Quán chi trị”.

Nam Phương