Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên 

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Trọn bộ Bình Kim Dung

Kẻ sĩ thông minh chấp mê bất ngộ

Kẻ nhếch mép cười khinh khỉnh ấy chính là Đại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí. Ông ta là quốc sư và cố vấn cao cấp của hoàng gia nước Thổ Phồn. Ông ta có nghiên cứu tinh thâm về Phật Pháp, là một kẻ thông minh quán thế cũng như trình độ võ học đáng vào hạng nhất lưu.

Nhưng Cưu Ma Trí quá si mê võ cho nên cả đời cứ theo đuổi ôm đồm những tinh hoa võ học của thiên hạ để mong quán thông hết thảy. Để làm gì? Để được tiếng tinh thông bác học hay sao? Cho nên, mới quyết tiêu hóa bằng hết 72 tuyệt kỹ xưa nay chưa ai từng học được hết của Thiếu Lâm để làm bẽ mặt Thiếu Lâm, mong dương danh thiên hạ.

Nhưng trí lực của một đời người có hạn, làm sao có thể nhồi nhét trí tuệ của bao đời tăng chúng Thiếu Lâm vào một con người được? Nên chỉ học được cái vỏ ngoài để lòe người mà thôi. Bên ngoài là cái vỏ 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm, trong ruột lại là võ công phái Tiêu Dao. Người thông minh trí tuệ khi đã chấp vào trí tuệ kiến thức thì còn khó ngộ hơn cả kẻ ngu muội.

Bản thân võ học Thiếu Lâm ban đầu chỉ là cái phương tiện để Đạt Ma sư tổ giúp tăng chúng Thiếu Lâm được cường gân kiện cốt đặng có sức khỏe để tu luyện Phật Pháp, chứ đâu có phải luyện võ cho tinh để giương oai giễu võ đến phí hoài cả một đời người, rốt cuộc quên đi mục đích chính là đắc Đạo giải thoát. Ông ta cũng là một đệ tử của Phật mà sao lại si mê như thế? Đã thế, ông ta lại mang dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử, nghĩ ai cũng mưu mô giống như mình, dẫu có được Thần Phật điểm hóa cũng vô ích mà thôi.

Than ôi, vì thế Cưu Ma Trí trước những Phật lý uyên thâm của thần tăng vô danh mà vẫn chấp mê bất ngộ. Nhưng có lẽ cũng chưa phải duyên. Sau này, vô tình công lực của ông bị Đoàn Dự hút hết thì ma chướng mới tiêu đi. Thành ra, ông cũng giống như Huyền Trừng đại sư của Thiếu Lâm, qua ma nạn mới tỉnh ngộ mà chuyên cần tu tập, thực sự đạt đại ngộ, đâu phải chỉ bằng sự uyên bác kinh kệ của người trí thức mẫn tiệp. Chính là “Họa hề phúc sở ý, Phúc hề họa sở phục” (Trong Phúc có Họa, trong Họa có Phúc) như Lão Tử đã viết.

Cưu Ma Trí phải đói diện với việc mất hết công lực mới nhận ra chân tướng, tỉnh ngộ mà chuyên cần tu tập đạt đến giác ngộ. (Ảnh: Youtube)

Lòng từ bi là tiên đan diệu dược

Không giống như Cưu Ma Trí, Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác tương đối ít mê hơn. Hay có lẽ hai ông đã “thấy quan tài trước mặt nên đổ lệ”? Bình sinh có ai dọa nạt được hai kẻ võ nghệ trùm đời, chọc trời khuấy nước này đâu. Thế mà, một ông già vô danh trông có vẻ lẫn cẫn chỉ bằng vài lời than thở từ bi với chất giọng già nua xen lẫn mấy cái lắc đầu mà khiến một kẻ toát mồ hôi lạnh, một kẻ đau đến răng đánh lách cách. Cứ như vô danh thần tăng đi vào tận gan ruột mà nhìn thấy hết cả thân bệnh lẫn tâm bệnh của họ. Chỗ nào sưng, chỗ nào chai, huyệt nào đau… của hai người này, thần tăng đọc vanh vách làm Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác không rét mà run.

Khi ma tính đại phát, thì chỉ có dùng Phật pháp mới có thể chữa khỏi được thôi. Nhưng Phật pháp từ bi nói ra được đã không dễ, làm được lại càng khó. Làm sao từ bi với chính kẻ tử thù mà vốn chỉ có thể róc xương lột da mới thỏa đây? Đó là bài thuốc dành cho Tiêu Viễn Sơn. Ta hãy nghe thần tăng vô danh chỉ giáo:

“Vị lão tăng mủm mỉm cười nói:

– Lão nạp đã nói rồi, nếu muốn hóa giải nội thương của Tiêu lão thí chủ thì phải tìm trong Phật pháp. Phật do tâm sinh, Phật tức thị giác. Người ngoài có thể chỉ điểm nhưng không thể chịu thay được. Ta hỏi Tiêu lão thí chủ một câu: “Nếu như ông biết cách trị thương thì nội thương của Mộ Dung lão thí chủ ông có chịu chữa hay không?”.

Tiêu Viễn Sơn ngạc nhiên lắp bắp:

– Ta… ta trị thương cho… cho Mộ Dung lão… lão thất phu ư?

Mộ Dung Phục quát lên:

– Ngươi liệu mà giữ mồm!

Tiêu Viễn Sơn nghiến răng hậm hực nói:

– Mộ Dung lão thất phu giết chết ái thê của ta, hủy cả một đời ta, ta hận không được băm vằm y thành muôn nghìn mảnh, xẻo y từng miếng thịt.

Vị lão tăng hỏi Tiêu Viễn Sơn rằng nếu tự tay trị thương cho Mộ Dung Bác thì nội thương trên người cũng tự khỏi vậy có được không? (Ảnh: Youtube)

Vị lão tăng nói:

– Chẳng lẽ ông không thấy Mộ Dung lão thí chủ chết không toàn thây thì không tiêu mối hận trong lòng hay sao?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

– Chính thế! Lão phu trong ba mươi năm qua, trong lòng đêm ngày canh cánh mối huyết hải thâm cừu này.

Vị lão tăng gật đầu:

– Thế thì dễ lắm. [1]”

Nhà sư vô danh hay Bồ Tát hóa hiện

Chớp mắt một cái, thần tăng vô danh đánh chết Mộ Dung Bác, kẻ mà trước đó ít giờ thôi đã khiến quần hào khâm phục trình độ võ công xuất thần nhập hóa. Khi kẻ tử địch mấy phút trước còn cười cười nói nói mà bỗng chốc biến thành cái xác không hồn thì đột nhiên Tiêu Viễn Sơn bỗng thấy hết sức chơi vơi. Hùng tâm tráng chí của ông từ thời trai trẻ để kiến lập công danh cuối cùng đã dành hết cho việc báo thù rửa hận. Đến khi kẻ đại thù chỉ còn là cái xác không hồn thì việc báo thù rửa hận bỗng trở nên vô nghĩa.

“Ông đưa mắt nhìn cái xác Mộ Dung Bác nay đang dựa vào cột, thấy khuôn mặt bình hòa, khóe môi như điểm một nụ cười, tưởng như chết rồi lại sung sướng hơn lúc còn sống. Tiêu Viễn Sơn trong lòng dường như có chiều ước mơ được có phúc như y, thấy rằng chết là xong, mọi sự đều kết thúc không còn gì vướng mắc nữa. Trong khoảnh khắc ông thấy lòng mang mang trống vắng:

“Kẻ thù chết cả rồi, mối thù của ta đã báo. Bây giờ ta biết đi đâu đây? Trở lại Đại Liêu chăng? Để làm gì? Ra ngoài Nhạn Môn Quan ẩn cư chăng? Để làm gì? Cùng với Phong nhi đi tận chân trời, vân du bốn bể chăng? Để làm gì?”.

Nhà sư già nói:

– Tiêu lão thí chủ, ông muốn đi đâu, xin cứ tùy tiện.

Tiêu Viễn Sơn thấy kẻ thù đã chết, bất giác trong lòng trống rỗng. (Ảnh: Youtube)

Tiêu Viễn Sơn lắc đầu:

– Ta… ta đi đâu bây giờ? Ta chẳng có chỗ nào mà về.

Lão tăng lại tiếp:

– Mộ Dung lão thí chủ chính tay ta đánh chết rồi, ông không được chính tay trả thù nên lòng ấm ức không yên chứ gì?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

– Không phải vậy! Ví như ông không đánh chết y, tôi cũng chẳng còn muốn giết y nữa. [2]”.

Ông sẵn sàng để Mộ Dung Phục lấy mạng mình để báo thù rửa hận. Nhưng thần tăng vô danh đã giúp ông thành toàn vì không muốn hai nhà tiếp tục oan oan tương báo và vì ông còn có thâm ý khác. Lại chỉ một chưởng đánh chết Tiêu Viễn Sơn rồi xách cả hai cái xác nhẹ nhàng lướt đi.

Tiêu Phong cùng Mộ Dung Phục trổ hết tài khinh công đuổi theo nhanh như cưỡi gió mà vẫn không đuổi kịp thần tăng vô danh. Ông ta một mình nắm cổ hai cái xác cao lớn vẫn ung dung lướt đằng trước như có pháp thuật. Giống như Gia Cát Lượng dùng phép rút đất hay Phật Thích Ca đi bộ mà tướng cướp Angulimala chạy bở hơi tai mà không kịp. Nghe giới tu luyện nói rằng đó là họ đi trong một không gian khác mà người thường dẫu có bay theo cũng không kịp. Đúng là thần tăng có khác!

Nhưng Thần hơn người đâu phải chỉ vì có phép thuật mà chính là do lòng dạ bao dung rộng như biển. Thì ra Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác không chết mà chỉ bị đánh ngất đi để thần tăng vô danh chữa bệnh cho cả hai người. Thế mà thần tăng đâu cần biện bạch, sẵn sàng chịu tiếng oan và nhận một chưởng mạnh như bài sơn đảo hải của Tiêu Phong đến hộc cả máu, cốt chỉ để cứu lấy hai sinh mệnh nhiều tội lỗi, cả phần xác lẫn phần hồn.

Cao tăng nhanh chóng cắp lấy hai vị oan lão mà thoát ra. (Ảnh: Youtube)

Đâu là Phật? Đâu là ma? Đâu là địch? Đâu là ta? Chính là từ tâm mà ra

Cái hỏa khí từ lòng hận thù của Tiêu Viễn Sơn đã chan hòa với hàn khí âm hiểm của Mộ Dung Bác để cuối cùng hòa thành một, để hai sinh mệnh hoàn toàn mới được sinh ra dưới ánh sáng từ bi của Phật Pháp, như con phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn.

“Hai tay nắm lấy hai tay, nội tức hai bên tương ứng. Âm này giúp đỡ dương kia, dương kia hóa giải âm này. Hùng tâm mưu bá đồ vương, rồi ra cũng thành cát bụi. Dù cho huyết hải thâm thù, tiêu tan hình bóng cũng không”. Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đang tay nắm tay, nghe nhà sư quát lên, lập tức bóp chặt lại, nội tức trong cơ thể đổ dồn qua đối phương, hòa lẫn với nhau, lấy hữu dư bổ bất túc, mặt hai người đỏ thì giảm bớt, xanh thì hồng lên rồi cùng trắng bệch, một lúc lâu sau mở mắt ra nhìn nhau mỉm cười.

Tiêu Phong và Mộ Dung Phục thấy cha mình đã mở mắt mỉm cười, sung sướng không đâu cho hết. Chỉ thấy Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác nắm tay nhau đứng lên, cùng quỳ xuống trước vị lão tăng.

Nhà sư hỏi:

– Hai ngươi từ chỗ sống đi vào chỗ chết, rồi lại từ chỗ chết đi ra, trong lòng có còn gì không cởi được nữa chăng? Nếu như các ngươi chết đi rồi thì cái gì hưng phục Đại Yên, báo phục thê cừu có còn nữa chăng?

Tiêu Viễn Sơn mở mắt thì thấy Mộ Dung đối diện, cả hai đều bình an vô sự liền nở nụ cười hóa gải nhân duyên. (Ảnh: Youtube)

Tiêu Viễn Sơn đáp:

– Đệ tử ở chùa Thiếu Lâm ba mươi năm làm hòa thượng cũng chỉ là giả, trong lòng chẳng có chút gì từ tâm của nhà Phật, nay mong sư phụ thu lục.

Vị lão tăng đáp:

– Thế mối thù giết vợ ngươi không còn muốn trả nữa hay sao?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

– Đệ tử bình sinh giết kẻ vô tội có đến hàng trăm, nếu như quyến thuộc những người bị đệ tử sát hại cũng chăm chăm đòi mạng phục thù thì đệ tử dẫu chết trăm lần e rằng chưa đủ.

Vị lão tăng quay sang Mộ Dung Bác hỏi:

– Còn ngươi thì sao?

Mộ Dung Bác mỉm cười nói:

– Thứ dân cũng là cát bụi mà vua chúa cũng là cát bụi. Không khôi phục Đại Yên cũng là không mà có khôi phục được thì cũng là không.

Trước việc chết đi sống lại mà hiểu được nhân duyên, Mộ Dung Bác cũng đã hiểu ra sự cao thâm của Phật Pháp. (Ảnh: Youtube)

Nhà sư cười ha hả nói:

– Quả là đại triệt đại ngộ! Thiện tai! Thiện tai!

Mộ Dung Bác nói:

– Cầu sư phụ thu làm đệ tử để sớm được khai đường mở lối. [3]”.

Người ta sống trên đời cứ như lang thang trong cõi mê. Giống như ông vua già Priam trong thiên sử thi Troy đã nói: “I’ve fought many wars in my time. Some I’ve fought for land, some for power, some for glory. I suppose fighting for love makes more sense than all the rest”. Nghĩa là: “Ta đã chiến đấu nhiều trận trong đời. Đôi khi là vì đất đai, có khi vì quyền lực, lúc lại vì vinh quang. Ta cho rằng chiến đấu vì tình yêu là có ý nghĩa nhất”.

Dẫu sao đó là lý lẽ của thường nhân chúng ta, sống chết cũng vì Danh Lợi Tình. Câu thứ hai là dành cho Mộ Dung Bác, ông này khổ công bày mưu tính kế, xui nguyên giục bị cũng vì muốn khôi phục ánh hào quang đã tắt của vương triều Tiên Ti dòng Mộ Dung, muốn dòng giống mình lại nắm quyền lực cai trị một lần nữa trên mảnh đất của Đại Tống.

Câu sau cùng là cho Tiêu Viễn Sơn, người anh hùng lầm lạc cay đắng chiến đấu vì tình yêu với người vợ đã chết thê thảm, với con trai đã trở thành kẻ lưu lạc, càng yêu vợ yêu con bao nhiêu, thì nỗi hận thù với những thủ phạm lại càng lớn bấy nhiêu. Cơ duyên xảo hợp khiến họ gặp được thần tăng điểm ngộ, trong chớp mắt mà cuộc đời đi qua, mấy mươi năm hận thù tranh đoạt cứ như một giấc mộng vừa sực tỉnh.

Cả hai lão oan gia đã giải xong ân oán kết thúc oán duyên xin quy y cửa Phật một lòng tu Đạo. (Ảnh: Youtube)

Hai con người này trải qua một lần sinh tử đã thấu tỏ sự vô thường, những vinh quang hay oán hận nào còn ý nghĩa gì? Khi tâm đã vứt bỏ hết chấp trước thì thấy hết thảy đều là không. “Thứ dân cũng là cát bụi mà vua chúa cũng là cát bụi. Khôi phục Đại Yên cũng là Không mà có khôi phục được thì cũng là Không”.

Tiêu Viễn Sơn cũng là Mộ Dung Bác mà Mộ Dung Bác cũng là Tiêu Viễn Sơn, chẳng còn phân biệt tranh giành, hết thảy đã trở về nhất thể trong Phật Pháp.

[1], [2], [3]: trích trong bản dịch Thiên Long Bát Bộ của dịch giả Nguyễn Duy Chính.

Y Hoàng