Chuyện người anh họ phát tướng và chiếc đầu hói…

Chị Nguyệt bị bác trai mắng một trận rất ghê. Lần này thì ngay cả bác gái luôn một mực bảo vệ con gái cũng không dám đứng ra nói đỡ đôi lời cho cô con gái rượu.

Chuyện rất đơn giản, mấy ngày trước chị Nguyệt cùng dự đám cưới với bác trai. Ngồi cùng bàn với hai bố con còn có các anh em họ lâu ngày không gặp. Chị nhìn thấy ông anh họ béo múp míp, thần sắc phờ phạc, trong tâm thầm thốt lên: “Thời gian quả là vô tình!”.

Khi anh họ chào hỏi và khen chị như thiếu nữ 18 tuổi phổng phao, trông xinh hẳn. Chị lại nói: “Anh ơi, em còn nhớ ngày trước trông anh cũng bảnh bao lắm mà. Sao giờ anh lại phát tướng vậy? Lại còn hói đầu nữa chứ. Có phải anh sắp được liệt vào hàng béo phì tuổi trung niên rồi không?”.

Anh không phản ứng gì, chỉ nhìn chị rồi cười cười. Chị càng thêm cao hứng: “Em thấy dạo này anh xuề xoà quá. Anh phải chăm chút cho bản thân vào, tinh tế một chút. Con trai bây giờ cũng phải có nguyên tắc. Trông lôi thôi lếch thếch là khó hoà nhập với xã hội lắm ạ”.

“Ha ha ha, hay hay, anh nhất định sẽ không từ bỏ trị liệu”. Anh mỉm cười hai con mắt tít lại.

Chị Nguyệt còn muốn nói tiếp nhưng đột nhiên bác trai đập mạnh một cái vào tay khiến chị giật nảy cả người.

Cuộc sống của người khác không phải là của bạn, bạn không có quyền can thiệp

Họ hàng bè bạn cùng mâm đều ngây người, ngượng ngùng thay cho chị. Chị Nguyệt đang định hỏi lại thì bác trai đã dẫn chị ra sảnh.

Chị nhăn nhó: “Cha à, con chỉ nhắc nhở anh họ đừng lôi thôi như vậy thôi. Cha có phải tức giận như vậy không?”.

Bác trai giận tím mặt: “Con biết gì mà nhắc nhở? Anh họ con mắc bệnh u não, ngày nào cũng phải uống thuốc nên mới phát tướng như vậy. Vì lo thuốc thang cho cha mình, anh ấy còn phải vắt kiệt hơi sức, nên trông mới mệt mỏi, thất thần như vậy! Con dựa vào điều gì mà dạy bảo người khác?”.

Dường như chưa nguôi cơn giận, bác trai lại nói một lèo: “Con cho rằng con có cái bằng cử nhân, học rộng biết nhiều, cả ngày luôn miệng nói những lời nào là ‘tinh tế’ với ‘có nguyên tắc’ mới là người văn minh hay sao? Tinh tế và có nguyên tắc thực sự là phải khắc cốt ghi tâm kìa. Không phải một chiếc áo hoa con khoác lên người là có thể ra vành ra vẻ với người khác!”.

Chị Nguyệt xấu hổ, cúi gằm mặt xuống đất. Ngày hôm sau chị tự mình đến nhà xin lỗi anh họ.

Từ lần đó chị đã hiểu được rằng: Chúng ta vừa nói với một người rằng hãy dũng cảm là chính mình, lại vừa chẳng thể kiềm lòng chêm vào vài lời nhận xét bạn phải thế này, phải thế kia.

Mỗi người đều có cách sống, hoàn cảnh sống riêng. Nếu chúng ta đứng từ bên ngoài mà nhìn chẳng qua chỉ như thầy bói mù xem voi mà thôi. (Ảnh: pinterest.com)

Kỳ thực: Cuộc sống của người khác hà tất đã sai, cuộc sống của bạn chắc gì đã đúng?

Mỗi người đều có cách sống của riêng mình. Họ có hạnh phúc hay không cũng không can hệ gì đến chúng ta. Chúng ta đứng từ bên ngoài mà nhìn chẳng qua chỉ như thầy bói xem voi, chỉ có thể nhìn thấy một góc của núi băng mà thôi.

Có một điểm rõ ràng hơn chính là: Có những mảnh đời hoàn toàn không phải là của bạn, bạn không có quyền can thiệp.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Chi Mai, cô bạn đại học của tôi cũng là cô gái đầu tiên trong thôn thi đỗ vào một trường đại học trọng điểm và thi đỗ công chức. Vài năm sau, cô thanh toán số tiền trả góp đợt đầu để mua một căn nhà trong thành phố.

Sau khi tin cô mua nhà được truyền đi, thì phiền phức cũng thi nhau ùa đến.

Trước tiên là chú họ cũng là hàng xóm của cô muốn cô giúp con trai mình vào trường trung học trọng điểm. Chi Mai nói: “Cháu chỉ là nhân viên công chức thấp nhất thôi ạ. Em nhà mà muốn thi vào trường trung học trọng điểm thì phải dựa vào bản thân mình thôi”.

Sau đó cô ấy chủ động kèm thêm cho con chú họ. Nhưng chú xa xẩm mặt mày nói: “Dạy thêm thì ích gì! Cháu làm ở cục giáo dục, động chân động tay một chút là xong việc. Sao cứ nhất quyết bắt người khác phải tốn hơi sức vậy? Đúng là vong ân phụ nghĩa mà!”.

Sau này chú nói với cô rằng: “Em họ cháu vừa tốt nghiệp đại học và tìm được việc ở trên thành phố. Cháu thử xem xem có thể để con bé đến ở chỗ cháu được không? Đều là người nhà mình, hai nữa là nó vừa đi làm nên tiết kiệm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Con bé cũng có thể đỡ đần việc nhà cho cháu nữa”.

Đều là họ hàng thân thích, nên Chi Mai đành phải đồng ý. Nhưng cô em họ này quả thực khiến người khác phải đau đầu. Ham ăn lười làm đã đành, con bé lại thường đi chơi đến nửa đêm mới về. Động một chút là dẫn người yêu về nhà cãi vã. Chi Mai đành phải nói khéo với chú họ để con bé dọn ra ngoài.

Sau này Chi Mai đóng góp cho thôn mình một thư viện nhỏ với 600 cuốn sách. Hôm đó cô lái xe về nhà, một vài chị em đã bắt đầu để mắt và bình luận: “Cái áo khoác cô ấy mặc hôm nay những 2 triệu cơ đấy. Hôm trước tôi nhìn thấy trong một cửa hàng thời trang trên thành phố. Đôi giày cũng rất đắt, không biết tiền ở đâu ra mà nhiều thế?”.

Hai người phụ nữ rỉ tay nhau thì thào: “Con gái một thân một mình, ở thành phố vừa mua nhà, vừa mua xe, chắc chắn là làm ăn bất chính. Có khi lại đi bồ bịch với mấy ông đại gia cũng nên”.

Một thím khác thì liếc xéo, bĩu môi: “Có tiền quyên góp cho thư viện, đánh bóng tên tuổi. Thế mà lần trước tôi có việc nhờ mà chẳng thèm ngó ngàng đến. Đúng là thói đời bạc bẽo…”.

Sau đó lời ong tiếng ve đồn rằng cô cặp với đại gia lan truyền khắp thôn. Nhưng cô bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, chỉ cố gắng làm tốt những gì mình cần làm.

Một đồn mười, mười đồn trăm chẳng mấy chốc lời ong tiếng ve rằng Mai cặp với đại gia lan truyền khắp thôn. (Ảnh minh họa: pixabay.com)

Có thể buồn bã, thất vọng nhưng đừng quá để ý tới ánh mắt của người khác

Có lần cô ấy mỉm cười nói với tôi: “Cậu biết không, người khác chỉ nhìn thấy mình mặc đồ hàng hiệu, lái xe đẹp thì nghiễm nhiên cho rằng mình đang sống rất thoải mái. Sau đó họ còn mặc nhiên đòi hỏi từ mình. Ra ngoài làm ăn bao nhiêu năm, bao nhiêu vất vả và ấm ức chỉ có một mình mình biết”.

Tôi nhìn cô gật đầu đồng cảm. Chi Mai tiếp lời: “Tất cả những gì mình có được ngày nay cũng do bản thân nỗ lực mà nên. Tự hỏi lòng mình cũng không thấy hổ thẹn với lương tâm. Nhưng mình cũng chẳng thể ngăn người khác không nói này nói kia về mình được. Đúng là mình có thể buồn, có thể thất vọng nhưng đừng để cách nhìn của người khác chi phối mình. Chúng ta phải tự mình làm chủ cuộc đời của mình”.

Ngay cả khi nhìn thấy nhược điểm của người khác, chúng ta cũng không có quyền chế giễu, châm chọc họ

Một lần nọ tôi và đám bạn rủ nhau đi ăn tại một nhà hàng của Nhật. Trước khi vào phòng mọi người đều phải tháo dép, để ngoài cửa. Một cậu đồng nghiệp vừa tháo giày thì cô bạn phía sau đã cười ồ lên, nói: “Trời ơi, đường đường một nam tử hán lại xỏ vào chiếc lót giày đỏ chót thế này á!”.

Đồng nghiệp túm tụm lại nhìn thì thấy cái lót giày thủ công bằng chữ “Song hỷ” đỏ ối. Mọi người cười ồ lên. Cậu đồng nghiệp ngượng chín cả mặt.

Có người còn tếu táo: “Với tầm nhìn này chắc chắn cậu sẽ được thăng chức đó. Chúng ta có thể làm thành một xu hướng thời trang đấy nhỉ? Cái lót giày này mà để khách hàng nhìn thấy thì chẳng biết còn mặt mũi nào”.

Mọi người còn ngấm ngầm gọi cậu ấy là quý ông “lót giày đỏ”. Có người còn gọi cậu ấy: “Anh lót giày ơi, đi ăn đồ Nhật đi”.

Trong mắt nhiều người, một biên tập chuyên nghiệp luôn bắt kịp với thời đại như anh thì phải lấy mình làm gương. Bản thân mình còn quê mùa một cục thì dựa vào điều gì mà yêu cầu độc giả tin vào năng lực của mình, để cung cấp cho họ những bộ cánh thời trang đây?

Nhưng đồng nghiệp của anh sẽ vĩnh viễn không thể biết được rằng đôi lót giày này là tấm ân tình và nỗi nhớ nhung của một người mẹ ở quê gửi tới cậu lãng tử đang phiêu bạt làm ăn nơi xa xứ.

Dẫu nhìn thấy nhược điểm của người khác, chúng ta cũng không có quyền ngang nhiên châm chọc và chế giễu họ. Trên thế giới này có ai dám tự nhân mình là người hoàn hảo? E rằng không có. Mỗi người đều có những trải nghiệm, sở trường, con mắt thẩm mỹ và cách sống riêng.

Nếu người khác có những chỗ chẳng như ý thì thử ngẫm lại xem bản thân mình đã thập toàn thập mỹ hay chưa?

Trên đời này không có ai là thập toàn thập mỹ, vậy nên khi nhìn thấy nhược điểm của người khác thay vì châm chọc và chế giễu họ sao chúng ta không nhìn vào nội tâm, hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. (Ảnh: pinterest.com)

Không bình luận, can thiệp vào cuộc sống của người khác là sự tôn trọng và tu dưỡng tốt nhất

Marc Levy, một nhà văn người Pháp đã viết trong cuốn sách “Người trộm bóng” nổi tiếng của mình rằng: “Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác, ngay cả khi bạn muốn tốt cho họ. Đây là cuộc đời của họ”.

Trên đời này luôn có người không giống bạn, cách nghĩ khác với bạn, và có những giá trị quan không thể dung hoà. Đôi khi không cần bạn phải hạ quyết tâm thay đổi họ. Không bình luận hồ đồ, không tuỳ tiện can thiệp vào cuộc sống riêng tư của họ đã là sự tôn trọng và tu dưỡng tốt nhất của một con người.

Paulo Coelho, nhà văn nổi tiếng người Brazil có một câu nói nổi tiếng như sau: “Nếu ai đó can thiệp vào sứ mệnh của người khác thì sẽ vĩnh viễn chẳng thể phát hiện được sứ mệnh của chính mình”.

Đừng tung hoành ngang dọc trong thế giới của người khác, hãy quay trở về với chính mình, trò chuyện với mình nhiều hơn…

Theo Cmoney 
Hiểu Mai biên dịch