Đương thời có câu vè: “Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai, có thể an thiên hạ”. Lưu Bị đã có được cả hai bậc quân sư kỳ tài, tiếc rằng Bàng Thống không nghe lời cảnh báo của Khổng Minh, cuối cùng chết ở gò Lạc Phượng. Âu cũng là ý Trời!

Có câu: “Sinh tử có mệnh, phú quý tại Trời”. Lại cũng có lối nói rằng: “Trong mệnh đã định”, hoặc “Mệnh không thể cãi” cũng là ý đó, cảm giác như vạn sự trên đời luôn có một thế lực siêu nhiên chế ngự. Có những sự việc mà bất luận con người nỗ lực thay đổi ra sao cũng chẳng được, điều gì cần diễn ra ắt phải diễn ra.

Kinh Dịch viết: “Thiên thùy tượng, kiến cát hung, thánh nhân tắc chi”, đại ý là trời hiển lộ các loại thiên tượng khác nhau mà biểu hiện việc tốt xấu, bậc Thánh nhân theo đó mà hành. Các bậc Thánh nhân, hiền sĩ xưa kia đều là những người đức hạnh đủ đầy, có khả năng quan sát thiên tượng mà dự đoán được việc trong thiên hạ, họ là những người nhìn thiên tượng biết thiên ý và theo đó mà làm, không bao giờ dám nghịch ý đối thiên.

“Phượng Sồ” Bàng Thống

Bàng Thống xác thực là một bậc kỳ tài trong Tam Quốc, hiệu là Phượng Sồ, tự Sỹ Nguyên, là người ở Tương Dương thời Tam Quốc. Trong cuốn “Tương Dương ký” có ghi: “Bàng Đức Công là tòng phụ Bàng Thống gọi Gia Cát Lượng là Ngọa Long, Bàng Thống là Phượng Sồ, Tư Mã Huy là Thủy Kính”. Trong đó, Tư Mã Huy là người thanh cao nho nhã, có tài nhìn người. Hồi trẻ Tư Mã Huy từng gặp qua Bàng Thống, nên khi Lưu Bị gặp nạn tình cờ hội ngộ Tư Mã Huy, ông có nhắc Lưu Bị rằng chỉ cần có được một trong hai người là Bàng Thống hoặc Gia Cát Lượng thì có thể định được thiên hạ.

Trong “Tam Quốc Chí – Thục Quốc – Bàng Thống” có ghi tình tiết khi Bàng Thống đi bái kiến Tư Mã Huy như sau: Thời Bàng Thống còn trẻ, bản tính chất phác, biểu hiện đần độn không ai để ý. Năm Bàng Thống 20 tuổi đi bái kiến Tư Mã Huy, lúc đó Tư Mã Huy đang ở trên cây hái dâu, Bàng Thống ngồi dưới gốc cây hai người nói chuyện từ khi trời còn sáng đến tận lúc trời tối. Tư Mã Huy cảm nhận Bàng Thống sau này ắt sẽ là bậc kỳ tài trong thiên hạ, là tinh anh trong số nhân sĩ vùng đất phía Nam. Và cũng kể từ đó, Bàng Thống bắt đầu dần dần nổi danh.

Đương thời có câu vè: “Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai, có thể an thiên hạ”.

Khi Chu Du chiếm lĩnh Nam Quận, nhậm chức thái thú, đã phong Bàng Thống làm Công Tào. Sau này Chu Du chết, Bàng Thống tiễn linh cữu về Giang Đông an táng rồi sau cùng lại làm mưu sĩ cho Lưu Bị, giúp Lưu Bị chinh phạt vùng đất Ba Thục, nhưng không may trúng phải tên độc mà chết. Hưởng thọ 36 tuổi.

(Ảnh minh họa: yotube.com)

Gia Cát Lượng quan sát thiên tượng viết thư cảnh báo

Hồi thứ 63 trong Tam Quốc, Gia Cát Lượng thương tiếc mà khóc thân Bàng Thống, trong đó có đoạn kể lại câu chuyện:

Khi ấy Bàng Thống, Lưu Bị ở Phù Thành chuẩn bị công phá Lạc Thành còn Gia Cát Lượng ở Kinh Châu. Trước khi công phá Lạc Thành, Gia Cát Lượng xem thiên tượng biết được chủ soái bất lợi liền phái Mã Lương đưa thư cho Lưu Bị nói chủ soái giữ nhiều lành ít, khuyên Lưu Bị nhất định phải cẩn thận:

*** Trích Tam Quốc diễn nghĩa:

“Lượng tôi tính số Thái Ất, năm nay là năm Quý Tỵ, sao Cương đóng ở phương tây. Lại xem thiên văn thì thấy sao Thái Bạch lâm vào địa phận Lạc Thành, ứng vào số mệnh tướng suý, dữ nhiều lành ít, nên phải cẩn thận lắm mới được”.

Lưu Bị xem thư xong liền cho Mã Lương quay về trước nói: “Ta sẽ về Kinh Châu để bàn việc này”.

Bàng Thống nghĩ thầm rằng:

“Đây hẳn là Khổng Minh thấy ta lấy được Tây Xuyên, lập nên công trạng, cho nên cố ý đưa thư này để cản trở chăng?”

Bèn nói với Huyền Đức rằng:

– Tôi cũng đã xem Thái Ất, biết rằng Cương tính ở phương tây, ứng về việc chúa công lấy được Tây Xuyên, chứ không phải điềm xấu. Tôi cũng xem thiên văn thấy sao Thái Bạch lâm vào địa phận Lạc Thành, thì đã chém Lãnh Bào là ứng vào điềm hung ấy rồi. Chúa công không phải nghi hoặc gì nữa, nên tiến binh cho mau thôi.

Huyền Đức thấy Bàng Thống giục giã hai ba lần, mới kéo quân đi. Hoàng Trung, Ngụy Diên ra tiếp vào trại. Bàng Thống hỏi Pháp Chính rằng:

– Từ đây vào Lạc Thành có mấy con đường?

Chính vẽ xuống đất làm địa đồ. Huyền Đức giở bức đồ của Trương Tùng ra xem, thấy không sai một ly. Pháp Chính nói:

– Mé bắc có một con đường lớn, đi thẳng vào cửa động Lạc Thành, mé nam có một con đường nhỏ, đi thẳng vào cửa tây. Hai con đường ấy, đều tiến binh được cả.

Bàng Thống nói với Huyền Đức:

– Tôi sai Nguỵ Diên làm tiên phong, tiến theo đường nhỏ mé nam, chúa công sai Hoàng Trung làm tiên phong, tiến theo đường lớn dãy núi phía bắc, cùng đến cả Lạc Thành.

Huyền Đức nói:

– Ta xưa nay quen nghề cung ngựa, hãy đi đường hẻm. Quân sư nên đi đường lớn mà vào cửa đông, để ta vào cửa tây cho.

Bàng Thống nói:

– Đường lớn tất có quân ngăn chặn, chúa công dẫn quân mà chống cự, để tôi đi đường nhỏ.

Huyền Đức nói:

– Quân sư chớ nên đi, đêm qua ta nằm mơ thấy một vị Thần, cầm gậy sắt đánh vào cánh tay phải, tỉnh dậy vẫn còn thấy đau. Đi chuyến này có lẽ không may.

Bàng Thống nói:

– Tráng sĩ làm trận, không chết thì bị thương, đó cũng là lẽ thường vậy, cần gì tin mộng mà sinh lòng nghi hoặc?

Huyền Đức nói:

– Ta lại nghĩ về cả bức thư của Khổng Minh nữa, quân sư nên trở về mà giữ lấy Bồi Quan, ý quân sư thế nào?

Thống cười ầm lên, nói:

– Chúa công bị Khổng Minh mê hoặc rồi đó. Ông ta không muốn tôi một mình làm nổi công trạng, cho nên nói ra thế để cho chúa công nghi hoặc. Bụng đã nghi thì sinh mộng, hung gì mà hung? Tôi đội ơn chúa công gan óc lầy đất mới xứng được bụng tôi. Xin cứ đến sáng mai là đi, không phải nói chi cho lắm.

Bàng Thống xác thực là một bậc kỳ tài trong Tam Quốc. (Tạo hình Bàng Thống trên màn ảnh. Nguồn: youtube.com)

Ngày hôm ấy, Thống ra lệnh cho quân sĩ canh năm thổi cơm ăn, sáng rõ thì khởi hành. Hoàng Trung, Ngụy Diên lĩnh binh đi trước. Huyền Đức và Bàng Thống cũng sắp sửa đi, bỗng nhiên con ngựa của Bàng Thống quáng mắt sa chân trước, hất Thống ngã lăn xuống đất. Huyền Đức vội vàng ở trên mình ngựa nhảy xuống, giữ lấy con ngựa ấy rồi hỏi rằng:

– Quân sư làm sao lại cưỡi ngựa xấu thế này?

– Ngựa này tôi cưỡi đã lâu, không thế này bao giờ.

Huyền Đức nói:

– Lâm trận mà ngựa quáng mắt, thường hay làm lỡ tính mạng người ta. Con ngựa trắng của tôi cưỡi, tính nó thuần lắm, quân sư cưỡi thì không còn ngại chút nào. Con ngựa xấu thì để tôi cưỡi cho.

Liền đổi ngựa cho Bàng Thống, Thống tạ ơn nói:

– Xin cảm tạ ơn sâu của chúa công, dẫu muôn chết cũng không đền đáp được.

Nói xong cùng lên ngựa ra đi. Huyền Đức thấy Bàng Thống đi, trong bụng vẫn áy náy không yên.

Nói về Ngô Ý, Lưu Hội trong Lạc Thành, nghe tin Lãnh Bào chết, mới hội các tướng lại bàn bạc. Trương Nhiệm nói:

– Ở mé đông nam núi, có một con đường nhỏ, rất là hiểm yếu, tôi xin dẫn một toán quân ra giữ đường ấy. Các ông thì giữ vững lấy Lạc Thành, chớ có sơ suất.

Chợt có tin báo: quân Hán chia làm hai đường vào lấy thành; Trương Nhiệm vội dẫn ba nghìn quân lẻn ra con đường nhỏ mai phục. Thấy quân Nguỵ Diên đi qua, Nhiệm bảo cứ mặc cho đi, không được kinh động. Sau thấy quân Bàng Thống đến, quân sĩ của Nhiệm trỏ vào viên đại tướng cưỡi ngựa trắng, bảo đó là Lưu Bị. Nhiệm mừng lắm, truyền lệnh cho quân sĩ cứ việc làm như thế, như thế.

Bàng Thống dẫn quân từ từ tiến đi, ngẩng đầu nhìn thấy hai bên rặng núi liền sát với nhau, cây cối cuối hè um tùm, rậm rạp. Thống trong bụng nghi hoặc, dừng ngựa lại, hỏi rằng:

– Đây là chỗ nào?

Có tên quân Thục mới hàng, trỏ lên núi bẩm rằng:

– Ở đây gọi là gò Lạc Phượng.

Thống giật mình nói:

– Hỏng, hỏng! Ta hiệu là Phượng Sồ, mà đây lại là gò Lạc Phượng, dễ thường quan hệ đến tính mạng ta.

Lập tức truyền lệnh quân sĩ vội vã rút lui. Bỗng nhiên một tiếng pháo hiệu nổi lên, rồi tên ở trên núi bắn xuống như châu chấu bay, cứ châu cả vào người cưỡi ngựa trắng mà bắn. Thương hại thay cho Bàng quân sư, cả người lẫn ngựa chết ở dưới sườn núi.

Bấy giờ Bàng Thống mới có ba mươi sáu tuổi.

Người sau có thơ than rằng:

Sĩ Nguyên này cũng bậc anh hào,

Người xấu nhưng mà chí khí cao,

Thao lược kém chi mưu Quản, Nhạc,

Tài năng coi nhỏ sức Tôn, Tào.

Một phương đất hiểm công khai thác,

Muôn dặm đường trường bước khổ lao

Độc ác làm chi thiên cẩu giáng?

Thôi thôi số phận biết làm sao!

Khi trước ở vùng đông nam trẻ con hát rằng:

Một phượng, một rồng cùng vào Thục Trung,

Đi đến nửa đường, phượng ngã non đông,

Mưa mưa gió gió, đưa đến nhau cùng

Hán nối lên, đường Thục mới thông;

Đường Thục thông, chỉ còn một rồng.

Lời hát ấy quả nhiên đúng.

Nói về Khổng Minh ở Kinh Châu, đương hôm mồng bảy tháng bảy, là ngày tết thất tịch, hội cả các quan ăn yến, bàn việc Huyền Đức lấy Xuyên. Bỗng thấy ở mé chính tây, có một ngôi sao to bằng cái đấu sa xuống dưới đất, ánh sáng loè ra tứ phía. Khổng Minh giật mình, quăng chén rượu xuống đất, ôm mặt khóc mà nói rằng:

– Thảm thiết chưa! Đau đớn chưa!

Các quan vội vàng hỏi duyên cớ làm sao. Khổng Minh đáp rằng:

– Trước đây ta đã tính số Thái Ất và xem thiên văn biết Bàng quân sư sẽ gặp điều hung dữ nên đã đưa thư cho chúa công khuyên phải cẩn thận. Ai ngờ đêm nay lại thấy sao sa ở phương chính tây, Bàng quân sư hỏng mất rồi.

Nói đoạn khóc hu hu lên rằng:

– Thôi thôi! Chúa công ta gãy mất một cánh tay rồi!

Các quan ai cũng kinh hãi, nhưng vẫn chưa tin lắm. Khổng Minh nói:

– Chỉ vài hôm nữa khắc có tin đến nơi.

Đêm hôm ấy tiệc rượu kém phần vui vẻ.

Qua vài hôm sau, Khổng Minh đang cùng với Vân Trường và các quan ngồi chơi. Chợt có tin báo Quan Bình đến. Các quan ai nấy đều giật mình. Quan Bình vào trình tờ thư của Huyền Đức. Khổng Minh mở ra xem, trong thư nói ngày mồng bảy tháng này, Bàng quân sư bị Trương Nhiệm bắn chết ở dưới gò Lạc Phượng. Khổng Minh xem thư xong, khóc rầm lên, các quan đều ứa nước mắt”.

Theo soundofhope.org

Minh Vũ biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||f506c1aaf__

Từ Khóa: