Đạo thương nhân (Thương Đạo) coi chữ Tín làm đầu, còn đạo con buôn (Cổ Đạo) thì coi “thẩm tra thận trọng” là quan trọng nhất. Người theo đạo con buôn thì ngay cả bạn bè người thân họ cũng không tin tưởng. 

Xem thêm: Phần 1

Nhân vật chính thời cổ đại của Thương Đạo là Lâm Thượng Ốc (Im Sang Ok), thương nhân Nghĩa Châu (Uiju) Hàn Quốc, sống vào thời những năm Nhân Tông Gia Khánh triều Minh. Nghĩa Châu ở phía Tây Bắc bán đảo Triều Tiên, hạ du sông Áp Lục, vốn là thủ phủ của Bình An Bắc Đạo, là một thành phố cổ của Triều Tiên chỉ sau Bình Nhưỡng và Khai Thành.

Khi Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên, để tiện cho việc dùng đường sắt vận chuyển tài nguyên của vùng Đông Bắc Trung Quốc, người Nhật đã chuyển trung tâm hành chính của Bình An Bắc Đạo từ Nghĩa Châu đến Tân Nghĩa Châu đối diện với Đan Đông tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc, ngăn cách bởi con sông.

Đan Đông vốn gọi là An Đông, tức là miền Đông của lãnh thổ bình an, tên thật hay. Đổi tên thành Đan Đông, một màu đỏ chết chóc, chứa đầy bầu không khí chẳng lành. Hơn nữa, hai chữ Đan Đông gắn liền với Georges Jacques Danton (dịch tiếng Trung là Đan Đông), Chủ tịch Ủy ban Công an Chính phủ Cách mạng Pháp, người đã ký rất nhiều lệnh giết người thời kỳ Đại cách mạng Pháp. Nhà cách mạng Đan Đông (Danton) ngoài giết người ra còn suốt ngày gây chuyện, đùa giỡn kỹ nữ, cuối cùng bị một nhà cách mạng khác là Robespierre xử tử hình, bị chính cuộc cách mạng và chuyên chính dân chủ nhân dân mà mình phát động đưa lên đoạn đầu đài.

Thuở nhỏ lớn lên ở Đan Đông, một buổi hoàng hôn khi dạo bộ ở công viên sông Áp Lục, tôi bỗng nhiên phát hiện ra lớp cỏ ở bờ sông bị lật lên, bên dưới lộ ra miệng súng máy đen ngòm nhằm vào những người “vừa là đồng chí vừa là anh em” Triều Tiên bờ kia sông. Việc này khiến tôi lúc đó sợ hãi lắm, “tình hữu nghị chiến đấu được gây dựng bằng máu” này xem ra là đúng rồi, không chừng đến lúc nào đó sẽ lấy máu và sinh mạng của đối phương!

Khi Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) cũng thực hiện chủ nghĩa tư bản, thành lập đặc khu Tân Nghĩa Châu, trưởng đặc khu đầu tiên ban đầu là Dương Bân, là người Hà Lan gốc Hoa. Việc này khiến chính quyền Trung Quốc không hài lòng, mượn cớ trốn thuế đã bắt Dương. Nguyên nhân đằng sau có thể là do không được họ gật đầu chấp thuận, không đủ tôn trọng “anh cả”. Kết quả của việc một mực đòi thể diện, tranh giành phạm vi thế lực là người Triều Tiên cuối cùng bị ép phải quản lý tập thể đặc khu bằng hình thức “Hội đồng thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại”. Xem ra, trước quyền lợi thì tình hữu nghị đổi bằng máu này không thể tin tưởng được.

Lại nói, cha của thương nhân Nghĩa Châu Lâm Thượng Ốc lại mơ làm một viên quan phiên dịch để phát tài. Bởi vì chính phủ Triều Tiên đương thời không có tiền cung cấp bổng lộc cho quan phiên dịch nên đã cho họ cơ hội kinh doanh với nước Đại Thanh. Các quan này đem nhân sâm đến Trung Quốc, mỗi người có thể đem 80 cân, trị giá 2000 lượng bạc. Từ Trung Quốc họ đem tơ lụa về. Có thể nói, xuất khẩu lúc đó của Trung Quốc là các sản phẩm kỹ nghệ tơ lụa cao cấp, còn nhập khẩu từ Triều Tiên là nông lâm sản sơ cấp.

Thương nhân nổi tiếng Im Sang Ok. (Ảnh: ameblo.jp)

Người Triều Tiên đem bạch sâm chưng hun thành hồng sâm, giảm thiểu độc tính của bạch sâm, nâng cao dược tính của nó, được người Trung Quốc rất ưa thích. Cũng vì vậy, buôn bán nhân sâm của Triều Tiên và nhà Thanh đã phát đạt đến hàng triệu lạng bạc. 

Với mối lợi lớn, thương nhân buôn bán nhân sâm đã đi bộ trèo đèo vượt suối, vượt 2000 dặm, mất một tháng trời đi từ Tân Nghĩa Châu qua sông Áp Lục rồi vào Sơn Hải quan đến Bắc Kinh. Xem câu chuyện kinh doanh, chuyến đi của thương nhân Lâm Thượng Ốc đến Bắc Kinh thực sự rất thú vị.

Trong các thương nhân Bắc Hàn, người các vùng khác nhau có các đặc tính khác nhau. Thương nhân Nghĩa Châu giỏi buôn bán xuyên quốc gia, coi chữ Tín là yếu chỉ hàng đầu. Thương nhân Khai Thành giỏi buôn bán tiêu thụ trong nước thì coi “mặc cả” là tinh túy quan trọng hàng đầu của chức nghiệp. Người Nghĩa Châu coi trọng Thương Đạo, người Khai Thành coi trọng Thương thuật. Một Đạo, một thuật, mỗi cái có sở trường riêng.

Trong con mắt người Hàn Quốc thì đạo kinh doanh của người Trung Quốc hoàn toàn khác với Thương Đạo – Đạo thương nhân của họ, mà bị coi là Cổ Đạo – đạo con buôn. Đạo thương nhân (Thương Đạo) coi chữ Tín làm đầu, còn đạo con buôn (Cổ Đạo) thì coi “thẩm tra thận trọng” là quan trọng nhất. Người theo đạo con buôn thì ngay cả bạn bè người thân họ cũng không tin tưởng. Họ cho rằng chữ Tín có thể bồi dưỡng dần, còn có tố chất của thương gia hay không thì phải để ý quan sát. Từ thời Minh Thanh trở lại thì đạo con buôn đã trở thành một giá trị quan, người buôn bán giỏi có thể sánh với bậc túc nho.

Đánh giá của người Hàn Quốc về thương nhân Trung Quốc nếu suy nghĩ kỹ thì thấy hoàn toàn có lý. Ở Trung Quốc hiện nay, bất kể là người buôn bán giỏi hay kém, túc nho, thường nho hay hủ nho, từ quan chức đến người dân thường thì nguyên tắc của đạo con buôn như thẩm tra cẩn thận, đề phòng cảnh giác, hoài nghi, lãnh đạm và cố chấp chẳng phải là theo người Trung Quốc như bóng với hình đó sao? Những người trong giới thương gia thử đặt tay lên trái tim tự hỏi lòng mình rằng, các hạ tín phụng, thực hiện là Đạo thương nhân hay đạo con buôn vậy?

(Trên đây là toàn văn phần 2 bài viết của tác giả Tạ Điền – Phó giáo sư ngành Marketing, Học viện Thương mại thuộc Đại học Drexel thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania đăng trên Vision Times đã được Đại Kỷ Nguyên biên dịch và chỉnh lý. Mời quý vị đón xem tiếp phần 3 trên dkn.tv). 

Thanh Bình

Bạn đang đọc bài viết: “Đạo của thương nhân (P.2): Đạo thương nhân khác với đạo con buôn như thế nào?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4ea9e27a9__

Từ Khóa: