“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Trong danh tác “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, Trư Bát Giới dường như là nhân vật rắc rối nhất của đoàn thỉnh kinh. Đã háo sắc lại còn ham ăn, ham ngủ, Bát Giới khiến cho Đường Tam Tạng nhiều lần rơi vào bẫy của yêu quái, đường đến Tây Thiên cũng vì thế mà chậm trễ nhiều phen. Ấy thế mà chàng ta vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái uy phong trên Thiên đình, sau này lại tu thành Tịnh Đàn Sứ Giả! Thật khó hiểu: Một kẻ háo sắc, ham ăn, ham ngủ như lão Trư sao có thể làm Thần Tiên được?

Trước tiên xin nói một chút Thần Tiên là gì. Trong Hồi thứ nhất: “Gốc thiêng ấp ủ, nguồn rộng chảy; Tâm tính sửa sang, đạo lớn sinh”, Tôn Ngộ Không được bầy khỉ tôn làm đại vương, hưởng phúc ở Hoa Quả Sơn thấm thoắt đã ba bốn trăm năm. Nhưng một hôm, Hầu vương bỗng trở nên phiền não, nước mắt giàn giụa, lo sợ một mai tuổi già sức yếu, bị lão Diêm Vương quản thúc. Cả bầy khỉ cũng khóc thút thít vì nỗi sợ vô thường.

“Bỗng trong ban bệ, một con vượn lưng thẳng nhảy ra, lớn tiếng thưa rằng:

– Đại vương biết lo xa như thế, vậy là đạo tâm thực đã khai phát rồi đấy. Hiện nay ngoài năm giống [1] thì có ba bậc danh sắc là không bị Diêm vương cai quản.

Hầu vương nói:

– Nhà ngươi có biết ba bậc ấy không? Con vượn thưa:

– Đó là ba bậc: Phật, Tiên và Thần Thánh, thoát khỏi luân hồi, không sinh không diệt, thọ ngang cùng trời đất, núi sông”.

Tóm lại, Thần Tiên là những bậc trường sinh bất tử, họ sở dĩ có thể thoát khỏi sinh tử là vì đã dứt bỏ hết thảy những dục vọng của con người, được giải thoát.

Nhưng mà Trư Bát Giới thì ngược lại. Thiên Bồng Nguyên Soái vì phóng túng dục niệm, trêu ghẹo Hằng Nga nên bị Ngọc Hoàng Thượng Đế xử tội chết. May nhờ Thái Bạch Kim Tinh lạy xin cho nên cuối cùng chỉ bị phạt hai nghìn gậy đến mức “da bươm, thịt nát”, rồi đày xuống hạ giới, phải mang thân lợn để đền bù tội nghiệp.

Điều này chứng tỏ rằng Thiên giới là nơi thuần tịnh, không thể chứa chấp một sinh mệnh bất thuần có dục vọng dơ bẩn. Đổi lại mà nói, trước đây, Trư Bát Giới phải như thế nào thì mới được gia nhập hàng ngũ Thần Tiên, nắm quyền đại tướng chứ?

Trư Bát Giới khi còn là Thiên Bồng Nguyên Soái. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Trong Hồi thứ 19: “Động Vân Sạn, Ngộ Không thu Bát Giới; Núi Phù Đồ, Tam Tạng nhận Tâm Kinh”, Tôn Ngộ Không nhận lời của Cao lão (“cha vợ” hụt của Bát Giới) nên đuổi theo giao chiến cùng tên “yêu quái” mặt lợn. Chẳng dè “yêu quái” hiên ngang giới thiệu thân thế và lai lịch, mới biết đây là Thần Tiên giáng trần! Mà hành trình tu thành Thần Tiên của Bát Giới cũng thật khiến người nghe cảm khái!

“Yêu quái nói:

– Nhà ngươi chưa biết tài nghệ của ta à? Lại đây, đứng cho vững mà nghe ta nói. Ta đây:

Từ nhỏ sinh ra vốn vụng về,

Ưa nhàn lười biếng chẳng làm chi.

Chẳng thích tu tâm cùng dưỡng tính,

Hỗn độn, ngu si sống thỏa thuê.

 

Bỗng hôm nhàn nhã gặp chân Tiên,

Hay dở đường tu, kể chuyện liền.

Khuyên hãy quay đầu, đừng trụy lạc,

Thương sinh thì sẽ chịu oan khiên.

Một sớm lâm chung về địa phủ,

Tám nạn ba đường chẳng lối lên.

 

Ta nghe đổi ý xin tu luyện,

Quyết chí vâng lời, học đạo Tiên.

Có phúc gặp người sư phụ giỏi,

Chỉ cho địa quyết với thiên quan.

Luyện suốt đêm ngày, không biết mỏi,

Thầy lại truyền cho cửu chuyển đơn.

Từ cung nê hoàn trên đỉnh thóp,

Tới giữa bàn chân huyệt dũng tuyền.

Rồi từ thận thủy hoa trì nhập,

Đê mê dược bổ ấm đan điền.

Thủy ngân, chì, âm dương phối hợp,

Nhật nguyệt đôi vầng rõ rệt cho.

Ly rồng, Khảm hổ điều hòa khéo

Rùa thiêng hút hết nước kim ô.

Quy căn đỉnh thóp ba hoa nở,

Nguyên thông thấu triệt mây lành che.

 

Công thành danh toại lên trời ở,

Người Tiên từng cặp đón đưa về.

Dưới chân bỗng hiện mây năm sắc,

Kim khuyết cung Tiên ở suốt đời.

Ngọc Hoàng bày tiệc chư Tiên họp,

Khách mời, ai nấy đã chia ngôi.

Sắc phong nguyên soái quản thiên hà,

Tổng đốc thủy binh ấy chính ta!”

Qua lời tự bạch của lão Trư, có thể thấy rằng Trư Bát Giới trước đây đã trải qua quá trình giác ngộ về sự vô thường của đời người, xuất tâm tu luyện, kiên trì tinh tấn và cuối cùng đạt quả vị. Sự điều hoà Âm Dương Ngũ Hành, thông mạch, luyện đan… được miêu tả phía trên song hành với quá trình một người tu luyện dần dần trừ bỏ các dục vọng và chấp trước, tu tâm dưỡng tính đạt đến trạng thái thanh tĩnh vô vi. Trong Đạo gia, hình ảnh “đỉnh thóp ba hoa nở” đánh dấu rằng một sinh mệnh đã tu xuất Tam giới, chính thức thoát khỏi luân hồi sinh tử.  

Có thể nói rằng Trư Bát Giới tại thời điểm tu thành đó đã đạt được tiêu chuẩn tâm tính của sinh mệnh trên Thiên giới, vậy nên được mây ngũ sắc nâng bước chân, được lên Trời ở, và còn có Thần vị là Thiên Bồng Nguyên Soái, Tổng đốc thuỷ binh. Đây mới chính là “công thành danh toại” thực sự vĩnh hằng, chứ không phải là đạt được chức vị gì đó ở cõi trần tạm bợ.

Tiếc là trải qua thời gian lâu dài, Thiên Bồng Nguyên Soái dần dần bị ô nhiễm, không còn đáp ứng tiêu chuẩn tâm tính của Thần Tiên nữa. Vì thế, ông đã bị đày xuống trần gian, tu luyện lại từ đầu thông qua quá trình phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, “dọc đường chịu khó gánh hành lý, lội nước cũng có công”, cuối cùng tu thành Tịnh Đàn Sứ Giả. Tuy rằng không đắc quả vị Phật như Đường Tăng và Ngộ Không, nhưng cũng thoát khỏi thân heo, trở thành sinh mệnh cao cấp.

Bồn thầy trò Đường Tăng khi đã tu thành chính quả. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Ở Hồi thứ 99: “Tám mươi mốt nạn yêu ma hết; Vẹn tròn công quả đạo về nguồn”, khi mấy thầy trò được họ Trần thết đãi ăn uống linh đình, “Bát Giới không như trước kia, cũng đặt bát xuống. Hành Giả nói:

– Chú ngốc không ăn à? Bát Giới đáp:

– Chẳng biết vì sao dạo này tỳ vị kém lắm”.

Thực ra là dục vọng của lão Trư đã bị tu rớt rồi.

Đến hồi thứ 100: “Về thẳng phương Đông Năm Thánh thành Phật”, Ngô Thừa Ân mới tiết lộ rằng Trư Bát Giới thực ra đã đắc quả vị Bồ Tát:

“Bấy giờ bốn vị Chiên Đàn Phật, Đấu Chiến Phật, Tịnh Đàn Sứ Giả và Kim Thân La Hán đã đều thành chính quả, con Long Mã cũng được trở về với chân như. Có bài thơ làm chứng rằng:

Một thể chân như lạc xuống trần,

Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.

Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,

Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn.

Chính quả chiên đàn theo đại giác,

Hoàn thành phẩm chức thoát trầm luân,

Kính truyền thiên hạ ân vô lượng,

Năm Thánh ngồi cao bất nhị môn”.

Và mọi người cùng chắp tay niệm chư Phật ở tất thảy thế giới, trong đó có: “Nam Vô Tịnh Đàn Sứ Giả Bồ Tát”.

Thanh Ngọc

Chú thích:

[1] Năm giống: Người xưa chia động vật ra làm năm loài: loài người là “khỏa trùng” (trần trụi), loài thú là “mao trùng” (có lông), loài chim là “vũ trùng” (có lông vũ), loài cá là “lân trùng” (có vẩy), loài côn trùng là “giới trùng”.

Các đoạn trích dẫn trong bài được lấy từ bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.

videoinfo__video2.dkn.tv||69dba92b4__

Từ Khóa: