Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Kỳ 5: Dương Quá – Tiểu Long Nữ, thiên tình sử lắm nỗi đoạn trường

Nhắc đến chuyện tình đẹp trong truyện của Kim Dung thì nhiều lắm, nào là Trương Vô Kỵ – Triệu Minh, Lệnh Hồ Xung – Nhậm Doanh Doanh, Quách Tĩnh – Hoàng Dung, Tiêu Phong – A Châu, Thạch Phá Thiên – A Tú, v.v. Nhưng mấy ai có mối tình đặc biệt mà lắm éo le suốt mấy thập kỷ như cặp Dương Quá – Tiểu Long Nữ? Ấy là vì người trong cuộc có chỗ đặc biệt.

Sức hút trong tình yêu cũng giống như điện tích, trái dấu thì hút nhau. Nếu vậy thì Dương Quá và Tiểu Long Nữ là hai điện tích trái dấu. Dương Quá mưu mẹo bao nhiêu thì Tiểu Long Nữ chất phác bấy nhiêu. Dương Quá sôi nổi, nhiệt tình bao nhiêu thì Tiểu Long Nữ lãnh đạm bấy nhiêu. Dương Quá bay bướm hoạt ngôn bao nhiêu, thì Tiểu Long Nữ ít lời bấy nhiêu. Dương Quá thích ở nơi phồn hoa náo nhiệt, Tiểu Long Nữ thích chốn tịch mịch thâm u. Dương Quá thì hay để bụng, còn Tiểu Long Nữ thì không chấp nhặt. Cả đời cô chỉ căm giận duy nhất kẻ đã lấy đi của cô đời con gái, khiến cô và Dương Quá không đến được với nhau. Đó là Doãn Chí Bình, môn hạ Toàn Chân Giáo.

Kỳ 5: Dương Quá – Tiểu Long Nữ, thiên tình sử lắm nỗi đoạn trường
Dương Quá – Tiểu Long Nữ có tính cách trái ngược hoàn toàn với nhau, cũng vì thế chuyện tình của họ thật nhiều dư vị. (Ảnh: youtube.com)

Dương Quá, hóa thân của lửa tình rực cháy

Nóng hay lạnh, bồng bột hay trầm lặng, đó là bản tính trời sinh. Nhưng nó cũng mang dấu ấn của hoàn cảnh. Dương Quá từ nhỏ đã gặp nghịch cảnh côi cút, sống giữa đời đen bạc, tự nuôi lấy thân nên nhanh nhẹn giảo hoạt phi thường. Trong tưởng tượng của anh, người cha Dương Khang mà anh chưa một lần gặp là một người hùng đẹp đẽ về mọi mặt. Nhưng có ngờ đâu bậc sinh thành đã cho anh thừa hưởng trí tuệ phi phàm ấy lại là một kẻ mại quốc cầu vinh. Hoàn cảnh của Dương Quá thực ra rất đáng thương. Cái mà Dương Quá suốt đời đi tìm là một người yêu thương mình thực sự, bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm của anh từ nhỏ. Dương Quá thông minh tháo vát lắm, xoay sở tồn tại trên đời đâu phải là một khó khăn với anh. Hán tử cứng cỏi can trường ấy có thể coi khinh mọi trò tra tấn man rợ của kẻ thù mà không rên la một tiếng, nhưng chỉ một lời yêu thương, một tình cảm trìu mến thực sự cũng khiến anh òa khóc.

Cậu bé Dương Quá từng tâm sự với Tiểu Long Nữ: “Nếu đánh đệ tử là người thương đệ tử, thì đệ tử chả buồn chút nào, còn vui là đằng khác, vì người ấy mong cho đệ tử thành người tốt. Còn nếu là người ghét đệ tử, thì dù chỉ mắng đệ tử một câu, trừng mắt nhìn đệ tử một cái, sau này đệ tử lớn lên sẽ tìm kẻ đó tính sổ”(1).

Bởi thế, Âu Dương Phong cho anh tình cảm cha con, dù lúc ấy ông khi điên khi tỉnh. Tôn bà bà cho anh tình cảm bà cháu. Hoàng Dược Sư cho anh tình bạn tri kỷ bất chấp tuổi tác. Những người ấy Dương Quá mới gặp lần đầu đã cảm mến. Đặc biệt Quách Tĩnh vừa như cha, vừa như thầy trong lòng lúc nào cũng yêu thương lo lắng cho anh, nên trong bao tình huống éo le Dương Quá cần phải lấy mạng Quách Tĩnh mà không làm nổi. Kể cả Hoàng Dung túc trí đa mưu luôn làm Dương Quá đề phòng, nhưng chỉ cần bà trải lòng yêu thương với anh như một người mẹ, là Dương Quá trào lệ dốc lòng tâm sự với bà bao điều mà anh luôn giữ kín. Có lúc anh nghĩ: “Số phận ta chắc kỳ lạ lắm, nếu không tại sao có người đối tốt với ta thì cực tốt, có kẻ đối ác với ta thì cực ác?”. “Chàng không nghĩ rằng đó là vì tính nết của chàng mà ra; chàng thấy ai nói không hợp, thì coi họ như kẻ thù; thấy ai hợp ý thì hết mực chân thành với họ, nên càng được họ đối xử tử tế hơn”(2). Yêu là tình, ghét cũng là tình. Dương Quá là người quá coi trọng sự yêu ghét.

Dương Quá, hóa thân của lửa tình rực cháy
Dương Quá là người coi trọng sự yêu ghét. (Ảnh: pinterest.com)

Còn Tiểu Long Nữ thì sao? Số phận định sẵn cho cô thành chưởng môn nhân của phái Cổ Mộ. Sư phụ của cô lúc lâm chung cứ dặn đi dặn lại: “Công phu luyện tập của con là môn võ công thượng thừa dứt bỏ thất tình, lục dục. Mai sau nếu con lại ứa nước mắt vì người khác, xúc động chân tình, thì chẳng những tổn hại lớn cho võ công, mà còn nguy đến tính mạng, con phải nhớ kỹ đó”(3). Cả thời niên thiếu của cô sống trong Hoạt Tử Nhân Mộ – ngôi mộ dành cho người sống mà tình như đã chết, vốn là chốn cũ của Vương Trùng Dương xây dựng khi lòng đã nguội lạnh với đời. Cô luôn mặc một bộ đồ trắng muốt như tuyết, đêm ngủ trên chiếc giường hàn ngọc lạnh như băng. Khi mới gặp Dương Quá, vẻ mặt cô luôn lạnh lùng bình thản. Đáp lời tâm sự của tiểu đệ tử Dương Quá, cô nói: “Ngươi tốt hay xấu thì can hệ gì đến ta? Ta cũng không ghét ngươi. Cả đời ta ở trong phần mộ này, ai ta cũng không thương, ai ta cũng chẳng ghét”(4).

Cậu bé Dương Quá sôi nổi nhiệt tình ấy đã khuấy động chốn Cổ Mộ âm u lạnh lẽo, khuấy động cả cõi lòng tịch mịch của Tiểu Long Nữ. Có Dương Quá, cô không còn tĩnh tâm được nữa. Cô bắt đầu thầm nghĩ đến thế giới rộng lớn và náo nhiệt bên ngoài, thở dài với môn quy khiến suốt đời ở trong Cổ Mộ. Dần dần, tình cảm họ dành cho nhau trong lúc không biết không cảm thấy đã vượt quá danh phận sư đồ. Lạ thay, trong chốn thâm u chỉ có hai kẻ thanh xuân ấy vậy mà họ chưa từng có dù chỉ một ý nghĩ sắc dục về nhau. Kể cả khi hai người phải cởi bỏ xiêm áo để luyện “Ngọc Nữ tâm kinh” thì vẫn là “một kẻ lạnh lùng, một người cung kính”, chỉ cảm thấy việc đó là một nan đề chứ không có ý niệm gì khác. Đó là một tình yêu trong vắt đáng ngưỡng mộ của hai tâm hồn trinh bạch.

Giá cuộc đời cứ mãi bình yên như thế, không biết tình cảm họ dành cho nhau sẽ thế nào. Nhưng biến cố lớn đầu tiên đã khiến đôi chim nhạn ấy phải “trời Nam đất Bắc đôi nơi”. Tiểu Long Nữ bị trộm sắc thất thân bởi tên trộm si tình Doãn Chí Bình. Nàng lại tưởng Dương Quá làm mà không dám nhận, thôi thì việc đã rồi từ nay danh phận phải đổi. Thế nhưng một bên cứ chàng chàng thiếp thiếp, một bên vẫn vô tư gọi “cô cô” xưng “đệ tử”. Tiểu Long Nữ đau đớn bẽ bàng từ biệt Dương Quá dấn thân vào nơi vô định, để lại anh chàng hoang mang không hiểu gì hết.

Nhưng hình bóng Tiểu Long Nữ đã ăn sâu vào tâm khảm, anh chàng Dương Quá hào hoa trên đường tìm lại người thương dù có la cà nơi này chốn nọ, cũng chỉ vì hình bóng ấy mà thôi. Lúc thì hình bóng ấy nằm ở trong điệu bộ nhướn mày mím môi giận dữ của Lục Vô Song. Thôi chưa gặp được Tiểu Long Nữ thì tạm đi cùng cô này để được nhìn thấy điệu nhướn mày mím môi cũng khuây khỏa phần nào. Lúc thì nó nằm trong ánh mắt của Hoàn Nhan Bình. Anh xin hôn đôi mắt cô cho đỡ nhớ “cô cô” của mình, làm cô này yên tâm rằng chàng không có ý lần khân, nhưng có phần thất vọng.

Nhưng nỗi nhớ vẫn quay quắt, mà “cô cô” vẫn biệt tăm. Chàng phẫn chí để mặc cho bước chân “đưa chàng đi đâu thì đi, cũng chẳng phân biệt đông tây nam bắc, thiết nghĩ đại địa bao la, chỉ có một mình ta, phiêu bạt tứ xứ, lúc nào hết thọ mệnh, thì chỉ việc nằm xuống chết”(5). Tuổi còn trẻ mà đã phẫn chí vì tình.

Dương Quá, hóa thân của lửa tình rực cháy
Tuổi còn trẻ mà chàng đã phẫn chí vì tình. (Ảnh: sohu.com)

Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi, đời chỉ có, chỉ có… hai người, hai người yêu nhau (6)

Lần thứ hai đôi nhạn lạc nhau lại vì những ngăn cản của thế tục, lễ giáo. Hoàng Dung thì âm thầm ly gián, Quách Tĩnh thì bộc trực can ngăn, thậm chí phát phẫn toan đánh. Họ đều chân thành nghĩ rằng, ấy là trách nhiệm của bậc huynh trưởng với con em mình. Nhưng Dương Quá chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, đâu coi lễ giáo thế tục là gì. Chàng lớn tiếng: “Điệt nhi đã làm điều gì sai trái với các vị? Đã làm hại ai chưa? Long cô cô dạy điệt nhi võ công, điệt nhi muốn lấy nàng làm vợ đấy. Các vị có chém điệt nhi nghìn đao, muôn kiếm, thì điệt nhi cũng cứ muốn lấy nàng”(7).

Một người thì bất chấp lễ giáo, một người thì không hiểu, chỉ nghĩ mình muốn luyến ái thì luyến ái, đâu có liên quan gì tới người khác? Thế nên, đôi bên ở chỗ ngàn người vây quanh, cạnh cuộc ác đấu, vẫn cứ điềm nhiên nắm tay nhau, đắm đuối chuyện trò với nhau. Coi như thế gian này chỉ có hai ta. Nào võ lâm chính phái, nào anh hùng thiên hạ, nào cường địch, tử địch… họ có cần để ý gì đâu, tưởng chừng như xung quanh họ toàn gỗ với đá. Kể cả khi thân mang trọng thương sắp lìa cõi đời, thì Thần Chết kia cũng phải chờ họ tâm sự xong rồi mới được xắn tay vào việc, kể chi đến các nhân sĩ võ lâm. Nên giữa trường ác đấu nơi Trùng Dương cung, các đại ma đầu đối địch họ như Kim Luân Pháp Vương, Ni Ma Tinh, Tiêu Tương Tử… cho đến các đạo sĩ phái Toàn Chân, tất cả dường như bị một sức mạnh vô hình của hai kẻ si tình kia áp chế khiến im lặng không dám xen vào phút giây yêu thương của họ. Và đúng là thời gian đã ngừng lại với hai kẻ si tình.

Đến khi gặp lại nhau tại Tuyệt Tình Cốc, ở trong hang hùm ổ sói mà Tiểu Long Nữ vẫn còn có thể thỏ thẻ câu này: “Quá nhi, đợi khi nào đánh bại gã cốc chủ rồi, Quá nhi lại hôn ta nghe”(8).

Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi, đời chỉ có, chỉ có… hai người, hai người yêu nhau
Dường như được ở bên nhau là họ quên tất cả. (Ảnh: youtube.com)

Hai người trong phòng chọn binh khí để đấu với Công Tôn Chỉ – gã Cốc chủ, binh khí thì không chọn cứ đắm đuối rồi tình tự, chàng chàng thiếp thiếp để bên ngoài sốt tiết giục mấy lần. Thật đúng là:

“Hoan lạc thú, ly biệt khổ.
Tựu trung cánh hữu si nhi nữ”
(Vui ân ái, biệt ly buồn.
Si tình nhi nữ khởi nguồn bi hoan) (9)

Võ công cũng dựa trên tình mới phát huy sức mạnh

Ngón võ đắc ý nhất của hai người là “Ngọc Nữ tố tâm kiếm pháp” hay Song kiếm hợp bích. Trong chiêu thức cũng tình ý liên miên, nào là “gảy đàn thổi sáo”, “quét tuyết đun trà”, “đánh cờ dưới gốc tùng”, “chăn chim điêu bên hồ” đều là cảnh nam nữ bên nhau, dịu dàng đầm ấm. Song kiếm hợp bích này muốn phát huy uy lực đầy đủ thì hai người phải tâm ý tương thông, tình tứ đằm thắm, sẵn sàng hy sinh cho nhau. Dương Quá sau này có danh phận đại tôn sư trên giang hồ, tự đứng riêng ra một nhà, cũng nhờ sáng tạo ra Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng. Chưởng pháp này chỉ có tác dụng khi con người đau khổ tương tư, còn khi sum họp hạnh phúc thì nó mất tác dụng.

Tiểu Long Nữ và Dương Quá, hai cảnh giới tư tưởng khác nhau. Ai đau khổ hơn ai?

Thoạt tiên, ai cũng tưởng Dương Quá thông minh linh mẫn hơn Tiểu Long Nữ. Nhưng Tiểu Long Nữ có thể luyện được “song thủ hỗ bác” còn Dương Quá thì không thể làm được. Ấy là vì cái tâm động tĩnh khác nhau, ngộ tính khác nhau. Tiểu Long Nữ nguyên là người tu Đạo. Nếu không gặp Dương Quá thì tâm tư không xáo động, nàng sẽ đắc Đạo. Nàng như một tiên cô thanh thoát trên thượng giới bị lửa tình rực cháy của chàng trai trần thế Dương Quá kéo xuống cõi trần. Cái khoảng cách về ngộ tính đó đã đôi lần lấp ló trên bước đường bôn tẩu giang hồ của hai người.

Trong cuộc chuyện trò với Nhất Đăng đại sư, “Nàng nhìn các bông tuyết rơi lả tả quanh mình, nói: Các bông tuyết này rơi xuống, trắng xiết bao, đẹp xiết bao; vài hôm sau có nắng, các bông tuyết đã chẳng còn tung tích đâu nữa. Đến mùa đông sang năm, lại có rất nhiều bông tuyết rơi, chỉ khác đó không phải là các bông tuyết hôm nay mà thôi. Nhất Đăng đại sư gật đầu, nhìn Từ Ân, hỏi: Ngươi có hiểu không? Từ Ân gật đầu, nghĩ bụng nắng lên tuyết tan, mùa đông tuyết rơi, đạo lý thô thiển ấy có gì khó hiểu? Dương Quá và Tiểu Long Nữ vốn tâm tâm tương ấn, tâm sự sâu kín nhất của đối phương, mình cũng biết cả; nhưng lúc này nghe nàng đối đáp với Nhất Đăng đại sư, thì chàng cảm thấy mình bị cách xa một lớp. Tựa hồ nàng và Nhất Đăng đại sư hiểu nhau hơn, chàng hóa thành người ngoài, điều này chưa từng xảy ra từ ngày chàng và nàng tương ái; bất giác chàng cảm thấy buồn buồn”(10).

Và dù Quách Phù đã gây ra bao tai họa cho cặp đôi, thì Tiểu long Nữ vẫn đầy lòng từ bi bảo Dương Quá đi cứu nàng ta thoát khỏi biển lửa. Với Lý Mạc Sầu, nàng vẫn một lòng thương xót. Ấy là lòng từ bi của người tu Đạo, cái chiếm đến quá bán trong tình cảm của nàng, thật khác hẳn với Dương Quá – gần như hoàn toàn là tư tình.

Tiểu Long Nữ và Dương Quá, hai cảnh giới tư tưởng khác nhau. Ai đau khổ hơn ai?
Tiểu Long Nữ từ nhỏ đã sống trong Cổ Mộ, lại được dạy dỗ nghiêm khắc bởi sư phụ nên rất ngây thơ nhưng lạnh lùng, ít nói, suy nghĩ lại chất phác, đơn thuần, thường thể hiện ra ngoài vẻ thờ ơ, có chút vô tình. Vậy nên cảnh giới tâm tính của nàng rất gần với người tu đạo. (Ảnh: youtube.com)

Chính vì vậy, trong khi Dương Quá ở thế giới bên ngoài 16 năm bôn ba vất vả, cứ mỗi năm đến ngày Tiểu Long Nữ mất tích thì lại đến chờ hội ngộ ở Tuyệt Tình Cốc mà lưu luyến không rời. Để rồi chàng gần như phát điên, chỉ qua một đêm mà tóc đã bạc trắng, khuôn mặt đẹp trai khiến bao thiếu nữ thẫn thờ đã trở nên xám ngoét lấm bụi, chỉ vì đã quá hẹn 16 năm mà vẫn không thấy bóng chim tăm cá. Trong khi ấy Tiểu Long Nữ dưới đáy cốc sâu hút không lên được vẫn bình thản sống cuộc đời của người tu luyện trước kia vì nàng đã nhận rõ cái lý vô thường của vạn vật. Chỉ đến khi gặp lại chàng Dương Quá cuồng nhiệt thì những quy tắc của người tu Đạo “Thiểu ngữ, Thiểu tiếu, Thiểu lạc, Thiểu hỉ” đều quẳng đi ráo.

Bởi vì, đối với Dương Quá, có gì quan trọng hơn chữ Tình? Dù có trúng độc Tình hoa, được thần tăng Thiên Trúc bày cho cách giải độc không cần uống thuốc, đó là vung thanh kiếm tuệ chém đứt sợi tơ tình. Nhưng Dương Quá thì nghĩ thế này: “Muốn ta không còn tình ý gì với cô cô, thì hà tất sống thêm làm gì kia chứ? Chi bằng cứ để chất độc phát tác mà chết đi cho xong”(11).

Tình hoa vẫn mãi nở trong lòng nhân thế, chỉ có thể dọn sạch bằng thanh kiếm tuệ

Ở Tuyệt Tình Cốc, có một loại hoa tên là hoa Tình. Tình hoa, lúc mới ăn thì thơm ngọt như mật, hăng say mùi rượu, khi nuốt xuống lại thấy đắng chát, nửa muốn tiếc rẻ giữ lại, nửa muốn nhổ đi, nếu nuốt xuống thì khó trôi, rất giống mùi vị của ái tình. Màu sắc và hình dáng của hoa thì đẹp vô ngần nhưng cây lại rất nhiều gai, đâm vào rất đau. Khi đã bị gai đâm vào, nếu không nghĩ đến tình thì thôi, hễ nghĩ đến là vết gai đâm đau nhói làm cho khổ sở. Công Tôn cốc chủ có nói: “Ái tình là thế, ban đầu ngọt ngào, sau đó cay đắng; hơn nữa, toàn những gai là gai như thế này, người ta có cẩn thận mấy cũng khó tránh bị gai đâm”(12). Hoa Tình rất đẹp nhưng khi kết thành trái thì xấu xí đầy lông, trông như sâu róm, ăn mười trái thì chín trái đắng, chát, chua, hôi thối. Dương Quá nghĩ: “Gọi là hoa Tình, thực ra là ví von ái tình nam nữ. Chẳng lẽ nỗi tương tư mới đầu ngọt ngào, sau đó nhất định đắng chát hay sao? Chẳng lẽ một đôi nam nữ luyến ái nhau, rốt cuộc đẹp ít xấu nhiều hay sao? Chẳng lẽ nỗi nhớ cô cô của ta, sau này…”(13).

Nỗi suy tư ấy của Dương Quá, xin hãy gửi bay theo gió mà đến với thế nhân. Vì loài hoa Tình vẫn còn nở mãi trong lòng người. Mấy ai có thể dùng thanh kiếm tuệ của thần tăng Thiên Trúc mà chặt bỏ nó đi? Chặt hết là đã đi được nửa đường đến xứ Phật. Nhưng chẳng phải không làm Dương Quá thì vẫn có thể bắt chước tâm an nhiên tự tại của Tiểu Long Nữ hay sao?

Tình hoa vẫn mãi nở trong lòng nhân thế, chỉ có thể dọn sạch bằng thanh kiếm tuệ
Hỏi thế gian tình ái là chi – Mà đôi lứa thề nguyền sống chết – Nam bắc hai đàng rồi ly biệt – Mưa dầm dãi nắng hai ngả quan san… (Ảnh: tansinh.net)

Tình là chi hỡi thế gian? Muôn thuở mối tình đẹp vẫn như là:

“Mùa thu cơn gió trong veo
Mùa thu trăng sáng dõi theo bóng nàng

Lá bay kìa hợp rồi tan
Lạnh lùng quạ khóc mênh mang đêm trường

Bao giờ gặp lại người thương
Đêm nay tình ấy tỏ tường cùng ai” (14)

Y Hoàng

  • (1), (2), (3), (4), (5), (7), (8), (10), (11), (12), (13): trích Thần Điêu Hiệp Lữ, bản dịch Lê Khánh Trường
  • (6): Lời bài hát “Bài ca trên núi”.
  • (9): Trích bài thơ Mô Ngư Nhi của Nguyên Hiếu Vấn, bản dịch trong Thần Điêu Hiệp Lữ của Lê Khánh Trường.
  • (14): Bài thơ “Thu tứ” của Lý Bạch, bản dịch của Vi Nhất Tiếu.
Từ Khóa: