Đức Phật bảo nàng đứng dậy rồi bắt đầu giảng Pháp cho nàng nghe. Vừa nghe giảng, A Mạt La cảm thấy bản thân như cái cây khô héo bao năm qua đến giờ mới được tưới tắm dòng nước mát lành. Toàn bộ thân tâm của nàng đều như được gột rửa lại…

Cô gái phóng túng được gặp Đức Phật

Thuở xưa, tại Ấn Độ cổ, Đức Phật Thích Ca từng chọn một vườn xoài ở vùng ngoại thành làm nơi giảng Pháp. Chủ nhân của vườn xoài ấy là thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần tên A Mạt La. Nàng quả là được ông Trời ưu ái, vừa có thân phận quyền quý, lại có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nhưng đáng tiếc thay, nàng A Mạt La lại có tính lả lơi, phóng túng. Nhiều người vì thế không ưa nàng. 

Khi Đức Phật đến nơi đây giảng Pháp, A Mạt La thường cho người quét dọn vườn xoài, lại sai người chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ cho vị tăng nhân này trú ngụ. Đương nhiên, A Mạt La không biết rằng đó là Đức Phật. Nàng vẫn tiếp tục phóng túng mình trong những cuộc vui tửu sắc.

Có một lần, người hầu trong nhà thủ thỉ với nàng: “Người còn nhớ vị tăng nhân từng trú nhờ nhà ta ở vườn xoài ngoài thành không? Hóa ra đó chính là Thái tử Tất Đạt Đa, đã bỏ lại vương vị, quyết chí tu hành, giờ đã trở thành Đức Phật Thích Ca danh tiếng truyền rộng khắp. Ngài nói rằng mình đã tìm thấy một vương quốc còn to lớn, hùng vĩ hơn vương quốc của mình ngày xưa. Hiện nay, trong thành ta, từ vương công quý tộc cho đến dân chúng bình thường, ai ai cũng tìm đến vườn xoài để xin được vào nghe giảng Pháp”. 

A Mạt La nghe chuyện, trong lòng cảm thấy vô cùng tò mò, bèn thử tìm gặp vị thái tử kỳ lạ này. Khi đến nơi, do A Mạt La ăn mặc quá hở hang nên các tăng nhân đã ngăn lại không cho cô vào. Lúc này, một vị tăng nhân khác đi ra, nói rằng Đức Phật muốn gặp nàng. 

Tranh minh họa cảnh Đức Phật thuyết Pháp (ảnh: Youtube).

Bên trong, Đức Phật đang ngồi ngay ngắn dưới một gốc cây, xung quanh Ngài phát ra ánh sáng vàng kim, không gian tràn ngập hương thơm và năng lượng hòa ái, từ bi. Trước mặt Đức Phật vĩ đại, A Mạt La cảm thấy mình thật vô cùng xấu xí và thô tục. Nàng thu lại nụ cười ngả ngớn, kính cẩn tiến đến phía trước quỳ rạp xuống trước mặt Đức Phật. 

Đức Phật bảo nàng đứng dậy rồi bắt đầu giảng Pháp cho nàng nghe. Vừa nghe giảng, A Mạt La cảm thấy bản thân như cái cây khô héo bao năm qua đến giờ mới được tưới tắm dòng nước mát lành. Toàn bộ thân tâm của nàng đều như được gột rửa lại… Để cảm tạ Đức Phật từ bi, nàng muốn mở một bữa tiệc nhỏ, thỉnh Ngài qua nhà nàng vào ngày hôm sau. Đức Phật vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên, có rất nhiều người không lý giải được rằng, tại sao một con người phóng đãng như thế lại được Đức Phật coi trọng làm vậy?

Mối duyên tiền kiếp

Biết sự băn khoăn của mọi người, Đức Phật đã giảng cho tất cả nghe về tiền kiếp của nàng A Mạt La. Trong dòng chảy dài dường như vô tận của thời gian, ở một kiếp, A Mạt La từng là một chú chim non. Chú chim non sống trong một khu rừng rậm cây lá cùng với nhiều loài chim khác. Chúng mỗi ngày đều là tự do ung dung, thỏa thích cất tiếng hót ca, ngày ngày trôi qua vô cùng khoái lạc.

Năm đó, mùa hè oi bức, khô hanh. Gió lớn mang một đám cháy đến khu rừng. Trận đại hỏa hoạn hung tàn đã gần như hủy diệt cả khu rừng. Những chú chim cũng đứng trước tình cảnh vô cùng nguy hiểm. Chú chim non vì muốn cứu một người bạn khác của mình mà đã không đoái hoài gì đến an nguy của bản thân. Dù chú đã thoát khỏi đám lửa nhưng vẫn quyết quay lại giữa mờ mịt khói lửa để cứu bạn. Một con chim khác nhìn thấy liền nói: “Đám cháy lớn như vậy ngươi không thể tiến vào đâu, kể cả có vào cũng chưa chắc có thể ra. Ngươi quay lại như vậy hoàn toàn vô ích”. 

Chim non trả lời: “Đám cháy vẫn còn bừng bừng, ta không có thời gian để cãi nhau với ngươi”. Nói đoạn, chú bay sà xuống mặt hồ, vẫy cánh xuống mặt nước cho thấm ướt rồi lại bay ngược lên phía trên, lao về phía ngọn lửa. Chính sự quả cảm ấy của chú đã khiến Trời xanh cảm động. Một trận mưa lớn kéo đến, trong chốc lát đã dập tắt hoàn toàn đám cháy đang hừng hực. Vì duyên lành đó, kiếp này, chú chim non đã được chuyển sinh thành nàng A Mạt La có phúc phận lớn được nghe Đức Phật thuyết Pháp. 

Ảnh: Wikipedia.

*** 

Trước đại nạn, tấm lòng can đảm, nghĩa khí xả thân vì người khác có thể làm cảm động Trời xanh, trong tuyệt lộ mà tìm ra được cửa sinh. Nhân quả báo ứng, thiện ác hữu báo, sinh mệnh chính là gieo cơ duyên từ ngàn kiếp ngàn đời để ngày hôm nay được nghe Phật Pháp. Thân người khó đắc, con người trong vô minh sẽ không thể biết được trong quá khứ chính mình phải chịu nạn lớn thế nào mới có thể chuyển sinh đắc được thân người. Xin đừng hoang phí sinh mệnh của mình, xin hãy tìm về lối Đạo để trở về là ta của chính ta…

Trâm Anh
Theo Secretchina

Từ Khóa: