Khi đứng trước hoạn nạn, người vượt qua sẽ ngày càng trở lên mạnh mẽ hơn, còn người không dám vượt qua sẽ dễ dàng gục ngã, thậm chí có người còn hồ đồ tự sát. Rất nhiều người cho rằng “chết là hết”, và rằng chết là con đường giải thoát nhanh nhất. Nhưng tự cổ chí kim, dù là phương Đông hay phương Tây, thì cổ nhân đều có quan niệm rõ ràng về vấn đề này.

Vì sao quan niệm truyền thống của phương Đông và phương Tây đều cho rằng tự tử là có tội? Những truyện xưa tích cũ, những tác phẩm kinh điển nói về vấn đề này còn lưu giữ được cho đến ngày nay, là bởi nó mang thông điệp cảnh báo và giúp níu giữ đạo đức con người, chứ không chỉ đơn giản là tác phẩm nghệ thuật giải trí thông thường.

Địa ngục của Dante: Linh hồn tự tử và tầng thứ 7

Dante là một trong ba nhà thơ lớn thời Phục Hưng, trong tác phẩm Thần Khúc của mình ông đã mô tả cuộc sống sau khi chết của những người tự vẫn. Đây là một thiên anh hùng ca (tác phẩm tự sự sử thi có dung lượng lớn) nổi tiếng, đã lột tả một cách sống động cảnh sắc nơi Địa ngục và Thiên đường.

Theo mô tả của ông, Địa ngục có hình thù như một cái phễu, phần trên mở rộng, phần dưới thu hẹp dần, tầng đáy địa ngục là nơi các linh hồn chịu nhiều hình phạt đau đớn nhất. Địa ngục chia thành 9 tầng, những người tự sát ở tầng thứ bảy. Tầng thứ bảy lại chia thành 3 vòng, vòng thứ hai là một khu rừng đầy những con chim đại bàng Harpy, đó là những yêu nữ đầu người mình chim. Cây cối trong rừng rất rậm rạp, đan xen vào nhau, cây không bao giờ ra quả mà chỉ sinh ra chất độc.

Pierre là một tướng lĩnh của đế chế La Mã, dưới triều vua Frederick II. Khi còn sống, ông là người có quyền thế, là một tướng lĩnh trung thành, nhưng lại bị nhiều người phản đối vì tai tiếng về hành vi dâm đãng. Để rửa sạch nỗi ô nhục này ông đã tìm đến cái chết. Sau khi tự vẫn, Pierre rơi xuống rừng Harpy và linh hồn ông bị giam cầm trong một thân cây lớn. Nếu ai đó chặt cành cây, cành cây sẽ chảy máu, và linh hồn sẽ phải chịu muôn vàn đớn đau.

Dante trích lời Pierre nói trong Thần Khúc: “Khi linh hồn bị ép buộc phải rời đi, nó sẽ giằng xé cơ thể để thoát ra, sau đó Minos (vua xứ Crete trong thần thoại Hy Lạp, người phán xét cái chết ở địa ngục) sẽ gửi nó đến tầng địa ngục thứ bảy”. Tội tự sát là tội tự tàn phá cơ thể mình, dùng bạo lực để hủy hoại thân thể.

Linh hồn của người tự sát sẽ rơi xuống tầng địa ngục thứ bảy. Ở đây, linh hồn sẽ như một hạt giống, bắt đầu đâm chồi nảy lộc, lớn dần lên thành cây. Năm này qua năm khác, các con đại bàng Harpy sẽ ăn lá cây làm cho cây đau đớn, vì thế linh hồn của người tự tử cũng không ngừng bị hành hạ, muốn có được thân thể người thì cũng không thể thực hiện được nữa. Vì con người là do Thần tạo ra, hành vi tự vẫn là hành động đi ngược lại quy tắc của tự nhiên, phản đối sự sắp xếp của Thượng Đế, chống lại những vị Thần đã tạo ra sinh mạng con người.

Nhưng trong câu chuyện của Dante cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là Cato. Vào cuối ngày phán quyết, Cato không chỉ lấy lại được thân thể của mình mà còn bay lên trời. Có thể vì anh ta là người có phẩm chất cao đẹp, hành xử cao thượng, thành thật, trung thực với mọi người, luôn chống lại sự giả dối, lừa gạt.

Tranh khắc của Gustave Doré, Dante gặp Ciacco.

Milarepa định tự vẫn, Lạt Ma lý giải vì sao không thể làm

Trong quan niệm phương Đông, tự sát cũng bị coi là có tội. Hơn 880 năm trước, ở Tây Tạng, Milarepa vì muốn báo thù cho gia đình nên ông đã học phép thuật phù thủy và giết hại rất nhiều người, vì vậy đã gây ra rất nhiều ác nghiệp. Điều này đã gây ra biết bao khó nạn khi ông tìm đến sư phụ Mã Nhĩ Ba học để tu luyện thành Phật.

Sư phụ Mã Nhĩ Ba vì muốn gột sạch tội lỗi cho Milarepa nên đã thường xuyên đánh đập và chửi bới ông, làm cho ông thật khổ sở. Sư phụ bắt ông tự xây nhà, nhưng cứ xây xong lại đổ nên phải xây lại, cứ như thế nhiều lần để tôi luyện ông. Lưng của Milarepa bị mọc mụn nhọt, bên trong rất nhiều mủ, nhưng Mã Nhĩ Ba vẫn không truyền pháp thuật chữa trị cho ông.

Sư mẫu với lòng nhân từ đã lấy trộm ấn, dấu và các vật khác để làm giả dấu, cho ông đi tu hành ở chỗ Nga Ba Lạt Ma. Nhưng vì ông không được chuyển hóa công từ sư phụ Mã Nhĩ Ba nên dù có cố gắng tu hành thế nào cũng không có kết quả. Sau đó sự việc bị bại lộ, Mã Nhĩ Ba đã nổi trận lôi đình.

Milarepa nghĩ, chắc vì tội lỗi của mình quá nặng nên sự phụ và sư mẫu đều phải chịu khổ cùng, rồi ông rút dao định tự sát. Nga Ba Lạt Ma đã kịp giữ tay ông lại và khuyên ông không nên làm thế. Khi số chưa hết mà tự kết liễu cuộc đời là đắc tội vô cùng lớn.

Từ câu chuyện này ta có thể thấy: tự sát không chỉ là có tội, mà còn là tội lớn.

Lời nhắn của Diêm Vương

Tích xưa lưu rằng, vào tháng 5 năm Khang Hy thứ 7 có xảy ra một sự việc như sau: Trương Đại người Trấn Giang Dương Châu bị bệnh chết, sau khi xuống âm phủ, Diêm Vương nhìn thấy ông liền bảo bắt nhầm người rồi. Nhưng vì muốn ông quay về trần gian có thể nói cho mọi người hiểu nên Diêm Vương đã cho người dẫn ông đi thăm khu vực của những người tự vẫn.

Trương Đại đi và nhìn thấy rất nhiều linh hồn của người tự sát: người thắt cổ tự vẫn, người cắt họng, người uống thuốc độc, người trầm mình xuống nước… Tất cả những người tự tử mỗi ngày đều phải thực hiện lại hành động tự tử vào đúng giờ họ đã tự kết liễu đời mình, những đau đớn họ phải chịu làm người sống vừa nghe đã thấy sợ hãi. Những người chết theo cách này đều nói rằng: “Khi sống chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản chết là hết, không ngờ sau khi chết vẫn còn bị đau thế này, thật đáng tiếc”.

Ảnh minh họa: Archive.

Trương Đại liền hỏi: “Những linh hồn này khi nào mới có thể đầu thai lại làm người?” Quỷ sai dẫn đường trả lời: “Không bao giờ”. Cơ thể con người là trân quý, mà những người này không hề biết quý trọng. Họ đã phụ ân nghĩa của các Thần đã cho họ được làm người nơi trần gian, cũng phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ. Vì thế Diêm Vương xử lý những người tự vẫn rất nặng, họ rất khó quay lại với hình hài con người. Quan điểm này cũng tương đồng với quan điểm trong Thần Khúc: tự sát sẽ khó có thể được đầu thai trở lại.

Diêm Vương dặn dò Trương Đại: “Về lại trần gian, ngươi hãy kể lại với mọi người những điều này”. Nói xong, Diêm Vương đập bàn, hô to một tiếng, Trương Đại bừng tỉnh giấc.

Những người tự tử dù có trả thế nào cũng không hoàn hết tội nghiệp. Quan niệm truyền thống tin rằng, cơ thể là do bố mẹ sinh ra, sinh mệnh là do Thần tạo ra, tự chấm dứt cuộc đời mình là bản thân đã đắc tội với cha mẹ. Đồ ăn thức uống, quần áo ta dùng đều là do Trời Đất ban tặng, một con người được sinh ra chưa tạo được phúc cho đời đã vội vàng rời đi, như vậy là mang nợ với Thiên Địa.

Chỉ khi biết quý trọng cuộc đời, mang lại lợi ích cho người khác, bạn mới thực hiện đúng ý nguyện của đấng Thần linh, mới tỏ được lòng biết ơn người đã cho mình cuộc sống này.

Bạn có thể hoài nghi sự xác thực của các câu chuyện trên, nhưng ít nhất hãy tin rằng tự kết thúc đời mình là một hành động thiếu khôn ngoan và vô trách nhiệm. Bởi ta ở trên đời không phải chỉ để nhận được mà còn để cho đi. Nếu cuộc đời ta nhận được quá ít và ta cảm thấy chán nản, bất công, thì ta cũng không được phép rời đi chỉ để trốn tránh và tìm sự giải thoát cho bản thân. Ta còn nợ những người đã giúp đỡ ta, những vật phẩm đã nuôi lớn ta. Kể cả khi không còn nợ ai, thì những người sẽ gặp ta trong tương lai dù chỉ là một cái lướt qua nhau, biết đâu họ cũng chờ một lần giúp đỡ và một nụ cười của ta. Tất cả chỉ từ cách bạn nhìn cuộc đời, rằng nó là nhận lại, hay là cho đi.

Từ Khóa: