Chuyện Kinh Thánh là tác phẩm văn học nổi tiếng của nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng đạt giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Từ tác phẩm Kinh Thánh, bà đã chọn lọc, sắp xếp các câu chuyện theo trình tự thời gian, rồi thổi hồn vào đó, chấm phá những nét khóc cười của nhân vật để khiến truyện gần gũi mà vẫn tôn trọng nguyên tác.

Chuyện Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về với đức tin nguồn cội của dân Do Thái, cũng là của cả loài người. Là nhịp cầu tâm linh nối tâm hồn con người với Đấng Cao Cả. Tác phẩm được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như người đọc phổ thông, cả trong và ngoài đạo Thiên Chúa.

Vì lấy cảm hứng từ Kinh Thánh – cuốn sách ẩn chứa nhiều huyền cơ và những hàm nghĩa uyên thâm – nên tác phẩm của Pearl Buck cũng mang trong mình nhiều giá trị lớn lao. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tiểu mục dài kỳ Chuyện Kinh Thánh bao gồm các câu chuyện trong nguyên tác. Cũng trong loạt bài viết này, người viết mạn phép chia sẻ những hiểu biết và thể ngộ nông cạn của bản thân, rất mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận.

Kỳ 3: Cain – Kẻ sát nhân đầu tiên

Đối với Adam và Eva, lúc này đời sống rất khác. Thay vì chăm sóc khu vườn màu mỡ và hái trái khi đói lòng, họ phải làm lụng cực nhọc để cố moi cái sống từ đất. Thay vì cảm thấy bình an và không sợ hãi, họ phải tìm nơi trú ẩn tránh các thú hoang đã từng một thời là bạn hữu. Sự thoải mái và tươi đẹp trong cuộc sống trước đây của họ đã biến mất mãi mãi. Như Thiên Chúa cảnh cáo, cả hai người đều biết đau đớn và khổ não, và Thiên Chúa không còn đi dạo trên trần gian để chuyện trò với họ.

Tuy vậy trong thế giới vẫn còn sự tốt lành. Thiên Chúa yêu thương Adam và Eva, và đền đáp lại, họ yêu thương Ngài. Adam học cách canh tác đất để gieo trồng mùa màng và có thực phẩm, còn Eva học cách làm nhà ở cho chồng và cho mình. Dù không thể nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa, họ vẫn giữ sự gần gũi với Ngài bằng việc dâng lên các tặng phẩm tình yêu của họ. Trên các tế đàn bằng đá chưa đẽo gọt mà Adam dựng lên, họ đặt hoa quả mùa màng và các con cừu đầu lứa của bầy cừu như những bằng chứng đức tin. Vì tình yêu của họ lớn lao nên các tặng phẩm của họ cũng vậy. Nó cho thấy rằng họ sẵn lòng dâng lên tất cả những gì họ có và họ mang không chỉ thực phẩm do họ trồng trọt, mà còn các sinh vật bằng máu thịt tới bàn thờ Thiên Chúa của mình.

Adam và Eva phải tự học cách thích nghi với cuộc sống, nhưng họ vẫn một lòng tin vào Thiên Chúa. (Ảnh: jw.org)

Thời gian trôi qua, Eva sinh đứa con đầu tiên trên thế giới, một cậu bé khỏe mạnh mà bà và Adam đặt tên là Cain. Sau đó một thời gian thì có đứa con thứ hai và họ gọi cậu bé đó là Abel.

Khi hai cậu bé lớn lên, chúng bắt đầu giúp việc trên đất cha mình. Giống cha, Cain thích làm việc đồng áng, canh tác đất đai, trông coi mùa màng. Abel thích nuôi các bầy súc vật nên trở thành người chăn cừu.

Nhiều ngày trôi qua, hai thanh niên ấy lập tế đàn riêng mỗi người để đem tặng phẩm của mình tới cho Thiên Chúa. Cain đem trái trăng đồng ruộng tới làm lễ vật, và Abel đem các cừu non đầu lứa. Thiên Chúa bằng lòng với Abel vì cậu tặng Ngài các sinh vật cùng sống và cùng thở với mình. Việc đó gần như thể Abel dâng bản thân mình lên Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bằng lòng với Cain. Người anh không sẵn lòng cho đi bản thân, và như thế không hiến dâng trọn vẹn những gì mà Thiên Chúa mong muốn nơi mình.

Cain cảm thấy sự không bằng lòng của Thiên Chúa và hắn bực tức, vì theo hắn, dường như hắn đã làm hết sức mình. Nói cho cùng, hắn đã mang trái trăng và thóc lúa hắn tự tay trồng. Chắc chắn rằng không thể trông mong nơi hắn nhiều hơn! Mặt hắn sa sầm, và lòng hắn nổi cơn giận dữ. Thiên Chúa thấy vẻ sưng sỉa trên mặt và sự thịnh nộ bùng cháy trong hắn.

“Tại sao ngươi tức tối?”, Chúa nói với Cain. “Và tại sao ngươi sa sầm mặt lại? Nếu ngươi làm tốt thì ngươi sẽ được chấp nhận. Còn nếu ngươi làm không tốt thì ngươi phải biết rằng mình đang làm điều sai trái. Chính ngươi khống chế tội lỗi chứ đừng để tội lỗi khống chế ngươi”.

Nhưng Cain không tính làm vui lòng Thiên Chúa. Thay vào đó, hắn để cơn giận của mình lớn mạnh tới độ nắm quyền chỉ huy hắn. Tại sao Abel được chiếu cố hơn hắn, và tại sao Chúa không đánh giá lễ vật của hắn ngang hàng?

Hai anh em cùng đi ra đồng và nói chuyện. Sự giận dữ của Cain càng lúc càng tăng và cuộc nói chuyện biến thành cuộc cãi lộn tới độ cơn thịnh nộ của Cain tràn ra. Hắn nhảy xổ vào Abel, tấn công ác liệt, và khi cuộc đột kích chấm dứt, Abel nằm chết trên cánh đồng của cha mình. Cain để mặc Abel nằm ở đó.

Cain dẫn Abel đến cái chết. (Tranh của James Tissot)

Thiên Chúa lại nói với Cain: “Abel em ngươi ở đâu?”.

“Tôi không biết”, Cain nói dối. “Làm sao tôi biết? Tôi là người canh giữ em tôi ư?”.

Thiên Chúa biết Cain đang nói dối. “Ngươi đã làm gì?”, Ngài nói. “Máu của em ngươi đang từ đất kêu thấu đến ta. Vì việc đó, đất uống máu chảy ra bởi tay ngươi sẽ mãi mãi nguyền rủa ngươi. Khi ngươi cày bừa đất, đất sẽ không sinh ra mùa màng cho ngươi; từ hôm nay, ngươi sẽ là kẻ lang thang và là kẻ chạy trốn khắp mặt đất”.

Cuối cùng, Cain sợ hãi.

“Hình phạt của tôi quá lớn làm sao tôi mang nổi!”, hắn kêu lên. “Ngài đuổi tôi khuất mắt Ngài và ra khỏi đoàn lũ loài người, và tôi sẽ không tìm được nhà cho mình ở bất kỳ nơi nào trên mặt đất. Tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ là kẻ vất vưởng không nhà, và khi lang thang, tôi sẽ bị giết trong tay mọi người. Bất cứ ai thấy tôi thì chắc chắn sẽ sát hại tôi”.

Lúc đó Chúa nói với hắn: “Hễ ai giết Cain thì sẽ bị trừng phạt gấp bảy lần. Ta sẽ đánh dấu trên ngươi để nơi nào ngươi đi, người ta sẽ không nhận ra ngươi và không làm hại ngươi. Ngươi sẽ không bị giết bởi người nào nhận ra ngươi”.

Nỗi đau đầu tiên: Adam và Eva thương tiếc cho cái chết của Abel. (Tranh sơn dầu của William-Adolphe Bouguereau)

Thế rồi Cain rời đất của cha mẹ mình và lang bạt tới một xứ xa xôi tên là Nốt. Hắn không còn nói với Thiên Chúa, tuy thế Thiên Chúa không bỏ rơi hắn. Dù Cain đã giết em mình, Thiên Chúa vẫn cho hắn sống để xây một thành phố và tìm được một người vợ; và theo thời gian, gia đình Cain trở nên đông đúc vô số và giàu có của cải thế gian. Nhưng họ không thờ phụng Thiên Chúa.

Đôi lời cùng bạn đọc:

Cain và Abel là câu chuyện đầu tiên trong Kinh Thánh kể về kẻ gây ra cái chết của con người. Có rất nhiều lời giải thích và những cảm ngộ khác nhau xung quanh câu chuyện này, trong hiểu biết hạn hẹp của người viết chỉ xin chia sẻ một đôi lời, mong được cùng bạn đọc gần xa góp ý, thảo luận.

Một khi phẩm chất đã sa sút, Adam và Eva không thể sống vô lo vô nghĩ như trước đây nữa. Họ phải đối phó với mọi khổ nạn của đời sống. Dường như thiên nhiên không còn là chốn nương náu an toàn mà phần nào đã trở nên thù địch. Cảnh giới tinh thần của họ đã rơi rớt xuống nên họ không còn được gần gũi với Thiên Chúa của mình như trước.

Tuy thế, trần gian lúc đó vẫn có sự tốt lành, nhưng không phải cho không. Adam và Eva phải đánh đổi mọi thành quả bằng sự lao động cực nhọc. Điều thú vị là ngay từ thuở “thế giới chỉ có hai ta” ấy, đàn ông và phụ nữ đã phân chia công việc theo đúng thiên chức của mình: Eva lo việc gia đình, còn Adam thì gánh vác việc ra ngoài kiếm sống nuôi gia đình. Và dù không còn có thể gặp gỡ Thiên Chúa, họ vẫn còn đức tin và tình yêu với Thiên Chúa.

Đức tin và lòng yêu thương Thiên Chúa không phải là lời nói suông, mà phải bằng hành động. Họ dâng tặng Thiên Chúa tất cả những gì họ có, thậm chí cả bản thể của mình. Dù rằng, với quyền lực của Đấng Toàn Năng, Thiên Chúa đâu cần những thứ vật chất ấy để tiêu dùng. Điều Ngài cần là cái tâm của họ. Trước sau, Thiên Chúa chỉ cần cái tâm kính ngưỡng, lòng tin tưởng và tuyệt đối tuân thủ Thiên Chúa của loài người mà thôi, cái mà Adam và Eva phải trả giá vì đã có lần để mất nó.

Thiên chúa toàn năng tạo nên vạn vật bao gồm cả con người, Ngài không nhìn những vật chất bề ngoài mà con người dâng lên, điều Ngài chân quý hơn hết thảy là cái tâm thành kính của họ. (Ảnh: book.hr)

Đến khi hai người con trai của họ trưởng thành, họ cũng theo nếp của cha mẹ họ mà dâng tặng công sức lao động của mình tới Thiên Chúa. Nhưng dù cùng cha mẹ sinh ra, tấm lòng của họ với Thiên Chúa là không đồng đẳng. Vì cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Abel thì sùng kính và vâng lời Thiên Chúa hơn là Cain.

Ở đây, ta sẽ đặt câu hỏi: Vì sao Thiên Chúa đánh giá vật tế của Abel gồm các con vật đầu lòng của đàn gia súc mới là đúng cách, còn lễ vật của Cain gồm hoa trái thì chưa đủ tiêu chuẩn? Có người giải thích rằng: Thứ nhất, trong Sáng Thế Ký, Thiên Chúa sáng tạo ra mọi vật bao gồm động vật là để con người tùy ý sử dụng. “Người hãy trị trên cá biển, trên chim trời, trên súc vật và dã thú, trên mọi loài bò sát và trên khắp đất đai” (Sáng Thế Ký).

Thứ hai, vì con người phạm tội, bắt đầu từ Adam và Eva, nên phải chuộc tội. Và máu của vật nuôi, đặc biệt là dê, cừu có thể tạm thời chuộc tội cho họ. Tục lệ này sau này chấm dứt vì Đức Jesus, con trai Thiên Chúa, đã dùng dòng máu cao quý của mình chuộc tội cho hết thảy loài người.

Cain có lẽ cho rằng Thiên Chúa đã đòi hỏi quá ở nơi hắn. Hắn cảm thấy Thiên Chúa bất công với hắn. Nên thay vì quay về nhìn nhận lại bản thân mình và sửa đổi tâm tính, hắn đã hướng sự giận dữ, tâm tranh đấu và đố kỵ của mình ra bên ngoài, tới người em trai mà theo hắn đã được Thiên Chúa thiên vị. Có lẽ đó cũng là tâm nghi ngờ Thiên Chúa của hắn. Nhưng tất nhiên, hắn không thể làm gì được Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, nên hắn trút hết giận dữ lên người em ruột. Đúng như lời Thiên Chúa đã cảnh báo: “Ngươi không khống chế được tội lỗi mà để tội lỗi khống chế ngươi”.

Khi niệm xấu xa trong đầu đã nảy sinh, thì sự việc tệ hại nào cũng theo đó mà đến. Cain đã giết Abel. Hắn lại mắc thêm tội nói dối Thiên Chúa. Nên hắn bị kết tội, bị đóng dấu lên người, bị đuổi ra khỏi mảnh đất của cha ông và không còn có thể trồng cấy gì trên mặt đất, vì đất đã chứng kiến tội ác của hắn, đã buộc phải uống máu người em trai của hắn. Cain đã trở thành kẻ giết người đầu tiên, đứa con hư đầu tiên, kẻ bị đi phát vãng đầu tiên và là kẻ vô Thần đầu tiên của loài người.

Và đấy là lần đầu tiên, một kẻ Vô Thần đã giết người anh em ruột thịt Hữu Thần của hắn. Nó mở đầu cho những tội ác sau này của loài người.

Đó cũng là nghiệp lực lớn đầu tiên mà Adam và Eva phải trả cho tội lỗi trước đây của họ, theo cách nói của tín ngưỡng phương Đông.

Bình Nguyên