Trong một khu xóm nọ, có hai gia đình giáp cạnh nhau nhưng cuộc sống lại hoàn toàn trái ngược. Gia đình ông Vương thường xảy ra xung đột, cả ngày chỉ nghe thấy tiếng cãi vã và những cuộc ẩu đả, cuộc sống của họ thật vô cùng mệt mỏi.

Còn gia đình ông Lý thì ngược lại, mọi người sống hòa thuận với nhau, ai nấy cũng đều tươi cười rạng rỡ, không khí trong nhà lúc nào cũng ấm áp và hân hoan.

Một ngày nọ, ông Vương quyết định sang gặp ông Lý xin được thỉnh giáo: “Gia đình ông có bí quyết gì mà lúc nào cũng hòa thuận vui vẻ vậy?”.

Ông Lý cười nói: “Bởi vì chúng tôi thường hay mắc lỗi”.

(Ảnh dẫn theo gdptkiengiang.vn)

Ông Vương còn đang bối rối chưa hiểu, thì đúng lúc ấy bà cụ từ ngoài sân đi vào nhà. Khi đi qua phòng khách, bà cụ bất cẩn trượt chân té ngã xuống sàn. Lúc đó cô cháu gái đang lau nhà vội chạy đến đỡ bà dậy và nói: “Cháu thật xin lỗi bà, đều là lỗi của cháu, vì cháu mà sàn nhà ướt quá!”.

Vợ ông Lý đang nấu ăn trong bếp cũng vội chạy ra, vẻ mặt áy náy: “Con xin lỗi mẹ, là tại con đã không nói trước với mẹ rằng cháu nó đang lau nhà”.

Lúc ấy ông Lý cũng vừa chạy đến: “Là tại con, con ngồi ngay trong phòng khách này mà lại không kịp thời đỡ mẹ khỏi ngã”.

Bà cụ đứng dậy, xua tay nói: “Các con không có lỗi, đều là tại ta cả. Chỉ trách ta không cẩn thận, già cả rồi mà vẫn đi đứng vội vàng, không nhìn trước nhìn sau”.

(Ảnh dẫn theo Papasemar.com)

Sau khi chứng kiến sự việc, khuôn mặt ông Vương bỗng bừng sáng. Trong lòng ông như đã tìm ra chiếc chìa khoá để giải toả mọi mâu thuẫn của gia đình.

Khi sự việc xảy ra, nếu bà cụ lớn tiếng trách rằng: “Cháu lau nhà xong mà không lau khô lại một lượt à!”, hay: “Sao con không báo mẹ một câu để xảy ra cơ sự này?”, thì có lẽ không khí trong nhà sẽ càng thêm căng thẳng.

Sự việc dẫu sao cũng đã xảy ra rồi, lại thêm mâu thuẫn không đáng có thì kết cục sẽ là những cuộc tranh cãi liên miên.

Kỳ thực, chìa khoá để hạnh phúc không phải là nhìn vào lỗi lầm của người khác mà là hướng vào bản thân để hoàn thiện chính mình.

(Ảnh dẫn theo tinhhoa.net)

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử thuyết rằng: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, (Quân tử trách mình, tiểu nhân trách người); Lại cũng có câu rằng: “Cung tự hậu nhi bạc trách vu nhân, tắc viễn oán hĩ”, nghĩa là: Người tự mình nhận lấy nhiều mà ít trách người, thì sẽ tránh xa được mọi điều oán hận.

Dẫu chúng ta không đủ khả năng để xoay chuyển cục diện, nhưng nếu mỗi người đều có thể nghiêm khắc với chính mình, tự soi xét bản thân để tìm ra nguyên nhân và lần sau làm cho tốt, thì bất cứ mâu thuẫn nào cũng có thể hoá giải, bất cứ xung đột nào cũng có thể trở lại bình hoà…

Quang Minh

Xem thêm:

Từ Khóa: