Sách Ngữ văn Trung học cơ sở có bài ca dao rất hay về nỗi vất vả của người nông dân một nắng hai sương đổ mồ hôi trên cánh đồng để làm ra hạt thóc hạt gạo. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau bài ca dao là một giai thoại rất đáng để suy ngẫm…

Bài ca dao cũng là lời nhắc nhở răn dạy chúng ta biết quý tiếc vật lực, biết quý trọng con người, biết cảm ơn mỗi ngày chúng ta được hưởng thành quả lao động của người khác:

Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Ai ơi bưng bát cơm đầy – Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. (Ảnh: flickr.com)

Bài ca dao rất hay, nhưng nói một cách chính xác thì đó là bản dịch xuất sắc của một bài thơ Đường. Nó chính là một trong hai bài thơ “Cổ phong” (Mẫn nông – thương người nông dân) của Lý Thân (772–846), thi nhân, tiến sỹ, hàn lâm học sỹ đời Đường. (Cũng có người cho rằng, bài thơ này của Nhiếp Di Trung (837~?), thi nhân, tiến sỹ đời Đường. Nguyên tác như sau:

Phiên âm Hán Việt:

Cổ phong – Mẫn nông – Kỳ 2

Sừ hòa nhật đương ngọ,
Hãn chính hòa hạ thổ.
Thùy tri bàn trung xan,
Lạp lạp giai tân khổ!

Dịch nghĩa:

Thương người nông dân

Cuốc ruộng lúc mặt trời chính ngọ
Mồ hôi nhỏ giọt, nhỏ giọt xuống đất dưới cây lúa
Có ai biết bát cơm trong mâm
Mỗi hạt đều là hạt đắng cay cực khổ.

Dịch thơ:

Cuốc lúa trời chính ngọ
Mồ hôi tí tách nhỏ.
Ai biết bát cơm này,
Hạt hạt đều gian khổ.

Lý Thân (772–846) là thi nhân đời Đường, tự Công Thùy, người Vô Tích, Nhuận Châu (nay là thành phố Vô Tích tỉnh Giang Tô). Năm Nguyên Hòa thứ nhất (năm 806) ông đỗ tiến sỹ. Ông đã đảm nhiệm các chức hàn lâm học sỹ, tể tướng, sau đó được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ Hoài Nam. Ông kết giao rất thân thiết với Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn. Trước khi Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn đề xướng sáng tác “Tân nhạc phủ” thì Lý Thân là người đầu tiên đã sáng tác 20 bài thơ Tân nhạc phủ, hiện nay đã bị thất truyền.

Về bài thơ “Mẫn nông”, dân gian còn lưu truyền một giai thoại đẹp về một Lý Thân cương nghị, chính trực, yêu thương bách tính lê dân.

Gia thế Lý Thân rất hiển đạt, cụ tổ Lý Kính Huyền là bạn học với Hoàng đế Đường Cao Tông, sau làm tể tướng, được phong làm Triệu Quốc Công. Từ sau cuộc chiến với Thổ Phiên, Lý Kính Huyền thân bại danh liệt, bị giáng chức. Và sau kiếp nạn Võ Tắc Thiên, gia tộc ông đã sa sút.

Người xưa nói “Phú quý bất quá tam đại” (Phú quý không quá 3 đời), đến đời cha Lý Thân, gia cảnh đã sa sút lắm rồi. Cha ông làm huyện lệnh, sức khỏe kém mất sớm, Lý Thân mồ côi cha từ nhỏ, được mẹ nuôi dưỡng dạy bảo đạo lý và kinh sách.

Lý Thân mồ côi cha từ nhỏ, được mẹ nuôi dưỡng dạy bảo đạo lý và kinh sách. (Ảnh: pinterest.com)

Lý Thân từ nhỏ hiếu học, năm 27 tuổi đỗ tiến sỹ, học rộng tài cao được hoàng đế vời vào cung làm hàn lâm học sỹ.

Một năm vào mùa hè, Lý Thân trên đường về quê Hào Châu (thuộc An Huy ngày nay) thì gặp người bạn tiến sỹ đồng bảng tên là Lý Phùng Cát trên đường hồi kinh. Lý Phùng Cát là Triết Đông Tiết độ sứ, cũng là bạn văn thơ của Lý Thân. Cả hai mừng rỡ hàn huyên, cùng dắt tay nhau leo lên đài quan sát trên thành ngắm cảnh.

Lý Phùng Cát cảm hứng làm ngay bài thơ, hai câu cuối là:

Hà đắc thiên lý triều dã lộ,
Lũy niên thiên nhiệm như đăng đài

Dịch nghĩa:

Mong sao đường quan lộ trong triều,
Năm nào cũng được thăng quan giống như leo lên đài cao thế này.

Lý Thân lại cảm động khi thấy nông dân đang cuốc ruộng dưới nắng trưa hè như thiêu như đốt, bất giác ngâm nga:

Sừ hòa nhật đương ngọ,
Hãn trích hòa hạ thổ.
Thùy tri bàn trung xan,
Lạp lạp đa tân khổ.

Cảm thương trước cuộc sống vất vả của người dân, Lý Thân bất giác ngâm thành thơ. (Ảnh: youtube.com)

Bài thơ này đã được tác giả khuyết danh dịch xuất thần sang thể thơ lục bát, sau này được liệt vào ca dao Việt Nam:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Lý Phùng Cát nghe xong khen: “Hay! Hay quá, bài thơ quá tuyệt vời! Để có được mỗi bát cơm bát cháo, thật không dễ dàng”.

Lý Thân tài hoa, ý tứ vẫn tuôn trào, liền ứng khẩu đọc luôn bài thơ “Mẫn nông” nữa:

Xuân chủng nhất lạp túc,
Thu thu vạn khỏa tử.
Tứ hải vô nhàn điền,
Nông phu do ngạ tử

Dịch nghĩa là:

Mùa xuân gieo trồng một hạt thóc,
Đến mùa thu thu hoạch vạn hạt lúa vàng.
Khắp trong thiên hạ không có đất bỏ hoang,
Thế mà vẫn có người nông dân chết đói.

Dịch thơ:

Xuân gieo một hạt thóc,
Thu gặt vạn hạt vàng.
Bốn biển chẳng đất hoang,
Nông dân còn chết đói.

Vừa nghe xong, Lý Phùng Cát lặng người thầm nghĩ: “Hừm, Lý Thân này to gan, dám bôi nhọ triều đình”.

Về đến thư phòng Lý Phùng Cát nói: “Huynh có thể viết hai bài thơ vừa rồi tặng đệ kỷ niệm chuyến du ngoạn của hai ta được không?”.

Lý Phùng Cát không chút mảy may với tình cảnh của người dân, còn bày mưu hãm hại Lý Thân. (Ảnh: youtube.com)

Lý Thân trầm ngâm một lát rồi nói: “Hai bài thơ thẩn này chẳng qua có ba, bốn chục chữ, huynh nghe là nhớ ngay rồi, viết lại ra làm gì, nếu muốn thì đệ viết tặng huynh bài khác”.

Nói rồi, Lý Thân cầm bút viết liền bài thơ:

Lũng thượng phù lê nhi,
Thủ chủng phúc trường cơ.
Song hạ chức toa nữ,
Thủ chức thân vô y.

Ngã nguyện Yên Triệu Xu,
Hóa vi Mô Mẫu tư
Nhất tiếu bất trị tiền,
Tự nhiên gia quốc phì [1]

Dịch nghĩa:

Chàng trai tay cầm cày trên luống cày kia,
Luôn tay trồng trọt mà bụng luôn đói khát.
Cô gái dệt thoi dưới cửa sổ,
Bàn tay luôn dệt vải mà trên người chẳng có áo mặc.

Ta mong muốn cô gái xinh đẹp
Hóa thành dung mạo Mô Mẫu [2] 
Một nụ cười chẳng giá trị gì,
Mà tự nhiên quốc gia giàu có.

Dịch thơ:

Chàng trai tay cuốc cày
Bụng đói làm luôn tay.
Bên song cô dệt vải,
Quanh năm chẳng áo thay.

Mong sao bao mỹ nhân,
Hóa Mô Mẫu độ dân,
Nụ cười không đáng giá,
Quốc gia giàu tự nhiên.

Lý Thân viết xong đưa cho Cát, Cát thấy bài thơ này chỉ trích triều đình còn hơn cả hai bài trước. Hôm sau Cát cáo từ Lý Thân. Về tới triều đình, Cát lập tức sàm tấu với vua: “Khởi bẩm Hoàng Thượng, nay có Hàn lâm học sỹ Lý Thân viết thơ tạo phản, nói nên sự phẫn uất trong lòng”.

Đường Vũ Tông thất kinh hỏi: “Làm sao mà khanh biết được?”. Cát liền đem bài thơ Lý Thân tặng dâng lên.

Đường Vũ Tông triệu Lý Thân vào cung, đem bài thơ ra. Lý Thân xem xong và nói: “Đây là khi thần về quê, thấy tình cảnh nhân dân khốn khổ, tức cảnh viết ra, mong bệ hạ xem xét”.

Đường Vũ Tông không nghe lời xàm tấu trách tội Lý Thân, ngược lại cũng nhờ bài thơ đó mà Lý Thân được hoàng đế trọng dụng. (Ảnh: youtube.com)

Vũ Tông nói: “Ở lâu trong cung điện, trẫm đã quên hết dân tình, đây là lỗi của trẫm, may nhờ khanh nhắc nhở. Nay trẫm phong khanh làm Thượng Thư Hữu Bộc Xạ, để cùng trẫm bàn bạc triều chính, trị quốc an dân”.

Lý Thân khấu đầu: “Tạ ơn Hoàng Thượng”. Vũ Tông nói: “Việc này cũng là nhờ Lý Phùng Cát tiến cử”.

Lý Thân liền nói lời cảm ơn Cát. Cát thấy Lý Thân thăng chức, vừa kinh ngạc vừa lo sợ. Đang lúc tim đập chân run thì Lý Thân đến nhà bày tỏ cảm ơn. Cát càng rối như canh hẹ, chỉ biết ậm à ậm ừ. Sau đó ít lâu, Cát bị giáng quan làm Quan Sát Sứ Vân Nam, lúc đó mới thấy mình “trộm gà không được, lại mất thóc mồi”.

Lời bàn:

Khổng Tử nói: “Quân tử hiểu rõ nghĩa, vì nghĩa; tiểu nhân hiểu rõ lợi, vì lợi”, quả không sai. Người quân tử thì đi đâu, làm gì, trong lòng cũng nghĩ cho người khác, vì người khác, đều vì lợi ích của nhân quần, của xã hội. Người quân tử tu dưỡng theo chữ “Nhân”, nên lòng thương yêu rộng mở, thấy bách tính lê dân cực nhọc khốn khổ, sinh lòng trắc ẩn, bi mẫn, cảm thương.

Còn kẻ tiểu nhân thì mỗi suy nghĩ, mỗi hành vi, đều nhăm nhăm làm sao có lợi cho bản thân mình, sẵn sàng bày mưu tính kế đê hèn hãm hại bạn bè thân thiết để làm cái thang cho họ leo lên danh vọng, lợi lộc.

Kẻ tiểu nhân sẽ mãi mãi không bao giờ thấu hiểu được nỗi lòng của người quân tử. (Ảnh: youtube.com)

Vua sáng là người không sợ bị phê phán, không che giấu cái xấu, lòng thực sự cầu thị, để nắm bắt đúng tình trạng. Do đó khi thấy có thuộc cấp phê phán mình thì không những không trừng trị, lấp liếm, trái lại còn vui mừng tiếp thu và trọng thưởng người chính trực hiền lương.

Còn vua u tối ngu muội thì chỉ biết hưởng thụ, sống trong ngọc ngà châu báu, bọc trong nhung lụa giàu sang, say sưa trong yến tiệc rượu thịt múa ca cùng cung tần mỹ nữ, chìm đắm trong lời tâng bốc mật ngọt của đám tiểu nhân, nịnh quan bâu xung quanh. Hôn quân sẽ không tiếp thu được phê phán, trái lại còn trách tội, trừng phạt, thậm chí giết hại bậc trung lương.

Trong lịch sử nhân loại, bất kỳ thời nào, nơi nào cũng vậy, vua sáng thì mới có tôi hiền, mới có nền chính trị nhân đức, muôn dân mới được yên ổn, bình an, thiên hạ mới xuất hiện thái bình thịnh trị.

Triêu Lộ

Chú thích:

  • [1] Có tài liệu cho rằng bài thơ này là bài “Tân khổ ngâm” của Vu Phần đời Đường.
  • [2] Mô Mẫu là vợ thứ 4 của Hoàng Đế, bà là người hiền đức, giỏi dệt vải, giỏi giúp vua trị vì, và là người Thiên hạ đệ nhất xấu xí.