Chuyện Kinh Thánh là tác phẩm văn học nổi tiếng của nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng đạt giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Từ tác phẩm Kinh Thánh, bà đã chọn lọc, sắp xếp các câu chuyện theo trình tự thời gian, rồi thổi hồn vào đó, chấm phá những nét khóc cười của nhân vật để khiến truyện gần gũi mà vẫn tôn trọng nguyên tác.

Chuyện Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về với đức tin nguồn cội của dân Do Thái, cũng là của cả loài người. Là nhịp cầu tâm linh nối tâm hồn con người với Đấng Cao Cả. Tác phẩm được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như người đọc phổ thông, cả trong và ngoài đạo Thiên Chúa.

Vì lấy cảm hứng từ Kinh Thánh – cuốn sách ẩn chứa nhiều huyền cơ và những hàm nghĩa uyên thâm – nên tác phẩm của Pearl Buck cũng mang trong mình nhiều giá trị lớn lao. Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục dài kỳ Chuyện Kinh Thánh bao gồm các câu chuyện trong nguyên tác. Cũng trong loạt bài viết này, người viết mạn phép chia sẻ những hiểu biết và thể ngộ nông cạn của bản thân, rất mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận.

Kỳ 7: Chuyến đi của Apram và Lot

Trong các hậu duệ của Sem có một người tên Terah nhà ở không xa Babel, tại một thành tên là Ur trong xứ của người Babylon, còn gọi là người Chaldees. Ông có ba con trai, tên của họ là Apram, Nahor và Haram.

Thuở ấy, Ur là một thành tuyệt đẹp và rất trù phú nhưng dân chúng sống ở đó không cầu nguyện với Thiên Chúa của người Hebrew. Đa số dân chúng bái lạy mặt trời hoặc mặt trăng hoặc các ngôi sao, hoặc cả những dòng sông lớn và những đỉnh núi. Dân thành Ur làm ra các ngẫu tượng và thờ phượng chúng, tin rằng mình được thần mặt trăng đặc biệt ưu ái.

Bản thân Terah cũng đã quên cách cầu nguyện với Thiên Chúa chân chính của dân tộc mình. Nhưng ông không cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi sống ở thành Ur. Ông mộc mạc và là một trại chủ, cuộc sống thành thị không hợp với ông. Khi các con khôn lớn, ông quyết định rời Ur đi Canaan. Lúc ông sẵn sàng lên đường thì một trong các con trai của ông, Haram, qua đời tại Ur, vì vậy Terah mang theo Lot, con trai của Haram, cùng với con trai của mình là Apram và và Sarai vợ của Apram, và đứa con trai thứ hai là Nahor và Milcah vợ của Nahor.

Cùng nhau, họ đi dọc dòng sông Euphrates để tìm đất tốt hơn. Thay vì xuôi nam đi vào đất Canaan, nơi có một dân tộc ngày nay được gọi là Palestine, họ trở qua phương bắc và định cư tại một nơi tên là Haran trong khu vực Paddan Aram.

Terah cùng gia đình di dời khỏi thành Ur. (Ảnh: timetoast.com)

Trước khi rời Ur, Terah đã có khá nhiều súc vật và cừu. Lúc này tại Haran, chẳng bao lâu ông dựng nên cơ nghiệp của mình, trở thành một chủ trại súc vật giàu có và là thủ lĩnh đáng kính của một gia đình đang phát đạt nhờ làm việc siêng năng và vững chãi chung nhau góp phần vào sự thịnh vượng của cả nhà. Thời gian trôi qua, Terah lìa đời. Apram trở thành người đứng đầu của gia đình và của hết thảy những ai gia nhập khu định cư của họ, làm việc trong nhà hay chăn giữ các đàn súc vật.

Khi Apram bảy mươi lăm tuổi, ông nghe tiếng Thiên Chúa nói với ông: “Hãy đi khỏi xứ này và họ hàng của ngươi và nhà của cha ngươi; hãy tới vùng đất mà ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm ngươi thành một dân tộc lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và làm cho tên ngươi nên lớn lao. Qua ngươi, hết thảy các dân tộc ở trần gian sẽ được chúc phúc”.

Dù không còn trẻ và chưa có con trai phụ giúp mình, Apram vẫn nghe theo lời Thiên Chúa và tập họp dân chúng lại. Sarai, vợ ông, dĩ nhiên đi theo bên ông. Nahor và gia đình quyết định ở lại Haran. Lot quyết định đi theo Apram. Apram vui mừng thấy Lot chọn ra đi vì điều đó có nghĩa hai người có thể chia nhau hướng dẫn đoàn lữ hành. Chẳng bao lâu, tất cả đã sẵn sàng. Đoàn người của Apram gồm những kẻ chăn cừu, những kẻ chăn súc vật, gia nhân, khởi hành từ sông lớn Euphrates nhắm hướng đông nam tới Canaan. Người ta mang theo mình tất cả cừu, súc vật, đồ đạc trong nhà, đi theo Apram, Lot và Sarai vào đất Chúa đã nói.

Họ đi miết cho tới khi đến một nơi gọi là Sikhem ở vùng đồng bằng Moreh, trong đất Canaan. Tại đây, Chúa hiện ra với Apram và nói: “Ta ban xứ này cho ngươi và cho con cháu của ngươi”. Apram dừng đoàn lữ hành lại, dựng một tế đàn ở đó để cảm tạ Chúa, và rồi cùng với những kẻ đồng hành, tiếp tục đi tới một núi ở phía nam Bethel. Tại đây, ông cắm lều cho tất cả có thể tạm thời nghỉ ngơi. Ông dựng một tế đàn khác để tung hô Thiên Chúa của mình. Rồi ông và đoàn người lại lên đường, vững vàng tiến bước nam tiến vì ông không phải là dân thành thị cắm rễ sâu ở một chỗ, mà là dân du mục lều trại và là kẻ chăn nuôi súc vật, cần những nơi có thật nhiều đồng cỏ.

Họ đi miết cho tới khi đến một nơi gọi là Sikhem. Tại đây, Chúa hiện ra với Apram và nói: “Ta ban xứ này cho ngươi và cho con cháu của ngươi”. (Ảnh: marystar.org)

Rồi tới lúc các dòng sông cạn khô và trong xứ có nạn đói. Apram cần nước và cỏ tưới để chăn thả súc vật và để chúng có cái ăn, vì vậy ông và đoàn người đồng hành cùng đến vùng đất Ai Cập dồi dào nước để tạm sống cho qua cơn khốn khó. Cuối cùng, nạn đói chấm dứt, ông mang Sarai và Lot và hết thảy đoàn người quay lại xứ Canaan, trở về Bethel nơi trước kia ông đã cắm lều dựng trại.

Tại đất Chúa đã chỉ cho họ đó, đời sống thật tốt lành. Apram trở nên giàu có, không chỉ về súc vật mà còn bạc và vàng đem từ Ai Cập về. Các đàn súc vật của ông ngày càng đông vì thế, dần theo năm tháng, ông cần thêm cỏ cho chúng ăn, và cần thêm người chăn cừu, chăn súc vật để coi sóc chúng. Lot cũng làm ăn rất thành công; ông có các đàn cừu và súc vật và nhiều người làm việc cho mình. Trên thực tế, khu định cư của Apram lúc này rất rộng lớn tới độ không đủ đất cung ứng cho tất cả những sinh vật sống trên đó. Gia đình và những người giúp việc sống trong một khu lều trại lớn như một thị trấn trong khi cừu và súc vật lang thang tới các vùng quê tìm đất và cỏ.

Thế nên xảy tới những tranh đua giữa người của Apram và người của Lot trong việc tìm đồng cỏ tốt nhất cho súc vật của mỗi nhóm, khi thật ra, xứ Bethel chỉ đủ cỏ cho nhóm này hoặc nhóm kia. Mục tử bắt đầu cãi nhau. Apram gọi Lot ra một bên, nói với cháu mình về cuộc cãi vã giữa người của họ. Ông nói: “Bác cầu xin cháu, chớ để xảy ra xung đột giữa hai bác cháu hay giữa các mục tử của bác cháu ta. Quả thật là nơi này không đủ chỗ cho hai chúng ta. Nhưng chẳng phải đất đai đang nằm trước mắt chúng ta đây sao?”. Trong khi nói như vậy, họ đứng trên sườn núi cao, có thể thấy đất phía dưới đang trải rộng khắp hướng. “Bác van cháu, chúng ta hãy chia tay”, Apram nói. “Cháu hãy chọn cho mình đi theo đường nào. Nếu cháu đi về phương bắc, bác sẽ đi về phương nam; nếu cháu chọn hướng đông, bác sẽ đi hướng tây. Cháu cứ chọn phương hướng nào cháu muốn nhưng chúng ta chớ cãi nhau”.

Lot xem xét đất phía dưới. Một số đất là nửa đồng cỏ nửa sa mạc và núi cấm; một số, ở hướng đông, xanh tươi và màu mỡ; mọng nước và sinh sôi, như vườn Địa Đàng của Chúa hoặc đất xứ Ai Cập nơi họ đã tới tị nạn đói. Đó là đồng bằng Jordan, và ông biết mình sẽ làm ăn rất phát đạt ở đó với bầy súc vật của mình. Ông cũng hiểu rằng Apram có quyền ưu tiên chọn lựa và lấy vùng đất phì nhiêu hướng đông đó. Nhưng Apram đã nhường quyền đó cho ông, và như thế, Lot chấp nhận.

Apram và Lot đứng trên sườn núi cao, có thể thấy đất phía dưới đang trải rộng khắp hướng. Họ quyết định chia tay, mỗi người sẽ đi về một phương. (Ảnh: Pinterest)

“Cháu sẽ đi về hướng đông”, ông nói, chọn cho mình toàn bộ đồng bằng thoai thoải Jordan.

Đoạn họ chia tay. Lot đi vào đồng bằng phương đông với gia đình và các bầy súc vật của mình. Apram ở lại đất Canaan, bằng lòng với bất cứ đất nào mà cháu Lot của ông để lại. Lot tiếp tục di chuyển tới các thành trong bình nguyên đó. Sau cùng, ông dựng lều trại và chăn thả súc vật gần thành Sodom. Đất đó tốt cho một trại chủ và cũng thuận lợi cho Lot được sống gần một thành khá lớn. Nhưng người thành Sodom độc dữ tột độ và họ triền miên phạm tội với Thiên Chúa.

Sau khi Lot đã chọn lựa và ra đi, Thiên Chúa lại nói với Apram:

“Apram, hãy ngước mắt ngươi lên. Từ chỗ ngươi đứng, hãy nhìn tới phương bắc và phương nam, phương đông rồi phương tây. Hết thảy đất ngươi thấy đó, ta sẽ mãi mãi cho ngươi, con cái ngươi và con cái của con cái ngươi. Ta sẽ cho ngươi nhiều hậu duệ, đông lúc nhúc như những hạt bụi đất. Hãy trỗi dậy, rảo bước khắp xứ, đi hết chiều ngang rồi chiều dọc của nó, vì ta sẽ cho ngươi đất đó”.

Kế đó, Apram nhổ lều trại và đi khắp vùng đất ấy để nhìn những gì Thiên Chúa ban cho ông. Khi đi vừa đủ, ông dừng chân ở một đồng bằng tên Mamre, cắm lều giữa các cây sồi cao gần thành phố Hebron. Ở đây, ông dựng một tế đàn khác cho Thiên Chúa, đấng đã hướng dẫn ông và ban cho ông quá nhiều. Ông và vợ làm ăn thịnh vượng dù họ chưa có đứa con nào như lời Chúa đã hứa với Apram. Họ hạnh phúc với lối sống giản dị của mình. Nhưng Lot đang càng lúc càng tận hưởng những lạc thú do các thành ở đồng bằng cung ứng và đã dời gia đình vào ở trong thành Sodom.

Lời bàn:

Ở phần này của Chuyện Kinh Thánh, chúng ta lần đầu đề cập đến một nhân vật huyền thoại được nhắc đến trong rất nhiều tôn giáo: Apram, tiếng Do Thái có nghĩa là “người cha mẫu mực” mà sau này được đổi thành Abraham có nghĩa là “người cha của các dân tộc”. Tương truyền, ông chính là tổ phụ của dân tộc Do Thái và Ả Rập. Đồng thời, ông là khởi nguồn của tín ngưỡng độc thần của nhiều tôn giáo, trong đó có ba tôn giáo lớn: Đạo Do Thái, Đạo Cơ Đốc và Đạo Hồi. Trong tín ngưỡng độc thần, người ta chỉ thờ một Đấng Tối Cao duy nhất, khác với đa thần giáo là tín ngưỡng thờ nhiều thần.

Ở phần này của Chuyện Kinh Thánh, chúng ta lần đầu đề cập đến một nhân vật huyền thoại được nhắc đến trong rất nhiều tôn giáo: Apram sau này được đổi thành Abraham có nghĩa là “người cha của các dân tộc”.(Ảnh: jw.org)

Tại sao Apram lại là khởi nguồn cho độc thần giáo? Nhiều năm sau sự kiện tháp Babel thất bại, loài người, theo ghi chép của Cựu Ước, đã từ một dân tộc duy nhất bị phân tán đi khắp các nơi trở thành các dân tộc khác nhau. Năm tháng cứ phủ dày bụi lên trí nhớ của người ta về tín ngưỡng xa xưa đối với Thiên Chúa của họ. Ký ức về những ngày đầu của Sáng Thế, về ông bà tổ Adam và Eva, về ông tổ Noah và lụt Hồng Thủy… đã trở nên mờ mịt lắm rồi. Và những quan niệm mới nảy sinh trong cuộc sống lại lần lần từ thế hệ này sang thế hệ khác mà sinh ra những tín ngưỡng mới. Giờ đây, có những nơi như ở thành Ur, nguyên quán của Apram, người ta thờ mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, sông núi… đến bái lạy thờ phượng cả những ngẫu tượng. Nhà hiền triết nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn của Do Thái từ thế kỷ 12 là Maimonides đã lý giải như sau:

“Trong thời Enosh nhân loại đã phạm một lỗi lầm lớn… Họ lý luận rằng vì Chúa đã dựng nên các vì tinh tú cùng các thiên thể khác, đặt trên bầu trời và ban cho chúng sự uy nghi vinh hiển, rồi chúng phụng sự Chúa, vì vậy cần phải chúc tụng các vì tinh tú, cần phải tin rằng ấy là ý chỉ của Chúa mà tôn vinh những gì Ngài đã dựng nên… Rồi loài người khởi sự lập bàn thờ để tôn thờ các vì sao, chúc tụng và sấp mình thờ lạy chúng… ấy là nền tảng của thờ lạy hình tượng (avoda zara)…

Chỉ trong vài thế hệ, các tiên tri giả dấy lên mà nói cùng dân chúng rằng Chúa đã ra lệnh phải tôn thờ các vì sao… họ lập nên các ảnh tượng mà tôn vinh chúng… truyền bá ảnh tượng tại các nơi sùng bái, dưới tàng cây, trên đỉnh đồi, trong thung lũng, hội họp dân chúng lại, cùng nhau sấp mình thờ lạy hình tượng mà nói rằng: “Những hình tượng này đem lại phúc lành mà cũng mang đến tai hoạ… vậy thì hãy cung kính mà khiếp sợ”… cho đến khi nhiều thời đại đi qua, Danh Thiên Thượng đã hoàn toàn bị lãng quên…

Cho đến khi con người của năng quyền (Abraham), bắt đầu tự hỏi mình rằng: “Làm sao các tinh cầu trên bầu trời dịch chuyển nếu không có một Đấng di chuyển chúng? Bởi vì chúng không thể tự mình mà chuyển động được”, không ai dạy dỗ ông, cũng không ai kể cho ông biết, bởi vì ông đang sống tại xứ Ur của người Chaldee là những người thờ lạy hình tượng… Người ấy (Abraham) đứng dậy mà nói với dân chúng rằng trên thế gian này chỉ có một Chúa duy nhất, và chỉ nên thờ lạy một mình Ngài, nhóm hiệp dân chúng từ khắp các thành và vương quốc cho đến khi ông tiến vào xứ Canaan như đã chép: “(Abraham) trồng một cây me tại Beersheba, và ở đó người cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va, là Thiên Chúa hằng hữu” [1].

Đến nỗi Terah, cha của Apram, cũng đã đến mức: “Bản thân Terah cũng đã quên cách cầu nguyện với Thiên Chúa chân chính của dân tộc mình”.

Còn trong Kinh Qu’ran của Hồi Giáo có nói đến chuyện Apram bất đồng với cha mình là Terah vì ông này làm ra và tôn thờ nhiều tượng thần mà không phải Thiên Chúa. Apram chất vấn cha: “Cha sẽ thờ những ảnh tượng này thay vì thờ Chúa sao? Hiển nhiên là cha và những người theo cha là những kẻ sai lầm!” ( Qur’an 6:74-84 ). Ta hãy xem đó như một chỉ dấu có tính tham khảo.

Do vậy, Apram được coi như người đầu tiên khôi phục lại tín ngưỡng vào một Đấng Sáng Tạo duy nhất là Thiên Chúa kể từ sau thời Noah. Do vậy, Kinh Qu’ran có nói ông là tiên tri thứ ba sau Adam, ông tổ loài người, và Noah, ông tổ thứ hai của loài người sau lụt Hồng thủy.

Khi Terah rời Ur ra đi mang theo cả đại gia đình, thì ngoài việc đi tìm bãi chăn cho gia súc, có lẽ có một phần từ sự thúc giục về tín ngưỡng chân chính của người con cả Apram khác biệt với đa số cư dân của Ur – những người nhìn đâu cũng có thể sì sụp bái lạy, trừ Thiên Chúa. (Ảnh: pinsdaddy.com)

Do vậy, khi Terah rời Ur ra đi mang theo cả đại gia đình, thì ngoài việc đi tìm bãi chăn cho gia súc bên ngoài nơi thành thị chật hẹp, có lẽ có một phần từ sự thúc giục về tín ngưỡng chân chính của người con cả Apram khác biệt với đa số cư dân của Ur – những người nhìn đâu cũng có thể sì sụp bái lạy, trừ Thiên Chúa. Có truyền thuyết địa phương kể rằng, Apram đã bị vua Nimrod ra lệnh bắt và giết chỉ vì ông đập nát các ngẫu tượng và khuyên mọi người chỉ nên thờ phượng Thiên Chúa mà thôi.

Dù có nhiều thuyết khác nhau nói về Apram, đa số đều có nhận xét rằng, ở ông nổi bật hai phẩm chất: lòng nhân hậu và đức tin. Apram đã nhường cháu trai lựa chọn vùng chăn thả mới để tránh mâu thuẫn quyền lợi với Lot khi nhân số gia đình ngày càng tăng lên, việc quản lý và ứng xử trở nên phức tạp hơn. Thực ra, với thân phận trưởng tộc, có lẽ ông không bắt buộc phải làm thế. Nhưng nếu vậy còn gì là một người ngoan đạo?

Nhưng lòng nhân hậu không phải điều duy nhất khiến Apram thành người ngoan đạo mà còn vì ông có đức tin kiên định. Có lẽ trong thế giới của những người có tín ngưỡng vào Thiên Chúa, chưa có ai mà đức tin bị thử thách ghê gớm như Apram. Khi đã làm chủ đại gia tộc, vào lúc tuổi đã xế chiều muốn nghỉ ngơi, Apram được Thiên Chúa yêu cầu hãy dẫn cả gia tộc rời khỏi Haran, nơi họ đang sống hết sức thịnh vượng và yên ổn. Ông chấp thuận. Và vì thế mà ông được Thiên Chúa chúc lành cho dòng dõi Do Thái của mình thành một dân tộc lớn, cho tên tuổi ông trở nên lớn lao và hậu duệ của ông, những người Hebrew (Do Thái) đã được ban cho vùng đất hứa Canaan, nơi “chảy ra sữa và mật” (Canaan ngày nay gồm có Li băng, Israel, lãnh thổ người Palestine, phần phía Tây Jordan và Tây Nam Syria).

Nhưng những thử thách ghê gớm không dừng lại ở đó. Vì sao mà Apram trở thành một biểu tượng của đức tin của người Công Giáo và Do Thái Giáo? Vì sao ông lại là tổ phụ của tộc Do Thái và Ả Rập? Tại sao ngày nay người Do Thái và người Ả Rập lại như nước với lửa? Nhiều tình tiết hết sức lý thú đang đón đợi chúng ta ở các kỳ sau.

Bình Nguyên

Chú thích:

  • [1]: (Sáng thế ký 21.33). (Maimonides, Mishneh Torah, Sefer Mada (“Sách của Sự hiểu biết”), Chương 1, Hilchos Avodah Zarah (“Luật cấm thờ hình tượng”). Nguyên bản tiếng Hebrew.